Đạo diễn Vân Trình: "Thế giới không ai chạy đua giá trị âm nhạc bằng số liệu trên Youtube"
"Trên thế giới, không ai chạy đua giá trị âm nhạc bằng số liệu trên Youtube, chỉ có mỗi Việt Nam thôi. Và chúng ta cũng không có bảng xếp hạng âm nhạc nào đủ chất lượng", đạo diễn Vân Trình nói.
Đạo diễn Vân Trình là cái tên khá xa lạ với công chúng nhưng lại là "người quen" của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong làng nhạc Việt.
Anh là người đứng sau những live show, live concert của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Quang Dũng, Noo Phước Thịnh, Ngô Kiến Huy, The Men, Khắc Việt… Anh cũng là người đưa nhiều nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam biểu diễn, trong đó phải kể tới nhóm nhạc đình đám xứ kim chi BTS, T'ara…
Vân Trình cũng là đạo diễn đầu tiên của Việt Nam đưa các nghệ sĩ Việt ra nước ngoài "hát rong" khi thực hiện chuỗi dự án hát giữa thiên nhiên với tên gọi "Xin Chào".
Vừa trở về từ Hàn Quốc với live music này, anh đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thú vị về công việc của một người đứng sau sân khấu, đứng sau ánh hào quang rực rỡ của nghệ sĩ.
Từng "tích củi 3 năm đốt 1 giờ" nhưng chưa bao giờ bỏ cuộc
* Xin được bắt đầu từ xuất thân của anh. Anh học ngành công nghệ thông tin nhưng lại có duyên với nghệ thuật ở vai trò một người sáng tạo, tổ chức show và đạo diễn sân khấu… Cơ duyên và hành trình đó như thế nào thưa anh?
- Nhiều người nghĩ, ngành học của tôi và nghề tôi làm không liên quan nhưng thật ra lại liên quan rất nhiều. Đầu những năm 2000, từ lúc còn ở Đà Lạt, nhờ rành về máy tính nên tôi bắt đầu in đĩa nhạc đem bán cho các bạn trong lớp, trong trường và các trường lân cận.
Về Sài Gòn, tôi may mắn được vào làm cho một công ty giải trí của Hồng Kông (Trung Quốc). Lúc đó, công ty đang làm show cho Đàm Vĩnh Hưng ở 10 trường đại học. Chỉ còn 1 tuần là đến show diễn nên các bộ phận khác đều có người hỗ trợ hết rồi, và tôi được giao những việc vặt soát vé, treo banner, mở đĩa cho ca sĩ hát…
Tôi chỉ phải thử việc 1 tháng. Sau 4 show, tôi được chuyển qua học hỏi các công tác về hậu kỳ, dựng phim. Công ty làm rất nhiều thứ: tổ chức show diễn, event, phim quảng cáo, hậu kỳ điện ảnh… Khi mình làm việc với người nước ngoài, mình học hỏi được rất nhiều thứ và tôi mê nghề tổ chức show từ đó.
Sau hơn 1 năm, thấy công ty tập trung làm phim quá nhiều nên tôi chuyển qua làm cho một công ty của Nhật chuyên tổ chức sự kiện. Sau 1 năm, tôi được tạo điều kiện làm đạo diễn các chương trình event, được cho tham gia các khóa học về sáng tạo. 2 năm sau, tôi giữ vị trí giám đốc sáng tạo của công ty.
Làm ở đó 6 năm, tôi mở công ty và làm show cho đài như VTV, VTC… Thời gian đó, có năm tôi làm khoảng 60 show ca nhạc. Khi mở công ty, tôi chủ động về thời gian hơn nên bắt đầu đi học chuyên sâu. Mỗi năm tôi đều dành 1-2 tháng đi học các khóa ngắn hạn ở Nhật, Hàn, Sing về đạo diễn sân khấu.
Tôi vừa tổ chức, sản xuất show vừa làm đạo diễn sân khấu, sự kiện cho rất nhiều nhãn hàng, nghệ sĩ như: Noo Phước Thịnh, Ngô Kiến Huy, The Men, Khắc Việt,…
* Ở vai trò một người tổ chức show, để tồn tại chắc không dễ, nhất là khi phải tính toán về tài chính và thương lượng với nghệ sĩ?
- Để cân đối thì tôi luôn rõ ràng về tiền bạc. Khi mời nghệ sĩ, tôi luôn nói rõ concept chương trình, giá vé, số lượng ghế. Nghệ sĩ đủ thông minh để tính toán được kinh phí đầu tư ra sao và đưa giá cát-xê hợp lý với tôi. Tôi không kỳ kèo mặc cả. Khi đã đồng ý, tôi bắt tay vào chơi. Bán được vé thì mình thắng, không được thì mình chịu. Có chơi có chịu thôi.
* Vậy có lần nào anh bị lỗ?
- Có chứ, tôi từng phải bán xe luôn. Năm 2015 tôi bán xe và suýt phải bán nhà vì thua lỗ. Năm đó tôi làm hai show ở Đà Nẵng và sân khấu Lan Anh đều bị gẫy nặng.
Show ở Đà Nẵng, dàn nghệ sĩ gần chục người đều là những ca sĩ nổi tiếng, từ trẻ tới già như Nguyễn Hưng, Lệ Quyên, Quang Lê, The Men, Tiên Tiên… Chương trình 5.000 ghế nhưng chỉ bán được 1.000 vé. Chương trình ở Lan Anh diễn ra vào dịp Tết với gần 2.000 ghế cũng chỉ bán được 500 vé. Nói chung, tôi đã trải qua nhiều chuyện rồi.
* Trong tình huống đó, có lúc nào anh nghĩ mình sẽ không làm nghề này nữa?
- Không. Lúc đó tôi nghĩ chuyện làm lại như thế nào, tích tiểu thành đại lại ra sao. Bạn tôi lúc đó còn chọc ghẹo là "tích củi 3 năm để đốt 1 giờ".
Bị lỗ hai show liên tiếp, tôi chịu rất nhiều áp lực vì những gì mình tích lũy đều mất hết và mất quá nhanh, đã thế còn nợ tiền của đối tác, nghệ sĩ. Làm bao nhiêu năm giờ không còn gì. 2, 3 tháng sau, tôi cũng trả hết. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, mình còn làm việc thì còn gây dựng lại được. Đó là bài học cho tôi.
Sau này, làm bất cứ show nào, tôi cũng lấy những thất bại đó ra để định vị trước. Tôi cũng dạy cả nhân viên của mình như vậy. Lỗi nào đã khắc phục được rồi thì không được phép lặp lại cái sai cũ. Dĩ nhiên, phải sai thì chúng ta mới trưởng thành và không bị rơi vào tình huống thỏa hiệp với bản thân, không biết mình là ai.
"Giá trị gốc của âm nhạc không nằm ở số liệu view trên Youtube"
* Làng nhạc Việt đang có xu hướng phân định rạch ròi giữa ca sĩ giải trí và ca sĩ thực lực. Bản thân anh vừa là nhà sản xuất chương trình vừa là đạo diễn nghệ thuật, anh nghĩ thế nào về xu hướng này?
- Năm 2019, tôi đã đưa ra quan điểm này, nghệ sĩ thực lực và nghệ sĩ thần tượng (giải trí). Trong lúc thực hiện ý tưởng show "Phòng trà Online theo chủ đề Back to Basic", tôi cũng từng nói: người hát hay phải được trọng dụng.
Tôi làm show nên biết, có những bạn hát không hay nhưng lương 200, 250 triệu trong khi một người hát quá hay mà lương chỉ có vài triệu đồng. Tôi nói với anh em nhạc sĩ "phải đưa âm nhạc về giá trị đúng".
Tôi không phản đối ca sĩ giải trí nhưng nên tách hẳn ra thành hai trường phái với mức lương tương xứng. Ca sĩ giải trí đem lại hiệu quả truyền thông thì ca sĩ thực lực đem lại chất lượng văn hóa, chất lượng âm nhạc. Họ xứng đáng để khán giả bỏ 500.000, 1 triệu đồng để đi nghe nhạc chứ không phải để đi coi nhạc.
Hiện tại, những ai đang hoạt động trong ngành sản xuất âm nhạc - chương trình đang cùng nhau làm, mỗi người một cách khác nhau nhưng đều có chung một mục đích hướng đến các chương trình có chất lượng về âm nhạc.
Tôi nghĩ chắc 5 năm, 10 năm nữa thì làng nhạc mới phân định rạch ròi như vậy được. Bản thân tôi tập trung làm tốt việc của mình. Tôi không so sánh, không cạnh tranh với các nền tảng, format khác. Mỗi người, mỗi đơn vị một thế mạnh, cùng nhau thì ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam mới phát triển được.
Tôi từng làm việc với các đối tác nước ngoài và họ nhận định là: thị trường nhạc Việt khác hoàn toàn thế giới, không vào guồng nào cả, cũng không có một quy chuẩn, một tiêu chí nào cụ thể để đánh giá.
Ví dụ, nước ngoài có lượt tải bài hát trả phí để đánh giá ca khúc đó hit thế nào còn ở Việt Nam, cứ đăng lên Youtube miễn phí cho nên không đánh giá được về thực chất.
Giá trị gốc của âm nhạc không nằm ở số liệu view trên Youtube. Trên thế giới, không ai chạy đua giá trị âm nhạc bằng số liệu trên Youtube, chỉ có mỗi Việt Nam thôi. Và chúng ta cũng không có bảng xếp hạng âm nhạc nào đủ chất lượng.
* Trong 2 năm dịch Covid-19, anh tiên phong làm Phòng trà Online với format ấn tượng nhưng nghe nói, anh không thu hồi được bất cứ đồng nào từ show này trong khi đầu tư khá nhiều tiền. Anh từng bán xe, suýt bán nhà vì nghề, vậy điều gì lại khiến anh "liều lĩnh" tiếp như vậy?
- Ban đầu chúng tôi đưa ra ý tưởng làm website riêng, phát livestream trên đó và bán vé vì thời điểm ấy, dịch bệnh còn nhẹ nhàng lắm, phòng trà, sân khấu phải đóng cửa thôi chứ chưa bùng dịch diện rộng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân như vậy. Cho nên chúng tôi nghĩ mình làm chuẩn, đẹp thì sẽ có nhãn hàng và nhà đài nhảy vào, có thể bán được format.
Bất cứ một dự án nào cũng đều phải có giai đoạn đầu tư, xây dựng hình ảnh chứ. May mắn là trước đó, năm 2019, tôi làm hơn 20 show ca nhạc và sự kiện nên có tích lũy. Khi ê-kíp họp, chúng tôi quyết định trích lợi nhuận ra làm. Dự kiến làm 6 show với kinh phí khoảng 3 tỉ đồng.
2 năm, chúng tôi làm 5 số, không thu về đồng nào cả nhưng cái mà chúng tôi được là rất nhiều nhãn hàng booking làm các chương trình ca nhạc livestream, hoặc các chương trình biểu diễn với liveband vì chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt quá. Giai đoạn từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2022, tôi nhận biết bao show online như vậy.
Nếu chúng tôi không làm Phòng trà Online thì mọi người làm sao biết, chúng tôi làm tốt sự kiện online đến như vậy. Khi sân khấu mở cửa lại, Phòng trà Online không kiếm tiền được nữa nhưng hàng loạt ca sĩ đặt chúng tôi làm show ca nhạc: tiêu biểu như Noo's Chill Night, hoặc một loạt show ca nhạc tại Ecopark…
Tôi làm nghề này đã 15 năm, từ làm thuê đến làm chủ, quản lý 40 nhân viên. Tài sản đi ra đi vô nhiều nhưng nếu nhìn về 10 năm trước, khi chỉ là một công ty nhỏ với nhân sự chưa đến 6 người và bây giờ thì tôi thấy hài lòng với công việc của mình.
Tôi thích áp lực của nghề này bởi áp lực mới phát triển. Tôi hưng phấn khi nhận những "yêu cầu khó" của khách hàng, nghệ sĩ vì nó kích thích mình tìm tòi, suy nghĩ.
Mỗi lần như thế, có thể cả tuần tôi không ra khỏi nhà. Sau khi con đi ngủ, tôi thức tới 2, 3 giờ sáng để tìm ý tưởng, có khi ngồi cả ngày trong phòng làm việc, từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối.
Nhưng với tôi, được làm việc được sống với đam mê và được nhìn thấy những ý tưởng từ trang giấy - từ bản thảo trở thành những hình ảnh trực tiếp sống động trên sân khấu và màn ảnh, tôi mãn nguyện và lại mong muốn học hỏi thêm nữa để làm được nhiều điều hơn nữa.
Mỗi lần xong một chương trình, tôi lại học thêm được nhiều thứ vì mình không thể có một "chiêu trò" mà đem ra dùng mãi, mỗi người, mỗi chương trình đều phải có cái mới.
Không những vậy, sau một thời gian xây dựng nền móng cho ê-kíp và các nền tảng của mình, tôi hướng đến một mục đích xa hơn khi đang cùng ê-kíp "Xin Chào" xây dựng một mô hình tổ chức biểu diễn đa dạng, nhiều quy mô, kết hợp với nghệ sĩ trong – ngoài nước, giới thiệu âm nhạc Việt Nam đến nhiều nước thông qua các chương trình âm nhạc, giao lưu văn hoá.
Qua những chương trình này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam - bước ra tiệp cận với công nghiệp sản xuất âm nhạc châu Á và thế giới. Tôi mơ đến ngày, tôi sẽ tự hào với "Xin Chào Live Music" sẽ là một mô hình âm nhạc uy tín và chất lượng.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh!