Đạo diễn Phạm Kỳ Nam: 'Chung một dòng sông' - phim truyện đầu tiên của Việt Nam
Phim chiến tranh - ngày ấy, bây giờ (LTS) Xin được bắt đầu từ câu chuyện về đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ. Năm 2019, tại LHP Việt Nam lần thứ XXI, anh đã có một “cú đúp” đầy ngoạn mục khi Truyền thuyết về Quán Tiên đoạt Bông sen Bạc, còn Chú ơi đừng lấy mẹ con trở thành Phim được yêu thích nhất do khán giả bình chọn dành cho thể loại phim truyện điện ảnh. Thật ngạc nhiên: 2 bộ phim, đại diện cho 2 thể loại phim truyện điện ảnh khác nhau (điện ảnh đề tài chiến tranh cách mạng và điện ảnh đề tài gia đình) đều hội tụ trong 1 đạo diễn tuổi 30 và đều gây ấn tượng mạnh mẽ tại một kỳ LHP. Và giờ đây, rất nhiều người đang nóng lòng chờ Truyền thuyết về Quán Tiên ra rạp (theo dự kiến trước đó là vào 30/4, nhưng do đại dịch Covid-19 nên phải lùi đến 22/5). Đinh Tuấn Vũ khiến người ta phải có cái nhìn khác về giới làm phim trẻ, cũng như về sức sống của nền điện ảnh chiến tranh cách mạng. Dường như các thể loại điện ảnh khác nhau đều có thể “chung một dòng sông” để đáp ứng các nhu cầu đa dạng - và không loại trừ nhau - của độc giả đương đại. Đinh Tuấn Vũ như một cái gạch nối của thời đại nhờ niềm đam mê đối với lịch sử, sự biết ơn đối với quá khứ, và không thể không kể đến cơ may của anh khi được sinh ra và lớn lên trong một đại gia đình có 3 thế hệ hoạt động điện ảnh… Kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuyên đề “Phim chiến tranh, ngày ấy bây giờ” do PGS-TS - nhà văn Lê Thị Bích Hồng thực hiện, nhằm nhắc nhở chúng ta về một nền điện ảnh chiến tranh cách mạng hào hùng, với những giá trị vĩnh hằng, đồng thời bày tỏ niềm tin tưởng rằng, nguồn cảm hứng sử thi ấy vẫn tiếp tục tuôn chảy trong điện ảnh đương đại. |
(Thethaovanhoa.vn) - Còn nhớ cách đây mấy năm, tôi tham gia đoàn công tác của Cục Điện ảnh vào Quảng Trị tổ chức Chương trình giao lưu của đoàn làm phim Mùi cỏ cháy với một số đơn vị bộ đội, trường học, nhân dân tỉnh Quảng Trị. Trong chuyến đi ấy, tôi được nghe NSƯT Phạm Quốc Trung - họa sĩ thiết kế mỹ thuật nhiều bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng - kể về người cha thân yêu của mình - NSND Phạm Kỳ Nam - người nghệ sĩ đầu tiên đạo diễn phim truyện Việt Nam với Chung một dòng sông (cùng đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi).
Khởi nghiệp từ năm 1958 với bộ phim truyện điện ảnh đầu tiên Chung một dòng sông (1959, đồng đạo diễn), gần 30 năm, đạo diễn Phạm Kỳ Nam bền bỉ thăng hoa cùng hành trình sáng tạo để đạo diễn nhiều bộ phim truyện ghi dấu ấn trong nền điện ảnh nước nhà. Đó là những phim ông làm đạo diễn, như: Vật kỷ niệm (1960), Chị Tư Hậu (1962), Biển lửa (1965), Đường về trận địa (1966), Tiền tuyến gọi (1969), Không nơi ẩn nấp (1971), Chom và Sa (1978), Tự thú trước bình minh (1979)…
Với những cống hiến bền bỉ cho nền điện ảnh Việt Nam, sau 23 năm (2007) rời cõi tạm, đạo diễn Phạm Kỳ Nam được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đến năm 2012, đạo diễn Phạm Kỳ Nam được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân sau khi ông qua đời 28 năm.
- Phim chiến tranh 'Người trở về' tung trailer dữ dội
- Phim chiến tranh Việt: Nước mắt khán giả không là thước đo thành công
Trốn gia đình sang Pháp học điện ảnh
NSND Phạm Kỳ Nam (bút danh: Hiếu Dân) sinh ngày 27/6/1928 tại làng Vẽ, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm),TP Hà Nội. Từ nhỏ, ông nổi tiếng học giỏi, học toàn diện tất các môn khoa học tự nhiên, xã hội. Ông thích đọc sách, giỏi tiếng Pháp, ưa khám phá, tìm hiểu, có chút phiêu lưu lãng tử. Từ nhỏ, ông đã tự tích lũy cho mình vốn tri thức, nhất là văn chương nghệ thuật trong và ngoài nước.
Năm 1946, được chú ruột tài trợ tiền vé máy bay, Phạm Kỳ Nam bí mật trốn gia đình sang “Kinh đô ánh sáng” học lấy “sàng khôn”. Gia đình tá hỏa tìm con khắp nơi, mẹ ông khóc hết nước mắt vì tưởng con mất tích. Hơn 1 tháng sau, ông mới báo tin về cho gia đình…
Sang Pháp, ông sống tự lập, đi làm thêm, tự nuôi mình, trang trải mọi sinh hoạt, học hành. Đầu tiên, ông chọn học Trường Luật. Học đã đến năm thứ 3, ông vẫn không thấy mặn mà với môn học. Vốn trong ông có tố chất lãng tử, phiêu lưu, không tự gò mình vào khuôn mẫu định sẵn. Ông nghĩ, học mà không đam mê thì có khác nào một cực hình tra tấn. Chính lúc đó, thiên hướng văn chương nghệ thuật trỗi dậy mạnh mẽ, hối thúc ông đi tới quyết định “chia tay” với ngành Luật, bước chân sang học Trường Điện ảnh IDHEC (Pháp) - trường đào tạo điện ảnh nổi tiếng của Pháp.
Cũng tiếc lắm 3 năm đã nhọc công vất vả, làm lụng kiếm sống, nhưng thà bỏ 3 năm trải nghiệm để có 30, 40 năm… sau hiện thực hóa ước mơ nghề nghiệp, được làm việc mình yêu thích, đam mê thì cũng xin nguyện. Lý do ông bỏ ngành luật sang học điện ảnh là vậy. Thêm nữa, khi sống ở Pháp, ông hiểu Pháp là một trong những quốc gia đi đầu về chất lượng đào tạo nghệ thuật điện ảnh. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới đã được đào tạo ở chính cái nôi Trường IDHEC.
Phạm Kỳ Nam theo học chuyên ngành đạo diễn điện ảnh. Đúng là chuyên ngành đạo diễn, nhưng IDHEC đào tạo cho ông có kiến thức tổng hợp về ánh sáng, bối cảnh, dựng phim, chỉ đạo diễn xuất. Với bản tính quyết đoán, lối tư duy độc lập, sắc sảo, Phạm Kỳ Nam cho rằng đã quyết định đúng theo đam mê của mình. Điện ảnh đã chọn ông vì cơ duyên, vì cuộc đời ông đã “lập trình” như thế. Cũng chính vì niềm đam mê mà ông đã tiếp thu rất nhanh tri thức điện ảnh của Kinh đô ánh sáng. Từ môi trường đào tạo này, Phạm Kỳ Nam được bổ trợ kiến thức tổng hợp về ánh sáng, bối cảnh, dựng phim, chỉ đạo diễn xuất.
Ngoài học tập, ông còn tích cực tham gia nhiều hoạt động của sinh viên yêu nước. Năm 1952, sinh viên Phạm Kỳ Nam tự nguyện tham gia Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1955, về nước, ông chuyển Đảng tịch ở Pháp sang là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam)…
Năm 1956, tốt nghiệp Trường Điện ảnh IDHEC - Pháp, Phạm Kỳ Nam về nước bắt đầu sự nghiệp điện ảnh của mình. Ông có 2 con trai. Trưởng nam Phạm Quốc Trung là con trai của ông và nghệ sĩ piano Nguyễn Phương Nghi. Phạm Nhật là con trai thứ hai của ông và nghệ sĩ Thanh Tú, theo học ngành kinh tế, hiện đang định cư ở Pháp.
Trong 2 người con trai của ông, họa sĩ NSƯT Phạm Quốc Trung nối nghiệp cha theo ngành điện ảnh. NSƯT Phạm Quốc Trung sinh năm 1958. Tên Quốc Trung do bố Phạm Kỳ Nam đặt. Ông kết hợp bút danh Hiếu Dân của cha và tên Quốc Trung của con với ý nghĩa “Trung với nước, hiếu với dân”.
Đạo diễn Phạm Kỳ Nam làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, và cũng yêu cầu rất cao ê kíp thực hiện. Đầu năm 1984, chuyến công tác vào TP.HCM làm phim, đạo diễn Phạm Kỳ Nam mất đột ngột. Bạn bè đồng nghiệp thương tiếc một tài năng điện ảnh đã vĩnh viễn khép lại tuổi 56 trong khi bao dự định làm phim còn bộn bề…
Hơn 60 năm “Chung một dòng sông”
Khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, đội ngũ nghệ sĩ làm điện ảnh từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội nung nấu mơ ước sớm làm được phim truyện. Niềm mơ ước xuất phát từ quan niệm “một nền điện ảnh dân tộc nếu chưa làm được phim truyện thì chưa thể coi là một nền điện ảnh hoàn chỉnh …” - theo Lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Đau đáu khát mong có phim truyện, thế là những người làm điện ảnh bắt đầu thử nghiệm. Năm 1957, từ kịch bản Biển động của nhà biên kịch sân khấu Ngọc Cung, đạo diễn Mai Lộc thực hiện làm bản phân cảnh, quay thử một số đoạn làm phim. Nhưng khi xem nháp, những nghệ sĩ thử nghiệm với phim truyện chưa thật sự hài lòng vì kịch bản viết còn quá sơ sài, thiếu kịch tính, kết cấu lỏng lẻo, nhân vật chưa thuyết phục, thiếu sức hấp dẫn… Như vậy, cuộc thử nghiệm đầu tiên chưa thành công.
Sau thời gian trau dồi nghiệp vụ, những người làm điện ảnh bắt tay vào làm phim Chung một dòng sông từ kịch bản của 2 tác giả Cao Đình Báu và Đào Xuân Tùng đã được duyệt đưa vào sản xuất. Ngoài đạo diễn Phạm Kỳ Nam học điện ảnh ở nước ngoài về, còn lại toàn bộ ê kíp được giao làm phim này đều từ chiến khu Việt Bắc trở về và chủ yếu mới có kinh nghiệm làm phim tài liệu, thời sự. Trong hàng ngũ cán bộ điện ảnh Việt Nam, nét đặc biệt nổi bật là “không có sẵn những nghệ sĩ điện ảnh đi làm cách mạng, mà chỉ có cán bộ cách mạng đi làm điện ảnh”. Phạm Kỳ Nam được giao đạo diễn phim cùng đạo diễn Hồng Nghi, còn Nguyễn Đắc là quay phim, họa sĩ Đào Đức phân công thiết kế mỹ thuật…
Nội dung phim Chung một dòng sông đã đáp ứng đúng vấn đề lịch sử nóng hổi của đất nước phân chia giới tuyến người Bắc, kẻ Nam. Người làm phim truyện đã đặt ra được vấn đề có tính thời sự. Chủ đề bộ phim được coi như một phát hiện.
Chờ đón phim Chung một dòng sông, đạo diễn Phạm Văn Khoa - nguyên Giám đốc đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam đã giới thiệu: “Phim Chung một dòng sông sẽ ra mắt đồng bào trong một ngày gần đây và nó cũng sẽ ra đúng lúc nhân dân ta rầm rộ đấu tranh để thống nhất đất nước…
Phim Chung một dòng sông ra đời là cả một cố gắng lớn của anh chị em làm công tác điện ảnh Việt Nam. Bộ phim truyện đầu tiên của chúng ta đã đánh dấu một bước tiến quan trọng và hé một triển vọng khá tươi sáng của loại hình phim truyện Việt Nam non trẻ”.
Sau Phạm Văn Khoa, nhà văn Thép Mới đã giới thiệu trang trọng bộ phim Chung một dòng sông trên Báo Nhân dân (số ra ngày 17/7/1959): “Bộ phim 3.000 thước, bắt đầu quay từ mùa Xuân năm nay, và cách đây 4 hôm quay xong cảnh cuối cùng… Mối đồng cảm sâu sắc giữa người xem và người trong phim sẽ là sức mạnh của bộ phim truyện đầu tiên của ta, bộ phim đã rất mạnh dạn đi thẳng và thể hiện - dù chỉ khía cạnh nào - một tình cảm lớn nhất của nhân dân, của thời đại…
Những người làm phim coi Chung một dòng sông là bài tập thử sức của mình. Thành công bước đầu của các tác giả thật có nhiều hứa hẹn. Không thể đòi hỏi ở một tác phẩm đầu tay cách diễn đạt thật mạnh mẽ, thật già dặn. Tuy nhiên, từ người đạo diễn, diễn viên, quay phim, soạn nhạc, anh chị em đã có nhiều cố gắng, để tạo một phong cách dân tộc”.
Bộ phim Chung một dòng sông ra mắt vào một ngày ý nghĩa - ngày 20/7/1959 - ngày mà trước đó 5 năm (ngày 20/7/1954), Hiệp định Geneve (Thụy Sỹ) được ký kết. Ngay sau ngày ra mắt, khán giả nô nức đến rạp xem bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Sự kiện công chiếu bộ phim đã tạo nên một hiện tượng đặc biệt trong đời sống văn hóa của nhân dân. Nội dung tư tưởng bộ phim đã hướng đến đông đảo mọi đối tượng. Xem xong, khán giả đều phấn chấn, rưng rưng xúc động.
Sự ghi nhận bằng giải thưởng cao nhất - Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ II (năm 1973) cho bộ phim truyện điện ảnh đầu tiên rất xứng đáng. Với Chung một dòng sông, loại hình phim truyện Việt Nam ra đời.
Sau phim Chung một dòng sông, đạo diễn Phạm Kỳ Nam tiếp tục cùng một cặp với Nguyễn Hồng Nghi thực hiện bộ phim Vật kỷ niệm (1960) - bộ phim truyện điện ảnh thứ 2 của Việt Nam.
NSND Phạm Kỳ Nam là đạo diễn thuộc thế hệ đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ông là đạo diễn duy nhất của thế hệ đạo diễn đầu tiên được đào tạo bài bản về điện ảnh tại Trường IDHEC Pháp. Cuộc đời ông là minh chứng cho lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo; là sự dâng hiến đến tận cùng cho nền điện ảnh nước nhà.
Tôi vẫn thích gọi ông bằng nghệ danh Hiếu Dân. Dường như suốt cả cuộc đời và sự nghiệp, trong ông luôn thôi thúc, lấp lánh nguồn sáng Hiếu Dân…
Người góp công tìm tư liệu cho phim tài liệu Ngoài phim truyện điện ảnh, NSND Phạm Kỳ Nam còn là tác giả của một số bộ phim tài liệu, như: Nguyễn Thái Bình (1972), Ngày Độc lập 2-9-1945 (1975), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1975), Miền Nam trong trái tim tôi (1976)… Phạm Kỳ Nam đã đoạt giải thưởng đạo diễn cho phim tài liệu Miền Nam trong trái tim tôi tại LHP Việt Nam lần thứ IV (năm 1975) tổ chức ở Hải Phòng… |
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng