Đấu tay đôi, một mất một còn
(Thethaovanhoa.vn) - Lermontov đau đớn vì cái chết của Pushkin sau một trận đấu súng, ông thổ lộ niềm căm phẫn trong thi phẩm nổi tiếng Cái chết của nhà thơ. Nhưng chính thái độ “thiếu nam tính” đó mà sĩ quan Lermontov bị đẩy đến vùng Kavkaz xa xôi. Chính ông sau này cũng chết trong một trận đấu súng. Nước Nga mất đi hai đại diện lỗi lạc nhất của thi ca trong những trận thách đấu tưởng chừng chỉ có trong quá khứ. Song trận đấu tay đôi cuối cùng mới chỉ diễn ra cách đây không lâu!
- Cuộc 'đấu súng' trong bếp 'giữa máy giặt và bom nguyên tử' của Khrushchev và Nixon
- Bí ẩn 23 lính Nga 'hóa đá' sau cuộc đấu súng với người ngoài hành tinh
Họ giáp mặt nhau với thanh kiếm tuốt trần hoặc súng lục, đôi khi là cây búa hay thậm chí cây gậy gỗ - biết bao thế kỷ chứng kiến các bậc nam nhi dùng biện pháp tối hậu ấy để phục hồi danh dự!
Khi danh dự cao hơn tính mạng
Đại thi hào dân tộc Nga Aleksandr Sergeyevich Pushkin vốn không được trời phú cho tất cả. Khác với khả năng thơ phú kiệt xuất, vẻ ngoài pha chút máu châu Phi khiến ông ít nhiều mặc cảm. Cho dù lấy được cô vợ Natalia Goncharova xinh đẹp nhất kinh thành Moskva thì ông luôn nghi ngờ hạnh phúc của mình.
Ông ghen tuông từ chính Nga hoàng Nikolai Đệ nhất cho đến một tay sĩ quan kỵ binh người Pháp điển trai Georges d'Anthès, kể cả khi gã đã trở thành anh cọc chèo của mình. Một ngày xấu trời, ông viết một lá thư với lời lẽ nhục mạ cho bố nuôi của d'Anthès, và áp lực xã hội ngày ấy không cho d'Anthès cơ hội nào khác ngoài thách đấu với Pushkin để bảo toàn danh dự của một sĩ quan.
Nên biết là nếu im lặng thì d'Anthès bị coi như con hủi trong giới quý tộc, còn bộ mặt người không nhận thách đấu cũng chẳng kém nhục nhã gì. Pushkin nhận lời và một phát đạn vào bụng, ông qua đời hai hôm sau, có lẽ vì ngày ấy chưa phát minh ra Penicilline. D'Anthès chỉ bị xây xát nhẹ. Theo luật, lẽ ra cả d'Anthès lẫn hai nhân chứng đều bị tù hoặc treo cổ, song khái niệm “danh dự” có một trọng lượng áp đảo đến nỗi chính Nga hoàng cũng nhắm mắt cho qua. Đó là năm 1837.
130 năm sau
Trong công viên thuộc một dinh thự quyền quý ở Paris, 130 năm sau cái chết bi thảm và vô nghĩa của Pushkin, lại có hai người đàn ông vác kiếm chém nhau để phục hồi danh dự. 1968 là cao điểm của phong trào hippie “Love and Peace” và Zorro chỉ rút gươm trong phim giải trí cho trẻ con, và hai con gà chọi đó không phải hai kẻ côn đồ thiếu muối trong xã hội đen - họ là hai nghị sĩ quốc hội Pháp, sống ở một thời mà các khái niệm như danh dự, lòng dũng cảm hay thể diện đàn ông có nội hàm khác hẳn với thời hồng hoang của xã hội văn minh, khi chỉ vì một câu sàm sỡ hay lời tán tỉnh là phải có máu đổ để rửa hận.
Đỉnh cao của truyền thống thách đấu ấy là thế kỷ 18 và 19. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã lìa đời vì thế, từ Aleksandr Pushkin đến Mikhail Lermontov hay lãnh tụ công nhân Ferdinand Lassalle. Từ những ngày đó đã có luật cấm, song thực tế có trăm cách lách luật, ví dụ như đổ cho tai nạn khi đi săn hoặc đơn giản là mọi người tham dự đều im lặng, còn nhà chức trách thì quá “thông cảm” với biện pháp đơn giản mà hiệu quả để phục hồi thanh danh trước dư luận không cho phép một lựa chọn khác. Thậm chí sĩ quan quân đội bị coi là không có tinh thần chiến đấu và bị sa thải, nếu không nhận lời thách đấu!
Mãi đến năm 1902 mới có phong trào chống thách đấu ở Tây Âu. Luật hình sự Đức năm 1969 mới bổ sung điều khoản chống đấu súng, dù không cản nổi các vụ diễn ra bí mật. Trận đấu gươm kể trên của hai nghị sĩ Pháp diễn ra sau một buổi nghị sự nảy lửa ở quốc hội hôm 20/4/1967.
“Câm mồm đi, thằng ngu!”, chủ tịch nhóm nghị sĩ Đảng Xã hội Gaston Defferre quát vào mặt nghị sĩ Đảng bảo thủ René Ribière khi người này nói leo mấy lần liền. Khi Defferre không chịu xin lỗi, Ribière thách đấu kiếm, dù biết luật không cho phép: “Danh dự đối với tôi quan trọng hơn luật pháp!”
Hôm sau họ đánh nhau ở dinh thự Neuilly gần Paris. Ribière sắp cưới ngay hôm sau, và ông ta… hoàn toàn không biết sử dụng kiếm! Còn Defferre to mồm tuyên bố sẽ đâm trúng chỗ nhạy cảm, để đối thủ chắc chắn không làm ăn được gì trong đêm tân hôn nữa!
Hầu như luôn luôn lý do là… đàn bà!
Các trận thách đấu từ xưa đến nay, bất kể dùng súng gươm hay gậy gộc, thường có điểm chung: lý do chủ yếu liên quan đến phụ nữ.
Quy định là đánh nhau cho đến khi một bên đổ máu trước, hoặc chết trước. Người ta gặp nhau ở một nơi vắng vẻ, mỗi bên có một hoặc nhiều người đi theo làm chứng.
Mỹ còn có một dạng thách đấu máu me hơn: Hai người bắt thăm và để viên đạn trắng hay đen quyết định kết quả - người bắt phải viên đạn đen có đúng 24 giờ để tự sát.
Thi hào Heinrich Heine được biết đến như một nhà thơ lãng mạn và tình tứ, bản thân ông là người cực lực phản đối đấu súng. Song chính ông cũng nhẹ dạ khi làm bài vè trêu chọc chuyện tình duyên của người khác rồi không tránh được lời thách đấu của thương gia Salomon Strauss hồi năm 1841. May mà Heine chỉ bị thương nhẹ vì viên đạn của Strauss bắn trúng ví tiền dày cộp của Heine ở thắt lưng (Bình luận của Heine: “Khoản đầu tư rất hời!”) Sau đó ông nhổ nước bọt khinh bỉ và bắn viên đạn của mình lên trời.
Ferdinand Lassalle, người sáng lập ra phong trào Dân chủ Xã hội Đức, vì dính líu đến Lina Duncker là vợ chủ nhà xuất bản của mình mà bị một người hâm mộ khác của Lina Duncker thách đấu súng hồi 1858. Nhờ được Karl Marx và Friedrich Engels can gián mà ông thoát nạn. 6 năm sau chính ông, cũng lại vì một phụ nữ, thách thức tình địch và bị bắn hạ khi mới ở tuổi 39. Vụ Aleksander Pushkin thì ta biết rồi - sắc đẹp của hoa hậu kinh đô đã đẩy đời ông vào ngõ cụt...
Trận đấu cuối cùng
Quay lại vụ hai nghị sĩ Pháp. Gaston Defferre là một cái tên nổi như cồn. Ông từng là một chiến sĩ trong phong trào chống phát xít, năm 1953 được bầu làm thị trưởng thành phố cảng Marseille và giữ ghế đó 33 năm liền, đôi khi còn bị nghi là có quan hệ mật thiết với thế giới ngầm ở vùng Côte d'Azur! Dù già hơn đối thủ 11 tuổi, ông có vóc dáng thể thao hơn và chỉ sau vài phút đã đâm trúng tay Defferre Ribière.
Trước mặt đông đảo nhà báo Ribière không chịu thua. Mấy phút sau ông lại bị trúng phát nữa vào tay và nhân chứng Jean Marie Le Pen - nhân vật dân túy thiên hữu đen tối sau này - buộc phải tung khăn xin bế mạc. Trọng tài tuyên bố Defferre chiến thắng.
2 năm sau Defferre bước vào một cuộc chiến khác: Tiến đến ghế tổng thống Pháp! Lần này thì may mắn không mỉm cười với ông, Defferre thua ngay “từ vòng gửi xe” theo cách nói bỗ bã hôm nay vì chỉ được 5% số phiếu. Bù lại thì 1981, Tổng thống François Mitterand trao cho Defferre ghế Bộ trưởng Nội vụ. Ông qua đời năm 1986. Đối thủ ngày xưa của ông, Ribière, là người tham dự cuối cùng một trận thách đấu vì danh dự đi vào lịch sử của một hình thức phục hồi danh dự mang đậm tính Trung cổ. Sau khi buông kiếm một hôm, ông và bà Magdeleine Dars hạnh phúc trao nhẫn cho nhau. Hai vết thương nhẹ ở tay ông dường như không gây ra vấn đề gì trong đêm tân hôn…
Lê Quang