Dịch vụ mặt đất hàng không: 'Miếng bánh' còn bỏ ngỏ
(Thethaovanhoa.vn) - Thị trường hàng không tại Việt Nam hiện khá sôi động khi nhiều doanh nghiệp tuyên bố thành lập Hãng hàng không mới để giành thị phần của ngành này. Không dừng lại ở đó, nhiều Hãng hàng không chiếm thị phần lớn trên thị trường còn mong muốn tự triển khai các dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh với các Hãng khác.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập kỷ trở lại đây với mức tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của khu vực châu Á. Điều này thể hiện nhu cầu vận tải hàng không rất cao của thị trường nội địa Việt Nam cũng như nhu cầu từ thị trường quốc tế đến Việt Nam.
Vì vậy, các chuyên gia hàng không cho rằng, với tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay, ngoài các vấn đề cần đầu tư, nâng cấp và chuẩn bị như: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... thì việc nâng cao chất lượng các dịch vụ mặt đất tại các sân bay cũng cần lưu tâm.
- Thủ tướng yêu cầu báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không
- Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa, Lào Cai
Các dịch vụ mặt đất hàng không tại sân bay gồm: xây dựng kế hoạch bay, kỹ thuật sân đỗ, phục vụ hành khách, hành lý, vệ sinh máy bay, dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa… Tuy nhiên, các dịch vụ này chủ yếu do Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội và Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn đảm nhận. Đáng chú ý, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị quản lý 21 sân bay của cả nước đều có cổ phần tại 2 đơn vị này. Điều này được các chuyên gia hàng không nhận định sẽ dẫn đến sự độc quyền trong cung cấp dịch vụ.
Là hãng hàng không chiếm khoảng 45% thị phần nội địa, Vietjet Air hàng ngày thực hiện khoảng 400 chuyến bay với 129 đường bay trong nước và quốc tế thì việc phụ thuộc vào các đơn vị khác cung cấp dịch vụ mặt đất thường rất bị động. Do vậy, Vietjet Air đã có văn bản xin phép Cục Hàng không Việt Nam được triển khai tự phục vụ mặt đất tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh từ ngày 1/1/2020.
Theo lý giải của ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet Air, tại Nội Bài, hãng khai thác 18 tàu bay với 15 đường bay trong nước, 16 đường bay quốc tế, tương đương trung bình 150 chuyến bay/ngày. Với những hợp đồng đặt máy bay được ký trước đó, dự kiến số lượng máy bay và chuyến bay của hãng sẽ còn tăng trong thời gian tới.
“Chủ động được việc phục vụ mặt đất sẽ tăng năng lực phục vụ đồng bộ với tốc độ phát triển theo kế hoạch; đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và uy tín của ngành hàng không Việt Nam tại sân bay Nội Bài”, ông Lưu Đức Khánh cho hay.
Luật sư Lê Cao Cường, Giám đốc, Luật sư điều hành, Công ty Luật An Viên (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận xét, nếu chất lượng dịch vụ mặt đất không tốt thông thường hành khách nghĩ đó là chất lượng phục vụ của hãng hàng không. Vì vậy, nhiều trường hợp các dịch vụ mặt đất gây phiền hà như đưa xe thang ra chậm thì hành khách bức xúc đổ lỗi cho hãng hàng không.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Chuyên gia hàng không cho rằng, nên ủng hộ các Hãng hàng không tự lo dịch vụ mặt đất để tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ. Trước đây, nhiều dịch vụ mặt đất đều độc quyền và thuộc Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, hiện tại mảng dịch vụ đã được cổ phần hóa với sự tham gia của tư nhân. Vì thế, các hãng bay cũng có thể cung cấp dịch vụ mặt đất.
Cũng theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nếu có thêm một hoặc nhiều đơn vị phục vụ mặt đất ra đời trong chừng mực nào đó sẽ giúp các đơn vị hiện nay phải tự đổi mới, cải thiện chất lượng. Như vậy, về tổng thể chất lượng dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không sẽ tăng lên, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của ngành hàng không Việt Nam. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước nên xem xét cho phép Vietjet Air tự lo dịch vụ mặt đất các chuyến bay của hãng để tạo sự cạnh tranh bình đẳng.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cũng nhắc lại sự cố xe thang của Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam - VIAGS đâm thủng thân máy bay Boeing 787 của Vietnam Airlines hồi tháng 8 vừa qua và coi đây là một ví dụ về chất lượng dịch vụ mặt đất.
Theo ông, sự cố này đã gây thiệt hại lớn về kinh tế bởi không chỉ mất chi phí sửa chữa máy bay mà Vietnam Airlines còn phải tạm ngưng khai thác máy bay.
Việc hãng bay tự lo dịch vụ mặt đất cho các chuyến bay của hãng, theo ông Tống sẽ không có rủi ro mà trái lại nâng cao tính chủ động và chất lượng phục vụ. Nếu Vietjet Air làm tốt thì các hãng bay khác cũng có thể thuê lại dịch vụ mặt đất của Vietjet Air và thúc đẩy sự cạnh tranh ở các sân bay khác.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện đơn vị đã nhận được văn bản của Vietjet Air. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng tới cả Luật Hàng không nên Cục sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc chậm, hủy chuyến của các Hãng hàng không Việt Nam dù đã được cải thiện thời gian qua, nhưng dự báo có thể gia tăng nếu không có các giải pháp kịp thời; trong đó có các dịch vụ mặt đất./.
Quang Toàn (TTXVN)