Điện ảnh Việt sau thời dịch bệnh: Phim hay không cần mùa!
(Thethaovanhoa.vn) - Một bộ phim hay ra rạp bất cứ thời điểm nào cũng vẫn ăn khách. Không thể phủ nhận lễ tết là dịp khán giả đến rạp nhiều hơn nhưng điều đó không có nghĩa phim ra rạp vào các mùa khác sẽ “chết”. Thậm chí nếu chỉ chăm chăm dồn vào dịp lễ tết thì khả năng “chết” còn cao hơn các mùa khác.
1. Gần 20 năm sau khi khái niệm mùa phim Tết ra đời, điện ảnh Việt lần đầu tiên đối diện với sự thật nghiệt ngã: Mất mùa Tết vì dịch bệnh Covid-19 một lần nữa buộc các rạp chiếu phim ở TP.HCM – thị trường điện ảnh lớn nhất nước - phải đóng cửa.
Chỉ thị 16/CT- TTg của Thủ tướng chính phủ áp dụng tại TP.HCM chỉ vài ngày trước thời điểm phim Tết vào mùa đã dập tắt mọi hy vọng kiếm tiền của các nhà làm phim ở thị trường điện ảnh này. Càng đau hơn khi năm nay các phim Tết đều có mức đầu tư “khủng”, vài chục tỷ trở lên và một số phim đã có buổi ra mắt nội bộ như Trạng Tí phiêu lưu ký, Lật mặt: 48h đều được đánh giá cao về chất lượng.
Nếu so với Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả và Bố già - 2 phim được sản xuất để phục vụ Tết 2021, sự lỗi hẹn mùa Tết của Trạng Tí phiêu lưu ký và Lật mặt: 48h khiến công chúng cảm thương hơn khi đây đã là lần thứ hai, 2 phim phải dời lịch chiếu vì Covid-19.
Lần trước, dịch bệnh đã buộc Trạng Tí phiêu lưu ký và Lật mặt: 48h không thể ra mắt dịp lễ 30/4 - 1/5 mà đợi đến Tết 2021. 2 lần rơi vào thế bị động phải thay đổi lịch chiếu hẳn là màn tra tấn thần kinh đối với những nhà đầu tư, sản xuất phim. Dịch bệnh trở lại không chỉ làm tiêu tan một mùa vàng của phim Việt mà còn khiến các nhà làm phim gục ngã luôn sau một năm gắng gượng.
Chắc chắn sẽ có một sự chạnh lòng nơi những người đổ tiền tỷ làm phim Tết năm nay khi nhìn về những mùa Tết trước nhiều phim có mức đầu tư và chất lượng trung bình cũng dễ dàng thắng phòng vé. Tuy nhiên. quá khứ là thứ đã qua và qua mỗi mùa Tết thị hiếu người xem cũng đã là quá khứ. Những phim Tết làm kiểu ăn xổi ở thì mà vẫn hốt bạc đã là chuyện của dĩ vãng khi mà tư duy xem phim của công chúng đang được nâng lên từng ngày. Tất nhiên, tiền không quyết định chất lượng phim, nhưng nếu không chấp nhận tốn kém mà chỉ đầu tư hời hợt sẽ khó có phim tốt, nhất là dòng phim thương mại.
2. Nhìn vào 4 phim lẽ ra chiếu Tết năm nay gồm Trạng Tí phiêu lưu ký, Lật mặt: 48h, Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả và Bố già đều thấy các nhà đầu tư ngày càng “chơi lớn” với phim Tết. Đây là tín hiệu đáng mừng vì thể hiện ý thức tự giác nâng cao chất lượng của người làm phim. Trạng Tí phiêu lưu ký hay Lật mặt: 48h cũng đã nhận được nhiều lời ngợi khen về nội dung. Đối với một tác phẩm điện ảnh, để lôi kéo khán giả, chất lượng mới là yếu tố quyết định huống hồ chi ngoài chất lượng, khâu quảng bá tiếp thị phim Tết năm nay cũng rầm rộ.
Nội dung hay, quảng bá tốt là 2 yếu tố cần và đủ cho một bộ phim giành chiến thắng phòng vé. Còn lại thắng lợi đó lớn hay nhỏ phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ. Trước đây, thị trường điện ảnh chỉ có độc nhất một mùa vàng là dịp Tết, nhưng thật sự cũng chỉ có 5/12 phim Việt đạt doanh thu hơn trăm tỷ là phim Tết, còn lại những tác phẩm như Để Mai tính, Em chưa 18, Lật mặt 4, Hai Phượng, Mắt biếc, Tiệc trăng máu ra rạp vào dịp lễ 30/4 - 1/5 hoặc những tháng gần cuối năm.
Có những phim như Em chưa 18, Lật mặt 4 ra rạp đụng phải bom tấn Hollywood, nhưng vẫn thắng phòng vé. Điều đó chứng tỏ một bộ phim hay ra rạp bất cứ thời điểm nào cũng vẫn ăn khách. Không thể phủ nhận lễ, Tết là dịp khán giả đến rạp nhiều hơn nhưng điều đó không có nghĩa phim ra rạp vào các mùa khác sẽ “chết”. Thậm chí, nếu chỉ chăm chăm dồn vào dịp lễ, Tết, khả năng “chết” còn cao hơn các mùa khác.
Việc lần đầu tiên hụt mất mùa phim Tết ở TP.HCM có thể nói là sự việc vô tiền khoáng hậu của điện ảnh Việt Nam nói chung và những người làm phim nói riêng. Nhưng tin rằng sẽ có một kết thúc có hậu cho 4 bộ phim lỡ Tết này bởi phim hay thì chiếu thời điểm nào cũng có người xem. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim, nếu một khi phim Tết đã được đầu tư bằng cả trái tim của nhà sản xuất, nhất định rồi bộ phim cũng sẽ chạm vào trái tim người xem.
3. Theo dự kiến, phim Bố già và Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả sẽ khởi chiếu ngày 12/3. Trên trang cá nhân, Trấn Thành xem việc trở lại rạp của phim Bố già không chỉ là niềm hạnh phúc của nhà đầu tư - sản xuất, mà còn là tín hiệu cho thấy cuộc sống đang dần dần được hồi sinh. MC này rất mong cuộc sống sớm được bình an.
Sau 2 lần dời chiếu và bị tổn thất lớn, Lý Hải chưa ấn định chính xác ngày trở lại của Lật mặt: 48h. Nhưng anh hy vọng phim sẽ được ủng hộ và hòa vốn. Vì theo anh, vốn sản xuất có thể kiếm được, nhưng niềm tin và lo lắng của khán giả thì rất khó “bình phục”. Sự thành công của phim và các loại hình giải trí góp thành động lực chung.
NSND Hồng Vân, người đóng vai quan trọng trong Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả nói rằng, ước mơ của chị bây giờ - trong tư cách một người từng làm nhà sản xuất - là mọi người siết chặt tay nhau để vượt qua khó khăn. Những ganh đua, cạnh tranh - dù lành mạnh - thì cũng nên tạm gác lại. “Hãy làm sao để chúng ta mau chóng có lại sự bình thường tương đối, tinh thần và công sức của khán giả lúc này giữ vai trò quan trọng” - Hồng Vân nói.
Hôm nay, 1/3, các rạp chiếu phim ở TP.HCM đã được phép mở cửa trở lại. Trong số phim ít ỏi của các rạp chiếu có 1 phim Việt Nam là Kiều @ (khởi chiếu từ 26/2). Hy vọng 4 phim Tết nói trên sẽ nối gót Kiều @ để đến với khán giả và cũng hy vọng rằng, khán giả sẽ ủng hộ các phim này, dù Covid-19 vẫn còn làm mọi người ngần ngại khi đến chỗ đông người…
Dương Ngọc