Để Thanh Hóa trở thành trọng điểm du lịch quốc gia vào năm 2020
(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn lại chặng đường đã đi qua của Năm du lịch Quốc gia 2015 có thể thấy rõ việc đăng cai tổ chức sự kiện Năm Du lịch quốc gia đã giúp Thanh Hóa nâng cấp, làm mới một số hạng mục hạ tầng, tạo dựng được hình ảnh và quảng bá cho du lịch xứ Thanh. Dù chưa phải là tỉnh mạnh về du lịch, song Thanh Hóa đã tự tin để tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2015.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công, tạo những đột phá trong phát triển du lịch của tỉnh năm 2015 và tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, nhưng Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa vẫn thẳng thắn nhìn nhận những điểm cần khắc phục. Đó là, tính liên kết trong công tác tổ chức các hoạt động, sự kiện giữa các địa phương tham gia Năm Du lịch quốc gia chưa cao; chủ đề của Năm Du lịch quốc gia: "Kết nối các Di sản thế giới" chưa phát huy được hiệu quả cao nhất. Công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu Năm Du lịch quốc gia chưa thường xuyên và liên tục, mới tập trung nhiều vào các sự kiện trọng tâm và ở địa phương đăng cai; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế còn hạn chế; sản phẩm du lịch mới chưa hình thành rõ nét...
Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới ngày 27/6/2011, thuộc địa phận các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, Vĩnh Thành và thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Mục tiêu quan trọng nhất của Năm du lịch quốc gia 2015 là thu hút du khách đến địa phương, đặc biệt là khách quốc tế. Nhưng thực tế, du khách đến các điểm du lịch ở Thanh Hóa vẫn chủ yếu là khách nội địa, ngày lưu trú ít, khách quốc tế có tăng nhưng chưa như mong đợi. Du lịch biển là thế mạnh của tỉnh nhưng chỉ làm du lịch biển được khoảng 3 tháng hè, hết hè là... hết khách. Cùng với việc đăng cai tổ chức sự kiện Năm du lịch quốc gia 2015, Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều hoạt động nhưng tỷ lệ sự kiện du lịch chuyên sâu còn ít, có những hoạt động thiếu hấp dẫn, mới dừng lại ở bước phục vụ quan khách và nhân dân địa phương. Cơ sở hạ tầng tuy có nhiều thay đổi, có những thời điểm vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu du lịch; sự liên kết vùng chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù để thực sự thu hút khách du lịch.
Thanh Hóa cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia, đó là mức độ thành công của một sự kiện được đánh giá thông qua số lượng và giá trị của mức hưởng thụ văn hóa của người dân và thu hút du khách. Do vậy, khi tổ chức các sự kiện, cần xác định rõ đối tượng là khách du lịch và người dân địa phương. Kế hoạch tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá cho Năm Du lịch quốc gia phải được triển khai sớm, tuyên truyền đúng nội dung, thời điểm và phù hợp với thị trường khách du lịch.
Việc xây dựng dự toán ngân sách và chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực phục vụ cho Năm Du lịch quốc gia cần cụ thể và hợp lý, phù hợp tình hình địa phương, đặc biệt ưu tiên nguồn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch, bên cạnh nguồn kinh phí nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực từ cộng đồng phục vụ cho Năm Du lịch quốc gia. Việc liên kết vùng, miền trong Năm Du lịch quốc gia sẽ tận dụng và phát huy được đồng bộ các ưu thế du lịch riêng của từng địa phương, tránh được sự chồng chéo sản phẩm...
Màn múa rồng trong lễ khai hội Lam Kinh năm 2015, kỷ niệm 597 năm khởi nghĩa Lam Sơn và 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Đây là sự kiện văn hóa nằm trong chuỗi các hoạt động gắn kết với Năm Du lịch quốc gia 2015. Ảnh: TTXVN phát
Để đạt được mục tiêu tới năm 2020 thu hút 200 - 250 nghìn lượt khách quốc tế, phục vụ 8 - 9 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ khách du lịch đạt 158,6 triệu USD và nâng lên hơn 403 triệu USD năm 2020, tới đây, Thanh Hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế. Tỉnh sẽ phải xây dựng được sản phẩm du lịch, những dịch vụ du lịch phải mang tính đặc trưng của địa phương, của vùng. Những sản phẩm trong các lễ hội cần tránh sự trình diễn, mang tính thực tế, phát huy bản sắc văn hóa và có tính liên kết cộng đồng cao.
Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tiếp tục tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của du lịch, quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch và đa dạng hơn nữa các sản phẩm du lịch. Tỉnh tăng cường kết nối với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Ninh Bình...; đẩy mạnh sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực, sự hợp tác, liên kết ở cấp vùng để xây dựng các sản phẩm du lịch dùng chung; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch, đầu tư cải tạo các tuyến điểm du lịch...
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Năm Du lịch quốc gia 2015 đã tạo cho Thanh Hóa bước đột phá mới trong phát triển du lịch. Đây sẽ là tiền đề, động lực cho kinh tế du lịch Thanh Hóa phát triển mạnh trong thời gian tới. Trong chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa xác định sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh về tài nguyên du lịch, tích cực đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng du lịch, hướng tới mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành trọng điểm du lịch quốc gia vào năm 2020.
Thanh Hóa mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các Bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quan tâm ưu tiên công tác xúc tiến du lịch cho tỉnh Thanh Hóa và các địa phương liên kết trong năm 2016 và các năm tiếp theo, nhằm phát huy kết quả công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch đã thực hiện được thông qua tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2015.
Hy vọng với sự đầu tư đồng bộ, đúng hướng chú trọng cải thiện môi trường du lịch, thu hút đầu tư hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng hình ảnh đẹp, thương hiệu nổi tiếng, du lịch Thanh Hóa sẽ thực sự khởi sắc trong tương lai không xa.
Hoa Mai