Đi xem phim 'ngoài khuôn hình'
(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan phim Ngoài khuôn hình (Out of frame - OOF) có lẽ là một kinh nghiệm lạ lẫm và “hơi quái đản” tại Việt Nam. Diễn ra từ ngày 23 đến 29/10 tại nhiều địa điểm nhỏ ở TP.HCM, thu hút 10 gương mặt trẻ trong giới làm phim độc lập và video art cả khu vực Đông Nam Á.
“Xét về góc độ liên hoan phim (LHP), đây là một sự kiện mang tính phá cách (alternative), khi mọi yếu tố có tính truyền thống như thảm đỏ, giám khảo chuyên - tinh, hay các công chúng tò mò giải trí giờ đây đã được giải hóa hoặc thay thế vai trò; khán giả trở thành giám khảo; địa điểm chiếu phim hào nhoáng chuyên nghiệp và có tính tập trung trở thành các nơi chốn đời thường, riêng tư hoặc công cộng, được chuyển nghĩa và chuyển chức năng tạm thời. Các đạo diễn không còn là các “ông kẹ” cách biệt, mà trở thành những nghệ sĩ dấn thân, tìm cách chia sẻ và tiếp cận công chúng ở góc độ đời thường nhất” - nghệ sĩ Nguyễn Như Huy, giám tuyển của dự án Trạm ẩn/ hiện châu Á 2016 - 2017, nơi LHP này diễn ra cho biết.
Nhà làm phim độc lập, đồng giám tuyển liên hoan phim “Ngoài khuôn hình” Trương Minh Quý đang chủ trì buổi thảo luận với công chúng sau khi chiếu phim của nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai đêm 23/10
Mở màn là phim Ngày qua ngày của Nguyễn Thị Thanh Mai, dài 58 phút, đã chiếu hai suất lúc 18h30 và 20h ngày 23/10 tại quán Vắng (hẻm 59 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận). Thanh Mai dành nhiều công phu trong việc ghi chép, mô tả lại đời sống dân chài người Việt và gốc Việt ở Biển Hồ, Campuchia. Qua đây, người xem gián tiếp thấy được những hấp lực song hành với thách thức, sự vô vọng của đời sống những người làm ăn buôn bán trên sông.
LHP được giám tuyển bởi Trương Minh Quý - Trần Duy Hưng cùng các cộng sự, được tài trợ bởi Ga 0, thuộc khuôn khổ dự án Trạm ẩn/ hiện châu Á 2016 - 2017, do Ga 0, Trung tâm châu Á và Quỹ Nhật Bản đồng tổ chức. Lịch chiếu phim có thể tham khảo tại http://zerostationvn.org. |
Các tiêu chí tiếp theo của Ngoài khuôn hình là địa điểm chiếu và khán giả. Khán giả tạm rời các rạp chiếu chuyên nghiệp, xa hoa để chui vào hẻm hóc, các ngõ ngách chật chội, xem những màn hình be bé, có tính tạm bợ, nhằm chủ động tái thiết lập một địa bàn phim ảnh tạm thời, nơi đó có đối thoại, tranh luận thẳng thừng. Nghĩa là giữa người làm phim, tác phẩm, khán giả không còn khoảng cách, mà chỉ còn một “sàn tranh luận” cởi mở, xóa nhòa ranh giới.
Nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Như Huy đưa ra hai ví dụ về sự khác nhau trong cách chiếu phim. Tập đoàn CGV đang có rạp chiếu tiện nghi đến mức người xem có thể nằm, còn xem phim hoặc ngủ là tùy. Cách chiếu của Ngoài khuôn hình giống như bối cảnh xem phim chưởng tại nhà hồi thập niên 1980 - 1990, nơi một phòng khách nhỏ, một ti vi 14 inch có thể đủ sức “chen chúc” cho năm bảy chục người.
“Những câu chuyện Sài Gòn” Trong khuôn khổ của dự án Trạm ẩn/ hiện châu Á 2016 - 2017, còn có chương trình Những câu chuyện Sài Gòn, do nhà báo Phạm Thị Thu Thủy làm giám tuyển, báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đồng tổ chức. Dự án thực hiện nghiên cứu địa bàn quận 8 (TP.HCM) trong tháng 10, 11 và thực hiện trong tháng 12/2016. Quận 8 có nhiều khu dân cư của người Bắc di cư vào năm 1954, trong đó có nhiều khu còn chậm phát triển, nên tự nhiên còn giữ được nhiều hình ảnh, lối sống của Sài Gòn ngày trước. Trong chương trình này, các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài cùng thực hiện loạt tranh tường, với mong muốn khoác lên diện mạo mới cho một, hai đường phố, khu phố. Đây cũng là cách tìm kiếm sự tương tác, đối thoại giữa người dân địa phương và chương trình Những câu chuyện Sài Gòn. |
Thể thao & Văn hóa