Dịch Covid-19 ngày 21/12: Hải Phòng thêm 295 ca dương tính, tăng cường điều trị F0 tại nhà
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Hải Phòng thêm 295 ca dương tính SARS-CoV-2, tăng cường điều trị F0 tại nhà
Tính đến 18h00 ngày 21/12/2021, thành phố Hải Phòng đã ghi nhận thêm 295 ca dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc lên gần 4.800 ca. Theo đó, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo tăng cường điều trị F0 tại nhà, không chuyển tầng điều trị khi không có chỉ định.
Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn hiện có diễn biến rất phức tạp và đang bùng phát lan rộng. Trung bình mỗi ngày có trên 200 người nhiễm mới, đặc biệt tỷ lệ điều trị ở các tầng đang có sự thay đổi, trong đó tầng 2, tầng 3 tăng, tầng 1 giảm.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chỉ đạo chính quyền các quận, huyện, tăng cường điều trị F0 tại nhà theo quy định, tuyệt đối không chuyển tầng điều trị khi không có chỉ định.
Các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tổ chức tiêm vaccine lưu động tại nhà cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền không có khả năng đi lại. Rà soát, lập danh sách các hộ gia đình đủ điều kiện điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà để chủ động phương án điều trị tại nhà khi dịch bùng phát mạnh.
Người dân tuyệt đối không chủ quan trong thời điểm này, nên chủ động trang bị test nhanh, máy đo nồng độ oxy SP02 (độ bão hòa oxy trong máu) để xét nghiệm và chủ động tự theo dõi sức khỏe tại nhà, thông báo cho Trạm Y tế lưu động khi cần thiết.
Thành phố tạm dừng xét nghiệm trên diện rộng.
Giao Sở Y tế và Sở Tài chính đề xuất phương án thành lập thêm 500 Trạm Y tế lưu động
Liên quan công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, cuối ngày, CDC Hải Phòng cho biết, ngày 21/12/2021, Hải Phòng ghi nhận thêm 295 F0, nâng tổng số ca dương tính SARS-CoV-2 của thành phố lên 4.752ca, công bố khỏi bệnh trong ngày là 156 ca, hồi phục xuất viện 1.504 ca, số ca F0 đang điều trị toàn thành phố là 3.241 ca và 7 ca tử vong.
Cụ thể, 2 huyện An Dương và Thủy Nguyên đều có số ca dương tính cao nhất (61 ca Thủy Nguyên, 60 ca An Dương), trong đó chủ yếu là sàng lọc xét nghiệm tại KCN và các trường hợp F1.
Tiếp đến, quận Lê Chân hôm nay cũng ghi nhận 51 F0 chủ yếu là các F1, 5 trường hợp tự nguyện xét nghiệm, 1 trường hợp là nhân viên y tế công ty Kansai Vina.
Cùng ngày, huyện An Hải ghi nhận 27 F0, huyện Vĩnh Bảo 22 F0, quận Hồng Bàng 21 F0, quận Dương Kinh 11 F0, quận Kiến An 11 F0, quận Ngô Quyền 11 F0, huyện An Lão 8 F0, huyện Tiên Lãng 8 F0, quận Đồ Sơn 3 F0, quận Hải An 3 F0, huyện Kiến Thụy 1 F0.
Ngày 21/12: Có 16.325 ca mắc COVID-19, Hà Nội lại nhiều nhất cả nước với 1.704 ca
Bản tin phòng dịch COVID-19 của Bộ Y tế cho biết có 16.325 ca mắc COVID-19 tại 62 tỉnh, thành phố; Hà Nội lại tiếp tục nhiều nhất cả nước với 1.704 ca; Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre, Phú Yên, Sóc Trăng.
Thông tin về số ca mắc COVID-19 mới tại Việt Nam
- Tính từ 16h ngày 20/12 đến 16h ngày 21/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.325 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 16.316 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.350 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 11.309 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.704), Cà Mau (1.590), Tây Ninh (939), TP. Hồ Chí Minh (813), Khánh Hòa (798), Cần Thơ (797), Đồng Tháp (788), Bến Tre (606), Vĩnh Long (599), Bạc Liêu (507), Trà Vinh (485), Bình Định (429), Tiền Giang (390), Bà Rịa - Vũng Tàu (378), Thừa Thiên Huế (370), Thanh Hóa (364), Sóc Trăng (349), Hậu Giang (325), Đồng Nai (284), Kiên Giang (276), Hưng Yên (259), Lâm Đồng (254), An Giang (250), Bình Thuận (248), Quảng Ngãi (245), Hải Phòng (235), Bắc Ninh (202), Đà Nẵng (169), Nghệ An (153), Đắk Lắk (139), Bình Dương (134), Quảng Nam (120), Đắk Nông (108), Quảng Ninh (91), Hà Giang (91), Vĩnh Phúc (80), Nam Định (67), Lạng Sơn (62), Phú Yên (55), Bình Phước (52), Long An (51), Ninh Thuận (49), Phú Thọ (45), Hải Dương (41), Thái Bình (39), Quảng Trị (37), Hòa Bình (32), Bắc Giang (26), Hà Nam (26), Sơn La (24), Quảng Bình (24), Thái Nguyên (23), Ninh Bình (17), Hà Tĩnh (14), Kon Tum (14), Yên Bái (12), Gia Lai (9), Lào Cai (8 ), Tuyên Quang (8 ), Cao Bằng (8 ), Điện Biên (2), Lai Châu (2).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (-379), Phú Yên (-182), Sóc Trăng (-99).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Cà Mau (+623), Quảng Ngãi (+214), Thừa Thiên Huế (+156).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.609 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.571.780 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.937 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.566.261 ca, trong đó có 1.157.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (496.183), Bình Dương (289.464), Đồng Nai (95.496), Tây Ninh (65.900), Long An (39.760).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 50.191 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.160.090 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.740 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 5.460 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.250 ca
- Thở máy không xâm lấn: 137 ca
- Thở máy xâm lấn: 874 ca
- ECMO: 19 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 20/12 đến 17h30 ngày 21/12 ghi nhận 250 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (58) trong đó có 12 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Tây Ninh (2), Bạc Liêu (1), Bình Dương (1), Khánh Hòa (1), Phú Yên (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Tây Ninh (31 ca trong 02 ngày), Đồng Nai (20), Tiền Giang (15), Bình Dương (14), Cần Thơ (12), Kiên Giang (11), Sóc Trăng (10), Đồng Tháp (9), Vĩnh Long (9), Hà Nội (8 ), Bến Tre (8 ), Bà Rịa - Vũng Tàu (7), Bạc Liêu (6), Bình Thuận (6), Long An (5), Cà Mau (4), Đắk Lắk (3), Trà Vinh (3), Khánh Hòa (3), Lâm Đồng (2), Hậu Giang (2), Quảng Ngãi (1), Bình Định (1), Ninh Thuận (1), Bình Phước (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 244 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.041 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 29/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 104.238 mẫu xét nghiệm cho 197.251 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 29.076.486 mẫu cho 73.037.601 lượt người.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 20/12 có 981.748 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 140.438.803 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.115.342 liều, tiêm mũi 2 là 62.959.544 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.363.917 liều.
Chỉ 6 ngày, gần 3.800 người Hà Nội phát hiện dương tính qua test nhanh
Từ ngày 15 đến chiều 20/12, 3.785 trường hợp dương tính được xác định bằng test nhanh kháng nguyên tại 30 quận, huyện, thị xã, theo Sở Y tế Hà Nội ngày 21/12.
Hôm 12/12, Bộ Y tế có trả lời bằng văn bản, cho phép Hà Nội xác định F0 khi có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội gửi văn bản lên Bộ Y tế đề nghị cho ý kiến về việc sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh, cho xuất viện. Đề nghị này được y tế Hà Nội đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp, số ca nhiễm có xu hướng tăng.
Thời gian qua, khi số ca nhiễm, đặc biệt số ca trong cộng đồng tăng cao, TP HCM và một số tỉnh phía Nam cũng được Bộ Y tế cho phép sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0. Mới nhất, ngày 20/12, lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết thành phố đã thống nhất sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên để phát hiện, xác định người nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh.
Theo Bộ Y tế, để thích ứng tình hình mới và bảo đảm an toàn, linh hoạt phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, Sở Y tế căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng và hướng dẫn của Bộ nhằm xác định ca bệnh.
Cụ thể, ba trường hợp để xác định người nhiễm SARS-CoV-2, gồm:
Thứ 1, người nhiễm SARS-CoV-2 là trường hợp bệnh nghi ngờ (theo định nghĩa tại mục 2.1 của Quyết định số 4689) hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.
Thứ 2, là trường hợp bệnh nghi ngờ (theo định nghĩa tại mục 2.1 của Quyết định số 4689) có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính. Bộ Y tế lưu ý test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Thứ 3, là những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày và có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện). Trong trường hợp chỉ có kết quả dương tính với 1 loại test nhanh thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
Thực tế tại Hà Nội, trong bản tin COVID-19 do Sở Y tế phát đi hàng ngày, số ca COVID-19 mới được xác định qua xét nghiệm RT-PCR. Cụ thể, trong ngày 20/12, toàn thành phố xét nghiệm 5.643 mẫu bằng phương pháp, phát hiện 1.641 trường hợp dương tính. Đây là con số được nêu trong bản tin của Hà Nội.
Quảng Trị tập trung dập hai ổ dịch COVID-19 phức tạp ở huyện Gio Linh
Ngày 21/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị đã công bố thêm 38 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đáng chú ý, phần lớn ca bệnh được phát hiện thông qua giám sát cộng đồng tại xã Linh Trường, huyện Gio Linh. Từ ngày 16/12 đến nay, trên địa bàn xã ghi nhận hơn 40 trường hợp mắc COVID-19.
Xã Linh Trường đang ở cấp độ dịch 4 – vùng đỏ. Để khống chế ổ dịch ở xã Linh Trường, lực lượng chức năng huyện Gio Linh đã thành lập chốt kiểm soát y tế; lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân; lập hai khu cách ly tập trung ngay tại xã có khả năng tiếp nhận 300 người; phong tỏa các hộ có người mắc bệnh cùng 2 thôn Khe Me và Sông Ngân với trên 450 người. Trạm Y tế cũ của xã Linh Trường được trưng dụng để làm nơi chăm sóc điều trị F0 với quy mô 30 giường.
Trong khi đó, ổ dịch ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Gio Linh cũng đã ghi nhận 20 trường hợp mắc COVID-19. Đáng chú các trường hợp mắc ở ổ dịch này có yếu tố dịch tễ liên quan đến nhiều người ở nhiều xã trên địa bàn huyện.
Lực lượng chức năng đã phong tỏa Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Gio Linh để tập trung phòng, chống dịch; cách ly tại chỗ đối với những trường hợp F1; nhanh chóng xét nghiệm SARS-CoV-2 để kịp thời phát hiện trường hợp mắc COVID-19 đưa đi cách ly điều trị.
Đơn vị chức năng thiết lập cơ sở điều trị tại Cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Gio Linh với quy mô 100 giường, để làm khu điều trị F0 cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Gio Linh và các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đã yêu cầu huyện Gio Linh và ngành y tế tập trung thực hiện các giải pháp để sớm kiểm soát ổ dịch ở xã Linh Trường như: Hạn chế tối đa người ra vào xã; giám sát y tế đối với những người đến, trở về địa bàn. Ngành y tế tăng cường nhân lực, thiết bị để đảm bảo trả kết quả xét nghiệm trong 24 giờ, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận 1.500 trường hợp mắc COVID-19; trong đó có 300 người đang điều trị tại cơ sở y tế. Người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 đạt trên 96%, mũi 2 là trên 73%. Người trong nhóm tuổi từ 12 – 17 tiêm mũi 1 đạt trên 38%.
Hải Dương xuất hiện chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, hơn 1.000 học sinh dừng đến trường
Sau khi chùm ca bệnh có kết quả xét nghiệm PCR khẳng định dương tính, xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang (Hải Dương) tiến hành phong tỏa tạm thời Thôn 1, cho học sinh 3 nhà trường tạm dừng học trực tiếp và nhanh chóng thực hiện các biện pháp ứng phó.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Vũ Văn Dương - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang (Hải Dương) cho biết: "Trên địa bàn Thôn 1 thuộc địa phương chúng tôi vừa ghi nhận chùm ca bệnh gồm 3 thành viên sinh sống trong một gia đình. Đây cũng là trường hợp đầu tiên của xã từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam. Hiện tại, Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã xây dựng các phương án cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra".
Cụ thể, 3 ca dương tính vừa được phát hiện tại xã Vạn Phúc gồm: Công dân SN 1946 (mẹ chồng), công dân SN 1977 (con trai, bị cao huyết áp, đã được tiêm 2 mũi vaccine) và công dân SN 1979 (con dâu, đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, đang điêu trị u tuyến giáp).
Đáng chú ý, qua điều tra dịch tễ của cơ quan chức năng, trong 14 ngày qua những ca dương tính này không đi đâu xa, chỉ tiếp xúc với người thân trong gia đình, riêng trường hợp con dâu có về nhà mẹ đẻ tại xã Quyết Thắng (cũ), nay là xã Ứng Hòe cùng huyện Ninh Giang.
Ông Phạm Phú Mến – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vạn Phúc thông tin, ngày 19/12, công dân SN 1979 (con dâu) xuất hiện ho, sốt chảy nước mũi người mệt mỏi, khó thở tức ngực và sáng qua có điện thoại cho nhân viên y tế của trạm. Sau đó, ca dương tính đến trạm thăm khám.
"Qua thăm khám, chúng tôi phát hiện người bệnh có nhiệt độ 39,3 độ C, họng đỏ, phổi hai bên có rít, tức ngực khó thở, các bộ phận khác hiện tại bình thường. Khi thực hiện 2 lần test nhanh kháng nguyên SARS-CoV- 2 đều cho kết quả nghi ngờ. Ngay lập tức chúng tôi báo cáo Ban chỉ đạo xã và Trung tâm Y tế huyện để xin ý kiến; đồng thời thực hiện test nhanh mẹ chồng, chồng của công dân nói trên và cũng cho kết quả nghi ngờ.
Tiếp đó, những trường hợp nói trên được lấy mẫu đơn gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh làm xét nghiệm PCR. Đến gần 16h43 cùng ngày, mẹ chồng, con trai, con dâu đều có kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2", ông Mến nói.
Cũng theo đại diện UBND xã Vạn Phúc, ngay từ trưa hôm qua sau khi ghi nhận 3 trường hợp nghi ngờ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch sở tại đã tiến hành họp khẩn. Huyện Ninh Giang có về địa phương trực tiếp chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên cũng như xây dựng mọi phương án cho từng tình huống cụ thể.
Do chùm ca bệnh sinh sống cùng một gia đình (nhà trên, nhà dưới) và đang xây nhà nên có tiếp xúc với nhóm thợ xây; trong khi đó những ca bệnh này được xác định trong cộng đồng và chưa rõ nguồn lây. Chính vì vậy, trong đêm qua Ban chỉ đạo xã Vạn Phúc cho phong tỏa tạm thời thôn Thôn 1 (gồm 403 hộ, với 1289 nhân khẩu), lập chốt kiểm soát không cho người cùng phương tiện ra vào và có lực lượng canh giữ. Riêng những ngõ nhỏ được chốt chặt có biển cảnh báo và những hộ gia đình sinh sống cạnh mặt đường được chăng dây.
Qua truy vết ban đầu, xã Vạn Phúc xác định có 27 F1, trong đó 13 F1 được đưa đi cách ly tập trung tại điểm cách ly trường mầm non, số còn lại được cách ly tại nhà theo quy định. Cùng với đó, hơn 1.000 học sinh ở 3 trường học trên địa bàn (mầm non, tiểu học, THCS) tạm dừng đến trường; riêng học sinh tiểu học và THCS chuyển sang học trực tuyến.
Cũng trong sáng nay, 329 trường hợp thuộc nguy cơ cao liên quan đến chùm ca bệnh được test nhanh và đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 6.641 trường hợp dương tính
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, từ 18 giờ ngày 20/12 đến 6 giờ ngày 21/12 tại tỉnh ghi nhận 41 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 16 trường hợp phát hiện trong cộng đồng, 21 trường hợp là F1, 4 trường hợp từ các tỉnh miền Nam trở về.
Như vậy, tính đến 6 giờ ngày 21/12 tại Nghệ An đã ghi nhận 6.641 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Toàn tỉnh cũng đã có 5.454 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, ra viện; 33 bệnh nhân tử vong.
Tình hình dịch COVID-19 tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An tiếp tục diễn biến phức tạp, liên tục phát hiện các trường hợp dương tính trong cộng đồng, trong khu vực phong tỏa, bệnh viện; rất nhiều trường hợp dương tính nhưng không có triệu chứng. Đơn cử, từ 18 giờ ngày 20/12 đến 6 giờ ngày 21/12, trong số 41 trường hợp dương tính được phát hiện trên địa bàn tỉnh, có đến 19 trường hợp không có triệu chứng bệnh.
Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 do ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở - Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chủ trì, với sự tham gia của 65 điểm cầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã; các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện dã chiến, bệnh viện ngoài công lập…
Sở Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện quyết liệt, toàn diện công tác phòng, chống dịch theo đúng quan điểm, chủ trương mới của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Trung ương, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và Sở Y tế; tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn, không buông lỏng việc lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng, chống dịch; thường xuyên cập nhật về cấp độ dịch và tiếp tục xây dựng kịch bản, kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp cho từng giai đoạn; đảm bảo đúng tiến độ, an toàn trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Ngày 20/12, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 huyện Diễn Châu cũng có thông báo khẩn về các địa điểm và đi trên các phương tiện liên quan thì liên hệ ngay với Trạm Y tế, gọi điện đến đường dây nóng và cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc với mình. Trong đó đáng chú ý có xe giường nằm của nhà xe Duy Cường, biển kiểm soát 34 B-020.77 xuất phát từ phố Nối, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên vào khoảng 7 giờ 30 phút về đến thị trấn Diễn Châu vào khoảng 14 giờ ngày 17/12; xe taxi Lạc Hồng chưa rõ biển kiểm soát xuất phát từ thị trấn huyện Diễn Châu đưa khách về xóm Phượng Lịch II, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu trong khoảng thời gian từ 3 giờ đến 3 giờ 15 phút ngày 18/12.
HCDC không mua và sử dụng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á
Chiều ngày 20/12, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong những ngày qua.
Tại buổi họp, xoay quanh việc xử dụng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM khẳng định: “HCDC không mua và sử dụng kit xét nghiệm của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á”.
Ông Tâm cũng cho biết, trong thời gian tổ chức đấu thầu, mua sắm, Công ty Việt Á có chào bán kit xét nghiệm nhưng giá quá cao nên HCDC đã từ chối. Đối với mọi hoạt động mua sắm vật dụng y tế, HCDC luôn tuân thủ nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền TP. Khi nhập kit xét nghiệm, HCDC cũng chọn giá thành thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
TP.HCM ghi nhận 34 F0 tại trường học, quận 10 thay đổi hình thức học theo cấp độ dịch
Thông tin trên được đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cho biết tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 20/12.
Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM Trịnh Duy Trọng thông tin, đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 34 F0 tại trường học.
Cụ thể có 4 giáo viên, 3 nhân viên, 27 học sinh. Tất cả các F0 tại trường học này đã được các cơ sở giáo dục truy vết, cách ly theo đúng quy định.
Trước việc giáo viên chia đôi giờ dạy, chạy luân phiên giữa 2 lớp, ông Trọng cho hay, trong quá trình phòng, chống dịch, việc tách đôi lớp khiến việc dạy học gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả tiết dạy.
Tuy nhiên, trong điều kiện thành phố ưu tiên thích ứng với dịch bệnh khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục sẽ khắc phục những khó khăn này, hướng đến dần trở lại tổ chức dạy học bình thường.
Riêng hoạt động dạy và học, theo Phó Chủ tịch UBND quận 10, hoạt động này vẫn triển khai theo quy định của Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM. Việc tổ chức các lớp học được thực hiện nghiêm cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trao đổi thêm về việc dạy và học tại quận 10 (địa phương đang ở cấp độ 3), đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo cho hay, công tác dạy và học trực tiếp sẽ thay đổi tương đối theo cấp độ dịch của một quận, huyện, hoặc cả thành phố. Theo đó, khi cấp độ dịch của địa phương thay đổi, các cơ sở giáo dục sẽ thay đổi hình thức tổ chức học sao cho phù hợp với cấp độ dịch, đảm bảo vấn đề chuyên môn.
Về tiêm vaccine phòng COVID-19, đến ngày 19/12/2021, đã có 7.962.268 mũi 1; 6.927.823 mũi 2; 22.516 mũi bổ sung và 55.850 mũi nhắc lại được tiêm cho người dân TP.HCM.
TP.HCM rà soát tất cả người nhập cảnh là F0 từ ngày 28/11
Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành văn bản khẩn về giám sát và phòng chống biến thể Omicron gửi 22 địa phương và các đơn vị y tế trực thuộc.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) được giao rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ 28/11 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT, PCR trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh. Các đơn vị phối hợp với Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm xác định biến thể Omicron.
Nếu ghi nhận ca dương tính nhiễm biến thể Omicron, các đơn vị rà soát người tiếp xúc gần để lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gene nếu dương tính.
Hoạt động của hệ thống giám sát phải được tăng cường để sớm phát hiện ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường. Các đơn vị chủ động phối hợp với Viện Pasteur để lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể mới.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện được giao tiêm vaccine phòng Covid-19 ngay cho người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, đặc biệt là nhóm nguy cơ (trên 50 tuổi, mắc bệnh nền). Việc tiêm liều bổ sung, nhắc lại cần được triển khai khẩn trương.
Từ 22/12, người dân Bắc Ninh không ra ngoài từ 22h đến 4h sáng hôm sau
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản yêu cầu các địa phương trong tỉnh khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để ứng phó với biến chủng mới Omicron.
Thông báo từ ngành y tế Bắc Ninh, trong 24 giờ qua địa phương này ghi nhận 197 ca mắc mới, trong đó có nhiều ca cộng đồng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu người dân không ra ngoài từ 22h đến 4h sáng hôm sau, trừ các trường hợp: thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về,… (phải có giấy tờ liên quan như: thẻ, giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác). Thời gian thực hiện từ ngày 22/12/2021 đến hết ngày 03/01/2022.
UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tiếp tục "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", lập danh sách người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, người chống chỉ định chưa được tiêm vaccine và các trường hợp chưa tiêm vaccine COVID-19… để quản lý, tiêm vaccine, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời theo phân tầng điều trị.
Chủ động mua sắm trang thiết bị y tế, đào tạo nhân lực đáp ứng việc thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân; tổ chức điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Bám sát tình hình dịch COVID-19, đặc biệt là biến chủng Omicron, khẩn trương chuẩn bị phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở quản lý, thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19.
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải huy động phương tiện vận chuyển các trường hợp F1, F0 đến các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh chậm nhất 05 tiếng sau khi có kết quả xét nghiệm của cơ quan y tế.
Căn cứ văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và cấp độ dịch trên địa bàn, xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương, nhất là trong dịp cuối năm, Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần,…
Đối với các huyện, thành phố, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu bắt đầu từ ngày 25/12, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai quản lý người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà.
Vận động người nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh tham gia phục vụ tại các cơ sở quản lý, thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19, tại nhà trên địa bàn. Chỉ đạo lực lượng Đoàn thành niên, phụ nữ, giáo viên tham gia quản lý, giám sát các trường hợp F1 tại các khu cách ly tập trung và tại nhà trên địa bàn.
Các địa phương chủ động xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động, có trọng tâm, trọng điểm đối với các đối tượng, khu vực, địa bàn có nguy cơ. Thường xuyên đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phù hợp.
Trong vòng 10 ngày, các địa phương đang ở cấp độ 4 phấn đấu giảm ít nhất 1 cấp độ; các địa phương đang ở cấp độ 3 giảm xuống cấp độ 2.
Tăng cường kiểm tra đối với tất cả những loại hình kinh doanh, dịch vụ; đối với các dịch vụ ăn, uống trong nhà phải đảm bảo giãn cách, công suất tối đa 50% (tập trung không quá 30 người cùng một thời điểm - trong cùng một phòng và tất cả khách hàng đã tiêm 02 liều vaccine phòng COVID-19); yêu cầu dừng hoạt động nếu không đủ điều kiện và không tuân thủ các quy định…
Tình hình dịch Covid-19 đến hết ngày 20/12
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 19/12 đến 16 giờ ngày 20/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.977 ca mắc mới, trong đó 11 ca nhập cảnh; 14.966 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.127 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố; có 9.000 ca trong cộng đồng.
Hà Nội tiếp tục là đia phương ghi nhận số ca mắc cao nhất nước với 1.612 ca, tiếp đó là Bến Tre (985 ca), Cà Mau (967 ca), Tây Ninh (947 ca)… Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.555.455 ca mắc, 1.109.899 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 29.791 ca tử vong.
Hiện, đang có 7.615 bệnh nhân nặng đang điều trị; trong đó, có 5.257 ca thở ô xy qua mặt nạ, 1.264 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 166 ca thở máy không xâm lấn, 906 ca thở máy xâm lấn, 22 ca ECMO.
Tổng số vaccine đã được tiêm là 139.458.125 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.889.748 liều, tiêm mũi 2 là 62.270.169 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.298.208 liều.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc điều trị COVID-19
Ngày 20/12, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc.
Cục Quản lý Dược cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để ứng phó linh hoạt trong điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đang tiếp tục xem xét, phê duyệt các thuốc và phác đồ điều trị nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời đảm bảo việc cung ứng đủ thuốc chất lượng, an toàn, hiệu quả phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị 63 Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên thị trường trong giai đoạn dịch COVID-19.
Cục Quản lý Dược đề nghị Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch, tăng cường việc lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường, chú trọng việc lấy mẫu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 bao gồm các thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir... sử dụng trong các chương trình nghiên cứu, thử thuốc trên lâm sàng trong điều trị COVID-19 theo các phác đồ của Bộ Y tế phê duyệt.
Riêng với thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế cho biết từ giữa tháng 8 đến nay đã phân bổ 300.000 liều cho 46 địa phương để triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát thuốc này với F0 thể nhẹ tại cộng đồng. Nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đưa Molnupiravir vào gói thuốc C, áp dụng với bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà từ 18 tuổi trở lên.
Cập nhật, bổ sung kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nanocovax
Chiều 20/12, Bộ Y tế thông tin về cuộc họp xem xét báo cáo cập nhật, bổ sung kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nanocovax của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia.
Bộ Y tế cho biết, ngày 16/12/2021, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp xem xét, đánh giá báo cáo cập nhật, bổ sung kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ứng viên vaccine Nanocovax với kết quả nghiên cứu tính đến ngày 30/11/2021 (báo cáo nộp ngày 9/12/2021).
Trên cơ sở báo cáo, ý kiến của các thành viên, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thống nhất kết luận: Vaccine Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn tính dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ phiên bản 8.0 ngày 30/11/2021.
Vaccine Nanocovax đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch theo Hướng dẫn chuyên môn về xem xét tính an toàn và hiệu quả bảo vệ phục vụ đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine phòng COVID-19 sản xuất trong nước (ban hành kèm theo Quyết định 5259/QĐ-BYT ngày 11/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế) dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ phiên bản 8.0 ngày 30/11/2021.
Về hiệu quả bảo vệ của vaccine, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia cho rằng, cần tiếp tục bổ sung dữ liệu các trường hợp mắc COVID-19 theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt. Hội đồng cũng ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp của người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 nói chung, vaccine Nanocovax nói riêng. Đến nay, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax đã có đủ dữ liệu để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine nghiên cứu.
- Sáng tạo các biện pháp kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế
- Hà Nội: Hướng dẫn tổ chức Lễ Giáng sinh trực tuyến để phòng dịch Covid-19
- Khuyến nghị về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ góc nhìn của các nhân viên y tế
Tăng hạn dùng của vaccine Comirnaty
Bộ Y tế đã có Công văn số 10747/BYT-QLD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng hạn dùng của vaccine Comirnaty (Pfizer BioNTech COVID-19 Vaccine).
Trên cơ sở dữ liệu khoa học đánh giá độ ổn định của vaccine Comirnaty do Công ty trách nhiệm hữu hạn Pfizer (Việt Nam) cập nhật và sự phê duyệt của FDA, EMA và WHO, ngày 22/10/2021, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành Công văn số 2926/QLD-KD về việc đồng ý tăng hạn dùng của vaccine Comirnaty ở điều kiện bảo quản từ -90oC đến -60oC.
Theo đó, hạn dùng của các lô vaccine có hạn dùng trên nhãn 6 tháng được cập nhật như sau: hạn sử dụng in trên bao bì là tháng 10/2021, tháng 11/2021, tháng 12/2021, tháng 1/2022, tháng 2/2022, tháng 3/2022 thì hạn dùng mới (tăng thêm 3 tháng) lần lượt là: tháng 1/2022, tháng 2/2022, tháng 3/2022, tháng 4/2022, tháng 5/2022, tháng 6/2022.
Việc tăng hạn dùng đối với vaccine Comirnaty (Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine) được áp dụng chung trên toàn cầu, không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vaccine, được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2021- 2022 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các lô vaccine Comirnaty (Pfizer BioNTech COVID-19 Vaccine) được tăng hạn nêu trên được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
Các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông, tư vấn cho các đối tượng tiêm chủng, cha mẹ trẻ những thông tin đầy đủ về hạn dùng của vaccine nêu trên. Địa phương nào để vaccine hết hạn do không sử dụng mà phải tiêu hủy thì Giám đốc Sở Y tế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Triển khai ứng dụng y, dược cổ truyền trong phòng, chống dịch
Ngày 20/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì hội thảo Báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm triển khai ứng dụng y, dược cổ truyền trong phòng, chống dịch COVID-19.
Thời gian qua, thuốc y học cổ truyền của Việt Nam đã tham gia vào điều trị và kết hợp với y học hiện đại để điều trị có kết quả cụ thể đối với nhiều trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19.
Thông báo 226 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ có nêu rõ yêu cầu kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị COVID-19. Bộ Y tế ban hành Quyết định 4539/QĐ-BYT ngày 25/9/2021 về hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền trong phòng, điều trị COVID-19, đồng thời có công văn chỉ đạo Sở Y tế tại 63 tỉnh thành triển khai.
Trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, qua mỗi đợt điều trị y học cổ truyền, các đơn vị cần làm tốt công tác báo cáo đánh giá những bài thuốc hay, phương thức điều trị hiệu quả và gửi đến Bộ Y tế. Cục Y, Dược cổ truyền phải chịu trách nhiệm thẩm định những ý kiến này, báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế.
Để có cở sở ứng dụng y, dược cổ truyền vào phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Cục Y, Dược cổ truyền phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và các đơn vị liên quan xây dựng đề cương nghiên cứu, đưa ra các minh chứng, số liệu cụ thể, trình Bộ Y tế phê duyệt khẩn trong điều kiện "chống dịch như chống giặc".
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đến việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi bệnh nhân đang điều trị ở nhà, đồng thời sử dụng truyền thông hiệu quả trong việc tuyên truyền về vận dụng y học cổ truyền trong điều trị COVID-19, tuyên truyền về những bài thuốc đã được tổng hợp có tác dụng phòng, chống COVID-19 để người dân hiểu và sẵn sàng áp dụng, sử dụng. Cục Y, Dược cổ truyền cần tổ chức tập huấn, cập nhật các bài thuốc hay cổ truyền để cán bộ y tế, người dân biết và sử dụng để phòng, chống COVID-19.
Các địa phương khẩn trương tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vaccine
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn số 22688/SYT-NVY về việc tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố; Phòng y tế, Trung tâm y tế các quận/huyện/thị xã; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền. Các đơn vị thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng, lập kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản số 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021.
Sở Y tế Đồng Tháp đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại giai đoạn 2021-2022. Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch, lập danh sách và cung cấp danh sách các đối tượng tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế về địa phương nơi đối tượng đang cư trú, lưu trú để cập nhật thông tin tổ chức tiêm cho các đối tượng; phối hợp tăng cường công tác truyền thông về lợi ích, tính an toàn của vaccine và những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra sau khi tiêm để người dân hiểu rõ, hiểu đúng, tránh hoang mang và hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Theo kế hoạch tổ chức tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn năm 2021 – 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đặt ra yêu cầu đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine cho người dân, tăng cường miễn dịch phòng dịch COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản...
PV/TTXVN