Đi tìm chiếc xe hơi cổ của Trịnh Công Sơn
Tôi lên Đà Lạt để thăm người bạn nhạc sĩ đã lâu không gặp, Trương Lê Sơn, anh đã định cư ở đây 5 năm qua cùng gia đình. Đây cũng là dịp để ngắm lại chiếc xe hơi cổ trứ danh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vốn từ lâu không còn lăn bánh ở Sài Gòn.
Khi dọn nhà từ Sài Gòn lên thành phố hoa sinh sống, một trong những việc quan trọng của nhạc sĩ Trương Lê Sơn là phải đem chiếc xe Fiat 127, ra đời từ năm 1971. Đây là chiếc xe từng gây chú ý cách đây hơn 15 năm, khi nó được rao bán. Người sở hữu nó đến tận bây giờ chính là Trương Lê Sơn.
Lai lịch một chiếc xe
Đây là chiếc xe của hãng Fiat (Italy), Series 127,sản xuất từ năm 1971 đến 1983. Chiếc xe này thuộc thế hệ đầu tiên của Fiat 127, sản xuất năm 1971. Sau khi ra mắt không lâu, Fiat 127 từng được bình chọn là xe hơi của năm tại châu Âu năm 1972. Vài năm sau đó, nó là một trong những mẫu xe bán chạy nhất thị trường này. Hẳn nhiên những thành tích này cũng đã khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bị thuyết phục, nên chọn mua vào năm 1974.
Sau khi sử dụng chiếc xe gần 20 năm, Trịnh Công Sơn đã bán lại cho một người bà con xa, đó là gia đình bà Đặng Thị Kim Thảo, một người hoạt động trong giới văn nghệ, giữ vai trò quản lý ca sĩ, sản xuất băng đĩa…Trịnh Công Sơn gọi ba bà Thảo là cậu.
Sở hữu chiếc xe trong thời gian từ năm 1993 đến năm 2007 thì gia đình bà Thảo rao bán. Khi hay tin, Trương Lê Sơn, một nhạc sĩ có nhiều sáng tác quen thuộc được giới trẻ ưa thích như Đêm định mệnh, Vắng anh mùa Đông, Tầm gửi… đã quyết định gom góp tiền, thậm chí vay mượn thêm người thân, để có thể kịp sở hữu chiếc Fiat 127 đặc biệt ấy.
Vì khi Fiat 127 được rao bán, đã gây ít nhiều xôn xao, đã có không ít người, đặc biệt giới chơi xe cổ, nhăm nhe muốn sở hữu chiếc xe hiếm có này.
Bởi đây là chiếc xe cổ gần như duy nhất, từng thuộc sở hữu của Trịnh Công Sơn, mà còn lại đến nay. Ngoài giá trị vốn có của một chiếc xe cổ, chiếc xe đã 52 năm tuổi này còn có giá trị sưu tầm rất cao, khi giấy đăng ký chính chủ Trịnh Công Sơn với biển kiểm soát 52M-8007. Địa chỉ của nhạc sĩ vẫn còn ghi rõ trong cà-vẹt xe, trên "con đường Duy Tân cây dài bóng mát", số 47C (tức là đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay), nơi ngôi nhà ông ở đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Chiếc xe vô giá
Trương Lê Sơn lấy chiếc Fiat chở tôi chạy một vòng hồ Xuân Hương, rồi chạy loanh quanh các con đường dốc lên xuống uốn lượn quen thuộc của Đà Lạt. Chiếc xe có tuổi đời già hơn nửa thế kỷ vẫn chạy rì rầm, đều đều tiếng máy nổ hơi to quen thuộc, leo các con đường đồi dốc chậm rãi, thong dong như thể không gian đang chậm lại theo ngày tháng cũ.
Trương Lê Sơn vẫn luôn dành thời gian rảnh rỗi để chạy xe lang thang khắp miền núi đồi Đà Lạt như một thú vui riêng có của mình. Anh đã phải thuê xe chuyên dụng để đưa chiếc Fiat từ Sài Gòn lên Đà Lạt, rồi đem xuống huyện Đức Trọng bảo dưỡng toàn bộ, làm thủ tục đăng kiểm, trước khi leo đèo Prenn ngon lành trở về lại Đà Lạt.
Tuy là xe nhỏ, nhưng khi xưa Fiat 127 có tiếng về tỷ lệ không gian sử dụng, khi 80% diện tích sàn dành cho người ngồi trên xe và hành lý. Quả thật là khi tôi ngồi vào, chiếc 127 trông vẻ ngoài nhỏ nhắn, nhưng bên trong khá thoải mái. Bốn người của thời hiện tại ngồi vào vẫn không thấy bất tiện, gò bó. Ngoại hình của Trương Lê Sơn vốn cao lớn, mà ngồi vào sau vô-lăng vẫn thấy gọn bâng. Với vóc dáng thư sinh, gầy gò của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong sự hình dung của tôi, có lẽ không thành vấn đề gì.
Thể hiện sự mến mộ của mình đối với nhạc sĩ tiền bối họ Trịnh, Trương Lê Sơn đã nhờ nhóm Kzak - các nghệ sĩ vẽ Airbrush - để vẽ lại nhạc bản trứ danh Diễm xưa lên nắp ca-pô xe. Phía sau cốp xe là thủ bút của Trịnh Công Sơn, cùng ký họa chân dung của ông. Màu xe vẫn được giữ đúng màu gốc ban đầu.
Sở hữu chiếc xe này đã hơn 15 năm, Trương Lê Sơn không hề có ý định sang tên chủ sở hữu cho mình. Anh cho biết, chiếc xe chỉ đặc biệt ý nghĩa khi nó còn giấy tờ gốc của người nhạc sĩ tài danh.
Trương Lê Sơn không chắc mình sẽ giữ được chiếc xe này suốt đời.Anh nói: "Biết đâu nó sẽ gặp người hữu duyên hơn thì sao. Nhưng hiện tại, tôi rất yêu chiếc xe và không hề muốn bán, dù vẫnthường có người hỏi mua".
Tôi thử hỏi Trương Lê Sơn thử đoán giá cả chiếc xe như thế nào? Anh cười, cho biết: "Bây giờ thì chiếc xe là vô giá, kỷ vật này chỉ người mê nó mới nhận ra giá trị của nó! Xe cổ cũng như đồ cổ, bao giờ cũng là món hàng siêu giá đến vô giá. Nhất là những chiếc xe theo thời gian càng trở nên đặc biệt, như chiếc Fiat 127 này".
Kỷ niệm riêng có
Nhà của Trương Lê Sơn ở trên khúc quanh của một con dốc ở Đà Lạt. Đi dạo một vòng, chúng tôi trở về nhà trước lúc cơn mưa chiều ập tới. Trong căn nhà của anh, ngồi nhìn ra con dốc cong cong đặc trưng của Đà Lạt, chiếc Fiat nhỏ nhắn đậu ngoài phố vắng tanh, cái màu rượu chát sậm của nó vẫn thấy rõ trong mưa trắng xóa, kiên trì một mình như đứng đợi ai. Những hạt mưa gõ tong tong trên nắp ca-pô xe, nơi có bản nhạc Diễm xưa, với nguyên mẫu thủ bút của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Quán cà phê bên cạnh chợt vang lên giọng hát Khánh Ly: "… chiều này còn mưa, sao em không lại, nhớ mãi trong cơn đau vùi"…
Tôi bất giác nhớ lại những câu chuyện văn nghệ cũ, ngày xưa khi ông Trịnh Công Sơn gặp ca sĩ Khánh Ly ở Đà Lạt. Một ngày cuối tháng 3 của năm 1965, trong một lần trở lại Đà Lạt để thu âm một ca khúc của mình, do Khánh Ly hát. Như một trang sách đã viết, đại ý: Một ngày cũng có trận mưa đá rơi trong chiều tháng 3 năm ấy, đã khiến thành phố như thể có tuyết, như thể có ai đổ ngăn đá tủ lạnh ra đường vậy.
Giá ước định hiện nay
Nội thất bên trong đã bọc nệm cho phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện tại. Xe vẫn giữ bộ khung chắc chắn, với nhiều chi tiết nguyên bản. Màu sơn xe khi đại tu cũng được sơn theo đúng màu gốc. Thời điểm cách đây 14 năm, chiếc xe đã được các thành viên của một diễn đàn xe hơi ước giá tầm 30.000USD. Nay thì giới chơi xe cổ ước định giá còn cao hơn rất nhiều lần.