Đầu năm thử vận với trò chơi xăm hường
(Thethaovanhoa.vn) - Thời hiện đại, chẳng mấy ai ở Hội An còn để ý đến trò chơi xăm hường, mấy chục cái Tết đã trôi qua mà không còn được nghe tiếng hạt xí ngầu đổ vang trên phố như xưa. Chẳng biết là người dân Hội An ngày nay có ai còn thích thú với trò chơi cầu may mắn đầu năm này nữa không?
Không biết ai nghĩ ra cái thú đổ xăm hường này cũng hay. Với mục đích khuyến học, họ đặt tên các quân dựa theo hệ thống thi cử thời xưa. Từ thấp lên cao là các quân tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, bảng nhãn, thám hoa, trạng nguyên, hễ người chơi đổ xí ngầu ra quân nào thì giữ lấy quân ấy.
Về sau, khi trò chơi lan dần ra ngoài công chúng, do nhiều người không đọc được chữ Hán - Nôm nên cứ gọi tên quân cờ theo thẻ điểm thành nhất hường, nhị hường, tam hường, tứ tự, trạng em và trạng anh cho dễ đọc, dễ nhớ.
Cầu may mắn đầu năm
Thời Hội An chưa được công nhận di sản và chưa có du lịch rầm rộ, cả xóm Phi Anh chỉ có mỗi nhà bà Tỵ ở đầu xóm là có được một bộ xăm hường. Các quân cờ bằng xương và bộ hạt xí ngầu lên nước bóng loáng, bởi những bàn tay của người chơi từ Tết này sang Tết khác. Mấy ngày trong Tết, đến 6h chiều là các bà, các cô lại xúm vào ngồi chơi. Nghe tiếng hạt xí ngầu reo lên trong chiếc bát kiểu, đám con nít liền xúm lại đứng chầu rìa xem người lớn đổ xăm hường.
Mỗi khi nhà nào gieo được những điểm cao, đám trẻ con lại reo lên mừng rỡ. Đứa nào được người lớn sai vặt, khi pha trà, lúc lấy thuốc, lấy trầu thì khoái chí lắm. Bởi lẽ, sau đó chúng sẽ bắt đầu màn năn nỉ ỉ ôi, thậm chí kể công đã reo hò ủng hộ và phục vụ trầu nước, chủ yếu chúng mong người lớn cho phép gieo hột xí ngầu thế chân cho người đó. Có người không cho, nhưng cũng có người suốt đêm cứ gặp vận đen, muốn đổi thời vận cũng cho một đứa nào đó đổ thay mình một lần.
Đứa nào được cho phép đổ xí ngầu lại chẳng mừng rơn. Nó nhắm mắt, bụm hai tay nắm trọn 6 hạt xí ngầu, xoay cổ tay qua lại, đưa lên miệng thổi phù phù làm phép rồi gieo vào bát, xong lại trợn tròn 2 mắt nhìn xem có đạt được điểm cao không. Nếu hột xúc xắc ra được nhiều điểm, còn hy vọng người lớn cho thế chân thêm vài lần, chứ không lấy được điểm cao, hoặc lấy điểm thấp quá, kể như hết cơ hội được đổ thêm lần nữa. Có cậu nhờ may rủi, đổ xuống được ngũ hường, giúp ăn cả 3 ông trạng, được 1 lần cả 3 năm sau vẫn còn kể lại để xin… chơi ké.
Ngày cũ, xăm hường chỉ được chơi trong nội bộ gia đình, hoặc các gia đình thân cận với nhau. Chơi xăm hường đầu năm để giải trí, cầu tài cầu lộc, nên không mang tính ăn thua. Cũng bởi để cầu may mắn đầu năm, nên thường thường các gia đình đổ xăm hường đến mồng 6 là nghỉ. Nhà nào mê lắm cũng chơi đến hết mồng 10 , chứ không kéo dài hơn.
Nguồn gốc còn nhiều tranh luận
Nguồn gốc trò chơi xăm hường phát xuất từ đâu đến bây giờ vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt. Tuy nhiên, dựa vào 2 học vị tú tài và cử nhân, chỉ bắt đầu được xướng danh từ thời nhà Nguyễn, nên phải chăng trò chơi này phát xuất từ nội cung triều Nguyễn? Việc truy nguyên cho rõ ràng có lẽ phải nhờ vào các bậc túc học, sử gia.
Tuy vậy, nhiều người vẫn thống nhất với nhau là trò chơi này khởi thủy có tên gọi là tam hồng, nghĩa là 3 điểm đỏ, tượng trưng cho 3 điều may mắn đầu năm, dựa vào 3 quân có học vị cao nhất là trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa. Đến thời vua Tự Đức, vì từ “hồng” đồng âm với tên của nhà vua là Hồng Nhậm, nên phải đọc trại thành “hường”. Ngoài ra, do hình dạng của các quân cờ thon dài giống như thẻ xăm, nên lâu năm, người ta quen gọi/đọc trại thành xăm hường.
Các quân xăm hường được chia ra làm 6 loại, từ thấp đến cao, gồm 32 quân tú tài giá trị 1 điểm/quân (nhất hường). 16 quân cử nhân giá trị 2 điểm/quân (nhị hường). 8 quân tiến sĩ giá trị 4 điểm/quân (tứ tự). 4 quân hội nguyên giá trị 8 điểm/quân (tam hường). 1 quân bảng nhãn và 1 quân thám hoa (trạng em) giá trị 16 điểm/quân. 1 quân trạng nguyên (trạng anh) giá trị 32 điểm/quân. Tổng cộng có 192 điểm trong một ván chơi.
Số người chơi xăm hường có thể từ 2 đến 7, nhưng thông thường mỗi ván là 4 đến 6 người. Số điểm của mỗi người phải đạt được trong 1 ván, dựa vào tổng số 192 điểm chia đều cho số người chơi. Hết ván chơi người thừa điểm có thể bán lại cho người thiếu điểm, mỗi điểm được quy định tương đương với tiền mặt hoặc hiện vật tùy theo quy ước trước đó.
Luật chơi xăm hường cũng khá đơn giản nên dù nhiều người không biết chơi chỉ cần quan sát vài lần là có thể chơi được. Trò chơi sử dụng 6 hạt xúc xắc đổ vào bát sứ để tính điểm, người chơi đổ ra một mặt tứ được lấy thẻ xăm 1 điểm tương đương quân tú tài. 2 mặt tứ lấy quân cử nhân. 3 mặt tứ lấy quân hội nguyên. 4 mặt tứ lấy quân trạng nguyên. 5 mặt tứ lấy được cả trạng nguyên và thám hoa cùng bảng nhãn. 6 mặt tứ thắng luôn toàn hội, người thua phải nộp gấp đôi số điểm được quy định trong mỗi ván.
Ngoài ra, khi có người đổ ra 6 mặt hạt trùng nhau gọi là lục phú, thì được thắng cả toàn hội. Riêng 6 mặt tứ gọi là lục phú hường, thì được thắng cả toàn hội và nhân điểm thắng lên 2 lần. Ở một vài nơi luật chơi có những tiểu tiết khác biệt, nhưng tổng thể luật chơi chung vẫn giống nhau.
Thời quân chủ, đại đa số người dân đều làm nông, muốn nở mặt nở mày với thiên hạ thì cũng chỉ có học và học. Đặt ra trò chơi xăm hường, người xưa cũng muốn khơi gợi cái tinh thần hiếu học, cái ước mơ có con cháu thi đỗ, được làm quan, ra giúp nước của biết bao nhiêu con người trong một xã hội thuần nông. Bởi vậy, xăm hường mới được chơi vào dịp đầu năm Tết đến, với ước mơ đỗ đạt, đầu năm gặp may mắn thông suốt cả năm.
***
Mới đó mà đã mấy chục năm, chơi đổ xăm hường gần như đã đi vào quá vãng trước những phương tiện giải trí tân thời. Xuân đến, bất chợt lại nghe tiếng xí ngầu đổ xăm hường reo vang đâu đó trong phố, lại nghe bồi hồi khi những khoảnh khắc Xuân xưa bất chợt ùa về. Chợt nhận ra rằng, đâu đó trong phố vẫn còn một vài gia đình giữ được trò chơi này, như một cách gìn giữ tinh thần hiếu học, một nét văn hóa Xuân của người xưa.
Trò chơi này khởi thủy có tên gọi là tam hồng, nghĩa là 3 điểm đỏ, tượng trưng cho 3 điều may mắn đầu năm, dựa vào 3 quân có học vị cao nhất là trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa. |
Trương Nguyên Ngã