Đạo diễn Trần Cảnh Đôn - hai cá tính trong một diện mạo
(Thethaovanhoa.vn) - Diễn viên Trần Trọng Hiếu, cháu ruột đạo diễn Trần Cảnh Đôn, cho báo giới biết: “Đang ngồi nói chuyện với vợ con thì chú ngưng lại rồi đi luôn, rất nhẹ nhàng, thanh thản”.
Theo cáo phó, Trần Cảnh Đôn mất lúc 20h15 ngày 21/10/2021 tại tư gia ở TP.HCM. Ông sinh ngày 21/4/1959 tại tỉnh Bình Thuận, nguyên quán tỉnh Hưng Yên, thọ 63 tuổi. Vào lúc 9h15 hôm nay (25/10), linh cữu sẽ được đưa đi hỏa táng tại Hóa An, tỉnh Bình Dương.
Dù có vài bệnh trong người, nhưng chỉ mới ở giai đoạn đầu, nên sức khỏe của Trần Cảnh Đôn vẫn đang rất tốt. Mấy tháng trong mùa dịch, anh còn thực hành tịnh tâm, trì chú, niệm Phật để tâm thân được an lạc hơn.
“Tôi làm gì mà ưu tú hả em?”
Với bề dày kinh nghiệm và thành tích, nhiều người nói Trần Cảnh Đôn dư sức để được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Khi đem điều này hỏi, anh đã hỏi lại: “Tôi làm gì mà ưu tú hả em?”. Quả thật vậy, Trần Cảnh Đôn chỉ muốn làm nghề, mà không mấy chú trọng vào việc tìm kiếm danh hiệu, trong các cuộc trà dư tửu hậu, nói chuyện chuyên môn thì bao nhiêu cũng được, bàn luận các ý tưởng thì sôi nổi, thâu đêm suốt sáng. Thế nhưng khi nói đến các danh hiệu, tiếng tăm thì anh chẳng mặn mà gì, liền im lặng và ngồi thừ ra, nếu có bia thì uống liên tục, tới say thì lẳng lặn kêu xe ôm đi về.
Khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính kế toán, nhiều công ty đã rộng cửa chào đón với mức lương hấp dẫn, Trần Cảnh Đôn thử đi làm một thời gian ngắn, liền nhận ra đây không phải là “vai diễn” của mình. Thế là anh quyết định thi vào Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh, lúc ấy đã 24 tuổi. Sau đang là đạo diễn ăn khách, anh quyết định nghỉ vài năm để học thạc sĩ tại Đại học Văn hóa Hà Nội, nhiều người bất ngờ. Lý do của anh là: “Muốn có nhiều thời gian để đọc lại cơ sở văn hóa, huyền thoại, cổ tích, tâm thức, tâm linh Việt. Chỉ có đi học mới đọc tập trung được, còn đi làm, nó tản mác, khó đọc nhiều ngày liên tục”.
Theo biên kịch Quách Thùy Nhung thì Trần Cảnh Đôn đã làm khoảng 50 phim, tính từ phim thời kỳ “mì ăn liền” cho tới phim cuối cùng là Hoa trong bão (30 tập), công chiếu năm 2020. “Riêng tôi đã cộng tác với anh Đôn khoảng 10 phim, dưới các chức danh như biên kịch, biên tập, sản xuất. Tôi với anh vừa xong 2 kịch bản, đã hẹn với nhau sẽ bấm máy trong 1, 2 năm tới; những dự án hứa hẹn sẽ làm cũng còn rất nhiều” - Quách Thùy Nhung nói.
Năm 1990, Trần Cảnh Đôn tiếp nhận kịch bản Ngọc trong đá từ nhà văn Nguyễn Đông Thức, sau khi nó đã qua tay các đạo diễn danh tiếng như Lê Dân, Lê Mộng Hoàng… mà bất thành. Lúc ấy Trần Cảnh Đôn mới chân ước chân ráo vào nghề, với 2 vở kịch tốt nghiệp là Mùa tôm, Cuộc phiêu lưu của những tâm hồn và phim đầu tay đầu tay Chân dung màu đỏ (1989, đạo diễn: Hồ Nhân) mà anh làm người tuyển diễn viên (casting). Tuy làm đề tài thanh niên xung phong, có thể nói là hơi chính kịch - tuyên truyền, nhưng Trần Cảnh Đôn và Nguyễn Đông Thức đã kể được câu chuyện xúc động, giàu tính nhân văn, nên khi công chiếu năm 1991, đã lập kỷ lục về doanh thu thời bấy giờ.
Sau phim này, cứ ngỡ con đường phim nghệ thuật sẽ rộng mở, nhưng Trần Cảnh Đôn đã chọn một sứ mệnh nan giải hơn, đó là làm phim bán vé. Chính anh là 1 trong vài người đầu tiên mở lại dòng phim thị trường - lúc bấy giờ gọi là “phim mì ăn liền” - cho điện ảnh Việt sau cột mốc Đổi mới năm 1986. Đã có hàng trăm phim - chủ yếu của điện ảnh phía Nam - ra đời trong thập niên 1990, mang lại việc làm, thu nhập, danh tiếng cho rất nhiều người. Đặc biệt đã tạo ra hàng chục ngôi sao bán vé đúng nghĩa.
Giai đoạn này Trần Cảnh Đôn đóng góp gần 20 phim, có năm anh làm tới 3 phim, góp phần phát hiện và làm nên những ngôi sao thời bấy giờ như Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lý Hùng, Diễm Hương, Lý Thu Thảo, Phương Thảo, Ngọc Thúy, Quỳnh Giao, Việt Quang… Anh là đạo diễn của các phim đáng nhớ như Ngọc trong đá, Ráp xác, Thạch Sanh - Lý Thông, Cô thủ môn tội nghiệp, Ngôi sao cô đơn, Sao Phượng còn buồn, Vòng vây tội lỗi, Yêu không phải trò đùa, Sao em vội lấy chồng, Đoạn cuối ở Bangkok…
Anh cũng trở thành “trùm” đạo diễn MV ca nhạc, gắn liền với các album của ca sĩ nổi tiếng, đặc biệt là thời kỳ Làn sóng xanh, từng giúp Lam Trường, Đan Trường, Cẩm Ly, Minh Tuyết, Minh Thuận, Phương Thanh… ra hàng trăm MV ấn tượng, lãng mạn. Anh cũng gây ấn tượng với hàng chục phim quảng cáo độc đáo về ý tưởng.
Khi được hỏi sao anh không theo con đường phim nghệ thuật? Trần Cảnh Đôn trả lời: “Tôi không quan tâm phim nghệ thuật hoặc phim thương mại sẽ khác nhau thế nào, mà chỉ muốn làm phim cho số đông khán giả. Số đông khán giả thế nào thì nền phim ảnh sẽ thế ấy… Những năm đầu 1990, đất nước còn rất khó khăn, phim ảnh phía Nam thì gần như chủ đạo là nhập từ lãnh thổ Hong Kong và phim Hoa ngữ nói chung, cơ hội làm nghề của các ê-kíp trong nước rất ít ỏi. Sau khi dòng “phim mì ăn liền” thoái trào vào cuối thập niên 1990, nhiều người đã phê phán, thậm chí vài người trong cuộc cũng trở mặt, phủ nhận, nhưng ít ai muốn nhớ chính nó đã mang lại công việc và cuộc sống bình thường mới cho cả nền phim ảnh. Tôi chỉ luôn muốn làm hết sức với từng phim, dù mức đầu tư cao thấp khác nhau, dù đó là thể loại gì, thì cũng làm hết trách nhiệm. Tôi không muốn phân biệt đẳng cấp, cá tính theo nghệ thuật hoặc thương mại, vì cả hai đều là xương máu của mình”.
Nóng và nguội đều quyết liệt
“Cá tính nghệ thuật của anh Đôn có thể nói trong 2 từ quyết liệt. Anh ấy có thể giũ tung kịch bản lên để làm lại từ đầu, nhằm đạt được nội dung tốt nhất. Ở hiện trường cũng vậy, anh ấy có thể nóng tính, nhưng cũng chỉ vì mong muốn đạt được hiệu quả diễn xuất và hình ảnh tốt nhất... Anh Đôn cũng rất nhạy cảm với các đề tài mới, tạo trend, lại là đạo diễn mát tay, không chỉ với diễn viên, mà còn các biên kịch, các đạo diễn trẻ, những người được anh giúp đỡ và cộng tác. Dù rất nóng tính, nhưng anh Đôn lại rất chịu khó lắng nghe, học hỏi, thảo luận, góp ý từ các thế hệ làm nghề” - biên kịch Quách Thùy Nhung cho biết.
Dường như Trần Cảnh Đôn có 2 cá tính trong 1 diện mạo, nóng hay nguội đều quyết liệt, vì sau khi rời phim trường, anh lập tức hiền như cục bột, luôn mỉm cười nhẹ nhàng. Trong các cuộc tranh luận về nghề, sau khi nói các ý kiến của mình, anh đều lắng nghe, nhường nhịn. Với các bạn bè càng trẻ, anh càng nhường nhịn, luôn có ý động viên, nâng đỡ.
- Đạo diễn Trần Cảnh Đôn qua đời ở tuổi 62 vì nhồi máu cơ tim
- Ý tưởng phim ‘Lôi Báo’ của Victor Vũ giống phim ‘Ráp xác’ của Trần Cảnh Đôn?
- “Kỷ lục” kỳ dị của Trần Cảnh Đôn
Từ khi quy y, lấy pháp danh là Orgyen Pháp Quang, Trần Cảnh Đôn càng điềm tĩnh và buông bỏ hơn. Có 2 hình ảnh gần như đối nghịch trên Facebook của anh, đó là các cuộc nhậu vui vẻ với giới văn nghệ, với các nữ diễn viên xinh đẹp và các cuộc hành hương, đảnh lễ một cách thành tâm, sâu lắng.
Ngoài việc ra đi lúc còn đang trẻ khỏe, với nhiều dự định còn dang dở, thì các ước muốn của Trần Cảnh Đôn xem như đã viên thành. Anh từng chia sẻ: “Mình chỉ mong lúc ra đi thì con cái đã đủ tuổi tự lập, gia đình thì bình yên, bản thân thì thanh thản”. Ba điều này anh đều có được, vợ anh là đạo diễn Kim Loan, năng động, tự lập, họ học chung lớp đạo diễn sân khấu khóa 7, nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, trong các năm 1983 - 1988. Họ kết hôn năm 1991 - lúc Trần Cảnh Đôn làm phim Cô thủ môn tội nghiệp - có 2 con trai, là Đôn Nghĩa và Đôn Hậu. Tên của 2 người con phần nào thể hiện được cá tính và mong ước của Trần Cảnh Đôn.
Như Hà