Đề nghị tuyên phạt cựu Cảnh sát kinh tế buôn lậu 14-16 năm tù
Ngày 26/5, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu 1.287 container thiết bị, máy móc do Hoàng Duy Tiến (sinh năm 1985, cựu cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hồ Chí Minh) chủ mưu. Đại diện Viện Kiểm sát đã luận tội và đề nghị mức án đối với 26 bị cáo.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, từ tháng 9/2019 đến ngày 24/5/2021, Hoàng Duy Tiến và đồng phạm đã thực hiện hành vi nhập lậu một số lượng đặc biệt lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam. Hoàng Duy Tiến móc nối với các chủ hàng để nhập khẩu trái pháp luật các máy móc, thiết bị cũ tại Nhật Bản, Trung Quốc vào Việt Nam để kinh doanh, mua bán, nhằm hưởng lợi bất chính. Để thực hiện hành vi của mình, Hoàng Duy Tiến và các nhân viên của Tiến đã thành lập 47 công ty, rồi trực tiếp sử dụng pháp nhân của 45 công ty để làm thủ tục mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.287 container.
Đại diện Viện Kiểm sát phân tích, theo khoản 3, Điều 4, Chương I, Quyết định số 18 ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định “Chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”; đồng thời khoản 1, Điều 6, Chương II, quy định “tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm”. Tuy biết quy định như trên nhưng vì động cơ vụ lợi, Hoàng Duy Tiến đã thành lập rất nhiều công ty, để mỗi công ty không nhập hàng quá nhiều nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Tiến chỉ sử dụng pháp nhân của mỗi công ty nhập một số hàng nhất định rồi bỏ không sử dụng nữa và tiếp tục sử dụng pháp nhân của công ty khác.
Các công ty được Tiến lập ra chỉ nhằm mục đích làm thủ tục nhập hàng là máy móc thiết bị cũ về cho các chủ hàng để hưởng lợi, không phải để sản xuất theo quy định tại Quyết định số 18. Kết quả xác minh tại địa chỉ đăng ký trên giấy phép kinh doanh, không có công ty nào thực tế hoạt động kinh doanh tại địa phương.
Do hàng hóa mà các bị cáo nhập về đều là hàng cũ, không đủ điều kiện về tuổi thiết bị để nhập hàng theo Quyết định 18 nên bị cáo Hoàng Duy Tiến đã chi tiền cho Công ty giám định Đại Minh Việt cấp chứng thư giám định khống, không qua kiểm tra thực tế hàng hóa.
Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, hành vi của các bị cáo không những xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, gây mất trật tự trị an xã hội mà còn gây mất niềm tin của nhân dân khi chính cán bộ cảnh sát chống buôn lậu lại thực hiện hành vi buôn lậu. Do đó cần thiết phải xử lý nghiêm khắc mới đủ tác dụng răn đe giáo dục riêng và phòng ngừa chung cho xã hội.
Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hoàng Duy Tiến từ 14-16 năm tù về tội "Buôn lậu" theo Điều 188 Bộ luật Hình sự, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 5 tỷ đồng (Tiến đã tự nguyện nộp 3,5 tỷ đồng trước đó). Cùng về tội "Buôn lậu", 24 đồng phạm của Tiến bị đề nghị mức án thấp nhất từ 7-8 năm tù tới cao nhất 12-14 năm tù.
Riêng bị cáo Võ Văn Đông (sinh năm 1967, cựu cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong vụ án này là chủ hàng thuê Tiến nhập hàng lậu với giá 90 triệu đồng/container), quá trình điều tra cũng như phần thẩm vấn trực tiếp công khai tại phiên tòa đều không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Đại điện Viện Kiểm sát cho rằng, căn cứ vào các chứng cứ cụ thể như trích xuất dữ liệu điện tử trên hai điện thoại di động của Hoàng Duy Tiến xác định có việc Tiến và Đông trao đổi, gửi tin nhắn về việc nhập lậu; lời khai của các bị cáo và nhận dạng về Đông của những người như tài xế chở hàng, người cho thuê nhà kho..., có đủ căn cứ xác định: Võ Văn Đông nhờ Hoàng Duy Tiến sử dụng pháp nhân các công ty do Tiến lập để nhập lậu 6 container hàng là thiết bị, máy móc cũ từ nước ngoài về, đúng như Cáo trạng đã truy tố. Việc bị cáo Đông không thừa nhận hành vi thể hiện thái độ quanh co chối tội, né tránh trách nhiệm của bị cáo. Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Võ Văn Đông mức án từ 8-10 năm tù.
Tiếp đó, phiên tòa bước sang phần tranh tụng.