Dịch COVID-19 ngày 11/12: Thế giới có 70.925.659 ca bệnh, 1.592.267 ca tử vong
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 11/12 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 70.925.659 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.592.267 ca tử vong. Hơn 49 triệu bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi, trong khi vẫn còn khoảng 20 triệu người đang được điều trị.
Mỹ vẫn là nước chịu tác động dịch bệnh nặng nề nhất với 16.055.427 ca nhiễm và 299.877 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 9.807.841 ca nhiễm và 142.340 ca tử vong; Brazil với 6.783.543 ca nhiễm và 179.801 ca tử vong.
Nhiều khu vực trên thế giới đang trải qua một mùa Đông khắc nghiệt trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc mới gia tăng không ngừng.
Tại Chile, vùng thủ đô, bao gồm thủ đô Santiago de Chile, đang trong tình trạng "nghiêm trọng" khi số ca nhiễm mới gia tăng ở mức chưa từng thấy trong thời gian dài. Cụ thể, số ca nhiễm mới tại đây đã tăng 53% trong thời gian từ ngày 14/11 - 10/12, đòi hỏi nhà chức trách phải có biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ. Chỉ riêng trong 24 giờ qua, Chile ghi nhận 1.662 ca nhiễm mới và 84 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 lần lượt lên 566.440 ca và 14.774 ca.
Tại Brazil, số ca nhiễm mới và tử vong vẫn gia tăng khiến nhiều chuyên gia lo ngại bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai. Trong tháng 11 vừa qua, Brazil đã kiềm chế số ca tử vong do COVID-19 hằng ngày ở mức dưới 300 ca, so với giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 ở mức 1.000 ca. Tuy nhiên, chỉ trong tuần này, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lại gia tăng, vượt ngưỡng 800 ca. Khu vực điều trị tích cực tại các bệnh viện công ở thành phố Rio de Janeiro hoạt động hết công suất.
Ở châu Âu, nhiều số nước ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước đến nay, như Thụy Điển với 7.935 ca nhiễm, Đức - 29.875 ca nhiễm và 598 ca tử vong, Nga ghi nhận 613 ca tử vong...
Tại Đức, giới chức nước này cho rằng sẽ phải siết chặt các biện pháp phòng dịch trước thềm Giáng sinh để khống chế dịch COVID-19. Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier cho biết số ca mắc gia tăng một cách đáng lo ngại và chính quyền liên bang cũng như chính quyền các bang sẽ phải cân nhắc mở rộng các biện pháp hạn chế sang nhiều thành phần khác trong xã hội. Tháng 11 vừa qua, Đức đã áp dụng biện pháp phong tỏa một phần, theo đó hạn chế số người tụ tập, đóng cửa các nhà hàng và quán bar, song vẫn cho phép các cửa hàng và trường học mở cửa. Dự kiến, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến của 16 bang sẽ nhóm họp vào ngày 13/12 tới để thảo luận các biện pháp mới nhằm ngăn đà lây lan của dịch bệnh.
Trong khi đó, Pháp đã quyết định thay thế lệnh phong tỏa quốc gia bằng biện pháp giới nghiêm từ 20h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 15/12. Đêm Giáng sinh 24/12 là ngoại lệ, không phải áp dụng biện pháp giới nghiêm nói trên nhưng người dân không được tụ tập cùng lúc quá 6 người trong buổi tiệc Giáng sinh. Lệnh giới nghiêm sẽ được duy trì trong đêm giao thừa 31/12, dưới sự "kiểm soát nghiêm ngặt" và người vi phạm sẽ phải chịu khoản tiền phạt 135 euro (164 USD).
Pháp vẫn đang trong làn sóng dịch bệnh thứ hai, do số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao và chưa thể giảm xuống dưới mức 5.000 người vào ngày 15/12 như mục tiêu của Tổng thống Emmanuel Macron. Trong ngày 10/12, Pháp đã ghi nhận gần 14.000 ca mắc mới, cao hơn so với mức 12.000 ca của tuần trước đó. Chính vì vậy, việc mở cửa trở lại của các địa điểm văn hóa như rạp chiếu phim, rạp hát, bảo tàng, rạp xiếc, sòng bạc và vườn thú, sẽ không diễn ra trước ngày 7/1/2021. Các quán cà phê, quán bar, nhà hàng và phòng tập thể thao vẫn bị đóng cửa ít nhất đến ngày 20/1.
Tại Bồ Đào Nha, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng gần gấp đôi so với làn sóng đầu tiên. Theo một khảo sát do tờ Publico thực hiện, trong 5 tháng đầu tiên bùng phát dịch, Bồ Đào Nha ghi nhận 1.735 ca tử vong, nhưng chỉ trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 đã tăng lên 3.229 ca. Nguyên nhân do số ca mắc mới trong làn sóng thứ hai tăng cao hơn, chủ yếu tập trung ở nhóm người cao tuổi, và tâm lý chủ quan của người dân.
Tại châu Á, Indonesia tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh tại khu vực Đông Nam Á khi ngày 11/12 ghi nhận thêm 6.310 ca nhiễm và 175 ca tử vong. Đây là số ca tử vong cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày ở nước này. Như vậy, đến nay, Indonesia có tổng cộng 605.243 ca nhiễm và 18.511 ca tử vong, cả hai chỉ số đều cao nhất Đông Nam Á.
Nhật Bản cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất từ trước đến nay với 2.848 ca. Đến nay, nước này có tổng cộng 168.573 ca nhiễm và 2.465 ca tử vong, chưa kể số ca trước đây trên du thuyền Diamond Princess.
Trước tình hình trên, Chính phủ Nhật Bản đã hối thúc người dân hạn chế hoạt động vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, chính phủ nước này cho biết sẽ duy trì trợ cấp để thúc đẩy du lịch dù một số thông tin truyền thông cho rằng có thể chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ tạm dừng chiến dịch kích cầu du lịch nội địa "Go To Travel".
Liên quan đến hoạt động phát triển vaccine phòng COVID-19, Hãng dược Sanofi (Pháp) và GlaxoSmithKline (Anh) thông báo quyết định sẽ tung ra thị trường loại vaccine phòng COVID-19 do hai hãng này phối hợp phát triển, vào cuối năm 2021 thay vì giữa năm như dự kiến ban đầu, do kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine đáp ứng tạo miễn dịch thấp ở người cao tuổi.
- Dịch COVID-19: Indonesia, Nga ghi nhận số ca tử vong mới cao nhất trong một ngày
- Việt Nam ghi nhận 6 ca mắc COVID-19 mới, 13 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
- Dịch COVID-19: Các nước châu Mỹ và châu Âu vật lộn với số ca mắc mới tăng
Tuyên bố mới nhất của Sanofi và GSK được đánh giá là bước lùi lớn trong nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19. Vaccine do hai hãng này hợp tác phát triển dựa trên công nghệ mà Sanofi đã sử dụng để sản xuất vaccine cúm mùa. Cho tới nay, dư luận đang đặt kỳ vọng vào vaccine do hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển, vốn đã chứng minh có hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 lên tới 90%. Hiện các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine này với sự tham gia của hơn 40.000 tình nguyện viên đang được triển khai.
Trong khi đó, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo nhằm tăng mức độ hiệu quả của vaccine thử nghiệm phòng COVID-19 của mình, hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng việc kết hợp vaccine này với vaccine Sputnik V của Nga.
Theo thông báo của RDIF, các cuộc thử nghiệm sẽ được khởi động vào cuối năm nay. Trong khi đó, AstraZeneca cho biết đang cân nhắc kết hợp các loại vaccine khác nhau và sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm với vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya của Nga phát triển.
Minh Châu/TTXVN