Đau đớn, ngột ngạt 'xóm chạy thận' giữa những ngày nắng nóng
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày nắng nóng kéo dài khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Người khỏe mạnh còn phải căng mình chống nắng, những con người lầm lũi mang bệnh tật nơi “xóm chạy thận” lại càng quay cuồng, bức bối hơn.
Không thể kiêng được…nước đá
Đó là câu chuyện của những con người phải chịu cái “án chung thân” với giường bệnh ở một xóm trọ tiêu điều nằm sâu trong ngõ Cột Cờ, đường Lê Thanh Nghị, Hà Nội mà lâu nay người ta vẫn hay gọi là “xóm chạy thận”. Gọi là “xóm chạy thận” bởi hầu hết cư dân của xóm này đều là bệnh nhân suy thận mãn tính, đang lọc thận trong bệnh viện Bạch Mai.
Hà Nội những ngày nắng gắt, những băng ghế cuối ngõ trở thành nơi cư dân xóm thận tập hợp với những câu chuyện đời, chuyện bệnh không còn mới mẻ. Giữa khi phố xá thật hiếm thấy người ra ngoài vì ngại nắng, họ lại rủ nhau ngồi hóng những cơn gió trời ít ỏi dưới bóng cây nhỏ cuối xóm để tránh cái nóng từ những mái lợp tôn tồi tàn hắt lại.
“Ít người biết những người chạy thận nhân tạo mùa này phải đặc biệt kiêng dùng nước đá lạnh. Bởi thận hỏng, càng hạn chế “bắt” thận lọc máu càng tốt. Nhưng nắng nóng thế này, làm sao mà kiêng cho được. Vẫn cứ phải uống, chỉ là cố gắng hạn chế phần nào hay phần ấy thôi. Nhất là sau mỗi lần chạy thận, những ụ cầu tay này phát lên nóng lắm. Không uống thì da khô, người héo hon. Không chịu được!”. Chị Huyền (51 tuổi) quê ở Hải Dương, người có thâm niên 8 năm chạy thận nhân tạo giơ cánh tay đầy vết tích của những lần mổ cầu tay lên chia sẻ.
Anh Mai Anh Tuấn (40 tuổi) ở Ba Vì - Hà Nội, trưởng xóm mới của xóm chạy thận cho hay: “Nói là xóm nhưng cũng chỉ có vài dãy nhà cách nhau vài chục mét. Ở đây có 135 cư dân ngụ trong gần 50 cái phòng trọ tồi tàn. Phòng nào rộng thì khoảng 9m2, ngặt hơn thì chưa đầy 20m2 phải chia cho 5 cái giường và chỗ sinh hoạt. Mùa nắng này người trẻ, còn có sức khỏe thì đỡ. Những người già cả và có thâm niên nhiều năm chạy thận, sức khỏe giảm sút thì khó nhọc lắm!”.
Gồng mình với giá cả leo thang
Trong thời điểm giá cả thị trường đang leo thang như hiện nay cuộc sống của những người chạy thận lại càng trở nên khốn khó. Chịu chung “căn bệnh của người giàu”, những bệnh nhân ở đây nghèo đến mức không thể nghèo hơn nữa. Giá cả mỗi phòng trọ nơi đây thường từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/ tháng, chưa kể tiền nước, tiền điện đối với họ đều rất đắt đỏ. “Biết là phòng trọ đắt nhưng cũng không thể thuê nơi khác rẻ hơn được. Ở đây gần bệnh viện phòng khi cấp cứu, với lại còn có anh em cùng cảnh ngộ, có người đồng cảm để chia sẻ, dễ sống hơn” - chị Hiền ( 23 tuổi) ở Hà Tĩnh thở dài cho biết.
Những ngày nắng nóng kéo dài càng khiến cuộc sống của xóm thận thêm quay cuồng, bức bối. Nhu cầu sử dụng điện nước tăng cao, thức ăn đồ uống dùng trong ngày hè không thể để được lâu đồng nghĩa với việc phải chi trả thêm một khoản tiền lớn. “Mùa đông 70.000 đồng có thể ăn được cả ngày, mùa hè thì phải 100.000 đồng/ngày. Chưa kể điện nước phải chịu giá người ta kinh doanh” chị Huyền kể. Chị chia sẻ, thời buổi bây giờ thứ gì cũng đắt, thức ăn đắt còn có thể dè xẻn được chứ thuốc thì không thể bỏ được một bữa. Cố gắng tằn tiện nhưng chị Huyền nhẩm tính mỗi tháng tiền thuốc, tiền trọ, tiền ăn cũng mất từ 2,5 đến 3 triệu đồng.
Những người trong xóm này ai cũng phải tự chăm sóc mình và điều trị bệnh, ít người có người thân theo cùng chăm sóc. Ông Huệ (60 tuổi) quê ở Bắc Giang không ngại bộc bạch: “Tiền ăn ở, bệnh phí ngoài này đắt đỏ hơn ở quê. Đèo thêm một người lại thêm một khó khăn. Người ở nhà còn phải lo làm ăn để phụ cấp tiền ra ngoài này lấy cái chi trả nữa”. Ông Huệ khẽ khàng lau những giọt mồ hôi trên trán rồi cười khuây như để quên cái đau, cái khổ đang không giấu nổi trên mặt.
Thông thường các bệnh nhân chạy thận 3 lần/tuần, 13 lần/ tháng. Nhờ có bảo hiểm y tế chi trả nên đa số bệnh nhân nghèo chỉ phải trả 5% viện phí. Trung bình mỗi tháng chi phí khoảng 400.000 đồng cho việc chạy thận. Tuy nhiên số tiền này với họ cũng không hề nhỏ. Với những người không có bảo hiểm, chi phí cho một tháng chữa bệnh không ai dám tính vì quá lớn. Bởi vậy, bản thân trong người mang trọng bệnh nhưng dân xóm thận vẫn nhiều người vừa đi làm thêm, vừa đi chạy thận.
Họ làm đủ các nghề từ làm thuê, mướn, nhặt phế liệu, bán nước, bán xôi dạo, xe ôm, đánh giày,… để có tiền trang trải cuộc sống. Dầu vậy, “địa bàn làm ăn rộng rãi nhưng phải phù hợp với sức khỏe từng bệnh nhân. Người mới chạy thận thì có thể đi xa, người chạy lâu năm xương cốt đau yếu, sức khỏe xuống dốc nên mức độ làm việc cũng vì thế mà yếu đi nhiều” - ông Huệ buồn bã chia sẻ.
Giữa cái nắng hè chói chang, oi bức những người dân xóm thận vẫn đang nhẫn nại gồng mình đấu tranh với bệnh tật và cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt. Như một nhánh cây đang héo dần một mạch sống, cuộc đời nay còn mai đi không lường trước của họ sẽ còn nhiều lắm những thử thách, khó khăn!
Thanh Mai