Đề xuất Nhà nước quy định giá trần sách giáo khoa
Công tác xây dựng pháp luật là nội dung trọng tâm trong ngày 2/11- ngày làm việc thứ 11 của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Hầu hết đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Thảo luận tại tổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi - đại diện cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra hai dự án Luật này cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xem xét tập trung sửa đổi, bổ sung 7 nhóm chính sách lớn về giao dịch đặc thù, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sự tham gia của các tổ chức xã hội, những vấn đề về giải quyết tranh chấp và trách nhiệm về quản lý Nhà nước.
Về khái niệm người tiêu dùng, dự thảo Luật bỏ đối tượng tổ chức, trong khi luật hiện hành vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần làm rõ nội dung này để tạo sự thống nhất đối với những đối tượng được quy định tại dự thảo Luật.
Cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Hiển (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, phạm vi điều chỉnh của luật mở rộng cho tất cả các lĩnh vực: Dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Tuy phạm vi điều chỉnh rất rộng, nhưng nội hàm quy định trong luật chưa thực sự đáp ứng được hết, chưa có đủ cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử đối với các lĩnh vực liên quan đến quy định trong các luật yêu cầu giao dịch bằng văn bản; ví dụ như trong lĩnh vực đất đai, dân sự, thừa kế và nhiều lĩnh vực khác.
Đại biểu nêu rõ, tại khoản 3, Điều 36 của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử. Song thực tiễn cho thấy, đây là nội dung liên quan đến kỹ thuật, nhưng chưa có mối liên hệ giữa nội dung này với quy định về các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự.
Trong phiên làm việc chiều 2/11, thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo là bảo đảm tính đầy đủ của các quy trình, thủ tục để tiến hành kỳ họp Quốc hội, mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học, hợp lý, hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế.
Liên quan đến tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội, dự thảo Nghị quyết quy định, những tài liệu thuộc về bí mật Nhà nước sẽ lưu hành văn bản giấy. Tán thành phương thức lưu hành này, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, trên thực tế có những tài liệu gửi cho Quốc hội có nhiều thông tin phong phú, ơ trong đó chỉ có vài con số, thông tin thuộc bí mật Nhà nước, nhưng lại đóng dấu mật toàn bộ tài liệu. Điều này sẽ gây khó khăn nhất định cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, khai thác, sử dụng. Do đó, đại biểu kiến nghị bổ sung nội dung: giao Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì phối hợp các cơ quan rà soát, trong trường hợp tài liệu chỉ có một vài thông tin mật, đề nghị tách riêng các thông tin này để lưu hành theo chế độ tài liệu mật, không đóng dấu toàn bộ văn bản.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị cần có quy định cụ thể về thời gian, chế tài mạnh mẽ hơn để tài liệu phải được gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn, có như vậy mới giúp các đại biểu đóng góp hiệu quả hơn vào các quyết định của Quốc hội. Trừ trường hợp đặc biệt, cấp bách, kiên quyết không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn; không bố trí vào chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội với những dự án, dự thảo được đề nghị bổ sung sát phiên họp, kỳ họp.
Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi).
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều. So với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương, gồm: Chương III về nội dung quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước; Chương V về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và Chương VII về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.
- Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Sử dụng mạng xã hội hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ
- Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Thực hiện quy trình công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữ kỷ luật Đảng và Nhà nước
- Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV
Chính phủ đề nghị bổ sung hai mặt hàng vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gồm: Sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cơ quan thẩm tra đánh giá, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu và giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng; tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí như dự thảo Luật, theo đó Nhà nước quy định giá bán tối đa (giá trần); không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm lợi ích của người dân; đồng thời đề nghị tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện, bảo đảm tuyệt đối không để thông đồng giá.
TTXVN