Đâu chỉ pháo sáng... làm tối V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Thường thì ở mỗi vòng đấu V-League, giới phóng viên phải hết sức cẩn thận kẻo bỏ sót thông tin các “điểm sáng” của vòng là rất mệt. Chẳng là hết giải quốc tế, khi các ĐTQG không còn thi đấu, chỉ còn trông chờ lượng view ở V-League diễn ra vào cuối tuần. Nên nhớ là chỉ V-League thôi nhé! Còn như giải futsal VĐQG đang diễn ra ở Nha Trang, hạng Nhất hay giải thể thao gì đó thì... chẳng mấy ai quan tâm.
Thành ra, cái vụ khán giả Hải Phòng đốt pháo sáng làm loạn sân Hàng Đẫy tuần rồi, đến nay vẫn còn nóng hổi, là đề tài để khai thác dù chẳng có gì mới. Năm nào khán giả đất Cảng chẳng đốt với mật độ dày đặc. Như năm 2018, với hành vi đốt pháo sáng, CĐV đất Cảng đã khiến đội nhà bị phạt đến 310 triệu đồng. Đúng là cơ khổ, bán vé, kinh doanh đồ lưu niệm chẳng bõ bèn cho việc nộp phạt.
Dân viết bóng đá ai chả thích các trận đấu hay, bàn thắng đẹp, khán đài số liệu khán giả tăng vọt, nhưng thú thật là, vẫn cứ sợ chả có cái gì để mà viết về chuyên môn. Bởi, V-League bây giờ nhạt, bạo lực sân cỏ vẫn giảm nhẹ, chất lượng chuyên môn, khán giả, trọng tài, năng lực tổ chức, điều hành giải, năng lực xử lý các tình huống của các phòng, ban chức năng..., đã 19 mùa chuyên nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
VIDEO: CĐV Hải Phòng đốt và ném pháo sáng xuống sân Hàng Đẫy
Vòng 6, pháo sáng lên báo chí nước ngoài nhưng nên nhớ ngay vòng 5, màn đấu võ giữa đội bóng bên sông Hàn với Hải Phòng ở V-League cũng khiến nhiều khán giả phương Tây “hốt hoảng” tranh luận trên mạng khá xôm tụ.
Cho nên, pháo sáng nó đã lấn át đi rất nhiều thứ chưa tốt của V-League mà Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF phải điều chỉnh để đưa bóng đá chuyên nghiệp bắt kịp với những chuyển dịch tích cực của bóng đá Việt Nam nói chung.
V-League được thừa hưởng nhiều lợi ích nhờ thành công của ĐTQG, U23 quốc gia, nhất là góc độ vận động tài trợ. Nếu nói về quy trình phát triển cơ bản của nền bóng đá: Đào tạo trẻ - Hệ thống giải chuyên nghiệp - Các ĐTQG, thì hệ thống giải chuyên nghiệp đang là khâu đáng lo ngại nhất.
Không ai phủ nhận việc ra đời của VPF, là tất yếu, là mô hình tối ưu, có điều dường như VPF vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu để tổ chức một giải VĐQG thực sự hoàn hảo.
Có thể thấy rõ nhất là khâu trọng tài, (trách nhiệm thuộc về VFF vì chiếm cổ phần chính ở VPF), liên tục phải thuê trọng tài ngoại về điều hành những vòng cuối. Thật khó chấp nhận khi điệp khúc do thiếu kinh phí, chưa có đủ thời gian đào tạo nên chất lượng, số lượng hạn chế. Công cụ “hành pháp” chủ yếu là phạt nguội, thay vì các giải pháp khiến khiến các đội phải tuân thủ cơ bản Điều lệ, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, Quy định kỷ luật.
Về môi trường V-League, VFF và VPF vẫn chưa tạo ra sân chơi công bằng để các đội hào hứng, có niềm tin thi đấu hết mình sẽ có vị thế tốt. Các ông bầu vẫn chưa thể hướng về nhau, mỗi người phải tạo dựng một lợi thế khác nhau trong một cuộc chơi chưa chuyên nghiệp. Số phận các đội bóng bị quyết định rất lớn vào “tính khí” của nhà tài trợ, mà bài học Thanh Hóa (đang bê bết cuối bảng) rất đau lòng từ khi bầu Quyết ngừng tài trợ cho bóng đá tỉnh Thanh.
Khi cuối tuần đến sân không còn nhiều niềm vui về chuyên môn, thì rất dễ để khán giả chuyển hướng sang niềm vui khác (quậy phá, đánh lộn, đốt pháo sáng, chăng băngrôn phản cảm) và trút các ẩn ức khác, nhân danh cổ vũ bóng đá.
Gọi không chỉ pháo sáng đang làm tối V-League là vậy, đừng đổ lỗi tất cả cho đội bóng, BTC sân và khán giả!
Hữu Quý