Đầu tư trên 27.500 tỉ đồng để giảm nghèo
Nhân ngày quốc tế “Chống đói nghèo” và ngày “Vì người nghèo Việt Nam” (17.10), Bộ LĐTBXH phối hợp với tổ chức Phát triển Liên hợp quốc và Đại sứ quán Ailen tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng CP phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2012-2015).
Với mục tiêu cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo các vùng khó khăn thuộc biên giới và hải đảo...; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.
Nhằm hướng đến mục tiêu, đến năm 2015 phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm (riêng các xã, huyện nghèo giảm 4%/năm); 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30A của Chính phủ; 60% thôn bản có đường trục giao thông và 85% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bêtông hóa theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải; 100% trung tâm xã có điện, trên 90% thôn bản có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh oanh; bình quân mỗi năm có 10% hộ tham gia mô hình thoát nghèo và thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình tăng 15-20%; người nghèo được tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản…
Theo thống kê, trong khi tỉ lệ nghèo chung đã giảm đáng kể từ 14,5% năm 2010, tốc độ giảm nghèo đáng kể ở các nhóm dân tộc thiểu số chậm hơn nhiều so với các nhóm dân tộc đa số. Năm 2012, trên 50% người dân tộc thiểu số vẫn đang sống dưới chuẩn nghèo chung, trong đó có tới 31% nghèo về lương thực. Tiến độ giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh và nhà ở…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 80/NQ-CP, nhằm đưa ra những định hướng mới về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2011-2020, tập trung huy động nguồn lực cho các huyện, bản nghèo nhất trong cả nước để thúc đẩy giảm nghèo nhanh tại các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và bãi ngang ven biển. Chương trình giảm nghèo bền vững 2012-2020 được Chính phủ phê duyệt ngày 8.10.2012, nhằm đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo ở những địa bàn này, cải thiện chất lượng cuộc sống và sinh kế của người nghèo.Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho biết tổng kinh phí dành cho chương trình này là 27.509 tỉ đồng, trong đó ngân sách T.Ư là 20.509 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 4.000 tỉ đồng, ngoài ra huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác là 3.000 tỉ đồng.
Nhân dịp này, Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và cộng hòa Ailen đã nhất trí đầu tư cho dự án hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Nghị quyết 80/NQ –CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 với tổng ngân sách hơn 10,3 triệu USD. Trong đó, UNDP là 3 triệu USD, Cộng hòa Ailen là 5,3 triệu USD, vốn ODA là 9,885 triệu USD, ngoài ra ngân sách đối ứng là 500.000 USD.
Theo Lao động