Dịch COVID-19: Dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh tại Nga, Ukraine và Đức
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga cho biết, tính đến trưa 24/4, nước này ghi nhận thêm 5.849 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua tại 82 chủ thể liên bang, đưa tổng số người nhiễm lên 68.662 người. Nga cũng ghi nhận thêm 60 ca tử vong, đưa tổng số người tử vong tại đây lên 615 ca. Ngoài ra, 677 người đã được chữa khỏi bệnh, đưa tổng số người khỏi bệnh lên 5.568 người.
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đông nhất. Chỉ tính riêng trong 24 giờ qua, Moskva có 2.957 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc bệnh ở thủ đô lên 36.897 người; và 37 người tử vong, đưa tổng số người tử vong lên 325 ca. Các địa phương khác ghi nhận nhiều ca nhiễm virus corona chủng mới trong ngày gồm có tỉnh Moskva - 611 ca; thành phố St. Petersburg - 253 ca; Cộng hòa Dagestan – 113 ca; tỉnh Nizhny Novgorod – 94 ca; tỉnh Krasnodar – 84 ca.
Tại Ukraine, Bộ Y tế Ukraine thông báo tính đến 9h sáng 24/4, nước này đã ghi nhận thêm 477 ca nhiễm mới, đưa tổng số người nhiễm lên 7.647 người. Trong 1 ngày qua đã có thêm 97 người khỏi bệnh, đưa tổng số người khỏi bệnh lên 601 người, và 6 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca tử vong tại đây lên 193 ca. Tính đến sáng 24/4, Trung tâm Y tế cộng đồng của Ukraine đã nhận được 1.460 thông báo về các trường hợp bệnh nghi ngờ.
Tại Đức, theo thông báo của Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, nước này ghi nhận thêm 2.337 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên 150.383. Đã có thêm 227 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong tại Đức lên 5.321 người. Trong khi đó, 106.800 người đã được chữa khỏi, tăng 3.500 người so với một ngày trước.
Phát biểu tại Hạ viện Đức ngày 23/4, Thủ tướng Angela Merkel cho biết con số thống kê gần đây "mang lại hy vọng", nhưng "kết quả tạm thời này rất mong manh". Bà Merkel chỉ trích một số địa phương đã quá "nóng vội" trong xử lý dịch bệnh, yêu cầu tất cả các địa phương phải tiếp tục cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh nguy cơ khiến công sức chống dịch của chính phủ đổ bể.
Một vài doanh nghiệp nhỏ và một số điểm công cộng đã được phép mở cửa trở lại từ ngày 20/4, trong khi đó lệnh hạn chế di chuyển trên toàn quốc vẫn tiếp tục được áp dụng tại Đức tới ít nhất ngày 3/5 tới. Trong khi các doanh nghiệp lo ngại tác động của đại dịch, chỉ số niềm tin doanh nghiệp Đức trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Theo hãng thăm dò Ifo, chỉ số này đã giảm xuống 74,3 điểm, thấp hơn so với mức 85,9 điểm trong tháng 3 và là mức thấp nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay.
- IMF cảnh báo nền kinh tế Mỹ Latinh có thể sẽ tiếp tục bị 'mất mát' kéo dài hàng thập kỷ
- Nền kinh tế Mỹ sẽ cần 1 đến 2 năm để phục hồi sau dịch
- COVID-19 có thể đưa kinh tế toàn cầu vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái
Do đại dịch hoành hành tác động xấu đến nền kinh tế và khiến thêm nhiều người mất việc, hãng nghiên cứu thị trường lao động IAB dự kiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ giảm 8,4% trong năm nay, đánh dấu đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. IAB cũng dự báo số người thất nghiệp tại Đức sẽ tăng thêm 520.000 và vượt 3 triệu người trong năm 2020./.
Hải Vân – Duy Trinh – Nguyễn Hằng