Đạo diễn Văn Công Viễn: 'Bếp trưởng tới!' - trưởng thành và táo bạo hơn
Phim sitcom Bếp trưởng tới! (20 tập) của đạo diễn Văn Công Viễn, lên sóng từ ngày 10/10 trên kênh K+LIFE và App K+, đã thu hút nhiều người xem, vì chủ đề “đại chiến” vui nhộn nơi nhà bếp. Phim còn đầu tư kỹ lưỡng về mặt bối cảnh, nghiệp vụ nghề bếp để truyền tải “ngon nhất” phần vị của món ăn, nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Các món ăn được lấy cảm hứng từ phong cách ẩm thực truyền thống, cung đình, nhưng biến tấu theo phong cách chế biến hiện đại, dưới sự cố vấn của những bếp trưởng hàng đầu như Võ Quốc, Tommy Trần. Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy làm phim ẩm thực thường khó hơn nhiều đế tài khác. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với đạo diễn Văn Công Viễn về khía cạnh này.
* Thường những phim có tiết tấu vui nhộn, sang chảnh thì dễ đánh lừa cảm giác người xem là chúng được làm ra dễ dàng, không có thách thức gì đáng kể. Phim “Bếp trưởng tới!” vui nhộn, sang chảnh… đã “hành” anh và ê-kíp ở khía cạnh dàn dựng, sản xuất thế nào?
- Khi làm phim nào, tôi đều nghĩ đó làm phim cuối cùng của mình, nên luôn đặt vào đó 200% sức lực. Cả ê-kíp thực hiện đã rất cực khổ với cái sự quyết liệt và cầu toàn của tôi, làm phim tiết tấu nhanh lại càng đòi hỏi hình ảnh phải tính toán kỹ lượng, để không bị lặp lại. Ngân sách sản xuất phim thì có hạn, mà lại muốn làm chất lượng cao, nên ê-kíp và tôi đã rất áp lực. Bản thân tôi từng quay trên 1.000 món ăn cho các chương trình ẩm thực, nên có ít nhiều kinh nghiệm và tính thẩm mỹ, nên càng đòi hỏi cao về phong cách hình ảnh (foodstylist) của món ăn. May mắn khi có Chef Tommy Trần đồng hành, nên phần quay thức ăn được đầu tư như quay TVC quảng cáo.
* Phim này lồng các câu chuyện vui, tình yêu đẹp vào bối cảnh nhà bếp sang, với các món ăn ngon. Trong các cái khó như đã nói, với cá nhân anh, thì làm phim về câu chuyện vui, tình yêu đẹp, món ăn ngon, cái nào khó hơn?
- Câu chuyện của Bếp trưởng tới! không quá khó về mặt cấu trúc và ngôn ngữ. Nhưng tôi chú trọng đến phần vị và hương vị - hương sắc của cả bộ phim. Làm sao cả quá trình đó hài hòa và tạo ra sự đồng điệu, thú vị qua từng tình huống gắn kết. Phần món ăn là hành trình chính của phim, gắn kết qua từng nhân vật, chứ nó không được rời rạc. Hơn nữa, thức ăn là để ăn trực tiếp, nên làm sao để khán giả cảm nhận vị ngon qua truyền hình là vô cùng khó khăn và thử thách. Câu chuyện vui, tình yêu đẹp, món ăn ngon chưa đủ, mà nó phải có kịch tính, tranh cãi… ấy mới chính là sự mặn nhạt của cả bộ phim.
* K+ORIGINAL đề xuất câu chuyện “Bếp trưởng tới!” với anh, hay là ngược lại?
- K+ORIGINAL đề xuất tôi làm, có lẽ vì họ biết tôi mê ăn và có nhiều kinh nghiệm trong việc làm tình huống phim. Từ lâu tôi đã rất mê làm phim về các chuyên sâu nghề nghiệp, nó như một thỏi nam hút mình vào việc xây dựng các câu chuyện. Thật sự đây là dịp tôi được làm cái phim mình thích và được phí đầu tư yêu cầu làm chất lượng cao, nên khá thú vị.
Với tôi, đây không phải là đổi món, mà là mình đang được nấu món mình sở trường. Giống như món trong máu của mình là mì Quảng, là dân Quảng Nam thì tôi sẽ thẩm vị được ngon và biết cách xào nấu nó. Tôi mê ẩm thực, được làm phim ẩm thực, thì còn gì tuyệt bằng.
* Nếu so với hai phần của phim “Tiệm bánh hoàng tử bé” của anh - cũng liên quan đến nhà bếp/ẩm thực - thì “Bếp trưởng tới!” có phải là một nhà bếp “nam tính” hơn và luống tuổi hơn không?
- Tôi khẳng định đây là phim trưởng thành hơn và táo bạo hơn. Nó đánh dấu sự nghiệp mình đã đến lúc cần làm cái mình hiểu tin và yêu nó. May mắn có sự đồng cảm và đồng hành của Phương Anh Đào, cô ấy cũng đang muốn thay đổi hình ảnh táo bạo hơn và trưởng thành hơn. Chất đàn ông trong phim Việt ngày càng hiếm, nên tôi cũng đặc biệt lưu ý khai thác chất mạnh mẽ và hóm hỉnh của hai thế hệ bếp trưởng già, để thấy sự khác biết và kế thừa của quá khứ với tương lai.
- Phim 'Bếp trưởng tới' kỳ vọng sẽ quảng bá nét văn hóa ẩm thực Việt Nam đến công chúng
- Phương Anh Đào vào vai cô nàng quái chiêu trong phim mới 'Bếp trưởng tới'
* Vậy điểm mấu chốt hoặc thông điệp mà anh muốn mang đến cho người xem trong “Bếp trưởng tới!”, phía sau các vui nhộn, sang chảnh ấy là gì?
- Đó là hương vị từ chất liệu truyền thống Việt Nam được đưa đến không gian và phong cách hòa trộn (fusion) với hiện đại, nhằm mục đích để các bạn trẻ thích thú. Câu chuyện khởi nghiệp của đầu bếp trẻ Kỳ Hải cũng nhắn gửi với khán giả trẻ rằng dù khó khăn, cản trở thế nào thì cũng không được từ bỏ đam mê.
* Sau phim này, câu chuyện hoặc chủ đề tiếp theo mà anh muốn kể là gì?
- Tôi không áp lực lắm về chuyện phải làm phim bằng mọi giá. Câu chuyện nào thích và có cảm xúc thì sẽ bắt tay vào làm. Rất có thể năm sau tôi sẽ quay lại làm phim điện ảnh.
Tôi cũng rất ưng bụng khi các nền tảng như K+ mạnh dạn đầu tư làm các phim chất lượng. Tôi mong muốn kéo dài được nhiều mùa cho Bếp trưởng tới!.
* Cảm ơn anh.
Văn Công Viễn (1983) đã biên kịch, đạo diễn và sản xuất hơn 15 phim dài tập, sitcom. Ngoài 2 phim điện ảnh là Cho em gần anh thêm chút nữa (2016), Yêu em bất chấp (2018), anh được chú ý với các phim dài tập như Gia đình số đỏ (2010), Tiệm bánh hoàng tử bé (2 phần, 2013-2014), Bí mật quý ông (2018), Thế là Tết (2019), Bệnh viện thần ái (2019)… |
Như Hà (thực hiện)