Đền thiêng nơi biên giới
(Thethaovanhoa.vn) - Lên Lào Cai, chúng tôi đến viếng đền Mẫu và đền Thượng là hai ngôi đền thiêng ở sát cửa khẩu.
Đền Mẫu thờ Liễu Hạnh công chúa, được xây dựng từ thế kỷ 18 và đã qua một số lần trùng tu. Đển còn thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười... Dưới các triều đại phong kiến, đển đã được sắc phong ba lần.
Đền Mẫu toạ lạc ngay sát cột mốc biên giới quốc gia số 102, bên cửa khẩu Lao Cai. Cùng với việc thờ các thánh, đền Mẫu còn có ý nghĩa khẳng định vị trí, chủ quyền lãnh thổ của quốc gia như một cột mốc lịch sử nơi biên cương của tổ quốc. Lễ chính của đền được tổ chức vào 3 tháng Ba âm lịch hàng năm. Năm 2011 đền được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Đền Thượng cách không xa đền Mẫu, còn gọi là Thánh Trần Từ, thờ Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo. Đền được xây dựng từ thời Lê, cuối thế kỷ 17- đầu thế kỷ 18, trên núi Mai Lĩnh. Sinh thời Trần Hưng Đạo từng chọn địa điểm này làm nơi hoả hiệu cho quân đội chống giặc phương bắc. Đền có cây đa trên 300 năm tuổi, được công nhận là cây di sản của Việt Nam.Phía sau đền là chùa Phương Đình, có bia đá ghi sự tích đền và công đức của Trần Hưng Đạo.
Tại Tam quan nội của đền phía trước có treo bức hoành phi “Văn hiến tự tại”, hai bên có hai câu đối: “Việt khí linh đài hoành không lập, Đông A hào khí vạn cổ tồn” (Nước Việt đài thiêng vắt ngang trời; Nhà Trần hào khí còn muôn thủa). Phía sau Tam quan nội có treo bức hoành phi “Quốc thái dân an” và hai câu đối: “Thiên địa dịu y, thiên địa cựu; Thảo hoa kim dị, thảo hoa tiền” (Trời đất vẫn nguyên trời đất cũ; Cỏ hoa nay khác cỏ hoa xưa).
Lễ hội đển Thượng vào Rằm tháng Giêng, ngoài ra có lễ dâng hương vào 20 tháng Tám âm lịch là ngày Giỗ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đền được công nhận là di tích quốc gia năm 1996.
Trần Mai Hưởng