'Demon Slayer': Điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh toàn cầu thời đại dịch
(Thethaovanhoa.vn) - Demon Slayer (Thanh gươm diệt quỷ) của Nhật Bản là 1 trong 27 phim hoạt hình được chọn cho cuộc đua giành đề cử Oscar Phim điện ảnh hoạt hình 2021. Đáng nói nữa, Demon Slayer đã “đánh bại” kỷ lục gần 2 thập kỷ của quả bom tấn Spirited Away để trở thành phim ăn khách nhất xứ Phù tang.
Danh sách đề cử Oscar sẽ được công bố vào ngày 25/3. Nếu được đề cử, Demon Slayer sẽ là anime thứ 6 trong 2 năm qua được đề cử, trước đó là Mirai của Studio Chizu.
Các phim hoạt hình khác lọt vào danh sách rút gọn cho đề cử Oscar năm nay là Soul của Disney, Earwig And The Witch của Studio Ghibli (do Goro Miyazaki đạo diễn) và The Croods: A New Age (Gia đình Croods: Kỷ nguyên mới) của DreamWorks Animation.
Một hiện tượng văn hóa thời đại dịch
Demon Slayer được dàn dựng dựa trên bộ truyện tranh của họa sĩ Nhật Bản Koyoharu Gotouge từng được in trên Weekly Shonen Jump từ năm 2016 đến năm 2020. Phim có bối cảnh trong thời kỳ Đại Chính (Taisho; 1912-1926) với nhân vật chính là Kamado Tanjiro, cậu bé tốt bụng, thông minh sống cùng với gia đình trên núi và kiếm tiền bằng cách bán than củi.
Nhưng khi xuất hiện nhiều tin đồn về việc loài quỷ ăn thịt người đang ẩn nấp trong rừng, người dân trong những làng gần đó không dám ra ngoài vào ban đêm. Và tất cả đã thay đổi khi gia đình Tanjiro bị quỷ tấn công, tàn sát và em gái cậu, Nezuko, nằm trong số những người duy nhất còn sống sót sau vụ việc đó. Nhưng Nezuko giờ đã bị biến thành quỷ song đáng ngạc nhiên là cô bé vẫn có những cảm xúc và suy nghĩ của con người.
Tanjiro quyết định tham gia đội diệt quỷ sau khi được Thủy trụ Tomioka Giyu giới thiệu cho Urokodaki Sakonji, một cựu Trụ cột, để rèn luyện trở thành một kiếm sĩ diệt quỷ nhằm giúp em gái cậu trở lại thành người, đồng thời trả thù cho sự mất mát của gia đình cậu.
Có điều, bộ truyện này không trở thành một hiện tượng văn hóa đại chúng cho đến khi nó được studio Ufotable (có trụ sở tại Tokyo) chuyển thể thành một bộ anime cho truyền hình.
Phim dài 26 tập được phát sóng trên Tokyo MX và các kênh khác vào năm 2019 và trở thành loạt phim ăn khách khi được phát sóng lại trên Netflix và Fuji TV. Sức ăn khách của loạt phim đã khơi dậy sự quan tâm của công chúng đến bộ truyện và nhờ đó Demon Slayer đã trở thành bộ truyện bán chạy nhất. Tính đến tháng 12/2020, bộ truyện tranh Demon Slayer đã bán được gần 120 triệu bản với 22 tập đầu.
Khi bộ phim chuyển thể trên màn ảnh rộng của Ufotable ra rạp Nhật Bản vào mùa Thu năm 2020, phim đã có đủ các điều kiện đã chín muồi để đạt được thành công doanh thu phòng vé. Thời điểm đó, các rạp chiếu phim khắp Nhật Bản đã mở cửa trở lại hoàn toàn sau một thời gian ngắn ngừng hoạt động vì Covid-19. Trong khi đó, các hãng phim Hollywood đã hoãn hầu hết các bộ phim của họ cho đến năm 2021 nên Demon Slayer đã giảm thiểu được sự cạnh tranh ở nước ngoài và các rạp chiếu phim Nhật Bản đang cố gắng khai thác càng nhiều tiềm năng thu nhập càng tốt cho bom tấn địa phương.
Phim hoạt hình ăn khách nhất xứ Hoa anh đào
Theo tờ Japan Times, một tổ hợp rạp chiếu ở quận Roppongi của Tokyo đã chiếu Demon Slayer hơn 40 suất/ngày. Kết quả là Demon Slayer đã phá vỡ gần như mọi kỷ lục phòng vé lớn của Nhật Bản, trở thành một hiện tượng văn hóa ở xứ Mặt trời mọc.
Trong bối cảnh ấy, Demon Slayer là một “điểm sáng” hiếm hoi trong một năm đầy cố gắng của ngành điện ảnh toàn cầu. Bộ phim đã phá vỡ các kỷ lục tại Nhật Bản kể từ khi công chiếu vào ngày 16/10/2020, bao gồm doanh thu 1 ngày lớn nhất (1,2 tỷ yên, tương đương 11,3 triệu USD) và doanh thu 3 ngày cuối tuần công chiếu lớn nhất từ trước đến nay (4,6 tỷ yên, tương đương 44 triệu USD).
Thêm nữa, Demon Slayer cũng trở thành bộ phim nhanh nhất trong lịch sử phòng vé Nhật Bản đạt ngưỡng 10 tỷ yên và 100 triệu USD, đạt được những mốc đó chỉ trong 10 ngày.
Do đó, kỷ lục đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé mọi thời đại của Nhật Bản trong gần 2 thập kỷ của Spirited Away của nhà làm phim lừng danh Hayao Miyazaki đã bị “đốn gục” và lùi xuống vị trí thứ 2.
Tính đến cuối tháng 12/2020, Demon Slayer đã “bỏ két” được 32,47 tỷ yên (313,9 triệu USD), trong khi đó phim Spirited Away đã thu về được 31,68 tỷ yên kể từ khi được tung ra hồi năm 2001 và được tái phát hành hồi mùa Hè năm 2020.
Khơi lại truyền thống Nhật Bản
Nhiều hãng tin Nhật Bản cho rằng thành công của Demon Slayer có thể liên quan đến chủ đề về khả năng phục hồi trong thời gian thử thách thời đại dịch. Phim đã thu phục được người hâm mộ khi đề cập đến những truyền thống Nhật Bản đang mất dần.
Nhà bình luận phim Yuichi Maeda nhận định: “Nghĩa vụ của quý tộc, samurai... Những người ở trên đỉnh trở thành lá chắn cho những người yếu hơn, sử dụng sức mạnh để bảo vệ. Điều này đang mất đi ở Nhật Bản hiện đại”.
Phó giáo sư Yuka Ijima thuộc Trường Đại học Daito Bunka lưu ý rằng, ma quỷ lần đầu tiên xuất hiện trong văn hóa dân gian Nhật Bản như một biểu tượng của bệnh tật và nhận thấy thông điệp của câu chuyện đã gây được tiếng vang đối với khán giả.
“Nhìn chung, câu chuyện nêu bật tính kiên cường, về việc vượt qua những điều khủng khiếp và sức mạnh để làm điều đó” - Ijima nói.
Còn giáo sư Kaoru Endo, nhà xã hội học tại Đại học Gakushuin, cho rằng thông điệp của Demon Slayer tương tự như Spirited Away, khi một cô gái tự phát hiện ra khả năng của bản thân sau khi cha mẹ cô bị biến thành lợn - nhưng có một sự khác biệt quan trọng.
Theo Endo: “Tôi nghĩ rằng ý nghĩa ở đây là không phải là chúng ta phải chiến đấu để vượt qua mọi thứ hơn là chỉ cần sống là tốt, chỉ cần sống qua những hoàn cảnh khó khăn là đủ - và điều này đang giúp ích cho mọi người trong thời điểm này”.
Những người hâm mộ tập trung tại một rạp chiếu phim ở trung tâm thành phố Tokyo cũng đồng tình. Nhân viên văn phòng Yohei Suzuki (38 tuổi) nói: “Có rất nhiều người đang đau khổ trong hoàn cảnh hiện tại. Tôi không nghĩ câu chuyện được cố ý tạo ra cho những người như vậy nhưng nó có thể khiến mọi người vui lên”.
Việt Lâm (tổng hợp)