Đâu là giới hạn của đội tuyển nữ Việt Nam?
Tính từ trận giao hữu với đội tuyển nữ Đức hôm 22/6 thì chỉ hơn 1 tháng, đội tuyển nữ Việt Nam lần lượt đá với 4 đội đang nằm trong Top 10 bảng xếp hạng FIFA, trong đó có 2 đội mạnh nhất thế giới là Mỹ và Đức cùng đội hạng 6 Tây Ban Nha. Còn đối thủ sắp đến là Hà Lan đứng hạng 9.
Cách đây 1 năm, Việt Nam còn có trận đá với Pháp, hiện hạng 5 thế giới. Đó đều là những trận thua, tuy nhiên kết quả lại có sự khác nhau, từ 0-7 trước Pháp, 0-9 trước Tây Ban Nha cho đến những tỷ số dễ chấp nhận hơn trước các đội còn lại, thậm chí chúng ta còn có bàn thắng vào lưới Đức, đội bóng số 2 thế giới cùng tỷ số khá "đẹp" 1-2.
Cho đến thời điểm này, dù vẫn còn 1 trận đấu nữa với Hà Lan, nhưng có thể nói là cơ hội là không còn với đội bóng của HLV Mai Đức Chung. Hà Lan là một đội bóng quá mạnh, họ lại đang cần ghi nhiều bàn thắng để đua hiệu số với Mỹ cho ngôi đầu bảng E, chúng ta đang đối diện với một trận thua nữa, thậm chí là với tỷ số rất đậm. Nhưng không vì vậy mà đội tuyển nữ Việt Nam bị đánh giá quá thấp. Chúng ta vẫn còn có mục tiêu của mình, đó là tìm ra những giới hạn. Biết càng nhiều giới hạn, càng tốt.
Vì có một điểm rất dở của thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng, đó là quá dựa nhiều vào những ưu thế "phi vật lý" như tinh thần, ý chí hoặc khai thác quá mức những điểm mạnh như kỹ thuật cá nhân, cách tập trung huấn luyện dài ngày… mà quên mất một việc cũng quan trọng không kém, đó là hạn chế những điểm yếu của mình.
Lấy ví dụ như trận đấu với Bồ Đào Nha, ở thế yếu nhưng lại ào lên đá đôi công ngay từ đầu nên khi thủng lưới sớm thì bất lợi bị nhân đôi. Đó là trận đấu mà Việt Nam có cú sút cầu môn trúng đích đầu tiên và duy nhất, nhưng lại có tỷ lệ kiểm soát bóng còn tệ hơn cả trận gặp Mỹ. Chúng ta thua kém hoàn toàn về thể chất lẫn khả năng tranh chấp 1 vs 1 nhưng lại không tập trung kiểm soát bóng tốt hơn để hạn chế điểm yếu. Thể hình là một giới hạn, kinh nghiệm quốc tế cũng là giới hạn. Đó là những thứ mà các cô gái của Việt Nam chỉ nhìn thấy rõ khi đá tại World Cup và không thể chỉ dùng các ưu điểm của mình để khỏa lấp được.
Không biết rõ các giới hạn ấy, thì sẽ không có cách để hạn chế. Người ta có câu "mạnh dùng sức, yếu dùng mưu", đó là cách để nói về việc giảm bớt điểm yếu của mình. Trong bóng đá, đó là lựa chọn chiến thuật, cách tiếp cận trận đấu, sự chuẩn bị về tâm lý kể cả khi đá với kiểu "xe buýt… 3 tầng". Giá trị của nó cũng ngang với việc chúng ta phát huy tối đa những điểm mạnh của mình, nhất là khi nghĩ đến chuyện dự World Cup thường xuyên.
Nếu ở sân chơi Đông Nam Á, thi đấu với các đối thủ ngang tài hoặc kém hơn, các cô gái của HLV Mai Đức Chung chỉ cần thi đấu đúng năng lực thì sẽ thành công. Kiểu như "chơi đúng sức, không quan tâm đến đối thủ là ai", nhưng ra đấu trường châu Á và thế giới, câu chuyện hoàn toàn khác.
Hãy nhìn thất bại 0-6 của Philippines trước Na Uy trong "trận đấu 6 điểm" giành vé vào vòng knock-out sẽ thấy. Chiến thắng lịch sử trước New Zealand đã tạo cho Philippines sự hưng phấn quá mức và họ đã trả giá bằng những bàn thua từ sớm. Thất bại này đưa Philippines "trở lại mặt đất", về với đẳng cấp của một đội bóng đến từ Đông Nam Á. Vấn đề của họ chính là kinh nghiệm và sự tỉnh táo, những điểm yếu của các đội bóng chỉ quen đá với các đối thủ yếu hơn mình.
Cuộc phiêu lưu của bóng đá nữ Việt Nam tại World Cup đã dừng lại, nhưng cuộc hành trình vươn lên của chúng ta thì lại chỉ mới bắt đầu. Trận đấu với Hà Lan có thể là một trải nghiệm khác, nhưng cũng có thể là một điều rất đáng chờ đợi. Để xem thầy trò HLV Mai Đức Chung phản ứng với nỗi thất vọng ở 2 trận trước ra sao. Để xem họ đã làm gì để cải thiện các điểm yếu của mình sau 5 ngày gặm nhấm nỗi buồn…