Để vịnh Lăng Cô thành khu du lịch biển đẳng cấp quốc tế
(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với Vịnh Hạ Long và Nha Trang, Lăng Cô là vịnh thứ ba của Việt Nam được kết nạp vào Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới. Những giá trị của thiên nhiên kiến tạo nên vùng vịnh Lăng Cô không chỉ là "thương hiệu du lịch biển" của Thừa Thiên-Huế mà còn mở ra nhiều triển vọng về một khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế.
Vịnh Lăng Cô có bãi tắm dài 13 km, cát trắng mịn, thoai thoải, nước trong xanh, nằm cách thành phố Huế 60 km về phía Bắc và cách thành phố Đà Nẵng 40 km về phía Nam. Vịnh nằm giữa một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn vươn ra biển, với phía Nam là đèo Hải Vân và phía Bắc là đèo Phú Gia. Ở đây, núi chạy dài ra biển và viền dưới là dải cát dài trắng mịn tuyệt đẹp, gần như còn nguyên sơ...
Tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại hình du lịch
Là vịnh biển gần như kín, có độ sâu tương đối đồng đều với diện tích 150 km2, Lăng Cô nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, tương đối ôn hòa. Xa xa là những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên những dãy núi nhấp nhô, nằm giữa núi rừng và biển là đầm nước lợ Lập An trải rộng trên địa bàn, với hệ động thực vật phong phú. Nơi đây, phát triển nhiều diện tích nuôi ốc hương, vẹm xanh, cá giò và một số loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá dìa, cá hồng… để làm cơ sở dịch vụ hậu cần cho du lịch phát triển.
Lăng Cô là nơi chuyển tiếp giữa vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, có núi, sông, biển, đảo, đầm phá. Vịnh vừa có vùng nước mặn, vừa có vùng nước lợ, tạo nên môi trường sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật biển quý hiếm, có giá trị kinh tế và đa dạng sinh học cao. Với sự đa dạng sinh thái, Lăng Cô đã được đưa vào danh sách 15 khu bảo tồn biển Việt Nam với 5 hệ sinh thái: Hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều đá, hệ sinh thái vùng triều cát và hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Trong phạm vi bán kính khoảng 150 km, Lăng Cô còn là tâm điểm của một vùng tập trung 4 di sản thế giới: Quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, di sản thiên nhiên Phong Nha-Kẻ Bàng, cùng nhiều danh thắng nổi tiếng nhất của khu vực. Với các điều kiện đó, Lăng Cô có khả năng kết nối chuỗi đô thị từ Huế-Chân Mây-Lăng Cô-Đà Nẵng-Hội An trên hành trình “Con đường di sản miền Trung”.
Tất cả những yếu tố trên đã mang lại cho Lăng Cô tiềm năng to lớn để phát triển nhiều loại hình du lịch như nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái vùng đầm phá, thể thao leo núi, sân gôn, lặn biển, thám hiểm rừng nhiệt đới, làng nghề...
Phát triển vịnh Lăng Cô thành khu du lịch biển đẳng cấp quốc tế
Trước đây, người ta biết đến Lăng Cô như một điểm dừng chân của khách trước khi qua đèo Hải Vân, với vài dãy hàng cơm, một vài điểm bán hàng hải sản khô. Từ khi hầm đường bộ Hải Vân được khởi công xây dựng, thị trấn Lăng Cô mới trở nên nhộn nhịp hơn. Các lợi thế của vùng đất giàu tiềm năng này bắt đầu được khai thác. Đặc biệt, từ tháng 5-2009, khi Vịnh Lăng Cô được xếp tên trong danh sách Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới, nơi đây đã phát triển và không ngừng “thay da đổi thịt”.
Tại khu du lịch Lăng Cô hiện có 6 khu du lịch tổng hợp, 45 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với khoảng 1.200 phòng, 1.800 giường, cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách. Lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm trên 25%, doanh thu tăng bình quân 20%. Số lượng khách đến Lăng Cô chiếm 16% tổng lượt khách đến Thừa Thiên-Huế. Năm 2016, Lăng Cô thu hút khoảng 700.000 lượt khách du lịch; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Trên địa bàn thị trấn Lăng Cô đã có tới 14 dự án, với tổng diện tích 355 ha, được UBND tỉnh cấp phép đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, sân golf...
Hiện tại, khu vực vịnh biển và bãi biển Lăng Cô đang là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn du khách. Với chiến lược và quy hoạch phát triển mang tính bền vững, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đã và đang triển khai công tác xúc tiến, quảng bá, tạo dựng thương hiệu về du lịch biển Lăng Cô, nhiều sự kiện đã được tổ chức, trong đó có liên hoan du lịch "Lăng Cô-huyền thoại biển" trở thành một sản phẩm hấp dẫn của du lịch miền trung. Có thể nói, sự phát triển của du lịch Lăng Cô đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho hai trung tâm du lịch là Ðà Nẵng và Huế trong việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giúp giãn bớt lưu lượng khách tại hai trung tâm này vào mùa cao điểm và tăng thêm ngày lưu trú của du khách trong vùng.
Để Lăng Cô trở thành khu du lịch biển đẳng cấp quốc tế, Lăng Cô cần tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo thêm các dịch vụ vui chơi giải trí tương xứng. Bên cạnh việc khuyến mãi kích cầu, các khu nghỉ dưỡng (resort) ven biển nên tổ chức thêm những hoạt động ấn tượng để quảng bá đồng thời phát triển các dịch vụ khác bám vào biển. Người dân Lăng Cô cần thay đổi để thích ứng với sự chuyển mình của vùng đất năng động này; đồng thời thực hiện tốt việc quản lý, khai thác du lịch bên Vịnh đẹp thế giới, như vấn đề qui hoạch, quản lý đất đai, mặt biển, mặt đầm phá đối với các công trình, dự án làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan.
Vân Kiên