Đạo diễn Trần Lực: Ông nội được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Trần Bờm là mừng nhất
(Thethaovanhoa.vn) - "Bố tôi bản tính điềm đạm, coi mọi việc nhẹ nhàng. Ở tuổi 54, ít nhiều tôi cũng chịu ảnh hưởng của ông"– đạo diễn Trần Lực chia sẻ về việc cha mình, NSND Trần Bảng, giành Giải thưởng Hồ Chí Minh. "Do vậy, Trần Bờm lại là người vui nhất trong nhà."
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước
- Thuận Yến, Thu Bồn, Lương Nghĩa Dũng… được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh
- Giải thưởng Hồ Chí Minh: Việc xét tặng cứng nhắc làm tổn thương nghệ sĩ
Ở tuổi 92, NSND Trần Bảng được Trần Lực đưa tới lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (diễn ra sáng nay 20/5 tại Hà Nội). Theo lời anh, cậu quý tử Trần Bờm bận không thể tới Nhà hát Lớn,nhưng đã hí hửng chờ bố và ông nội về nhà để...cùng liên hoan.
Tuổi cao, nhưng đạo diễn NSND Trần Bảng vẫn đủ sức bước lên sân khấu Nhà hát Lớn để nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh từ tay Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Sự vinh danh này cũng đến với ông hơi lận đận, khi NSND Trần Bảng là một trong 7 tác giả được bổ sung vào danh sách nhận giải.
" Việc Nhà nước điều chỉnh tiêu chí xét giải và tôn vinh những người như bố là điều đáng mừng" – đạo diễn Trần Lực chia sẻ với Thể thao &Văn hóa (TTXVN). "Là con, tôi cũng là người gần gũi và hiểu về cống hiến của bố hơn cả. Ông từng dựng Quan Âm Thị Kính và Súy Vân – hai vở diễn mẫu mực trong sân khấu chèo, từng tự tổng kết và viết những cuốn sách nghiên cứu quan trọng về chèo để truyền cho thế hệ sau. Thẳng thắn,tôi thấy bố xứng đáng với giải thưởng".
Trần Lực kể, anh từng cảm thấy ức chế ở thời điểm bố không có tên trong danh sách đầu tiên được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này. Anh hỏi: "Bố có bức xúc gì không, có cần con viết đơn kiến nghị hoặc thư ngỏ về vấn đề này?"
Hai cha con Trần Bảng - Trần Lực tại lễ trao giải.
"Chính bố mới là người an ủi tôi. Ông bảo không cần phải thế, ở đời quan trọng nhất vẫn là việc mình đã từng cống hiến được cho nghề" – Trần Lực nói. "Tôi biết ông thật lòng, chứ không phải nói dỗi. Ở tuổi ngoài 90, bố luôn nhìn mọi thứ một cách nhẹ nhàng, cả chuyện vui lẫn chuyện buồn".
"Tôi nghĩ sẽ là chuyện đặc biệt vô lý và đáng buồn cho ngành sân khấu, nếu cụ Bảng không được vinh danh lần này" – nhà viết kịch Chu Thơm, người cũng vừa nhận giải thưởng Nhà nước đợt V, cho biết thêm. "Cụ là người có tài, có tâm,và còn là một người thầy tuyệt vời cho nghệ thuật chèo Việt Nam. Rất mừng là cuối cùng, những người như cụ Bảng,Thu Bồn,Thuận Yến, Xuân Quỳnh.... đã được tôn vinh xứng đáng vì những đóng góp của mình".
Giọng nói vẫn rõ ràng ở tuổi 92, NSND chia sẻ với báo giới rằng giải thưởng lần này khiến ông lại nhớ về lần dựng Quan Âm Thị Kính ở tuổi ngoài 30. Khi ấy, Hồ Chủ tịch có tới xem vở rồi mời NSND Trần Bảng tới nhà ăn cơm.
"Trong bữa cơm, Bác Hồ có động viên tôi cố gắng chú tâm để tiếp tục đóng góp cho sân khấu chèo" – NSND Trần Bảng kể. "Bây giờ, lại được nhận giải thưởng mang tên Bác, tôi xúc động".
"Sân khấu chèo từng phát triển rất mạnh trong giai đoạn từ 1950 – 1975,rồi bây giờ phần nào ít được quan tâm hơn.Nhưng tôi tin, đã là căn cốt của văn hóa Việt, chèo trong tương lai sẽ đến lúc được quan tâm trở lại" – ông nói. "Giống như cuộc sống có lúc vui lúc buồn,nhưng chúng ta hãy cứ vững tâm cho công việc của mình".
Cúc Đường