Delta – Biến thể mạnh nhất và đáng gờm nhất của virus SARS-CoV-2
(Thethaovanhoa.vn) - Delta là biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Đây là nhận định được 10 chuyên gia hàng đầu về COVD-19 đưa ra trong một cuộc phỏng vấn mới được hãng Reuters công bố.
Theo các chuyên gia trên, khả năng bảo vệ của các vaccine ngừa COVID-19 hiện nay vẫn rất mạnh mẽ, giúp giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng và phải nhập viện khi mắc các biến thể của virus SARS-CoV-2. Những người chưa được tiêm phòng vẫn thuộc diện nguy cơ cao nhất.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất hiện nay là biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, không phải ở việc nó khiến bệnh diễn biến nặng hơn, mà khả năng lây lan dễ dàng hơn, qua đó làm tăng số ca mắc và nhập viện ở những người chưa được tiêm chủng. Các chuyên gia cũng cho biết nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Delta có khả năng lây nhiễm ở những người đã được tiêm chủng đủ liều với tỷ lệ cao hơn so với các biến thể trước đó.
Nhà vi sinh vật học người Anh Sharon Peacock, người phụ trách công tác giải trình tự gene của các biến thể virus SARS-Cov-2 ở Anh, nhận định “nguy cơ lớn nhất đối với thế giới lúc này là Delta, biến thể mạnh nhất và có tốc độ lây lan nhanh nhất". Các virus liên tục phát triển thông qua đột biến, với các biến thể mới được sinh ra. Đôi khi những biến thể mới nguy hiểm hơn so với chủng gốc. Các chuyên gia về dịch bệnh cho rằng cho đến khi có thêm dữ liệu về sự lây truyền biến thể Delta, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp chống dịch khác ở các quốc gia có chiến dịch tiêm chủng rộng rãi.
Trước đó, ngày 23/6, Cơ quan Y tế Anh cho biết trong tổng số 3.692 bệnh nhân nhiễm biến thể Delta phải nhập viện có tới 58,3% người chưa được tiêm chủng và 22,8% đã được tiêm đủ liều. Tại Singapore, nơi biến thể Delta đang chiếm đa số ca mắc mới, các quan chức chính phủ ngày 23/6 thông báo 75% số ca mắc COVID-19 tại nước này là những người đã được tiêm chủng, mặc dù không ai bị bệnh nặng.
Trong khi đó, giới chức y tế Israel cho biết 60% các ca mắc COVID-19 phải nhập viện hiện nay là ở những người đã được tiêm chủng. Hầu hết trong số họ ở độ tuổi 60 trở lên và thường có bệnh lý nền. Còn tại Mỹ, nơi ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác, biến thể Delta chiếm khoảng 83% các ca mắc mới. Cho đến nay, những người chưa được tiêm chủng chiếm gần 97% các ca nặng.
Theo dữ liệu của Chính phủ Israel, vaccine của Pfizer Inc/BioNTech - một trong những loại vaccine hiệu quả nhất chống lại COVID-19 cho đến nay - chỉ đạt hiệu quả 41% trong việc khống chế số ca mắc có triệu chứng ở Israel trong tháng qua khi biến thể Delta lây lan mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia Israel cho rằng cần có thêm phân tích về thông tin này trước khi đưa ra kết luận. Trong khi đó, một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy những người nhiễm biến thể Delta có lượng virus tồn tại trong mũi nhiều hơn 1.000 lần so với chủng gốc được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán nước này hồi năm 2019.
- Chuyên gia Mỹ đề xuất tiêm liều vaccine phòng Covid-19 thứ ba
- Cập nhật dịch Covid-19 tối 26/7: Thêm 5.174 ca mắc mới, tổng số ca trong ngày là 7.882
- Xử lý nghiêm đối tượng đi xe máy từ Hà Nội về Quảng Ninh trốn trạm kiểm dịch Covid-19
Nhà virus học Shane Crotty thuộc Viện Miễn dịch học La Jolla ở San Diego (Mỹ) lưu ý rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu ở Anh. Còn chuyên gia Eric Topol, Giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California (Mỹ), lại lưu ý rằng biến thể Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn cùng số lượng hạt virus cao hơn nhiều và đây là một thách thức. Ông khuyến cáo những người đã được tiêm chủng vẫn cần cẩn thận, duy trì các biện pháp bảo vệ sức khỏe cá nhân.
Sự phát triển các loại vaccine với hiệu quả phòng bệnh cao dường như đã khiến nhiều người có tâm lý chủ quan, tin rằng dịch COVID-19 không còn là mối đe dọa lớn đối với họ một khi đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, Giáo sư Y khoa và dịch tễ học Carlos del Rio thuộc Đại học Emory ở Atlanta, lưu ý khi vaccine lần đầu tiên được phát triển, không ai nghĩ rằng chúng sẽ ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Mục đích của vaccine luôn là để ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng và nguy cơ tử vong. Các loại vaccine đã phát huy hiệu quả đến mức người ta tin rằng vaccine cũng có thể ngăn ngừa lây nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2, song điều này là sai lầm.
Tiến sĩ Monica Gandhi, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, cho biết người dân có thể thất vọng vì vaccine không thể 100% ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, bà nhận định thực tế rằng gần như tất cả bệnh nhân ở Mỹ phải nhập viện vì mắc COVID-19 đều chưa được tiêm chủng, qua đó cho thấy việc tiêm vaccine vẫn mang lại “hiệu quả tương đối đáng kinh ngạc”.
TTXVN