Đề xuất trang bị trực thăng chữa cháy các tòa nhà cao tầng
Ngày 15/10, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Tính khả thi và thực tiễn thi hành chính sách đối với các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8”. Đó là hai dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Đề cập đến đặc điểm Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là hẻm sâu, nhà cao tầng, nhiều xe điện, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân nêu những thuận lợi, khó khăn và thách thức trong công tác phòng chống cháy nổ hiện nay so với 20 năm trước; đồng thời, nêu phương án trực thăng chữa cháy khi xảy ra các vụ cháy tại khu nhà cao tầng...
Từ thực tiễn nhiều vụ cháy trong các tòa nhà cao tầng, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều tầng hầm để xe như những "quả bom nổ chậm”. Bên cạnh đó, với những nhà cao tầng, xe chữa cháy không thể tiếp cận, cần có giải pháp cụ thể như trực thăng chữa cháy. Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07), hiện Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 2.000 nhà cao từ 10 tầng trở lên và có tòa nhà cao nhất Việt Nam với 81 tầng.
“Các tiêu chuẩn, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy ở nhà cao tầng tại Thành phố Hồ Chí Minh rất chặt chẽ, phù hợp với xu hướng thế giới. Tuy nhiên, các xe thang chữa cháy ở các nước phát triển cũng không quá 60m. Do vậy, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy thì ngoài xe thang cần có những giải pháp khác”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm cho biết.
Về trang bị trực thăng chữa cháy, Đại tá Huỳnh Quang Tâm cho rằng, giải pháp này là cần thiết nhưng nếu chỉ phục vụ cứu nạn cứu hộ, chữa cháy thì chưa phù hợp và hiệu quả. Trực thăng có thể sử dụng để phục vụ nhiều tình huống khẩn cấp khác. Tuy nhiên, thiết kế nhà cao tầng hiện nay chưa được bố trí bãi đáp trực thăng, do đó cần xem xét để đưa vào dự thảo Luật với nội dung này.
Đối với tình trạng mua bán người hiện nay, nhiều đại biểu nhìn nhận có dấu hiệu gia tăng. Thời gian qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cùng các sở, ngành chức năng đã tập trung xử lý quyết liệt. Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PC02) cho biết, các đối tượng lợi dụng tình hình khó khăn của người mẹ, thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội, để nhận con nuôi và gửi lại cho gia đình khoảng 15-20 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng sẽ rao bán đứa trẻ. “Những kẻ buôn bán người cấu kết giả mạo giấy tờ, đăng ký khai sinh, hợp thức hóa việc mua bán này. Thậm chí có những trường hợp lợi dụng việc mua bán này để trốn thi hành án”, Thượng tá Lê Duy Sâm chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, năm 2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố một vụ, 6 bị can liên quan đến mua bán người. Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị này đã lập 2 chuyên án, khởi tố 17 bị can, giải cứu 52 nạn nhân, hầu hết là trẻ sơ sinh. Riêng với trường hợp mua bán người dưới 16 tuổi, đa phần do các em buông thả, lười lao động nên bị dụ dỗ đi làm việc nhẹ lương cao rồi đưa vào cơ sở karaoke, massage. Những kẻ buôn bán người sẽ cho vay tiền lãi suất cao hay ép phải làm việc trả nợ…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất tăng cường tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để người dân nắm. Đồng thời, khuyến cáo những cặp vợ chồng hiếm muộn có nhu cầu xin con nuôi nên liên hệ các cơ quan chức năng để được giao nhận con nuôi đúng quy định pháp luật. Các đại biểu cũng đề xuất các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; mua bán người…