Đạo diễn Phan Đăng Di: Từ Stockholm đến… Đà Nẵng
(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Phan Đăng Di đang chuẩn bị lên đường làm giám khảo của LHP Stockholm 2015 (diễn ra từ 10 đến 22/11). Đây cũng là thời điểm Gặp gỡ mùa Thu - sự kiện điện ảnh do anh đồng sáng lập và điều hành, sắp diễn ra lần thứ ba tại thành phố Đà Nẵng.
- Đạo diễn Phan Đăng Di: Tôi thực sự không thấy vui vì 'thành tích' này
- Đạo diễn Phan Đăng Di giải mã hiện tượng 'cơn sốt phim ngắn'
- Đạo diễn Phan Đăng Di: Bởi 'cái nước mình nó thế'…
* Những người yêu điện ảnh sẽ cảm thấy vinh dự lây khi anh được mời làm giám khảo chính thức của LHP Stockholm, một trong những LHP lớn nhất khu vực Bắc Âu. Còn với anh thì thế nào?
- Tôi đã dự nhiều LHP trước khi đến Stockholm năm năm trước, nhưng lần đầu đến đây tôi vẫn có những ấn tượng mạnh không chỉ vì Stockholm trao tới hai giải thưởng choBi, đừng sợ!(Phim đầu tay hay nhất và giải quay phim xuất sắc).
Đó là hai giải “cầm mỏi tay” theo nghĩa đen vì cái cúp là tượng con ngựa nhôm rất nặng và tôi phải cầm cả hai con lang thang quá cảnh qua mấy sân bay ở châu Âu trước khi về được Hà Nội. Cũng lần đầu tiên ở Stockholm tôi được nhìn thấy tuyết dưới cái lạnh âm 20 độ. Một vùng đất đẹp, có bề dày văn hoá, tuyết rất dày và điện ảnh thì rất hay.
Là LHP hàng đầu khu vực Bắc Âu nhưng Stockholm lại được tổ chức rất giản dị với một bộ sưu tập phim được chọn rất kỹ, rất có “gout” qua từng năm, đây cũng là LHP tôn vinh rất sớm Quentin Tarantino (người được xem là đạo diễn vĩ đại thứ 12 của mọi thời đại-Thể thao & Văn hóa) khi trao cho anh hai giải phim hay nhất trong vòng có ba năm.
Ngoài ra, có vẻ như khán giả ở đây là những người rất am hiểu về điện ảnh, điều này thể hiện ở cách họ giao lưu với nhà làm phim sau các buổi chiếu.
* Anh có cơ hội tham dự nhiều LHP quốc tế. Nhân dịp LHP Việt Nam lần thứ 19 sẽ diễn ra vào đầu tháng 12 tới đây, anh có chút chia sẻ gì từ những kinh nghiệm của mình về việc tổ chức LHP?
- Các LHP hầu hết được tổ chức bằng tiền của chính quyền thành phố và từ quỹ văn hoá của chính phủ, vì họ thấy việc đưa nghệ thuật và văn hoá đến cho người dân là điều đáng làm và phải làm.
Ngược lại, họ cũng xác định LHP không phải là nơi để cho người dân đến xem phim miễn phí. Thậm chí, khán giả còn phải mua vé đắt hơn đi xem phim bình thường để hiểu rằng xem phim ở LHP không phải là một cơ hội dễ dàng.
Đó cũng là cách để người dân địa phương chứng tỏ sự trân trọng của họ trước các sáng tạo đến từ khắp thế giới. Điều này tạo ra nguồn thu để nuôi chính LHP. Không có chuyện hình thành thói quen chờ LHP để đi xem phim miễn phí đâu.
* Bản thân anh cũng đang khởi động sự kiện Gặp gỡ mùa Thu lần thứ ba theo mô hình một LHP. Tại sao anh lại chọn Đà Nẵng chứ không phải là Hà Nội hay TP.HCM để tổ chức sự kiện này?
- Hãy nhìn LHP Busan với lịch sử 20 năm. Những năm đầu, người dân Busan cũng không có thói quen mua vé xem phim ở LHP. Nhưng thành phố đã xây dựng LHP với mục đích tạo cơ hội cho người dân đến gần nghệ sĩ và điện ảnh, tạo ra một sự kiện văn hoá tầm cỡ để họ thấy tự hào được dự phần vào.
Có một sự chuyển dịch diễn ra dần dần khi khán giả, thay vì như trước đây đến LHP chỉ đến xem mặt diễn viên là chính thì đến lúc nào đó, họ có nhu cầu xem phim, họ phát hiện ra xem phim là cách để biết về thế giới, đồng thời cũng là để trình diễn chính bộ mặt của mình. Bước chuyển đó trong chính khán giả đã khiến Busan trở thành LHP hàng đầu châu Á như hiện nay.
Tôi nghĩ rằng LHP phải đánh vào niềm kiêu hãnh của người dân, biến họ thành một phần của sự kiện. Điều này đòi hỏi cách tổ chức phải đàng hoàng, phải cho công chúng có chỗ để thể hiện mình, bày tỏ quan điểm của mình chứ không chỉ là nơi dành cho các nhà làm phim hay giới điện ảnh.
Trở lại với Gặp gỡ mùa Thu, sau hai lần tổ chức, chúng tôi đã phần nào gây được sự chú ý với chính quyền TP Đà Nẵng. Trong lời phát biểu ở lễ bế mạc năm ngoái, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ đã cam kết ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng phát triển Gặp gỡ mùa Thu thành một LHP quốc tế Đà Nẵng trong tương lai gần.
Có lẽ, khi phát biểu như vậy, chính quyền thành phố đã thấy rõ nhu cầu có một hoạt động điện ảnh thực chất cho người dân của mình. Dù gì, một vùng đất cởi mở và phát triển nhanh như Đà Nẵng không thể là một vùng đất gần như trắng các hoạt động điện ảnh như hiện tại.
* Nhưng được biết hiện nay anh vẫn đang chật vật đi kiếm tài trợ?
- Hiện các nguồn tài trợ cho Gặp gỡ mùa Thu chủ yếu đến từ các sứ quán, các tổ chức văn hoá của nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia nhiều. Có lẽ các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến việc tài trợ cho các sự kiện văn hoá bởi họ chưa thấy được tầm quan trọng hay lợi ích từ việc này.
Tôi nghĩ đây là một điều đáng tiếc vì khi thiếu những hoạt động văn hoá – nghệ thuật tầm cỡ để tự giới thiệu mình với thế giới cũng như giới thiệu thế giới đến với dân mình một cách văn minh, đàng hoàng chúng ta sẽ luôn trong thân phận của... kẻ chiếu dưới. Chuyện này chẳng lẽ cứ kéo dài mãi được sao?
Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa