Đề cử giải Quả cầu Vàng 2019: Những ‘cú sốc’ lớn
(Thethaovanhoa.vn) - Chẳng có gì chắc chắn khi nói đến các đề cử giải Quả cầu Vàng của Hiệp hội Báo chí nước ngoài Hollywood. Năm nay cũng không ngoại lệ khi danh sách đề cử, được công bố sáng 6/12 (theo giờ Mỹ), gây nên nhiều sự kinh ngạc, như sự ‘thống trị” của Vice, tác phẩm của đạo diễn Adam McKay kể về cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, dẫn đầu với 6 đề cử. Chưa kể, danh sách năm nay còn có một số “bỏ sót” thực sự gây sốc.
Năm nay từng được coi là năm của Sam Elliott. Nam diễn viên cựu trào này đã có một màn diễn tuyệt vời trong vai anh trai của Jackson Maine trong phim A Star Is Born. Nhiều người cho rằng nam diễn viên 74 tuổi này sẽ nhận được đề cử giải Oscar đầu tiên với vai diễn này.
Tuy nhiên năm nay, Hiệp hội Báo chí nước ngoài Hollywood lại có cách nhìn khác về Elliott (từng 2 lần được đề cử Quả cầu Vàng) và dành đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Sam Rockwell với chân dung George W. Bush trong phim Vice.
Trong khi đó, bộ phim Cold War của Ba Lan, một trong những phim tiếng nước ngoài được ca ngợi nhiều nhất năm, đã bị loại khỏi hạng mục đề cử Phim tiếng nước ngoài hay nhất.
Gây bất ngờ là phim Girl (Bỉ), một sản phẩm của Netflix đã lọt vào danh sách đề cử năm nay cùng với phim Roma (đạo diễn Alfonso Cuaron) của Mexico, Capernaum của Lebanon và Shoplifters của Nhật Bản.
Girl kể về một cô gái chuyển giới dày công luyện tập để trở thành một nghệ sĩ ballet, đã bị chỉ trích nhiều với cách mô tả trong phim về người chuyển giới. Gây sốc không kém là cũng bị loại khỏi hạng mục này.
Ở hạng mục loạt phim truyền hình (ca nhạc hoặc chính kịch) hay nhất, Hiệp hội Báo chí nước ngoài Hollywood có xu hướng ủng hộ cái mới song nhiều người thấy ngạc nhiên khi phim Atlanta bị loại khỏi hạng mục này mà thay vào đó là những lựa chọn ngoài mong đợi như Kidding và The Kominsky Method.
Nhìn vào đề cử ở hạng mục Phim (hài/ca nhạc hoặc chính kịch) hay nhất năm nay, Hiệp hội Báo chí nước ngoài Hollywood cho thấy họ đang “nối gót” Viện Điện ảnh Mỹ khi trong số 10 phim được đề cử không hề có phim nào của đạo diễn nữ.
Đây là điều đáng kinh ngạc khi trong năm nay nhiều bộ phim của đạo diễn nữ đã gây tiếng vang và được nhiều bàn tán, như Can You Ever Forgive Me của Marielle Heller, Private Life của Tamara Jenkins và Leave No Trace của Debra Granik.
Bộ phim chính kịch First Reformed của Paul Schrader kể về một giáo sĩ Cơ đốc, do Ethan Hawke hóa thân, đã nhận được một số đề cử giải Tinh thần Độc lập, được Ủy ban Quốc gia về Phê bình Điện ảnh và Viện Điện ảnh Mỹ bình chọn là 1 trong các phim hàng đầu của năm cùng với chiến thắng tại lễ trao giải Gotham, nhưng đáng tiếc là bộ phim này và diễn viên Hawke đều không được đề cử nào.
Loạt phim This is Us của NBC dường như không có tên trong danh sách đề cử Quả cầu Vàng năm nay. Trái ngược với năm 2017, loạt phim này đã được đề cử ở hạng mục Loạt phim truyền hình, Nữ diễn viên phụ (Chrissy Metz) và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Sterling K. Brown đã giành chiến thắng).
Loạt phim The Handmaid’s Tale được dàn dựng theo tiểu thuyết của nữ văn sĩ Canada Margaret Atwood, từng là “con cưng” của các lễ trao giải kể từ khi được phát sóng và thậm chí đã trở thành loạt phim phát trực tuyến đầu tiên đoạt giải Quả cầu Vàng Serie phim truyền hình hay nhất ngay trong năm đầu phát sóng (2017).
Nhưng năm nay, The Handmaid’s Tale không được bất cứ đề cử nào ở hạng mục phim truyền hình. Duy nhất có Elisabeth Moss được đề cử giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong Serie phim, giải thưởng cô đã giành được trước đó.
Việt Lâm
Theo AP