Dịch Covid-19 ngày 8/1: Thế giới có 88.668.711 ca bệnh, 1.909.877 ca tử vong
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 8/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 88.668.711 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.909.877 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 63.742.448 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 374.354 ca tử vong trong tổng số 22.147.357 ca nhiễm. Đáng chú ý, trong 24 giờ qua, Mỹ tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm mới, ca tử vong và cả số người nhập viện do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, nước này đã ghi nhận thêm 299.904 ca nhiễm và 3.844 ca tử vong. Điều này khiến số ca nhiễm mới theo ngày trung bình trong vòng 7 ngày cũng tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 228.000 ca/ngày. Bên cạnh đó, Mỹ cũng thông báo số người phải nhập viện trong một ngày ở mức cao mới là hơn 132.400 ca.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Brazil - nước có số ca tử vong nhiều thứ hai thế giới (200.498 ca tử vong trong số 7.961.673 bệnh nhân)- cũng chưa có dấu hiệu khả quan, khi số ca nhiễm mới tại nước này trong 24 giờ qua tăng thêm 87.843 ca - mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại đây. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng thêm 1.524 ca.
Tại châu Âu, số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại nhiều nước cũng tăng vọt, thậm chí lên mức cao nhất trong vòng một ngày.
Viện dịch tễ Robert Koch của Đức cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.188 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 8/1 - mức cao nhất kể từ đầu dịch. Trong khi đó, số ca mắc mới tại nước này cũng tăng 31.849 ca - một trong những mốc cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Hiện Đức đang cân nhắc mở rộng danh sách các quốc gia mà nước này sẽ tạm ngừng tiếp nhận các chuyến bay đến, trong đó có Ireland, do lo ngại biến thể của virus SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) thông báo riêng tuần trước, xứ England có hơn 1,1 triệu ca mắc COVID-19. Điều này đồng nghĩa cứ 50 người dân thì có một người mắc bệnh, trong đó ở thủ đô London tỷ lệ này là 1/30. Cụ thể, trong tuần tính đến ngày 2/1, England phát hiện thêm 1.122.000 ca mắc COVID-19. ONS cho biết London, khu vực phía Đông và Đông Nam England có tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 cao nhất liên quan đến biến thể của virus. Trên toàn nước Anh, hơn 2,89 triệu ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận, trong đó 78.508 ca tử vong.
Nhằm khống chế biến thể SARS-CoV-2 lây lan tại vùng England, Anh công bố kế hoạch yêu cầu khách quốc tế tới khu vực này phải bắt buộc làm xét nghiệm. Những trường hợp vi phạm quy định, kể cả công dân Anh, đều sẽ phải chịu mức phạt 500 bảng Anh (678 USD). Quy định mới cũng yêu cầu tất cả những người đến từ những nước không nằm trong danh sách hạn chế của chính phủ cũng phải tự cách ly 10 ngày ngay cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng thông báo trong 48 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 42.360 ca nhiễm và 245 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca bệnh và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 2.024.904 người và 51.675 người. Tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 người tại nước này đã tăng từ mức 296 ca lên 321 ca. Một quan chức y tế cho rằng đây có thể là làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại Tây Ban Nha.
Trước tình hình trên, nhiều nước tại châu Âu đã siết chặt các biện pháp hạn chế. Ngày 8/1, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua luật trao quyền tạm thời cho chính phủ đóng cửa các trung tâm thương mại, ngừng hoạt động của phương tiện giao thông công cộng cũng như phạt những người không tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Biện pháp này có hiệu lực từ ngày 10/1 và kéo dài đến tháng 9 tới.
Tại Pháp, thành phố Strasbourg ở miền Đông - nơi đặt một trụ sở của Nghị viện châu Âu (EP), áp đặt lệnh giới nghiêm từ 18h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Như vậy, lệnh giới nghiêm đã được kéo dài so với khung thời gian 18h-20h áp dụng từ đầu tháng này tại 15 tỉnh ở Đông Bắc và Đông Nam nước Pháp.
Trong khi đó, Ukraine bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa mới, theo đó các trường học, nhà hàng và trung tâm thể thao, giải trí sẽ đóng cửa đến ngày 24/1. Chính phủ Ukraine cho biết việc áp đặt các biện pháp hạn chế hiện nay có thể giúp nước này tránh phải thực hiện các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn trong tương lai cũng như những tác động xấu cho nền kinh tế.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng thông báo sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế đến ngày 1/2 tới, kể cả việc áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Ông cho biết các trường tiểu học đã mở cửa vào tuần này, trong khi các học sinh trung học sẽ tiếp tục học trực tuyến.
Tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến hết sức phức tạp tại châu Á, đặc biệt là tại một số nước được coi là "tâm dịch" của khu vực.
Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 53 ca mắc mới bệnh COVID-19, trong đó 37 ca lây nhiễm cộng đồng và không có ca tử vong. Tính đến nay, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 87.331 ca nhiễm, trong đó 4.634 ca tử vong do COVID-19. Do chỉ trong tuần qua, tỉnh Hà Bắc (Hebei), địa phương chỉ cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 300 km, đã ghi nhận 127 ca mắc mới COVID-19 và 183 ca mắc không có triệu chứng, giới chức Trung Quốc đã phong tỏa hai thành phố thuộc tỉnh này, tạm ngừng mọi tuyến giao thông và cấm hàng triệu người dân rời khỏi địa bàn. Nhằm kịp thời kiểm soát dịch bệnh, tỉnh Hà Bắc đã tuyên bố lập tức bước vào “trạng thái thời chiến”, kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp và tiến hành xét nghiệm đại trà tại những khu vực phát hiện ca bệnh.
Tại Nhật Bản, chính quyền Osaka, Hyogo và Kyoto đang cân nhắc khả năng kiến nghị chính phủ mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra 3 tỉnh này trong bối cảnh dịch COVID-19 tại đây đang diễn biến phức tạp. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới tại cả 3 tỉnh nói trên đều ở mức cao chưa từng thấy, với Osaka 607 ca, Hyogo 284 ca và Kyoto 143 ca. Dự kiến, chính quyền các tỉnh này sẽ tổ chức những cuộc họp riêng rẽ để đưa ra quyết định cuối cùng. Do số người mắc bệnh liên tục tăng mạnh, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định lùi thời gian nối lại chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go To Travel” tới sau ngày 7/2 tới.
Trong khi đó, cùng ngày, Indonesia ghi nhận thêm 10.617 ca mắc - mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, đưa tổng số bệnh nhân lên hơn 800.000 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng ghi nhận thêm 233 ca tử vong trong ngày do COVID-19, đưa tổng số trường hợp không qua khỏi lên 23.753 ca. Đáng lo ngại, Tổng Thư ký Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Indonesia (ARSSI) Iing Ichsan Hanafi xác nhận rằng tỷ lệ giường cách ly và giường chăm sóc đặc biệt (ICU) tại các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 tại khu vực Đại Jakarta với hơn 35 triệu dân đã đạt tới 95%.
Ngay cả khi chính phủ bổ sung các bệnh viện mới, các cơ sở này sẽ sớm hết chỗ do số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh chóng. Hầu hết các bệnh nhân mới nhập viện đều là những người có triệu chứng nặng. Tình trạng này cũng xảy ra ở 5 khu vực lân cận của Jakarta gồm các thành phố Depok, Bogor, Tangerang và Bekasi.
Philippines cũng thông báo có 1.776 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc trên cả nước lên 483.852 ca, trong đó có 9.364 người không qua khỏi.
Quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan cũng đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất với hơn 200 ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày, chủ yếu lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số 205 ca mắc mới được ghi nhận, có 189 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 58 ca trong số này có liên quan tới các lao động nhập cư. Ngoài ra, 16 ca mắc là những người trở về từ nước ngoài. Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận 9.841 ca mắc, với 7.740 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 2.101 ca nhập khẩu, trong khi số ca tử vong là 67 ca. Trước tình hình trên, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã lên kế hoạch thành lập các bệnh viện dã chiến ở thủ đô để có thể điều trị cho 1.700 bệnh nhân.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Anh và Pháp đã phê duyệt việc lưu hành vaccine của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) để tiêm phòng bệnh COVID-19 cho người dân. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu thông báo có thể cấp phép lưu hành vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Oxford vào cuối tháng này. Nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm phòng COVID-19 cho người dân, EU đã mua thêm 300 liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech, đồng thời yêu cầu các nước thành viên không được phép đàm phán các thỏa thuận riêng rẽ để mua vaccine ngừa COVID-19 của các công ty dược phẩm.
Một nghiên cứu, do hãng dược phẩm Pfizer và các nhà khoa học thuộc Đại học Texas Medical Branch hợp tác, cho thấy vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech dường như hiệu quả trong việc chống lại đột biến chính của các biến thể của virus SARS-CoV-2. Theo nghiên cứu này, vaccine của Pfizer/BioNTech dường như vô hiệu hóa thành công biến thể có tên N501Y cùng 15 đột biến khác của virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp này.
Ông Phil Dormitzer, một trong những nhà khoa học hàng đầu về vaccine của Pfizer, cho biết đột biến này có thể là nguyên nhân dẫn tới sự lây nhiễm nhanh hơn, thậm chí có thể kháng lại kháng thể trong vaccine. Các nhà khoa học cho biết có thể phát triển vaccine chống lại các biến thế mới của virus SARS-CoV-2 trong vòng 6 tuần.
TTXVN