Đệ nhất mỹ nhân Tam Quốc từng khiến 3 cha con Tào Tháo say mê: Không ngờ chịu kết cục bi thảm
Sắc đẹp của mỹ nhân này từng khiến ba cha con Tào Tháo say mê, nhưng cuối cùng nàng lại phải chịu kết cục bi thảm.
Trong Tam Quốc, bên cạnh các vị quân sư, mãnh tướng, còn có một số mỹ nhân có sắc đẹp khuynh thành, có thể làm xiêu lòng những vị anh hùng, hào kiệt hàng đầu của ba tập đoàn chính trị mạnh nhất.
Nhắc đến mỹ nhân thời Tam Quốc, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến Điêu Thuyền, một trong tứ đại mỹ nhân, bên cạnh Tây Thi, Vương Chiêu Quân và Dương Ngọc Hoàn. Nhan sắc của nàng được ví là "bế nguyệt", tức là khiến mặt trăng xấu hổ mà giấu mình đi. Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Điêu Thuyền được coi là mỹ nhân làm thay đổi lịch sử khi khiến liên minh Đổng Trác – Lã Bố bị tan rã. Số phận của nàng cũng có nhiều dị bản khác nhau.
Cho đến nay, sự tồn tại của Điêu Thuyền vẫn còn bị nghi ngờ. Thế nhưng, dù Điêu Thuyền có thực thì nàng vẫn không được coi là đệ nhất mỹ nhân Tam Quốc, bởi vì một người. Đó là Chân Mật.
Mỹ nhân xuất thân danh môn
Trong dân gian có lưu truyền một câu nói nổi tiếng: "Giang Nam hữu Nhị Kiều, Hà Bắc Chân Mật tiếu". Câu nói này có nghĩa là Giang Nam có Tiểu Kiều và Đại Kiều, còn Hà Bắc có Chân Mật. Đây là những mỹ nhân quốc sắc thiên hương, nổi tiếng với sắc đẹp khuynh thành.
Chân Mật (183 – 221), hay Chân Lạc, sinh ra trong một dòng họ thuộc hàng đại thế gia, nhiều đời thế tập chức Quận thủ, tại huyện Vô Cực, Trung Sơn, nay thuộc tỉnh Hà Bắc.
Khi Chân Mật mới lên 2 tuổi, dù cha mất sớm nhưng gia đình họ Chân vẫn còn khá giả. Một lần, mẹ của Chân Mật đưa các con đến gặp một thầy bói có tiếng nhờ xem tướng. Thầy bói chỉ vào Chân Mật phán rằng: "Mai này cô bé sẽ trở thành một người tôn quý".
Khi lớn lên, Chân Mật trở thành mỹ nhân có nhan sắc diễm lệ, vừa công dung ngôn hạnh, vừa tinh thông cầm kỳ thi họa. Nàng được gả cho Viên Hy, con trai của Viên Thiệu, một trong những thế lực chư hầu hùng mạnh nhất vào cuối thời Đông Hán.
Sau đó, khi Viên Hy đi trấn thủ U Châu, Chân Mật không theo mà ở lại Nghiệp Thành để phụng dưỡng mẹ chồng.
Sau đó, Viên Thiệu bị Tào Tháo đánh bại trong trận Quan Độ (năm 200), hai năm sau ông sinh bệnh nặng qua đời. Nhà họ Viên lục đục khi con trưởng là Viên Đàm và con thứ ba là Viên Thượng tranh giành quyền thừa kế. Nhân đó Tào Tháo chia rẽ và đánh bại anh em Viên Đàm, Viên Hy. Từ đó, nhà họ Viên chính thức sụp đổ.
Hồng nhan bạc mệnh
Tào Tháo nổi tiếng là có hứng thú đặc biệt với vợ của kẻ địch. Hơn nữa, Chân Mật vốn nổi danh có nhan sắc khuynh thành. Do đó, vào năm 204, sau khi hạ được Nghiệp Thành, Tào Tháo ra lệnh bắt sống gia quyến họ Viên.
Tào Tháo vốn định chiếm Chân Mật làm của riêng, nhưng con trai của ông là Tào Phi lại là người đầu tiên dẫn quân và Viên phủ và đã gặp được Chân Mật trước. Lúc bấy giờ, Tào Phi mới 18 tuổi, còn Chân Mật đã 22 tuổi. Tuy nhiên, chàng công tử của họ Tào lại hoàn toàn si mê nhan sắc của Chân Mật ngay từ lần đầu gặp gỡ.
Do đó, Tào Tháo đành phải chấp nhận cho Tào Phi lấy Chân Mật làm vợ. Tào Phi rất yêu thích Chân Mật và ban đầu cả hai có một cuộc sống hạnh phúc.
Chân Mật đã hạ sinh cho Tào Phi một trai, một gái, trong đó có Tào Duệ, tức Ngụy Minh Đế sau này. Nàng lại càng được Tào Phi sủng ái. Hơn nữa, Chân Mật cũng rất hiếu thảo với mẹ chồng là Biện phu nhân, mẹ ruột của Tào Phi. Điều này khiến mỹ nhân này rất được nhà họ Tào yêu quý.
Tuy nhiên, hạnh phúc chẳng tày gang khi Tào Phi dần nạp thêm các thê thiếp và những bất đồng trong cuộc sống hôn nhân cũng bắt đầu xuất hiện. Tào Phi bắt đầu lạnh nhạt với Chân Mật và quay sang sủng ái những vị phu nhân khác.
Trong số này, Quách Nữ Vương là tình địch lớn nhất của Chân Mật. Theo Tam Quốc chí, sau khi Tào Phi xưng Đế, ông tỏ ra lạnh nhạt với chính thất là Chân phu nhân, và quay ra sủng ái Quý tần Quách Nữ Vương, Lý Quý nhân, Âm Quý nhân, sau đó còn nạp thêm hai con gái của Hán Hiến Đế. Mặc dù Chân Mật là chính thất phu nhân nhưng lại không được chỉ lập làm hoàng hậu…
Quý tần Quách Nữ Vương tuy được sủng ái nhưng luôn tỏ ra ghen tức với Chân Mật. Tương truyền, nữ nhân này đã bày độc kế là để bùa ở trong phòng của Tào Phi và tố cáo Chân Mật yểm bùa hãm hại phu quân. Tào Phi lập tức cho người điều tra và quả nhiên phát hiện tượng gỗ có khắc tên mình ở trong phòng của Chân Mật. Tìm thấy vật chứng rõ ràng nên nàng bị Tào Phi ra lệnh cho uống thuốc độc tự vẫn ở tuổi 39. Chưa hết, sau khi chết, Chân Mật còn bị nhét đầy cám vào mồm, rũ tóc che khuất mặt thì mới được an táng.
Sau này, đến khi con trai Tào Duệ lên ngôi đã cho tra rõ sự tình thì mối oan năm xưa của mỹ nhân lừng danh Tam Quốc mới được hóa giải. Nàng được con trai truy phong thụy hiệu là Văn Chiêu Hoàng hậu.
Nhan sắc của Chân Mật khiến em chồng si mê?
Trong dân gian còn lưu truyền rằng, Tào Thực, con trai thứ ba của Tào Tháo cũng được cho là rất si mê trước vẻ đẹp, sự hiền hậu của mỹ nhân Chân Mật. Trong thời gian bị chồng lạnh nhạt, Chân Mật cũng nảy sinh tình cảm với Tào Thực, dù cả hai cách nhau 9 tuổi.
Tuy nhiên, do địa vị chị dâu – em chồng, nên cả hai đã chôn chặt tình cảm ở trong lòng. Khi biết chân Mật chết oan, Tào Thực đã vô cùng đau xót.
Năm 222, sau khi nằm mộng thấy người chị dâu quá cố, ông bèn viết Lạc Thần Phú, một tác phẩm được hậu thế ca tụng. Tào Thực làm Lạc Thần Phú để bày tỏ tấm lòng với nữ thần con sông là Phục phi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, hình tượng nữ thần Phục phi trong tác phẩm này chính là nàng Chân Mật tuyệt sắc trong Tam Quốc.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Sina