Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trong hành trình trở thành di sản thế giới
Mới đây, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết, trong quá trình khảo sát thực hiện hồ sơ khoa học trình Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Quần thể di tích di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản văn hóa thế giới”, các chuyên gia của Việt Nam và UNESCO đều đánh giá, khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đáp ứng rất tốt các tiêu chí của di sản thế giới, đề cao tính xác thực, tính toàn vẹn của di tích.
Đây là điều kiện thuận lợi để khu di tích này có cơ sở cho hành trình trở thành một di sản thế giới, đáp ứng mong mỏi và niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung và người dân tỉnh Hải Dương nói riêng.
Vùng đất địa linh, nhân kiệt
Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) được biết đến như một địa chỉ văn hóa tâm linh quan trọng trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Sự giàu có về các giá trị văn hóa vật thể hội tụ cùng những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc thể hiện ở các lễ hội gắn với di tích là lý do nơi đây thu hút hàng chục vạn lượt du khách mỗi năm.
Khu di tích bao gồm hai khu vực chính là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc. Nếu như chùa Côn Sơn được biết đến là chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm và là nơi lưu dấu cuộc đời vị danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi thì đền Kiếp Bạc gắn với tên tuổi người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với kỳ tích 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Trải qua bao biến thiên lịch sử, các di tích và những lễ hội truyền thống ở Côn Sơn – Kiếp Bạc còn vẹn nguyên các giá trị và có sức thu hút đặc biệt.
Nỗ lực bảo tồn
Giữa những ngày thu tháng 9/2022, chị Nguyễn Thị Yến (ở Yên Bái) hòa trong dòng người tấp nập về đền Kiếp Bạc. Chị Yến nhận thấy, so với 10 năm trước, khi chị lần đầu về đây, di tích nay đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh nét cổ kính, trang nghiêm là các vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh được chăm sóc cẩn thận xanh tươi đầy sức sống.
Cảm nhận của chị Yến cũng là nhận xét của đa số du khách đến với Côn Sơn – Kiếp Bạc thời gian gần đây. Điều đó phần nào minh chứng cho hiệu quả của công tác bảo tồn di tích được tỉnh Hải Dương triển khai suốt những năm qua. Cùng với nỗ lực bảo vệ các di tích hiện hữu, Hải Dương đã nghiên cứu, phục dựng các công trình kiến trúc của di tích từng có trong lịch sử, dựa theo những tư liệu và kết quả khảo cổ học.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương Nguyễn Trường Thắng, thực hiện Quyết định số 920/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, Hải Dương đã phục dựng các công trình kiến trúc tại đền Kiếp Bạc và chùa Côn Sơn. Việc phục dựng đều tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật Di sản văn hóa và các tiêu chí xếp hạng di sản thế giới của UNESCO.
Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc Lê Duy Mạnh cho biết thêm: “Các di tích đã được tu bổ, tôn tạo đúng với các hệ thống di tích đã ghi trong văn bia và các tài liệu lịch sử. Tại di tích Côn Sơn, đã khôi phục lại gác chuông, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hậu đường, Lầu thờ Đức Phật Quán thế âm Bồ Tát, Am Bạch Vân. Tại di tích Kiếp Bạc, đã khôi phục lại nhà giải vũ, đền chính và các di tích liên quan đến thái ấp Vạn Kiếp của Đức Thánh Trần ở thế kỷ XIII…”
Cùng với đó, công tác bảo tồn, nâng cấp lễ hội chùa Côn Sơn vào tháng giêng, lễ hội đền Kiếp Bạc vào tháng tám âm lịch hàng năm cũng được Hải Dương quan tâm. Thực hiện Đề án nâng cấp lễ hội từ năm 2006, Hải Dương đã phục dựng các nghi lễ, diễn xướng hầu Thánh, Hội quân trên sông Lục Đầu, lễ tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn... Đến năm 2012, Côn Sơn – Kiếp Bạc đã được xếp hạng là di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Côn Sơn và Lễ hội đền Kiếp Bạc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia.
Công tác bảo tồn di tích cũng được chính quyền địa phương tham gia tích cực và trách nhiệm. Lê Lợi là một trong hai xã có di tích nằm trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Luận, Bí thư Đảng ủy xã Lê Lợi chia sẻ: “Chúng tôi đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã hàng năm phối hợp với Ban Quản lý di tích tổ chức tốt hai kỳ lễ hội mùa Xuân và mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc như: cử người tham gia thực hiện các nghi lễ trong lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… Đồng thời, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động nhân dân, hội viên nâng cao ý thức trong giữ gìn, phát huy tốt các giá trị của di tích. Gần đây nhất là vận động nhân dân ủng hộ chủ trương mở rộng tuyến đường vào Côn Sơn – Kiếp Bạc”.
Phát huy các giá trị của di tích
Hiện nay, mỗi năm, khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc thu hút hàng chục vạn lượt du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Riêng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2022, có trên 7,2 vạn lượt khách về với di tích. Để nơi đây trở thành một địa chỉ tâm linh có sức hấp dẫn với nhân dân cả nước, bên cạnh công tác bảo tồn, Hải Dương đã làm tốt công tác thông tin, quảng bá để giá trị của di tích được lan tỏa và ngày càng phát huy.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương Nguyễn Trường Thắng cho biết: Chúng tôi cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá trị văn hóa, về công tác duy tu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản cho cán bộ các cấp, đội ngũ làm tại Ban Quản lý di tích.
Để nâng tầm giá trị của di tích, hiện nay, tỉnh Hải Dương cùng hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang đang khẩn trương phối hợp xây dựng Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đến tháng 8/2022, việc xây dựng Hồ sơ đã hoàn thành giai đoạn 1. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã thống nhất điều chỉnh lùi tiến độ xây dựng Hồ sơ 12 tháng so với kế hoạch đã được phê duyệt nhằm đảm bảo chất lượng hồ sơ.
Theo ông Lê Duy Mạnh, Ban Quản lý di tích cũng phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu thám sát và khai quật khảo cổ học tại chùa Thanh Mai và chùa Huyền Thiên, chùa Sùng Nghiêm thuộc thành phố Chí Linh. Đồng thời, phối hợp với Viện Địa chất khảo sát toàn bộ các di tích của Chí Linh liên quan đến căn cứ Vạn Kiếp và Thái ấp Vạn Kiếp của Đức Thánh Trần ở thế kỷ XIII.
- Hải Dương: Khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2019
- Yên Tử và Côn Sơn - Kiếp Bạc chung hồ sơ di sản thế giới
- Côn Sơn - Kiếp Bạc đón hơn 7 nghìn du khách
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, Ban Quản lý đã chỉnh trang lại di tích, di chuyển hàng quán, hoàn thiện lại hồ sơ liên quan, đặc biệt là các hồ sơ khai quật khảo cổ học tại di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc từ năm 1972 đến nay.
Cùng với đó, đơn vị đã hoàn thiện các biển, bảng tuyên truyền bằng tiếng Anh và tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của Ban Quản lý và Fanpage để quảng bá đến đông đảo nhân dân về giá trị của di tích, về danh nhân và vùng đất Chí Linh gắn với thiền phái Trúc Lâm và cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ XIII.
Hy vọng rằng Quần thể di tích sẽ sớm được công nhận là di sản thế giới. Đây sẽ là danh hiệu xứng tầm với những giá trị về nhiều mặt của Quần thể di tích nói chung, Côn Sơn – Kiếp Bạc nói riêng. Điều này cũng đáp ứng mong mỏi và niềm tự hào của của người dân Việt Nam nói chung và người dân tỉnh Hải Dương nói riêng.
Mạnh Minh/TTXVN