Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự án Luật Thư viện
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 29.7, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTNNĐ) của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị Tham vấn chuyên gia về Dự thảo Luật Thư viện. Ủy viên BCHTƯ Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy.
Tại hội nghị, đại diện Ban soạn thảo, Bộ VHTTDL, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà đã trình bày những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Thư viện mới. Theo đó, bố cục của Dự thảo lần này đã có những thay đổi so với Dự thảo đã trình Quốc hội.
- Luật Thư viện ra đời phải khiến mọi người quan tâm đến đầu tư cho thư viện
- Phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ban hành Luật Thư viện để phát triển văn hóa đọc
Cụ thể, Dự thảo rút ngắn còn 6 Chương và 50 điều. Về nội dung, Chương I bổ sung thêm 2 điều mới về xã hội hóa hoạt động thư viện (Điều 5) và Ngày sách và Văn hóa đọc (Điều 6) đổi tên và chuyển điều phân loại thư viện vào Chương II, lược bỏ điều về tổ chức xã hội – nghề nghiệp thư viện (đưa thành 01 khoản về tổ chức liên quan ở Chương IV); Chương II đổi tên thành lập thư viện, thiết kế thành 02 mục (các loại thư viện và thành lập thư viện); Chương III là hoạt động thư viện bổ sung 03 điều mới phát triển văn hóa đọc (Điều 27), hiện đại hóa thư viện (Điều 29), nguồn tài chính của thư viện (Điều 32); Lược bỏ Chương V các nội dung xếp hạng thư viện và đánh giá thư viện được chuyển thành 02 Điều tại Chương III; Chương IV chỉnh lý lại quyền và nghĩa vụ của thư viện, tổ chức cá nhân trong hoạt động thư viện, lược bỏ các điều về quyền và nghĩa vụ của các loại thư viện chuyển lên thành chức năng, nhiệm vụ của thư viện; Chương V là quản lý nhà nước về thư viện được tích hợp 03 điều quy định về nội dung quản lý nhà nước về thư viện, trách nhiệm của các cơ quan liên quan; Chương VI là điều khoản thi hành.
Để hoàn thiện dự án, 18 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tập trung góp ý về giải thích từ ngữ, thống nhất các khái niệm, thuật ngữ trong Dự thảo Luật; đề xuất chính sách đầu tư của nhà nước với sự phát triển thư viện; phân loại thư viện; Các đối tượng tham gia thư viện; vấn đề đánh giá và xếp hạng thư viện sao cho hợp lý, hiệu quả…Các đại biểu đều cho rằng Luật cần phải nêu được những vấn đề cốt lõi của hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.
Đánh giá cao những tham luận tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, chắt lọc để hoàn thiện dự án Luật Thư viện. Theo Thứ trưởng, Pháp lệnh Thư viện đã được thi hành gần 20 năm, hiện đã bộc lộ nhiều bất cập; trong khi đó, có nhiều quy định khác tác động đến lĩnh vực thư viện đã thay đổi, nên Ban soạn thảo cân nhắc, kế thừa các quy định của pháp luật, của Pháp lệnh Thư viện để xây dựng dự án Luật Thư viện đảm bảo sự thống nhất đối với các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực văn hóa, và tác động đến hoạt động thư viện.
Chỉ đạo Hội nghị Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh Luật Thư viện phải thúc đẩy được quyền tiếp cận thông tin, phát triển văn hóa đọc và hiện đại hóa, cập nhật hóa hệ thống thư viện. Nhìn lại hệ thống thư viện thấy có một số vấn đề đặt ra, đó là nhận thức về thư viện, tổ chức hệ thống thư viện, chuyên môn nghiệp vụ của người làm công tác thư viện, phát triển khoa học công nghệ và chính sách đầu tư cho thư viện. Theo ông Phan Thanh Bình, phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức quản lý của thư viện; sự khác nhau giữa thư viện và phòng đọc; làm rõ các khái niệm liên quan đến hoạt động thư viện; việc đầu tư dựa vào hai cơ sở đó là nằm trong chiến lược phát triển quốc gia và hiệu quả hoạt động của thư viện.
Quách Nga/ Báo Văn hóa