Dịch COVID-19: Hà Nội khoanh vùng cách ly 1.500 người liên quan đến điểm nóng dịch tại Bệnh viện Bạch Mai
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 27/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, liên quan đến khu vực Bệnh viện Bạch Mai, nơi đang là điểm nóng do có chùm ca bệnh và nhân viên y tế mắc COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị, từ bài học xử lý ổ dịch tại khu phố Trúc Bạch và Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Bạch Mai cần nghiên cứu mô hình cách làm từ hai khu vực này để phản ứng nhanh, ngăn chặn kịp thời, thực hiện việc khoanh vùng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý môi trường, ngăn chặn dịch bệnh phát tán ra cộng đồng.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị tất cả các quận, huyện, phường xã nghiên cứu kỹ các mô hình cách ly để có phương án cách ly phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân. Có thể áp dụng mô hình phân vùng cách ly các nhà hàng xóm lân cận, một tầng hay cả tòa nhà, không nhất thiết phải cách ly toàn bộ khu vực. Hà Nội nâng mức cảnh báo cao hơn một mức, chỉ cần được thông báo có bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, các quận, huyện kích hoạt ngay quy trình xác minh đối tượng F1, F2 để tiến hành cách ly hạn chế lây lan.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, thành phố có 3 ổ dịch liên quan đến khu vực Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với ngành Y tế Hà Nội đã phản ứng nhanh và thực hiện các biện pháp quyết liệt để khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tiêu độc khử trùng khu vực bệnh viện, kê giường bệnh cách nhau 2m. Kết quả rà soát đã xác minh được 1.500 người là cán bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. 14.000 người khám ngoại trú được khuyến cáo cách ly tại nhà, nếu có triệu chứng ho sốt thông báo cho y tế để được lấy mẫu xét nghiệm.
Trước nguy cơ lây nhiễm tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai rất cao, ông Nguyễn Nhật Cảm đề nghị bệnh viện tạm dừng không nhận thêm bệnh nhân mới, các bệnh nhân đang điều trị tại đây tiếp tục điều trị hết thời hạn cách ly 14 ngày, xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được xuất viện; đồng thời thông báo rộng rãi để tất cả những người ra vào bệnh viện thời gian này theo dõi sức khỏe và tự cách ly tại nhà. Bệnh viện cần đánh giá lại nguy cơ để khoanh vùng sớm, hạn chế lây lan ra cộng đồng.
* Thực hiện nghiêm việc dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ không cần thiết
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã quán triệt đến các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/3 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu các đơn vị và người dân thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị.
Trong đó, để thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng về việc tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, Chủ tịch UBND thành phố giao cho Công an thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát và yêu cầu các cơ sở này nghiêm túc chấp hành, dừng hoạt động để tránh tình trạng tập trung đông người, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
- Đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với người dân Hà Nội
- Dịch COVID-19: Cập nhật tình hình dịch bệnh mới nhất từ Bộ Y tế
- RapNews: Cùng chung tay loại bỏ Fake News thời COVID-19
Báo cáo về tình hình dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới hết sức phức tạp, tăng rất nhanh, kể cả số vùng và số người mắc, trong đó Mỹ vượt lên vị trí dẫn đầu là quốc gia có số người mắc cao nhất với 85.604 ca mắc và 1.301 ca tử vong. Số ca mắc tại Việt Nam đang tăng lên, bên cạnh các ca xâm nhập từ các nước về Việt Nam đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại Hà Nội đến 12 giờ ngày 27/3/2020, theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã ghi nhận 58 trường hợp mắc COVID-19. Việc Hà Nội đã phát hiện các ca mắc mới ngoài cộng đồng, đặc biệt đã xuất hiện chùm ca bệnh trong bệnh viện Bạch Mai và đã xuất hiện chùm ca bệnh là nhân viên y tế trực tiếp thăm khám cho người bệnh, nên những ngày tới dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, sau khi thành phố yêu cầu dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ không cần thiết, ngày 26/3, UBND các quận, huyện đã triển khai thực hiện, nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất trên toàn địa bàn nên một số phường đã yêu cầu cả hệ thống phân phối khiến người dân hiểu lầm, đổ vào các siêu thị, cửa hàng phân phối, chợ để mua hàng hóa.
Trước tình trạng số người tập trung đông, nguy cơ lây lan dịch bệnh, Sở Công Thương đã kịp thời yêu cầu các quận, huyện tuyên truyền để người dân yên tâm có đủ hàng hóa. Ngành Công Thương đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 5 cấp độ để các quận, huyện rà soát, xây dựng lại phương án dự trữ, điều phối hàng hóa, kể cả tình huống dịch bệnh xấu nhất.
Tuyết Mai