Đi tìm liều 'thuốc đắng' sau tiêu cực ở giải U19 quốc gia
(Thethaovanhoa.vn) - Sự cố gây xôn xao dư luận tại giải đấu diễn ra ở Gia Lai đầu tháng 3 vừa qua đã khiến nhiều người liên tưởng đến những góc khuất của bóng đá trẻ nước nhà, không phải hiện tại mà từ trước đó rất lâu.
Tính từ sự cố đau đớn nhất chính là vụ bán độ của 7 cầu thủ U23 Việt Nam tại SEA Games 2005 trên đất Philippines, bóng đá Việt Nam mất đi những cái tên tài năng nhất như Văn Quyến, Quốc Vượng… nhưng bài học đó không hề có nhiều giá trị với những cầu thủ sau này.
Điển hình đến năm 2010, dư luận râm ran trường hợp những cầu thủ U19 Việt Nam “dính chàm” ở giải U21 quốc tế diễn ra tại sân Thống Nhất (TP.HCM). Sự việc dù đánh động truyền thông năm đó nhưng lại rơi vào bặt tăm vì câu hỏi muôn thuở “bằng chứng đâu”.
Cái tên chính trong vòng xoáy nghi ngờ năm đó là Thế Sơn vẫn thi đấu bình thường như chưa có gì xảy ra. Để rồi 4 năm sau, cầu thủ này cùng nhóm 5 cái tên ở Đồng Nai khác bị ra tòa vì tiêu cực ở V-League.
Cũng trong năm này, vụ bán độ của các cầu thủ Ninh Bình tại AFC Cup bị phanh phui. Một loạt cái tên, có cả nhiều tuyển thủ quốc gia, bị đưa ra ánh sáng và 15 cầu thủ Đồng Nai, Ninh Bình bị cấm thi đấu vĩnh viễn.
5 năm sau, ở vòng loại U19 quốc gia 2019, VFF phát đi thông báo cảnh cáo về thái độ thi đấu tiêu cực của đội U19 Phú Yên với U19 Hà Nội. Đó là tình huống cầu thủ Hà Nội dễ dàng ghi bàn vào lưới trống khi cầu thủ Phú Yên không buồn thi đấu.
Và thời gian còn lại, U19 Phú Yên chủ động không lên tấn công tìm kiếm bàn thắng mà chuyền bóng qua lại bên phần sân nhà.
Một trận thua như kịch bản đã được sắp đặt và trong ý muốn của U19 Phú Yên. VFF trước đó cũng đã nhận được những thông tin cảnh báo từ trận này. Sau đó, lực lượng an ninh cũng đã được mời vào cuộc nhưng như trường hợp năm 2010 đã đề cập, mọi thứ lại chìm xuồng.
Không có những biện pháp răn đe tiếp tục và VFF có vẻ cũng bất lực nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Để rồi đến tháng 3 năm nay, sự cố tại Gia Lai lại khiến người làm bóng đá đau đầu.
Tuy nhiên, so với mùa giải 2019, lần này VFF đã chủ động hơn trong cách “xử” cả 2 đội U19 Đắk Lắk và U19 Bình Định. Chỉ 2 ngày sau khi trận đấu khép lại, đến ngày 7/3, văn bản kỷ luật đã được gửi đến thành viên 2 CLB này.
Phó Ban Kỷ luật VFF Phan Anh Tú cho biết án phạt đối với các cầu thủ của 2 đội U19 Bình Định và Đắk Lắk là cần thiết trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang hướng tới làm bóng đá sạch một cách triệt để.
Tuyển thủ U23 Việt Nam Êli Niê cùng nhiều HLV, cầu thủ khác của cả 2 CLB đã bị VFF đưa ra án phạt do thi đấu không đúng với khả năng trong trận, nhưng với riêng trường hợp HLV Cao Văn Dũng (HLV trưởng U19 Bình Định) thì dường như lại có chuyện phạt không đúng người.
Cụ thể, trợ lý HLV Nguyễn Thành Lợi là người trực tiếp dẫn U19 Bình Định dự vòng loại này, không phải HLV Cao Văn Dũng như đăng ký ban đầu, song trong quyết định kỷ luật của VFF thì người nhận án phạt đình chỉ quyền chỉ đạo 2 trận kế tiếp và phạt tiền 5 triệu đồng lại là ông Dũng chứ không phải ông Lợi.
Một điều khác mà thủ thành Êli Niê vừa quyết định kháng cáo là thủ môn sinh năm 2001 cho rằng mình chỉ mắc sai lầm chuyên môn đơn thuần. Khi đội nhà U19 Đắk Lắk đang dẫn U19 Bình Định đến 6-1, Êli Niê phát bóng không đúng vị trí của cầu thủ đội nhà, và tạo cơ hội cho cầu thủ U19 Bình Định dẫn bóng lên và căng ngang cho đồng đội ghi bàn gỡ 2-6 cuối trận.
Tính tới thời điểm hiện tại, khi thủ thành Êli Niê cùng người Đắk Lắk lẫn Bình Định yêu cầu vấn đề muôn thuở “bằng chứng đâu”, thì những người có trách nhiệm vẫn chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng.
Bức “tranh tối, tranh sáng” này làm lúng túng những người điều hành bóng đá Việt. Và có vẻ, vết xe đổ từ cách xử lý không rốt ráo trong quá khứ tiếp tục ám ảnh nền bóng đá khi vẫn chưa có 1 liều "thuốc đắng" thực sự để chữa trị căn bệnh đã kéo dài này.
Và dù vẫn chưa có câu trả lời chính thức, hiểm họa vẫn đang đe dọa bóng đá Bình Định khi nhà tài trợ tiền tấn cho họ là Tập đoàn Hưng Thịnh sẵn sàng dừng tài trợ cho đội bóng này vì ảnh hưởng đến thương hiệu nếu có tiêu cực xảy ra.
Sau nhiều năm lận đận, bóng đá Bình Định tưởng chừng sẽ khởi sắc với núi tiền đầu tư của Tập đoàn Hưng Thịnh, thì giờ họ lại bất an từ chính thế hệ được coi là tương lai của nền bóng đá.
Tương tự, nhìn rộng hơn, với giấc mơ World Cup 2026 tính từ thế hệ U19 hiện tại, bóng đá nước nhà không biết sẽ trông mong gì qua bức tranh giải trẻ hiện tại.
Việt Hà