Dịch Covid-19: Bảo vệ, quản lý nhóm người nguy cơ cao; hạn chế số bệnh nhân chuyển nặng và tử vong
(Thethaovanhoa.vn) - Trong tuần qua, Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Các biện pháp phòng, chống dịch tiếp tục được tăng cường, trong đó, tập trung vào việc bảo vệ, quản lý nhóm người nguy cơ cao; giảm số bệnh nhân nặng và tử vong.
Tăng cường công tác điều trị, giảm số bệnh nhân nặng và tử vong
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã ký Công điện 1815/CĐ-TTg ngày 26/12 về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19; tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe, nhu cầu hỗ trợ.
Tại hội thảo khoa học "Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp giảm tử vong do COVID-19" do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ: Việc giám sát vùng nguy cơ cao để đảm bảo phát hiện sớm các ca mắc là rất cần thiết, từ đó cách ly, điều trị và có giải pháp xử trí phù hợp, góp phần hạn chế trường hợp tử vong. Các cơ sở điều trị cũng như hệ thống theo dõi sức khoẻ người bệnh ban đầu cần theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tuyến điều trị, tuyệt đối tránh tình trạng chuyển tầng khi đã quá muộn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, việc quan trọng là phải kiểm soát ca mắc, tăng cường năng lực điều trị, sử dụng thuốc sớm, trong đó có nhiều thuốc mới, thuốc kháng thể đa dòng, kèm theo đó là đảm bảo oxy cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của hệ thống khám chữa bệnh. Vì thế, toàn hệ thống điều trị cần rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến; cung ứng, bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, trong số ca mắc COVID-19 tại nước ta chỉ có 6% là bệnh nhân nặng; 8,3% ở mức trung bình; tỷ lệ bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng chiếm tới 85,7%. Qua phân tích số ca bệnh tử vong cho thấy: Người trên 65 tuổi chiếm 47,67%; 36,58% là người từ 50-56 tuổi; 18-49 tuổi chiếm 15,34%; nhóm từ 0-17 tuổi chiếm 0,42%. "Con số trên cho thấy tổng số ca tử vong từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 84%, vì vậy việc triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ này là rất cần thiết".
Cho phép thực hiện một số cơ chế chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch
Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành đã cho phép việc thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 áp dụng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.
Trong đó bao gồm việc điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19; kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19; khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh COVID-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch COVID-19; việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch COVID-19; bình ổn giá trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ có quy định chi tiết đối với các quy định về trường hợp nhân lực của đơn vị, địa phương không đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngoài việc điều động, huy động người có chuyên môn phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của pháp luật; kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19; chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị mắc COVID-19; người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; bình ổn giá trang thiết bị y tế...
Ngay sau nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31/12/2021, cho phép thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, với sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc trong tình hình dịch COVID-19, nếu giấy tờ pháp lý trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 mà không cung cấp được bản chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định, được thay thế bằng một trong các thông tin, tài liệu sau đây: Thông tin công bố trên trang thông tin điện tử của Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố; xác nhận của cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ pháp lý theo đề nghị của Bộ Y tế Việt Nam.
Đồng thời, Chính phủ cho phép thay thế giấy phép sản xuất của cơ sở sản xuất nguyên liệu quy định tại điểm g khoản 2 điều 85, nghị định 54/2017 ngày 8/5/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược bằng Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP).
Với vaccine đã được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt quy định tại điểm c khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại điểm c khoản 2 điều 67 nghị định 54/2017, đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định số 155/2018 ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
- Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp với sự lây lan nhanh của biến thể Omicron
- Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng sống chung với dịch bệnh
Vaccine do Chính phủ các nước viện trợ cho Việt Nam đã được WHO hoặc các nước thuộc nhóm Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục quy định tại điểm c khoản 1, miễn nộp giấy tờ quy định tại điểm c khoản 2 điều 67 nghị định 54/2017 đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định số 155/2018. Đồng thời, miễn hồ sơ tóm tắt sản xuất và kiểm tra chất lượng của lô vaccine, giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu và nước viện trợ khi đánh giá để cấp giấy chứng nhận xuất xưởng.
Về kê khai, công bố giá đối với vaccine xin mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vaccine phòng COVID-19 để tiêm miễn phí. Doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu thực hiện việc kê khai giá theo mức giá ghi trong hợp đồng, thỏa thuận đã ký, không phải kê khai các yếu tố cấu thành giá theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế báo cáo Chính phủ giá doanh nghiệp ký hợp đồng, thoả thuận mua vaccine, không phải thực hiện công bố giá theo quy định của pháp luật.
* Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19
Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, tính đến 14 giờ ngày 1/1/2022, Việt Nam đã tiêm được 152,2 triệu liều vaccine COVID-19.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 138.474.409 liều, trong đó có 69.951.907 mũi 1; 63.577.911 mũi 2; 1.192.897 mũi 3 (đối với vaccine Abdala ); 1.326.983 liều bổ sung và 2.424.711 liều nhắc lại.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 99,5%; tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine là 90,4% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 96,0% và 87,4%; miền Trung là 96,9% và 88,7%; Tây Nguyên là 96,9% và 84,8%; miền Nam là 100% và 92,8%.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccien COVID-19 cho dân số từ 18 tuổi trở lên: 41/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 95%; 13/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ từ 90-95%; 9/63 tỉnh còn lại có tỷ lệ bao phủ dưới 90% là Quảng Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Nam Định, Cà Mau, Tây Ninh, Lai Châu và Hà Tĩnh.
Tỷ lệ bao phủ đủ liều vaccine COVID-19 cho dân số từ 18 tuổi trở lên: 32/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90%; 22/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều từ 80 - dưới 90%; 9/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều dưới 80%, trong đó 5 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp nhất là Sơn La (68,3%), Hải Dương (73,9%), Thái Nguyên (75,7%), Cao Bằng (76,0%), Gia Lai (76,2%).
Về triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 12.461.506 liều, trong đó có 7.603.604 mũi 1; 4.857.902 mũi 2.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine à 83,5%; tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine là 53,4% dân số từ 12 -17 tuổi. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 78,0% và 44,3%; miền Trung là 76,5% và 37,7%, Tây Nguyên là 91,5% và 24,6%, Miền Nam là 91,7% và 74,4%.
Có 21 tỉnh thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này.
Tại Công văn 9629 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về tiêm vaccine COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, cập nhật thường xuyên, kịp thời có giải pháp phù hợp bảo đảm số lượng vaccine đủ tiêm cho các lứa tuổi theo tiến độ được giao, trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ này.
Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, Bộ Y tế tiến hành ngay các thủ tục cần thiết theo quy định để mua vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo họp với chuyên gia, phối hợp lực lượng y tế, quân đội thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa việc tiêm vaccine COVID-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; có kế hoạch truyền thông thật tốt về việc vaccine Pfizer được gia hạn, báo cáo cụ thể vaccine tiêm và nhận trong tháng 1/2022, kế hoạch bảo đảm đủ vaccine để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để hoàn thành mũi 3 trong quý 1/2022, bảo đảm mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Bộ Y tế cũng có văn bản về việc tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo văn bản, ngày 17/12, Bộ đã ban hành Công văn số 10722/BYT-DP gửi các đơn vị về hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và liều nhắc lại; để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên; rà soát không bỏ sót đối tượng tiêm chủng và tổ chức tiêm vét cho tất cả người dân có đủ điều kiện được tiêm đủ liều vaccine; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên; rà soát không bỏ sót đối tượng tiêm chủng và tổ chức tiêm vét cho tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vaccine.
TTXVN