Dịch Covid-19 ngày 4/1: Bắc Giang ghi nhận gần 200 F0 liên quan đến giáo viên nước ngoài
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Bắc Giang ghi nhận gần 200 F0 liên quan đến giáo viên nước ngoài
Công an thành phố Bắc Giang đang khẩn trương điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan do để xảy ra ổ dịch tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên với gần 200 F0.
Ngày 4/1, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, lũy tích đến thời điểm hiện tại có 193 F0 liên quan đến chùm ca bệnh tại trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, TP Bắc Giang. Theo kết quả truy vết, nguồn lây của chùm ca bệnh này là giáo viên tiếng Anh quốc tịch Ireland chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Qua công tác truy vết, chùm ca bệnh ở trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên xuất hiện từ ngày 29/12/2021. Trường hợp phát hiện đầu tiên là học sinh N.T.P, học sinh lớp 4A7 của trường.
Ngày 29/12 cháu P có triệu chứng sốt, xin nghỉ học ở nhà. Cán bộ y tế vào nhà lấy mẫu xét nghiệm, kết quả test nhanh dương tính vào ngày 29/12. Sau đó được lấy mẫu gửi CDC làm xét nghiệm PCR, kết quả lúc 17h40 ngày 30/12 dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó cơ quan y tế và trường Ngô Sỹ Liên phối hợp lấy mẫu toàn bộ học sinh, giáo viên trong trường, phát hiện thêm 27 trường hợp dương tính bằng phương pháp PCR và 17 trường hợp test nhanh dương tính.
Trong tháng 12/2021, giáo viên tiếng Anh này tham gia dạy ở Trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên cùng 1 số trợ giảng của Trung tâm. Ngày 25/12, anh có đến TP. Bắc Ninh chơi và đi 1 số nơi ở Bắc Ninh nhưng không báo cáo với Trung tâm. Ngày 28/12, anh có triệu chứng đau đầu, cảm cúm, có báo cáo cho Trung tâm Anh ngữ Thống Nhất, Trung tâm đề nghị anh lấy mẫu xét nghiệm nhưng anh không lấy, tiếp tục đi dạy học những ngày 29 - 30/12.
Ngày 30/12 sau khi cháu P có kết quả dương tính, giáo viên này đến Trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên lấy mẫu, kết quả dương tính.
Đến nay, có 193 F0 liên quan đến chùm ca bệnh này, gồm: 176 học sinh và 5 giáo viên (trong đó có 2 giáo viên nước ngoài) và 12 người khác.
Hiện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Bắc Giang đang tập trung nguồn lực, xử lý ổ dịch tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên và các trường khác, không để phát sinh thêm các ổ dịch mới; tăng cường tuyên truyền, động viên để phụ huynh, cháu học sinh ổn định tâm lý, tránh hoang mang, lo sợ.
Từ sáng 4/1, học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Bắc Giang đã dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến (trừ học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh) để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Liên quan đến ổ dịch nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã có văn bản phê bình các tập thể, cá nhân để xảy ra ổ dịch tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên do lơ là, chủ quan, không bám sát diễn biến tình hình dịch thực tế; đặc biệt không thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố và UBND thành phố Bắc Giang. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê bình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố và Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang yêu cầu tạm thời dừng việc dạy học Tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài cho trẻ em. Các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra đăng ký tạm trú đối với các lao động người nước ngoài là giáo viên của các trung tâm ngoại ngữ; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm tầm soát, định kỳ theo quy định phòng, chống dịch; bố trí, sắp xếp tiêm đủ liều cho 100% người nước ngoài trên địa bàn.
Ghi nhận 75 ca mắc mới, Phú Thọ thực hiện một số quy định mới đối với người đến, người về
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, từ 18 giờ ngày 3/1 đến 18 giờ ngày 4/1, Phú Thọ ghi nhận 75 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 39 ca đã được cách ly, 36 ca trong cộng đồng.
Phú Thọ đang ở cấp độ 1 của dịch với tất cả 13 huyện, thị xã, thành phố ở cấp độ 1; có 3 xã ở cấp độ 3; 12 xã ở cấp độ 2 và 210 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1.
Hiện, Phú Thọ có 97,2% người trên 18 tuổi đã được tiêm đủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19; có 97,5% trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm 1 mũi, trong đó 57,2% trẻ được tiêm đủ hai mũi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác kiểm soát dịch COVID-19 và các biến thể mới với phương châm linh hoạt, an toàn, sáng tạo, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở; sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó linh hoạt, kịp thời, chủ động kiểm soát dịch trong mọi tình huống; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Theo đó, tỉnh yêu cầu tất cả các trường hợp đến/trở về từ ngoại tỉnh có lưu trú phải khai báo y tế với chính quyền cơ sở hoặc Trạm Y tế xã/phường/thị trấn để được áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng cấp độ dịch. Người đến/trở về từ các xã thuộc cấp độ 1, 2 chủ động tự theo dõi sức khỏe 7 ngày kể từ ngày trở về, trong đó khuyến khích tự test nhanh kháng nguyên. Người đến/trở về từ các xã thuộc cấp độ 3, 4 phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên.
Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm phải được xét nghiệm do nhân viên y tế thực hiện hoặc tự thực hiện xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế, cá nhân tự trả phí. Đồng thời, các trường hợp tiêm đã tiêm đủ 2 liều vaccine tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày đến/trở về. Cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, trong đó lần thứ 2 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, cá nhân tự trả phí.
Các trường hợp chưa tiêm đủ 2 liều vaccine cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày đến/trở về, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, trong đó lần thứ 2 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, cá nhân tự trả phí. Các trường hợp đến/trở về trong ngày phải khai báo y tế bằng quét mã QR-code tại các địa điểm đến để phục vụ công tác truy vết, phòng dịch.
Ngành Y tế tiếp tục tiêm vét vaccine với hình thức đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao; tiêm vaccine tại nhà để bảo đảm không để sót (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không di chuyển được; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12-18 tuổi theo yêu cầu và tiến độ phân bổ vaccine của Bộ Y tế; khẩn trương tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho các đối tượng nguy cơ cao theo hướng dẫn.
Ngành Y tế tích cực quản lý người có nguy cơ cao trên địa bàn để giảm thiểu tối đa nguy cơ chuyển nặng và tử vong do COVID-19; chủ động rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng nguy cơ cao để chăm sóc, phân loại, đánh giá, chuyển tuyến điều trị kịp thời. Các F0 mới được phát hiện phải theo dõi sức khỏe, giám sát chặt chẽ, hiệu quả; xử lý và điều trị ngay từ sớm theo đúng hướng dẫn phân loại nguy cơ, đảm bảo mọi bệnh nhân phải được tiếp cận với thuốc kháng vi rút.
Hà Nội: Một ngày phát hiện hơn 1.500 F0 qua test nhanh; hơn 700 ca cộng đồng
Sở Y tế Hà Nội tối 4/1 thông tin trong 24 giờ qua TP ghi nhận 2.578 ca COVID-19 mới, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó có 723 ca cộng đồng, 1.853 ca đã cách ly và 2 ca tại khu phong tỏa (2).
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (325), Nam Từ Liêm (319), Hoàng Mai (229); Cầu Giấy (197), Long Biên (168), Gia Lâm (155), Ba Đình (136), Đống Đa (136), Thanh Trì (130).
Hơn 2.500 ca COVID-19 mới phân bố tại 379 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 723 ca cộng đồng ghi nhận tại 220 xã, phường thuộc 26/30 quận, huyện.
Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Nam Từ Liêm (111), Ba Đình (61), Hoàng Mai (58), Thanh Xuân (51); Đống Đa (48), Cầu Giấy (45), Thanh Trì (44).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 57.409 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 18.667 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 38.742 ca.
Hiện Hà Nội có khoảng 34.000 F0 ở Hà Nội đang điều trị, trong đó có gần 350 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội); khoảng 24.000 người cách ly, điều trị tại nhà.
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, từ 15/12 đến nay (gần 3 tuần), Hà Nội phát hiện khẳng định hơn 17.000 ca COVID-19 qua test nhanh kháng nguyên, riêng ngày 3/1, có hơn 1.500 F0 xác định qua test nhanh kháng nguyên.
Có 14.861 ca COVID-19, Hà Nội chạm mốc 2.500 ca; Trà Vinh 'bổ sung' thêm gần 6.900 F0
Bản tin dịch COVID-19 ngày 4/1 của Bộ Y tế cho biết có 14.861 ca mắc COVID-19 tại 60 tỉnh, thành phố; Hà Nội vẫn nhiều nhất với 2.500 ca; Trong ngày có hơn 16.200 bệnh nhân khỏi; 224 trường hợp tử vong và Trà Vinh 'bổ sung' thêm gần 6.900 F0.
Thông tin ca mắc COVID-19 mới tại Việt Nam
- Tính từ 16h ngày 03/01 đến 16h ngày 04/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.861 ca nhiễm mới, trong đó 32 ca nhập cảnh và 14.829 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.087 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.864 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.499), Tây Ninh (916), Khánh Hòa (797), TP. Hồ Chí Minh (664), Bình Định (608), Hải Phòng (602), Bình Phước (593), Cà Mau (450), Vĩnh Long (431), Bến Tre (420), Đắk Lắk (367), Bắc Ninh (342), Thanh Hóa (286), Thừa Thiên Huế (285), Hưng Yên (276), Đà Nẵng (253), An Giang (232), Quảng Ninh (227), Bạc Liêu (225), Thái Nguyên (220), Hải Dương (203), Lâm Đồng (202), Bắc Giang (202), Cần Thơ (196), Trà Vinh (196), Quảng Nam (194), Hà Giang (179), Gia Lai (171), Phú Yên (166), Quảng Ngãi (157), Đắk Nông (152), Đồng Tháp (138), Vĩnh Phúc (137), Ninh Bình (134), Nam Định (134), Bình Thuận (119), Hòa Bình (107), Sóc Trăng (103), Kiên Giang (97), Nghệ An (94), Tiền Giang (85), Hà Nam (79), Thái Bình (78), Phú Thọ (75), Sơn La (68), Cao Bằng (66), Bình Dương (65), Lào Cai (65), Kon Tum (63), Điện Biên (62), Đồng Nai (51), Bà Rịa - Vũng Tàu (42), Long An (41), Quảng Bình (40), Yên Bái (36), Hậu Giang (35), Ninh Thuận (33), Tuyên Quang (30), Hà Tĩnh (23), Lai Châu (18).
Ngày 04/01/2022, Sở Y tế Trà Vinh đăng ký bổ sung 6.867 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Trà Vinh.
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (-1.147), Vĩnh Long (-411), Cà Mau (-371).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+399), Bến Tre (+153), Thái Nguyên (+121).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.687 ca/ngày.
- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 24 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (5), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.800.704 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.252 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.794.866 ca, trong đó có 1.410.567 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (505.523), Bình Dương (291.061), Đồng Nai (98.183), Tây Ninh (78.837), Hà Nội (54.230).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 16.227 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.413.384 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.651 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.720 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 981 ca
- Thở máy không xâm lấn: 132 ca
- Thở máy xâm lấn: 800 ca
- ECMO: 18 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 03/01 đến 17h30 ngày 04/01 ghi nhận 224 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (26) trong đó có 5 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (2), Cà Mau (2), Long An (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (26 ca trong 02 ngày), An Giang (18), Đồng Tháp (15), Vĩnh Long (15), Cần Thơ (11), Hà Nội (10), Sóc Trăng (10), Tây Ninh (10), Tiền Giang (10), Bến Tre (9), Kiên Giang (9), Bạc Liêu (8 ), Bình Dương (7), Long An (7), Huế (6), Hậu Giang (5), Cà Mau (5), Bình Thuận (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Hải Dương (2), Khánh Hòa (2), Lâm Đồng (2), Gia Lai (2), Trà Vinh (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 223 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.245 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 30.636.734 mẫu tương đương 75.256.465 lượt người, tăng 73.499 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 03/01 có 405.584 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 154.344.391 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.850.611 liều, tiêm mũi 2 là 69.614.463 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 6.879.317 liều.
TP HCM mở lại karaoke, quán bar, vũ trường, massage từ ngày 10/1
Ngày 4/1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại từ 10/1/2022.
Các cơ sở này phải đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch theo Quyết định 4244 ban hành ngày 20/12/2021 và Quyết định 3583 ban hành ngày 15/10/2021 của UBND TP.HCM. Điều kiện thứ hai là được địa phương nơi cơ sở kinh doanh trú đóng thẩm định, cho phép hoạt động.
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM (VHTT) đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP về đề xuất cho phép dịch vụ karaoke, vũ trường và câu lạc bộ khiêu vũ mở cửa trở lại.
Cụ thể, Sở VHTT TP HCM đề xuất cho phép dịch vụ karaoke, vũ trường và câu lạc bộ khiêu vũ hoạt động trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm và hoạt động vui chơi giải trí cho người dân, cũng như thúc đẩy các hoạt động phục vụ khách du lịch, từng bước khôi phục nền kinh tế.
Cơ quan này lý giải tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP HCM đã từng bước được kiểm soát tốt, tỷ lệ bao phủ vaccine đủ 2 mũi cao, hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều đã đi vào hoạt động. Đồng thời, bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với những loại hình kinh doanh này cũng đã có.
Sở VHTT TP nhấn mạnh các cơ sở karaoke cần đảm bảo 4 m2 trở lên/khách (không bao gồm công trình phụ). Điều kiện này đối với các vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ được tính trên diện tích sàn khiêu vũ.
Nhiều học sinh mắc COVID-19, thành phố Bắc Giang tạm dừng cho học sinh đến trường
Theo thông tin từ UBND thành phố Bắc Giang, hiện tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện nhiều ca F0 trong các trường học, gây nguy hiểm về sức khỏe cho học sinh, phụ huynh và cộng đồng. Từ sáng 4/1, học sinh các cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn thành phố dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến (trừ học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh) để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ngày 30/12, thành phố Bắc Giang phát hiện ổ dịch COVID-19 tại Trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên, phường Ngô Quyền, với ca nhiễm đầu tiên là 1 học sinh lớp 4. Nguồn lây ban đầu được xác định liên quan đến thầy giáo dạy tiếng Anh là người nước ngoài.
Đến ngày 4/1, thành phố phát hiện 5 trường học có người mắc COVID-19 như Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, Trường Tiểu học Đông Thành, Trường Mầm non Ngô Quyền, Trường Tiểu học Nam Hồng… 127 học sinh, giáo viên và người thân đã được ghi nhận mắc COVID-19.
Hiện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Bắc Giang tập trung nguồn lực, xử lý ổ dịch tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên và các trường học khác, không để phát sinh thêm các ổ dịch mới; tăng cường tuyên truyền, động viên để phụ huynh, cháu học sinh ổn định tâm lý, tránh hoang mang, lo sợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã có văn bản phê bình các tập thể, cá nhân để xảy ra ổ dịch tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên do lơ là, chủ quan, không bám sát diễn biến tình hình dịch thực tế; đặc biệt, không thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố và UBND thành phố Bắc Giang. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê bình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố và Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh; Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Bắc Giang được yêu cầu tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra ổ dịch tại các trường học trên địa bàn và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 10/1/2022. Công an tỉnh chỉ đạo Công an thành phố Bắc Giang khẩn trương điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan do để xảy ra ổ dịch tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên và báo cáo kết quả điều tra, xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang yêu cầu tạm thời dừng việc dạy học Tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài cho trẻ em. Các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra đăng ký tạm trú đối với các lao động người nước ngoài là giáo viên của các trung tâm ngoại ngữ; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm tầm soát, định kỳ theo quy định phòng, chống dịch; bố trí, sắp xếp tiêm đủ liều cho 100% người nước ngoài trên địa bàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các trung tâm ngoại ngữ tăng cường tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn giáo viên người nước ngoài phòng, chống dịch; yêu cầu giáo viên, người lao động ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19...
Việt Nam ghi nhận 24 ca COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron
Bộ Y tế cho biết đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 24 ca COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron. Theo đó, ngoài Hà Nội, TP HCM, Quảng Nam đã ghi nhận các ca bệnh COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron, còn có thêm 3 địa phương ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron là người nhập cảnh ở Hải Dương, Hải Phòng và Thanh Hóa.
Về ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron tại Hải Dương, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, đây là bệnh nhân nữ SN 1982 (nữ), trú tại phường Kỳ Bá (TP Thái Bình.) là lao động xuất khẩu tại Ucraina, đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và trước khi về nước, ca bệnh này có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Ngày 21/12/2021, người này nhập cảnh qua Đức về Việt Nam tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và sau đó về cách ly tập trung ở Trung Đoàn 125 (TP. Chí Linh). Đến hôm sau, nhân viên y tế lấy mẫu chùm gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ, sau đó được lấy mẫu đơn làm xét nghiệm PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Tiếp đó, đơn vị gửi bệnh phẩm của ca dương tính đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giải trình tự gen và có kết quả thuộc chủng Omicron. Người bệnh có ho kèm theo khản tiếng, không đau họng, không sốt, không tức ngực khó thở và được chuyển đến khu điều trị cách ly. Hiện tại, ca bệnh mắc biến chủng Omicron đã được điều trị khỏi ra viện về nhà tiếp tục cách ly.
Bộ Y tế cho biết tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Tiếp tục đánh giá cấp độ dịch theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm có các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp, thích ứng linh hoạt với tình hình diễn biến phức tạp của biến chủng Omicron trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với các cấp độ dịch trên địa bàn, từng bước mở cửa cho các hoạt động đi lại, giao thương, phục hồi sản xuất đảm bảo đời sống dân sinh.
Xuất hiện ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên tại Hải Dương
Ca mắc biến chủng Omicron được ghi nhận ở Hải Dương là trường hợp nhập cảnh, là lao động xuất khẩu tại Ucraina, đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19...
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, trong ngày hôm nay (3/1) địa phương này tiếp tục ghi nhận 177 ca mắc COVID-19. Trong đó có 123 trường hợp F1, 24 bệnh nhân ho sốt cộng đồng, 25 ca về từ các tỉnh khác, 4 trường hợp sàng lọc cộng đồng và 1 trường hợp là nhân viên y tế.
Đáng chú ý, trong ngày huyện Tứ Kỳ có số bệnh nhân mắc nhiều nhất khi ghi nhận 48 trường hợp mới. Cụ thể 44 trường hợp F1 ở 11 xã và 1 thị trấn; ngoài ra huyện này còn ghi nhận 1 ca sàng lọc cộng đồng, 1 bệnh nhân ho sốt cộng đồng, 2 ca vùng dịch về; bên cạnh đó ở 2 ổ dịch công ty Sees Vina và công ty GFT đều có ca mắc mới.
Đối với những huyện, thị xã, thành phố còn lại trên địa bàn, trong ngày đều có nhiều ca mắc mới. Những trường hợp này thuộc đối tượng F1, sàng lọc cộng đồng, ho sốt cộng đồng và từ vùng dịch về.
Cũng theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, hôm nay đơn vị nhận được thông tin giải trình tự gen của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với mẫu bệnh phẩm gửi lên cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 chủng Omicron. Đây là ca bệnh đầu tiên trên địa bàn thuộc biến chủng Omicron.
Trường hợp này SN 1982 (nữ), trú tại phường Kỳ Bá (TP Thái Bình.) là lao động xuất khẩu tại Ucraina, đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và trước khi về nước, ca bệnh này có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Ngày 21/12/2021, người này nhập cảnh qua Đức về Việt Nam tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và sau đó về cách ly tập trung ở Trung Đoàn 125 (TP. Chí Linh). Đến hôm sau, nhân viên y tế lấy mẫu chùm gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ, sau đó được lấy mẫu đơn làm xét nghiệm PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Tiếp đó, đơn vị gửi bệnh phẩm của ca dương tính đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giải trình tự gen và có kết quả thuộc chủng Omicron. Người bệnh có ho kèm theo khản tiếng, không đau họng, không sốt, không tức ngực khó thở và được chuyển đến khu điều trị cách ly. Hiện tại, ca bệnh mắc biến chủng Omicron đã được điều trị khỏi ra viện về nhà tiếp tục cách ly.
Số ca mắc COVID-19 tăng, các địa phương điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 2/1 đến 16 giờ ngày 3/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.936 ca mắc mới, trong đó 20 ca nhập cảnh; 15.916 ca ghi nhận trong nước (giảm 998 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố; có 11.017 ca trong cộng đồng.
Hà Nội vẫn là địa phương có số mắc cao nhất cả nước. Trong ngày 3/1, số ca mắc của Hà Nội là 2.100 ca, tiếp đó là Hải Phòng (1.749 ca), Tây Ninh (919 ca), Vĩnh Long (842 ca), Cà Mau (821 ca), Khánh Hòa (786 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (662 ca), Bình Phước (619 ca)...
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 24 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1 ca), Quảng Nam (14 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (5 ca), Thanh Hóa (2 ca), Hải Dương, Hải Phòng (mỗi địa phương 1 ca).
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.778.976 ca mắc, 1.397.157 bệnh nhân đã điều trị khỏi; 33.021 ca tử vong.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.427 ca, trong đó 4.496 ca thở ô xy qua mặt nạ; 979 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 162 ca thở máy không xâm lấn; 771 ca thở máy xâm lấn; 19 ca ECMO.
Tính đến ngày 2/1, đã có tổng số 153.596.950 liều vaccine đã được tiêm; trong đó tiêm mũi 1 là 77.796.499 liều, tiêm mũi 2 là 69.285.967 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 6.514.484 liều.
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 2/1 đến 18 giờ ngày 3/1, Hà Nội ghi nhận 2.106 ca F0, trong đó có 366 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và phong tỏa. Như vậy, đã hai ngày liên tục số ca F0 ghi nhận trong ngày của Hà Nội vượt mốc trên 2.000 ca, cao nhất cả nước.
- Số F0 vượt trên 2.000 ca/ngày, nhiều quận huyện Hà Nội siết chặt phòng chống dịch
- Ngày 1/1/2022, Hà Nội thêm 1741 ca F0, trong đó quận Hoàng Mai nhiều nhất
- Hà Nội có 111 xã, phường và 10 quận huyện cấp độ 3 dịch Covid-19
Các quận, huyện ghi nhận nhiều ca F0 trong ngày như: Hoàng Mai có 218 ca; Thanh Xuân có 148 ca; Thanh Trì có 130 ca; Đống Đa có 128 ca; Nam Từ Liêm có 125 ca…
Bệnh nhân phân bố tại 367 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã; trong đó, 366 ca cộng đồng ghi nhận tại 146 xã phường thuộc 26/30 quận huyện.
Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Thanh Xuân,Thanh Trì, Long Biên.
Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến 3/1/2022) là 54.831 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 17.944 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 36.887 ca.
Trước đó, tối 31/12, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 865/TB-UBND về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Hiện thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) trong phòng, chống dịch COVID-19 như cách đây hơn một tuần; có 2 huyện ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh); 18 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 (giảm 3 quận, huyện) và 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam), tăng 2 huyện. Về cấp xã, phường, có 190 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 206 xã, phường); 278 địa phương ở cấp độ 2 (tăng 162 xã, phường); 111 địa phương ở cấp độ 3 (tăng 44 xã, phường) và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).
Ngay sau đó, các địa phương đã có văn bản điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Người dân tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Người cao tuổi, người có bệnh nền, người có nguy cơ cao được khuyến cáo hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, từ 6 giờ ngày 2/1 đến 6 giờ ngày 3/1/2022, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 533 ca mắc COVID-19; trong đó có 403 ca tại cộng đồng, 130 ca ở khu cách ly, phong tỏa, xâm nhập, nhập cảnh. Đây là ngày tỉnh Bắc Ninh ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn.
Hiện tỉnh Bắc Ninh đang khẩn trương rà soát, truy vết các trường hợp liên quan đến các ca mắc mới, các trường hợp đi/về từ vùng dịch, thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế theo đúng quy định; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy định 5K và các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa điểm tập trung đông người, nhất là các xã, phường ở cấp độ 3, 4, khu vực phong tỏa, khu vực đông công nhân thuê trọ, sinh sống.
Các địa phương tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly tại nhà, cơ sở cách ly tập trung, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung và lây lan ra cộng đồng; rà soát các đối tượng chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, các đối tượng tiêm chưa đủ liều và các đối tượng tiêm mũi nhắc lại, bổ sung trên địa bàn để tổ chức tiêm theo quy định.
Trước diễn biến phức tạp bởi dịch COVID-19 khi số ca mắc ở mức cao, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn phân loại cấp độ dịch, nâng từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 trên địa bàn toàn tỉnh, áp dụng từ ngày 3/1.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp với mức độ nguy cơ về dịch bệnh của từng xã, phường, thị trấn theo quy định. Theo thống kê từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, hiện nay mỗi ngày trên địa bàn tỉnh ghi nhận khoảng 700 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó phần lớn các ca mắc mới trong cộng đồng.
Trong khi đó, tỉnh Bình Phước đang có kế hoạch tổ chức cho học sinh khối 11 và 12 tại các địa bàn có nguy cơ dịch ở cấp độ 1 và 2 trở lại trường học trực tiếp sau kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, bằng việc điều chỉnh phân loại cấp độ dịch áp dụng từ ngày 3/1 với số xã có dịch ở cấp độ 3 là 80/111 xã thì kế hoạch trở lại trường của các em học sinh ở nhiều vùng lại tiếp tục bị đình trệ và tiếp tục hình thức học trực tuyến. Tỉnh Bình Phước hiện vẫn duy trì 65 chốt dọc tuyến biên giới dài 260 km, vừa đảm bảo an ninh tuyến biên giới vừa phòng, chống dịch COVID-19.
Thông tin ngày 3/1 của Sở Y tế Yên Bái - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái cho thấy từ 18h ngày 2/1 đến 18h ngày 3/1, tỉnh Yên Bái ghi nhận thêm 64 ca mắc COVID-19 mới. Đây là số ca mắc mới trong một ngày cao nhất từ trước đến nay tại tỉnh.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K; tiêm vaccine phòng COVID-19 theo thông báo của cơ sở y tế; cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-COVID để khai báo y tế, quét mã QR-CODE, nhận thông tin tiêm chủng và kết quả xét nghiệm COVID-19. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, địa điểm công cộng... đăng ký địa điểm kiểm soát việc khai báo y tế để mọi người đến quét mã QR-CODE.
Đối với các trường hợp sau khi khai báo y tế tại các điểm hỗ trợ, di chuyển về địa phương đến trạm y tế nơi lưu trú để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Tỉnh hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo…
Bên cạnh đó, Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh việc lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; tăng cường công tác kiểm soát người từ các địa phương có dịch trở về, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, trong đó tiến hành tiêm vaccine mũi 3 cho người lớn và đẩy mạnh tiêm phòng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi...
PV/TTXVN