Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: "Nguyễn Nhật Ánh luôn tôn trọng ê-kíp làm phim"
Có nét của Mắt biếc (xuất bản lần đầu năm 1990) và nhiều truyện dài khác của Nguyễn Nhật Ánh, Ngày xưa có một chuyện tình (2016) cũng là một chuyện tình tay ba. Đến nay phim đã tạm xong giai đoạn hậu kỳ và chờ ngày công chiếu.
Sau hai phim khá ấn tượng là Thưa mẹ con đi (2019) và Bằng chứng vô hình (2020), đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết anh được mời vào dự án phim Ngày xưa có một chuyện tình, chứ không chủ động đề nghị.
* Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có nhiều tác phẩm hay, vậy điểm thu hút nào khiến anh ấn tượng với "Ngày xưa có một chuyện tình"?
- Tôi không đọc hết tất cả các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Với Ngày xưa có một chuyện tình, tôi nhận được lời mời từ nhà sản xuất nên đã tìm đọc tác phẩm, bị cuốn vào nó và tìm được sợi dây liên kết với nó.
Ngoài sự trong trẻo của thuở ấu thơ, còn có cả đau khổ, mất mát của tuổi trưởng thành. Đó là một cuộc hành trình có đủ dư vị và cảm xúc khi lớn lên. Tôi đặc biệt tâm đắc và kết nối với tác phẩm ở điểm này.
* Vậy khi chuyển thể kịch bản này, anh hướng đến sự khác biệt hay trung thành với nguyên tác văn chương? Vì sao anh có quyết định này?
- Tôi và ê-kíp của mình hướng đến việc trung thành với tác phẩm gốc về mặt chủ đề, cốt truyện, tinh thần, nhưng vẫn đảm bảo những nét đặc trưng rất riêng của điện ảnh. Tôi tin khán giả có thể đồng cảm và chia sẻ với nhà làm phim về cách để các nhân vật bước ra từ những trang sách lên màn ảnh.
* Anh có trao đổi cụ thể với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh về cách chuyển thể kịch bản và cả việc dàn dựng phim này không? Vì sao?
- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn tôn trọng ê-kíp sáng tạo phim về những lựa chọn về mặt điện ảnh. Khi được hỏi, ông luôn tư vấn ê-kíp về tinh thần và không khí của tác phẩm, về cách mà ông hình dung về các nhân vật…
* Sự thành công của phim "Mắt biếc" và cả câu chuyện tình trong hai tác phẩm văn chương này có vài nét giống nhau có làm anh cảm thấy áp lực?
- Ở đây, chúng ta có hai cuốn sách mang tinh thần Nguyễn Nhật Ánh, có vài mô-típ giống nhau, nhưng lại rất khác nhau ở góc nhìn, diễn biến câu chuyện và chủ đề. Hơn nữa, mỗi nhà làm phim luôn có những lựa chọn khác nhau, dù cho chuyển thể cùng một tác phẩm. Tôi thật sự không cảm thấy áp lực nào cả, trừ áp lực làm một bộ phim chạm vào được khán giả.
* Tiêu chí chọn diễn viên cho phim này là như thế nào?
- Tôi luôn hứng thú làm việc với các diễn viên mang đến sự trong trẻo và tươi mới trong diễn xuất, khiến người xem có thể tin nhân vật là những con người thật sự đang sống, với tất cả những điểm tốt đẹp và lỗi lầm. Tôi cũng luôn tìm kiếm sự ăn ý, những "phản ứng hóa học" để chúng ta có thể tin họ là những người bạn thân, những cặp đôi đang yêu nhau, hoặc một gia đình.
* Một câu hỏi hơi riêng tư, anh có thể trả lời hoặc không: Anh có từng trải nghiệm chuyện tình tay ba giống như câu chuyện của Vinh - Miền - Phúc trong truyện này chưa?
- Tôi tin ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua những cung bậc của tình yêu. Tôi cũng từng có những rung động trong sáng tuổi cập kê và cả những đam mê, lãng mạn, đau khổ, mất mát trong tình yêu ở giai đoạn trưởng thành. Thế nên chúng tôi (đạo diễn và diễn viên) đều đồng cảm với nhân vật của mình, muốn họ sống và yêu hết mình trên màn ảnh.
* Cảm ơn anh. Chúc phim của anh sẽ thành công!
Chuyện tình tay ba
Phim xoay quanh chuyện tình bạn và tình yêu giữa Vinh (Avin Lu thủ vai), Miền (Ngọc Xuân) với Phúc (Đỗ Nhật Hoàng). Họ đã cùng nhau lớn lên với bao kỷ niệm tươi đẹp của tình bạn, cho tới khi tình yêu xuất hiện, chuyện gì sẽ xảy ra? Phải chăng, nói như chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong Ngày xưa có một chuyện tình: "Tình bạn là mảnh đất phù hợp nhất để tình yêu gieo xuống hạt giống của mình".