Dịch Covid-19 ngày 11/1: Yên Bái phát hiện 48 ca mắc tại Công ty Thỏ Nipponzoki Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Yên Bái phát hiện 48 ca mắc COVID-19 tại Công ty Thỏ Nipponzoki Việt Nam
Thông tin từ Sở Y tế Yên Bái - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái, từ 18h ngày 10/1 đến 18h ngày 11/1/2022, tỉnh ghi nhận thêm 101 ca mắc COVID-19 mới. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày tại Yên Bái vượt ngưỡng 100 ca.
Đáng lưu ý, trong đó có 48 trường hợp phát hiện qua lấy mẫu giám sát tại Công ty Thỏ Nipponzoki Việt Nam tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Ngoài ra, phát hiện thêm 5 trường hợp mắc trong cộng đồng, cụ thể: 1 trường hợp tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn; 1 trường hợp ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình; 2 trường hợp tại xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ; 1 trường hợp tại phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái.
Số ca mắc mới trong ngày của tỉnh Yên Bái còn bao gồm 28 trường hợp là F1 đã được cách ly trước đó cùng 20 trường hợp đi từ vùng có dịch về và đã được cách ly theo quy định.
Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 của tỉnh, tính đến 18h ngày 11/1, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 96,8%, tiêm 2 mũi đạt 91,1%. Đối với người trên 18 tuổi, tỷ lệ đã tiêm ít nhất 1 mũi đạt trên 99%; tiêm từ 2 mũi trở lên đạt 97%.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái tiếp tục khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K; tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên; tiêm vét, tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi. Người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-COVID để khai báo y tế, quét mã QR-CODE, nhận thông tin tiêm chủng và kết quả xét nghiệm COVID-19. Thường xuyên quét mã QR-CODE khi đến nơi làm việc và các khu vực công cộng, quán ăn, nhà hàng, cơ sở lưu trú...
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái cũng khuyến cáo các hộ gia đình trên địa bàn có người thân từ ngoại tỉnh về nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cần báo cáo cho chính quyền địa phương để tổng hợp, nắm bắt. Người dân sử dụng PC-COVID quét mã QR, khai báo y tế tại các điểm hỗ trợ, khi di chuyển về địa phương đến trạm y tế nơi lưu trú để lấy mẫu xét nghiệm tầm soát và được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Người dân cũng được khuyến cáo không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch bệnh trên mạng xã hội; kịp thời phản ánh với các cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19; khi thấy có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác… hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị.
Hải Phòng thêm 2 ca tử vong, hơn 500 ca nhiễm mới
Trong ngày, Hải Phòng đã thêm 2 ca tử vong do COVID-19, 523 ca nhiễm mới và hiện 51 F0 chuyển nặng.
Ngành y tế TP Hải Phòng vừa thông tin, ngày hôm nay (11/1/2022), toàn thành phố có thêm 525 ca nhiễm mới, 2 ca tử vong do COVID-19 và hiện có 51 F0 chuyển nặng. Trong số ca chuyển nặng có 29 bệnh nhân phải thở marsk, 11 F0 thở HFNC, 10 F0 thở xâm lấn.
Trong số 523 ca mắc mới được ghi nhận tại 14/15 quận, huyện có 59 trường hợp F1, 449 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, 1 test nhanh dương tính, còn lại là trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp của An Dương và Thủy Nguyên.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về xây dựng kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, ngành y tế thành phố Hải Phòng tiến hành rà soát đăng ký tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hải Phòng đã ban hành văn bản đề nghị Trung tâm Y tế các quận/huyện trên địa bàn khẩn trương rà soát, báo cáo số đối tượng trẻ từ 5-11 tuổi để xây dựng kế hoạch tiêm phòng lần này.
Đà Nẵng ghi nhận 3 trường hợp mắc Covid-19 biến thể Omicron
Chiều 11/1, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh thông tin, Đà Nẵng ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron; các trường hợp này đã có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 ra viện ngày 10/1, đang được theo dõi sức khỏe tại nhà.
Theo đó, trên hai chuyến bay nhập cảnh vào Đà Nẵng từ Malaysia trong ngày 23-24/12 (mỗi chuyến bay chở trên 180 người), đã có 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Do nghi ngờ có thể mắc biến chủng Omicron, lãnh đạo thành phố đã quyết định chuyển 4 người này từ Bệnh viện Dã chiến số 1 (Ký túc xá phía Tây, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) lên Bệnh viện Hòa Vang để điều trị riêng biệt; tổ chức theo dõi, xét nghiệm những người phục vụ tại sân bay trong thời điểm có những người từ Malaysia nhập cảnh. Thành phố cũng gửi 4 mẫu xét nghiệm của các trường hợp này đến Viện Pasteur Nha Trang để giải trình tự gen.
Ngày 10/1, Viện Pasteur Nha Trang đã có kết quả khẳng định 3/4 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 nói trên nhiễm biến chủng Omicron.
Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Phạm Trần Xuân Anh cho rằng, hiện trên thế giới chưa nghiên cứu rõ người nhiễm chủng Omicron có diễn biến bệnh nặng hơn các biến chủng khác. Biến thể Omicron lây lan nhanh hơn các biến chủng khác nhưng biến chứng nhẹ hơn. Trước mắt, để ứng phó với biến chủng này, cần triển khai tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 và tiêm mũi 3; người dân thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế. Từ 13 giờ ngày 10/1 đến 13 giờ ngày 11/1, Đà Nẵng ghi nhận 543 ca mắc COVID-19, trong đó 346 ca cộng đồng.
Hà Nội có ngày thứ 6 vượt 2.700 ca/ngày, gần 500 ca nặng, nguy kịch
Sở Y tế Hà Nội tối 11/1 thông tin trong 24 giờ qua TP ghi nhận 2.884 ca COVID-19 mới, trong đó có 718 ca trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Hà Nội phát hiện hơn 2.700 ca/ngày.
2.884 ca mới phân bố tại 391 xã/phường/thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (156); Thanh Xuân (141); Hoài Đức (123); Đông Anh (101);…
Số mắc cộng dồn tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 76.674 ca.
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 10.1, toàn thành phố có hơn 48.500 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly; trong đó có 38.685 người (chiếm gần 80%) đang điều trị tại nhà; số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung thuộc tầng 1; tại bệnh viện tầng 2 và 3.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong hơn 4.000 F0 điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội (gồm bệnh viện Trung ương và bệnh viện của Hà Nội) có 467 trường hợp nặng, nguy kịch (tăng 17 ca so với ngày trước đó).
Số ca tử vong trong ngày 10/1 là 10 trường hợp, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4 đến nay là 270 người. Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, tính đến ngày 10/1, tỷ lệ tử vong/ca mắc của Hà Nội là 0,4%.
Cả nước có 16.019 ca mắc COVID-19; Hà Nội chạm mốc 2.900 ca
Bản tin dịch COVID-19 ngày 11/1 của Bộ Y tế cho biết có 16.019 ca mắc COVID-19 trên cả nước, Hà Nội tiếp tục nhiều nhất, gần 2.900 ca; trong ngày có gần 6.900 bệnh nhân khỏi; 256 ca tử vong.
Thông tin về ca mắc COVID-19 mới tại Việt Nam
- Tính từ 16h ngày 10/01 đến 16h ngày 11/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.035 ca nhiễm mới, trong đó 16 ca nhập cảnh và 16.019 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.236 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.691 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.884), Khánh Hòa (782), Cà Mau (762), Bình Định (671), Bình Phước (667), TP. Hồ Chí Minh (558), Đà Nẵng (543), Hải Phòng (514), Bến Tre (498), Tây Ninh (462), Đắk Lắk (381), Bắc Ninh (380), Vĩnh Long (377), Hưng Yên (347), Trà Vinh (326), Thanh Hóa (319), Bà Rịa - Vũng Tàu (294), Quảng Ninh (240), Lâm Đồng (235), Quảng Ngãi (224), Thừa Thiên Huế (222), Bạc Liêu (193), Hà Giang (186), Nghệ An (185), Thái Nguyên (184), Vĩnh Phúc (177), Hậu Giang (175), Cần Thơ (169), Hải Dương (168), Hòa Bình (161), Bình Thuận (156), Bắc Giang (155), Quảng Nam (154), Nam Định (145), An Giang (117), Đắk Nông (114), Đồng Tháp (109), Phú Thọ (108), Quảng Bình (105), Thái Bình (104), Kiên Giang (103), Ninh Bình (102), Yên Bái (101), Hà Nam (98), Sóc Trăng (92), Lạng Sơn (87), Lào Cai (81), Đồng Nai (81), Sơn La (79), Phú Yên (77), Hà Tĩnh (66), Quảng Trị (66), Tiền Giang (65), Tuyên Quang (59), Ninh Thuận (50), Điện Biên (49), Long An (44), Lai Châu (39), Kon Tum (38), Cao Bằng (37), Bắc Kạn (26), Bình Dương (25), Gia Lai (3).
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.866 ca.
- Số ca tử vong trong ngày: 256 ca.
- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
- Cả nước có 1.930.428 ca nhiễm trong đó có 4.486 ca nhập cảnh và 1.925.942 ca nhiễm trong nước.
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 1.924.372 ca, trong đó có 1.594.139 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Trong số các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam có 1.596.960 ca đã khỏi bệnh, 298.681 ca đang điều trị và 34.787 ca tử vong.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 31.135.667 mẫu tương đương 75.857.329 lượt người, tăng 78.837 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 10/01 có 1.063.758 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 162.375.421 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.389.408 liều, tiêm mũi 2 là 71.386.323 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 12.599.690 liều.
Tỷ lệ bao phủ mũi 1 vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam đạt 100%
Đến chiều ngày 11/1, cả nước tiêm hơn 162,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó tỷ lệ bao phủ mũi 1 đạt 100%
Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 15h ngày 11/1, cả nước đã tiêm trên 162,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19; riêng ngày 10/1, có gần 1,1 triệu liều vaccine được tiêm chủng.
Đến ngày 10/1, số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 147.346.994 liều, trong đó có 70.338.486 mũi 1; 65.183.660 mũi 2; 1.295.563 mũi 3 (vaccine Abdala); 3.008.655 liều bổ sung và 7.520.630 liều nhắc lại.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,6% dân số từ 18 tuổi trở lên
Có 36/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản trên 90%; 22/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều từ 80 – dưới 90%; 05/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều dưới 80% là Hưng Yên (78,4%), Nghệ An (76,8%), Hà Giang (73,7%), Cao Bằng (78,5%) và Sơn La (74,2%).
Về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng từ 12-17 tuổi, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm 13.930.813 liều, trong đó có 7.953.138 mũi 1 và 5.977.675 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 89,2% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 67,0% dân số từ 12 -17 tuổi.
32 tỉnh thành, phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Ninh Bình thêm ổ dịch mới, nhiều trường chuyển sang học trực tuyến
Dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang có những diễn biến phức tạp. Tính từ 26/12/2021 đến nay, hơn 60 trường học ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phải cho học sinh tạm dừng việc học trực tiếp tại trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến tại nhà.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 26 ổ dịch, với 960 ca bệnh, nhiều ca ghi nhận ở những nơi tập trung đông người như trường học, công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh... và lây lan ra diện rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, số lượng ca F0 tăng nhanh, vượt quá số giường bệnh tại các cơ sở y tế dự kiến dành cho điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng. Cùng với đó, các cơ sở cách ly tập trung tại các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đều quá tải. Lực lượng làm nhiệm vụ, nhất là ngành y tế trong công tác dự phòng, chăm sóc, điều trị chịu nhiều áp lực và quá tải tại nhiều địa phương...
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình, tính từ 26/12/2021 đến hết 9/1/2022, 60 trường học ở hầu hết cả địa phương trong tỉnh học sinh phải tạm dừng đến trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến. Đến nay, toàn ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận trên 300 trường hợp F0 là cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các trường học trong tỉnh.
Về diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngành y tế Ninh Bình dự báo sẽ xuất hiện thêm ổ dịch và số ca mắc mới, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Bình vừa yêu cầu các huyện, thành phố trên cơ sở thực tế của địa phương, thành lập thêm các khu cách ly, điều trị F0; phối hợp với ngành y tế để điều phối, tổ chức cách ly, điều trị kịp thời các ca F0 ghi nhận mới tại địa phương mình.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho bản thân và gia đình và chỉ nên sử dụng các test xét nghiệm đã được Bộ Y tế công bố, cấp phép lưu hành.
Khi phát hiện kết quả xét nghiệm dương tính với test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, người dân cần bình tĩnh, đeo khẩu trang y tế, không tiếp xúc với người khác, tự cách ly tại nhà và gọi điện ngay cho y tế địa phương, chính quyền tổ dân phố để được tư vấn, hỗ trợ và xử lý theo quy định. Tuyệt đối không tự ý di chuyển ra khỏi nơi cư trú khi chưa được các cơ quan chuyên môn thông báo, có hướng dẫn thực hiện.
Song song với đó, người dân vẫn thực hiện nghiêm các quy định về 5K; chủ động khai báo y tế với Trạm y tế, chính quyền địa phương; khi có các triệu chứng hoặc biểu hiện bất thường như ho, sốt, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác cần báo ngay cho y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn và thực hiện các biện pháp cần thiết để sàng lọc dịch bệnh.
Cà Mau vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất miền Tây
Trong nhiều tỉnh, thành ở miền Tây, Cà Mau vẫn tỉnh có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất trong ngày 10/1.
Theo đó, Cà Mau ghi nhận 540 ca COVID-19, có 91 ca cộng đồng, 488 ở khu cách ly; điều trị khỏi 1.457 ca; có thêm một trường hợp tử vong, nâng tổng số bệnh nhân tử vong là 228 ca.
Tỉnh đang điều trị tại nhà cho 7.197 F0. Trên địa bàn tỉnh có 110 trạm y tế lưu động, với 817 người.
Bạc Liêu có 206 ca mắc COVID-19 mới (dưới 18 tuổi có 29 ca, có 151 F0 cộng đồng), nâng tổng số ca mắc đến nay là 32.841 ca. Trong ngày cũng bình phục 434 ca, có một ca tử vong. Tỉnh đang điều trị 3.573 ca, có 1.770 ca tại nhà.
TP Cần Thơ phát hiện thêm 132 ca mắc COVID-19, có 183 người điều trị khỏi, có 11 ca tử vong. Cần Thơ đang điều trị 12.570 ca, trong đó có 11.235 ca tại nhà.
Vĩnh Long ghi nhận thêm 206 ca COVID-19, trong đó có 163 ca cộng đồng, điều trị khỏi 277 ca, 14 ca tử vong.
Đồng Tháp thêm 96 ca mắc COVID-19 (trong đó 37 ca trong cộng đồng), có 131 ca điều trị khỏi, tử vong 16 ca. Tỉnh đang điều trị 8.206 ca.
Hậu Giang ghi nhận 495 ca mắc COVID-19 (trong đó có 485 F0 cộng đồng), có 210 ca điều trị khỏi, có 6 ca tử vong. Tỉnh đang cách ly điều trị 2.842 ca (trong đó tại nhà là 1.148 ca).
Hậu Giang hiện đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt tỷ lệ 99,60% trên tổng dân số từ 12 tuổi trở lên (606.586 người).
Bến Tre phát hiện 365 ca COVID-19 đều là trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên toàn tỉnh lên hơn 29.420 ca. Hiện tỉnh đã ghi nhận 264 trường hợp tử vong và 27.732 ca F0 kết thúc điều trị.
Tiền Giang thêm 666 ca mắc COVID-19 (có 5 ca cộng đồng), điều trị khỏi 113 ca, tử vong 12 ca. Số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine đủ mũi 2 đạt hơn 97%; từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 2 đạt hơn 85%.
Trà Vinh ghi nhận 251 ca COVID-19 (trong đó có 233 ca cộng đồng), có 1.542 ca khỏi bệnh, có 7 trường hợp tử vong. Đến nay, Trà Vinh có 32.502 F0, có 23.256 ca đã khỏi bệnh, 180 ca tử vong.
Sóc Trăng ghi nhận 89 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc là hơn 31.500 ca; có 126 ca tử vong.
COVID-19 khiến nhiều lịch hiến máu phải hủy bỏ, tạm dừng: Nguy cơ thiếu máu dịp Tết Nguyên đán
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống, Viện Huyết học - Truyền máu TW cần tối thiểu 50.000 đơn vị máu trong 2 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, với các lịch hiến máu đã có, Viện vẫn còn thiếu 15.000 đơn vị máu và 2.000 đơn vị tiểu cầu, chưa kể tình trạng mất cân đối giữa các nhóm máu cũng có thể xảy ra (thiếu máu nhóm O, nhóm A). Thêm một đơn vị máu, thêm một đơn vị tiểu cầu an toàn trong lúc Tết cận kề là thêm phao cứu sinh quý giá cho người bệnh...
Thông tin được TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chia sẻ tại họp báo Chủ nhật Đỏ "Hiến máu cứu người, sinh mệnh của bạn và tôi" do Viện Huyết học – Truyền máu TW và Báo Tiền phong phối hợp tổ chức diễn ra vào chiều 10/1.
Cụ thể, TS Khánh cho hay, chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Một trong những khó khăn mà đại dịch COVID-19 gây ra chính là việc không ít hoạt động hiến máu đã phải tạm dừng, hủy bỏ vì sự xuất hiện của các F0 ở nhiều địa phương. Thực trạng này dẫn đến việc thiếu hụt hàng chục ngàn đơn vị máu so với kế hoạch.
Vì thế chúng tôi mong muốn các đơn vị, cộng đồng tiếp tục tham gia Chủ nhật Đỏ để có đủ máu cho dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. "Chúng tôi sẽ tuân thủ nghiêm túc các biện pháp 5K trong phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người tham gia hiến máu và nhân viên y tế", Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW nhấn mạnh.
Ngày 16/1 tới đây, tại Học viện Cảnh sát nhân dân, chương trình hiến máu Chủ nhật Đỏ lần thứ XIV sẽ chính thức khai mạc.
Chủ nhật Đỏ năm nay nhận được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành, đặc biệt sự vào cuộc của hơn 40 tỉnh/thành phố, dự kiến tiếp nhận 45.000 - 50.000 đơn vị máu. Dù chưa chính thức khai mạc, nhưng từ tháng 11 đến nay, các điểm hiến máu của Chủ nhật Đỏ tại 15 địa phương đã tiếp nhận gần 6.000 đơn vị máu.
Chủ Nhật Đỏ là một sự chủ động để đảm bảo đủ máu cho bệnh nhân. Chương trình được tổ chức chủ động trước dịp tết để đề phòng tình trạng thiếu máu. Việc này rất cần thiết bởi trong tình hình dịch bệnh như này, các chương trình hiến máu của các bệnh viện, các địa phương có thể hoãn bất cứ khi nào bùng dịch.
Từ một điểm hiến máu tại Hà Nội vào năm 2009 với chỉ 96 đơn vị máu được tiếp nhận, ngày hội Chủ nhật Đỏ đã thực sự lớn mạnh, thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết của tinh thần nhân ái, sự sẻ chia. Những năm gần đây, chương trình đều thu hút trên 40 tỉnh/thành phố tham gia tổ chức và tiếp nhận được 45.000 - 50.000 đơn vị máu mỗi năm.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.531 ca
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 9/1 đến 16 giờ ngày 10/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.818 ca mắc mới, trong đó 35 ca nhập cảnh và 14.783 ca ghi nhận trong nước (giảm 968 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 9.396 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó gồm Hà Giang (303 ca), Hải Phòng (244 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (152 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó là Lạng Sơn (177 ca), Gia Lai (142 ca), Trà Vinh (88 ca).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 89.842 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.590.090 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.358 ca.
Ngày 10/1 ghi nhận 212 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.531 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% tổng số ca mắc.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1 ca), Quảng Nam (14 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (12 ca), Hải Dương (1 ca), Hải Phòng (1 ca) và Thanh Hóa (2 ca).
Giải pháp phù hợp ứng phó với dịch bệnh
Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất cả nước với 2.832 ca; phân bố tại 393 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Theo Sở Y tế, tính tới hết ngày 9/1, toàn thành phố có 46.647 trường hợp F0 được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (128 ca), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (217 ca), tại các bệnh viện của Hà Nội là (2.943 ca), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1.309 ca), cơ sở thu dung quận, huyện (5.590 ca), theo dõi cách ly tại nhà (36.460 ca). Như vậy, số F0 điều trị ở nhà ở Hà Nội hiện chiếm gần 75% tổng số bệnh nhân đang điều trị.
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND về phòng, chống dịch thành phố năm 2022, hướng tới giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, khống chế không để dịch bùng phát lan rộng trên địa bàn thành phố.
Đà Nẵng cũng là địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng trong những ngày qua. Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Trần Thanh Thủy cho hay, số ca mắc COVID-19 trong những ngày qua trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng, trung bình trên 300 ca/ngày.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng nhanh, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây áp lực lên các cơ sở điều trị. Do đó, các đơn vị chức năng cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để ngăn chặn, có giải pháp phù hợp trong công tác điều trị, hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Hiện số ca mắc COVID-19 điều trị tại nhà còn thấp so với tổng số ca mắc. Do đó, các địa phương cần xác định việc điều trị ca mắc COVID-19 tại nhà là một trong những biện pháp bắt buộc và cơ bản hiện nay. Để làm tốt công tác này, các địa phương cần có sự phối hợp chặt giữa các ngành, chú trọng triển khai phần mềm quản lý, theo dõi điều trị F0 tại nhà.
- Cứu trợ khẩn cấp cho người dân chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 tại 10 tỉnh thành miền Trung
- Đảm bảo quyền lợi an sinh của người dân trong đại dịch Covid-19
- Yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch
Hiện việc triển khai điều trị ca mắc COVID-19 tại nhà đã được tổ chức 2 giai đoạn, đa số các ca F0 điều trị tại nhà đều thực hiện nghiêm túc, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Mặc dù thành phố đã nới lỏng các điều kiện điều trị tại nhà, tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà vẫn còn thấp. Do đó, các địa phương cần tăng cường rà soát, có giải pháp tăng số bệnh nhân điều trị tại nhà, giảm áp lực cho các cơ sở y tế.
Đến nay, Đà Nẵng đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được 2.017.547 liều cho những người đủ điều kiện tiêm, trong đó 976.008 người tiêm mũi 1, 959.072 người tiêm mũi 2, 82.467 người tiêm mũi 3 (chiếm 9,5% người từ 18 tuổi trở lên).
Dịch ở miền Nam đã “dịu”, hỗ trợ người dân vượt qua di chứng sau COVID-19
Số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận ở Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm rất nhiều, ngày 10/1, chỉ có 437 ca. Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, số ca tử vong do dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 ngày liên tiếp đều dưới con số 20 (tính từ ngày 7/1 đến 9/1). Đồng thời, số ca nhiễm, ca bệnh nặng duy trì xu hướng giảm, ca xuất viện cao hơn ca nhập viện. Tuy vậy, Thành phố ghi nhận nhiều di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần ở người bệnh sau khi mắc COVID-19 và đang tiến hành tiêm vaccine cho người dân thuộc các nhóm này.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau khi xuất viện, các F0 khỏi bệnh có thể tiêm ngay vaccine mũi bổ sung. Bên cạnh đó, các bệnh viện đã có phòng khám hậu COVID-19 để tư vấn cho các F0 khỏi bệnh từ vấn đề tâm lý đến thể chất. Riêng một số bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập khoa điều trị hậu COVID-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1 khám cho đối tượng là trẻ em, đối với người lớn có Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy…Mới đây, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng sổ tay "Cẩm nang phục hồi sau COVID-19" trong Bộ môn Kỹ thuật Phục hồi chức năng nhằm hỗ trợ cho nhóm này.
Về việc triển khai tiêm vaccine mũi 3, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tiến độ tiêm diễn ra theo tuần tự, tuy nhiên vẫn chưa có quận, huyện nào hoàn thành 100% mũi 3. Theo thống kê, có một số quận, huyện đạt 90% tiến độ. Nếu duy trì 200.000 mũi tiêm/ngày như hiện nay, thành phố sẽ hoàn thành kế hoạch phủ mũi 3 trước Tết Nhâm Dần 2022.
Theo Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, trong 7 ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 7.908 ca mắc mới, trung bình 1.129 ca/ngày, giảm 39,78% so với 7 ngày trước đó. Số ca tử vong do COVID-19 tiếp tục có xu hướng giảm, trung bình 15 ca tử vong/ngày. Đáng chú ý, tại Đồng Nai, nhờ tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 đã đạt 98,2%, mũi 3 là 8,8% nên tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, số ca mắc mới ghi nhận liên tục có xu hướng giảm trong 5 tuần liên tiếp, đạt mức thấp nhất trong 2 tháng qua.
Quyết định mới nhất của Sở Y tế tỉnh Cà Mau về công bố cấp độ dịch COVID-19 quy mô cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (có hiệu lực từ ngày 10/1/2022) cho thấy, tỉnh không còn địa phương ở cấp độ dịch thuộc cấp 3 và 4. Đây là tín hiệu tốt trong công tác phòng, chống dịch ở một tỉnh từng có số ca nhiễm trong ngày cao nhất so với cả nước.
Mặc dù, số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong ngày ở Cà Mau trên đà giảm xuống nhưng người dân không được chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo quy định, để hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan. Đặc biệt, người dân tích cực hưởng ứng chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 và định kỳ thực hiện test nhanh nhằm sớm phát hiện, điều trị kịp thời F0 để giảm số ca bệnh chuyển nặng và tử vong do dịch. Tính đến ngày 9/1, tỉnh có 916.950 người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi, đạt trên 99%; 271.644 người người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3, đạt trên 33%.
PV/TTXVN