Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội trong vụ nâng giá thiết bị y tế
(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) và các đơn vị liên quan; đồng thời, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội cùng 9 bị can khác về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Đây là diễn biến mới nhất trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm CDC Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.
- Vụ cháu bé bị bố bạo hành tại Bắc Ninh: Khởi tố bị can đối với Đặng Trung Kiên
- Chánh Văn phòng Bộ Công an: Nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ ngộ độc do pate Minh Chay
- Vụ Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ở Bình Phước gây tai nạn rồi bỏ chạy: Không khởi tố vụ án
Trong 10 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án, có 6 bị can là cán bộ, lãnh đạo thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, gồm: Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc; Nguyễn Vũ Hà Thanh, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán; Hoàng Kim Thư, nguyên Kế toán trưởng; Lê Xuân Tuấn, nguyên cán bộ Phòng Tài chính kế toán; Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính và Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ.
Các bị can còn lại gồm: Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
Kết quả điều tra xác định, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
Từ các tài liệu thu thập được, Cơ quan điều tra xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng, chống dịch COVID-19 khi nhập về Việt Nam có giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối đã mua bán lòng vòng với nhau, sau đó được định giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập và được CDC Hà Nội mua vào.
Kết quả điều tra xác định, các bị can đã câu kết với nhau nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động, qua đó đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn hơn 5,4 tỷ đồng. Quá trình điều tra, các bị can và gia đình đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền thiệt hại trong vụ án để khắc phục hậu quả.
PV