Đáp án môn Văn tốt nghiệp THPT 2022
Đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn bao gồm hai phần chính là đọc hiểu và làm văn với thời gian làm bài là 120 phút.
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ TỐT NGHIỆP THPT 2022 - MÔN NGỮ VĂN
Thực hiện: Ban chuyên môn Tuyensinh247.com
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
Thể thơ: Tự do.
Câu 2.
Những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn thơ là: trong, tinh khiết, khỏe, mơn mởn.
Câu 3.
Biện pháp so sánh: "Tuổi trẻ như sao trời mát mắt" trong bối cảnh yên bình; và tuổi trẻ "cháy bùng như lửa thiêng liêng" trong bối cảnh giặc giã đụng vào bờ cõi.
Ý nghĩa:
Biện pháp so sánh giúp có hình ảnh được diễn đạt thêm sinh động, hấp dẫn, dễ hình dung.
Sử dụng biện pháp so sánh “Tuổi trẻ” với "sao trời mát mắt" cho thấy sự tỏa sáng của lứa tuổi thanh niên trong công cuộc đóng góp dựng xây đất nước, mang đến niềm tin yêu và tự hào.
Hình ảnh so sánh tuổi trẻ như ngọn lửa bùng cháy đã làm rõ nhiệt huyết, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi khi đất nước có ngoại xâm.
Qua hình ảnh so sánh tác giả ngợi ca, tôn vinh vẻ đẹp của sức mạnh tuổi trẻ.
Câu 4.
Gợi ý: Nhận xét những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ:
- Đây là những suy ngẫm sâu sắc của tác giả, sự thấu đáo của người từng trải.
- Tuổi trẻ là độ tuổi hồn nhiên, vui tươi, mang trong mình đầy những ước mơ, hoài bão.
- Khi đất nước bình yên, hay khi đất nước bị xâm lăng những người trẻ tuổi ấy không ngại từ bỏ những hoài bão của mình để đứng lên chống lại quân xâm lược.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
1. Mở đoạn
- Giới thiệu vấn đề: Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước.
2. Thân đoạn
a. Giải thích
- Trách nhiệm: là việc mà mỗi người phải làm và có ý thức với những việc làm đó.
=> Thế hệ trẻ phải có trách nhiệm trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước.
b. Phân tích
* Tại sao thế hệ trẻ ngày nay cần có trách nhiệm tiếp bước các thế hệ đi trước?
- Ông cha ta từ ngàn đời xưa đã gây dựng và giữ gìn đất nước, chúng ta được thừa hưởng nền độc lập dựa trên máu xương của biết bao thế hệ ấy, vì thế chúng ta cần có trách nhiệm phát huy và gây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.
- Đối với thế hệ trẻ, tiếp bước các thế hệ đi trước không chỉ đang góp phần xây dựng nước nhà mà đó còn là cơ hội phát triển bản thân, tích lũy kinh nghiệm, tạo ra cơ hội cho chính mình.
- Trách nhiệm xây dựng, phát triển đất nước là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người.
* Thế hệ trẻ cần làm gì để tiếp bước các thế hệ đi trước?
- Đối với học sinh, sinh viên, chúng ta cần ra sức học tập, trau dồi bản thân và tích lũy cho mình nhiều kiến thức..
- Không ngại khó khăn, thử thách, dám dấn thân để có nhiều trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
- Có ý thức, biết ơn sâu sắc tới những thế hệ đi trước, những người đã có công gây dựng đất nước.
=> Ý nghĩa: Giúp mỗi người sống có lí tưởng và mục đích, có trách nhiệm về nghĩa vụ và bổn phận của bản thân đối với đất nước, từ đó giúp đất nước ngày càng vững mạnh.
c. Phản đề
- Nhiều bạn trẻ vẫn sống ỷ lại, dựa dẫm, không có ý thức muốn học hỏi, cống hiến cho xã hội.
- Lối sống ích kỉ, chỉ biết đến bản thân và không muốn vươn lên đã kìm hãm sự phát triển của thế hệ ngày nay.
3. Kết đoạn
- Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước là một điều quan trọng.
- Liên hệ bản thân: Là một học sinh, em cần có trách nhiệm với những gì cha ông ta đã gây dựng, phải cố gắng nỗ lực rèn luyện hơn nữa để xứng đáng kế thừa và phát huy các thành quả của các thế hệ đi trước.
Câu 2.
I. Mở bài:
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Tác giả:Nguyễn Minh Châu là cây bút văn xuôi tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Trước những năm tám mươi, ông sáng tác theo khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình, lãng mạn. Sau đó, ông chuyển sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức, triết lí nhân sinh. Là người mở đường tinh anh, cây bút tiên phong trong văn học thời kì đổi mới.
- Tác phẩm: “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện in đậm phong cách tự sự triết lí của Nguyễn Minh Châu, thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời.
* Khái quát vấn đề nghị luận: Phát hiện thứ nhất của nhân vật Phùng, liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
II. Thân bài:
1. Phân tích đoạn trích – Phát hiện thứ nhất của nhân vật Phùng.
a. Giới thiệu vị trí đoạn trích.
Đoạn trích nằm ở phần đầu tiên của tác phẩm khi nhân vật Phùng sau bao ngày tìm kiếm cũng phát hiện được một “cảnh đắt trời cho”.
b. Phân tích: Phát hiện thứ nhất - về cái tuyệt mĩ, tuyệt thiện:
- Khung cảnh biển buổi sáng trong sương mai hiện lên đẹp đẽ, tuyệt bích như bức họa mực tàu.
- Khung cảnh rộng lớn của biển cả với hình ảnh chiếc thuyền thơ mộng, thanh bình xuất hiện giữa bầu sương mù trắng như sữa lại pha chút hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào.
- Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ.
-> Cảm nhận tinh tế cùng với đôi mắt của người nghệ sĩ đã phát hiện ra vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống mà anh cho rằng đây là “cảnh đắt trời cho”. Đó là bức họa diệu kỳ do thiên nhiên, cuộc sống ban tặng cho con người; là sản phẩm quý hiếm của hóa công mà trong đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng khao khát được chứng kiến. Chính vì thế người nghệ sĩ cảm thấy bị rung động, hạnh phúc đó là niềm hạnh phúc của sự khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu.
- Trong giây lát, Phùng đã nhận ra được chân lý của sự hoàn mỹ, thì ra đứng trước cảnh đẹp, trước sự toàn bích, hài hòa, lãng mạn của cuộc đời, tâm hồn người nghệ sĩ có thể được thanh lọc để trở nên trong trẻo hơn.
=> Phát hiện đầu tiên của nhân vật Phùng cho chúng ta thấy hình ảnh của một người nghệ sĩ chân chính, một người nghệ sĩ với sự một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, yêu cái đẹp và trân trọng cái đẹp. Đối với anh cái đẹp chính là đạo đức. Thế nhưng cũng từ phát hiện này ta cũng nhận ra cái nhìn của nhân vật Phùng có chút phiến diện, chỉ toàn màu hồng, toàn những điều đẹp đẽ mà chưa mang sự từng trải, cái nhìn đa chiều.
2. Liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
- Hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích: là hình ảnh đẹp, bình dị có chút thơ mộng. Đây chính là hình ảnh tượng trưng cho nghệ thuật, vẻ đẹp của cuộc sống.
- Hình ảnh chiếc thuyền phải chống chọi giữa phá: là hình ảnh mang tính hiện thực thể hiện những khó khăn, những góc khuất của cuộc đời.
-> Nhìn hiện tượng thì đây là hai hình ảnh đối lập nhau nhưng trên thực tế cả hai con thuyền đều hướng đến giá trị riêng: một giá trị là cái dễ thấy, dễ nhìn, một giá trị thì cần đào sâu, tìm tòi mới có thể phát hiện được. Bởi vậy, người nghệ sĩ đứng trước cái đẹp không chỉ đơn giản là nhìn thấy mà còn cần phải nhìn thấu.
=> Thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống: Nghệ thuật phải gắn liền và bắt nguồn từ cuộc sống, không được xa rời cuộc sống và phải quay trở về để phục vụ cuộc sống. Và đối với người nghệ sĩ cũng cần có con mắt tinh tường, thấu cảm trước mọi sự việc của cuộc đời, để từ đó không chỉ phát hiện ra những vẻ đẹp bề nổi mà còn phát hiện những vẻ đẹp khuất lấp, gai góc của cuộc đời này.
III. Kết bài:
- Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
- Khẳng định vị thế của nhà văn.
*****
Đề thi Ngữ văn Tốt nghiệp THPT 2022 vào bài "Chiếc thuyền ngoài xa"
Theo chia sẻ của thí sinh sau khi hoàn thành bài thi Ngữ văn, ở phần đọc hiểu, đề thi cho đoạn trích trong tác phẩm "Con đường của những vì sao" của tác giả Nguyễn Trọng Tạo và yêu cầu xác định thể thơ của đoạn trích.
Bên cạnh đó, thí sinh cần chỉ ra những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong 3 câu thơ thuộc đoạn trích trên và tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong một đoạn thơ khác.
Ngoài ra, thí sinh nhận xét những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa của sự hy sinh của tuổi trẻ được thể hiện trong đoạn trích trên.
Ở phần làm văn, đề thi gồm 2 câu.
- Câu 1 (2 điểm) yêu cầu thí sinh từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước.
- Câu 5 điểm rơi vào tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cụ thể, đề thi dẫn một đoạn trích trong tác phẩm này, yêu cầu thí sinh phân tích, liên hệ hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Cách làm đề văn
Thời gian làm bài thi môn Ngữ Văn THPT quốc gia là 120 phút.
Sau đây là cách chia thời gian làm bài thi Văn THPT Quốc Gia để đạt trọn vẹn điểm tối đa, các bạn nên tham khảo.
Phần đọc hiểu
Bạn chỉ nên dành 20 phút cho phần đọc hiểu. Bao gồm cả đọc câu hỏi và trả lời. Phần đọc hiểu không cần quá dài nên 20 phút đã đủ để bạn làm tròn.
Phần nghị luận xã hội
Phần này bạn không nên dành quá nhiều thời gian mà chỉ nên làm tối đa 20 phút mà thôi. Vì điểm của phần này cũng không quá cao
Phần nghị luận văn học
Đây là phần quan trọng nhất của môn thi Văn THPT Quốc Gia nên bạn phải dành tốt nhất là 80 phút cho phần này. Vì bạn sẽ cần phải làm nguyên bài đủ mở bài, thân bài, kết bài thì mới có thể có được điểm số. Nếu dành quá ít thời gian có thể sẽ bị bỏ lỡ đoạn kết bài làm cho điểm thi không như ý.
Tham khảo đề thi Văn 2021
Tham khảo Đáp án môn Văn THPT 2021 chính thức
Gợi ý đáp án đề thi THPT quốc gia môn Văn 2021
Bài giải môn Ngữ văn do thạc sĩ Phạm Thị Thanh Nga và thạc sĩ Nguyễn Phú Hải, giáo viên THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, thực hiện.
Phần I: Đọc hiểu
Câu 1: Sự ra đời của dòng sông diễn ra như sau: “Từ những kẽ hở trên mặt đất, nước trào lên mát lạnh và trong lành. Từ một dòng nước nhỏ, nước hòa với nước tươi mát rơi từ trên trời và nước thấm vào đất để tạo nên một dòng suối nhỏ cứ chảy mãi xuống cho tới khi một dòng song ra đời”.
Câu 2. Món quà tặng là những vùng châu thổ màu mỡ này hình thành nên những vùng nông nghiệp vĩ đại nhất trên thế giới.
Câu 3: Dòng chảy của nước và cuộc sống con người có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Dòng chảy của nước gắn bó mật thiết với đời cuộc sống con người: Chứng kiến lũ trẻ chơi đùa trong công viên, chứng kiến người cha cùng cậu con trai nhỏ chơi bắt bóng.
Câu 4: Bài học: Hành trình từ sông ra biển của nước là hành trình dài, đầy gian khổ, từ đó rút ra bài học về lẽ sống:
- Bài học số 1: Sống phải biết cống hiến
- Bài học số 2: Sống phải có khát vọng, ước mơ, hoài bão, lý tưởng cao đẹp
- Bài học số 3: Cuộc sống cần có trải nghiệm, vì thế con người cần dũng cảm đối diện với khó khăn, thử thách để vượt qua nó.
Phần II: Làm văn
Câu 1: Đề nghị luận xã hội về sự cống hiến
- Cống hiến là đóng góp những phần cao quý của cá nhân/ cá thể cho sự nghiệp chung của cộng đồng, xã hội. Cống hiến có thể biểu hiện qua những đóng góp về mặt vật chất và tinh thần. Sự cống hiến không chỉ biểu hiện ở những điều lớn lao, mà còn ở những điều bé nhỏ, giản đơn trong cuộc sống
- Sống cống hiến là điều hết sức cần thiết, bởi vì:
+ Giúp cho mỗi người trở nên vị tha, bao dung. Người cống hiến cho xã hội sẽ được những người xung quanh nể trọng, đánh giá cao. Chính sự cống hiến là động lực, điểm tựa để thôi thúc con người vượt qua khó khăn trở ngại, những thử thách thăng trầm trong cuộc sống để phục vụ cho cộng đồng, xã hội
+ Sống cống hiến giúp cho xã hội tiến bộ, phát triển hơn
+ Sống cống hiến góp phần hàn gắn, gắn kết các mối quan hệ trong gia đình, xã hội
- Phê phán những lối sống ích kỷ, tầm thường, đề cao lợi ích cá nhân mà bỏ qua lợi ích tập thể, cộng đồng
- Học sinh liên hệ bản thân, rút ra bài học về nhận thức và hành động: Để có thể cống hiến, mỗi người cần xác lập cho mình lý tưởng, mục tiêu, lối sống lành mạnh, cao đẹp, đúng đắn, văn minh, cần bồi dưỡng đời sống tâm hồn, tình cảm trong sáng, vô tư, chân thành, và cũng cần có kỹ năng sống để sự cống hiến thực sự có ý nghĩa, trở thành nghĩa cử cao đẹp. Tuy nhiên, con người cần biết xử lý hài hòa mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, giữa quyền lợi cá nhân và lợi ích tập thể
Câu 2: Đảm bảo xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
- Cảm nhận về đoạn thơ
- Từ đó, nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh
Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí xuất xứ của đoạn trích
+ Tác giả Xuân Quỳnh: Là nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thơ bà là tiếng lòng của tâm hồn phụ nữ giàu lòng trắc ẩn, luôn da diết trong khát vọng về tình yêu và hạnh phúc đời thường.
+ Tác phẩm: Hoàn cảnh ra đời: "Sóng" được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế về vùng biển Diêm Điền, Thái Binh, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra gian khổ, ác liệt. Bài thơ được in trong tập thơ "Hoa dọc chiến hào".
+ Vị trí xuất xứ bài thơ
Phân tích nội dung:
+ Khổ thơ: "Trước muôn trùng sóng bể/ Em nghĩ về anh, em/ Em nghĩ về biển lớn/ Từ khi nào sóng lên"
+ Nội dung: Nhân vật trữ tình "em" suy nghĩ về nguồn gốc của "Sóng" cũng là đi tìm nguồn gốc về tình yêu.
+ "Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu? Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau".
+ Nguồn gốc của "Sóng": Bắt đầu từ gió
+ Nguồn gốc của tình yêu: Không thể lý giải được
+ "Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức".
Bộc lộ nỗi nhớ
+ Nỗi nhớ bao trùm cả không gian, thời gian: “lòng sâu - mặt nước, ngày – đêm”.
+ Nỗi nhớ thường trực, không chỉ tồn tại khi thức mà cả khi ngủ, len lỏi cả vào trong mơ, trong tiềm thức (“cả trong mơ còn thức”).
+ Cách nói cường điệu nhưng đúng và chân thành biểu hiện nỗi nhớ một tình yêu mãnh liệt (“Ngày đêm không ngủ được”).
+ Mượn hình tượng sóng để nói lên nỗi nhớ vẫn chưa đủ, chưa thỏa, nhà thơ trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ của mình (“Lòng em nhớ đến anh”)
Như vậy, qua hình tượng sóng, nhân vật trữ tình bộc lộ nỗi nhớ: da diết, khắc khoải; bao trùm lên không gian, thời gian; hiện hữu trong ý thức lẫn tiềm thức.
Nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh:
+ Đó là vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ có sự kết hợp giữa chất truyền thống và tính hiện đại.
+ Từ những cung bậc cảm xúc của tình yêu, nhà thơ tự mình lý giải, định nghĩa, tìm hiểu về tình yêu để từ đó bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn: Tiếng lòng của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, luôn da diết trong khát vọng về tình yêu và hạnh phúc đời thường.
Đánh giá chung:
+ Đoạn thơ có cặp hình tượng song hành, chuyển hoá lẫn nhau là “sóng” và “em”. “Sóng” vừa là hình tượng vừa là biểu tượng cho tâm hồn và tình yêu của người phụ nữ.
+ Thể thơ năm chữ, cách ngắt nhịp, phối âm tạo nên nhịp điệu khi khoan hoà khi dồn dập; ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên, giàu xúc cảm và được tổ chức theo lối hô ứng, song hành tạo nên liên tưởng về những con sóng trùng điệp miên man; giọng điệu vừa tha thiết vừa sâu lắng, ...
+ Các biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, đối lập, câu hỏi tu từ và điệp từ, điệp cú pháp góp phần tạo nên nhịp điệu nồng nàn, say đắm, thích hợp cho việc diễn tả nỗi trăn trở băn khoăn, nỗi nhớ mãnh liệt: “Em nghĩ về biển lớn/ Em nghĩ về anh, em”, “con sóng” (ba lần), “dưới lòng sâu - trên mặt nước”…
+ Ba khổ thơ trên đã thể hiện những băn khoăn, trăn trở của người phụ nữ về cội nguồn của tình yêu cũng như nỗi nhớ thiết tha, mãnh liệt của họ khi yêu, góp phần làm rõ hơn những nét đặc sắc của phong cách thơ Xuân Quỳnh.
Thí sinh bước vào môn thi đầu tiên – môn Ngữ văn
Sáng 7/7, các thí sinh trên toàn quốc bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022, với môn Ngữ văn – môn duy nhất thi theo hình thức tự luận.
Các thí sinh dự thi năm nay là những học sinh chịu ảnh hưởng, tác động của dịch COVID-19 trong cả ba năm học Trung học Phổ thông. Đặc biệt, trong năm học cuối cấp - lớp 12, các em có khoảng 70% thời gian học tập trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Đây là thiệt thòi của học sinh, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tranh thủ thời gian "vàng" học trực tiếp để bồi dưỡng, củng cố kiến thức cho các em. Bên cạnh đó, để phù hợp với điều kiện, thời gian học tập của học sinh, đề thi năm nay sẽ tập trung vào những kiến thức mang tính cơ bản và vẫn sẽ có độ phân hóa để phân loại được thí sinh, phù hợp với yêu cầu của nhiều trường đại học dùng kết quả của kỳ thi để xét tuyển. Đề thi cũng bảo đảm không ra vào các phần đã tinh giản theo hướng dẫn về dạy và học trong các năm học vừa qua. Do vậy, các thí sinh có thể yên tâm, không nên quá lo lắng, giữ tinh thần bình tĩnh và tập trung cao độ trong quá trình làm bài thi để đạt kết quả tốt nhất.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022 có 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học); 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Phổ thông hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học Phổ thông). Các thí sinh được lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Thời gian làm bài thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Mỗi buổi thi, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của Ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.
Trong phòng thi, thí sinh phải tuân thủ các quy định: Trình Thẻ dự thi cho cán bộ coi thi; ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình. Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, Phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.
Khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi.
Thí sinh không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ). Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, thí sinh phải ngừng làm bài ngay.
Thí sinh bảo quản nguyên vẹn, không để người khác lợi dụng bài thi của mình và phải báo cáo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý các trường hợp bài thi của mình bị người khác lợi dụng hoặc cố ý can thiệp.
Khi nộp bài thi tự luận, thí sinh phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi. Thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi.
Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Với thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
Trong trường hợp cần thiết, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi và phải chịu sự giám sát của giám thị hành lang. Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do trưởng điểm thi quyết định.
Ngữ văn là môn duy nhất thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài.
Thí sinh lưu ý có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của Ban Coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.
Một số quy định phải tuân thủ trong phòng thi thí sinh cần đặc biệt lưu ý như sau:
Thí sinh trình Thẻ dự thi cho cán bộ coi thi; ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình. Trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin vào đề thi, giấy thi, giấy nháp; kiểm tra kỹ đề thi, nếu phát hiện bất thường cần báo cáo ngay với cán bộ coi thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi.
Thí sinh cũng cần tuyệt đối tuân thủ quy định trong phòng thi đã được thầy cô, cán bộ coi thi quán triệt.
Những vật được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2022
Theo điểm m khoản 4 Điều 14 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT thì thí sinh chỉ được phép mang vào phòng thi các vật dụng như sau:
- Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính;
- Máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ (cụ thể trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GDĐT);
- Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác) do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành;
- Các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Những vật không được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2022
Theo điểm n khoản 4 Điều 14 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định về các vật cấm mang vào phòng thi bao gồm:
- Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn;
- Vũ khí và chất gây nổ, gây cháy;
-Tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
Nhóm P.V