Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh: Muốn cho người ta thấy mình có thứ họ không có
(Thethaovanhoa.vn) - “Hãy gọi tôi là PPAN” – đạo diễn trẻ nói, dù tên gốc của cậu nghe đã đặc biệt. PPAN đọc theo tiếng Anh là “pi pen”, vô tình giống tên viết tắt của Peter Pan, nhân vật không bao giờ lớn trong truyện cùng tên của J. M. Barrie. Nhưng PPAN không phải là Peter Pan, cậu là một “thằng ranh con muốn lớn nhưng chưa được” (tự nhận).
PPAN sinh năm 1991, học trung học tại trường Anglo- Chinese School (Independent) của Singapore. Hiện, cậu là sinh viên năm thứ ba ngành Sân khấu Điện ảnh, Đại học Hampshire College, Mỹ.
Cậu từng đạo diễn các vở nhạc kịch Góc phố danh vọng (2012 và 2013), Đêm hè sau cuối (2013); tham gia chương trình thời trang Đẹp Fashion Runway (2014), đạo diễn chương trình nghệ thuật Davines Hair Show (2014). Hiện, PPAN đang thực hiện phim điện ảnh đầu tay mang tên Cơn bão đi qua địa cầu. Đây cũng là phim tốt nghiệp ở Mỹ, cậu mong sẽ ra mắt vào mùa hè 2015.
Với Cơn bão đi qua địa cầu, một phim độc lập, PPAN cũng gia nhập nhóm những nhà làm phim độc lập của Việt Nam, đồng thời từ bỏ nhạc kịch sau khi ghi được dấu ấn khá sâu đậm với nhạc kịch.
* Khi kết thúc thời gian thực tập tại hãng phim Disney ở Mỹ, cậu đã nói: “Giờ là lúc phải lớn thôi”.
- Disney là một môi trường toàn niềm vui, là nơi tôi rất muốn ở lại, nhưng tôi rời đi vì cần nhiều trải nghiệm khác. Tại đó, tôi làm việc với mức lương rất bèo bọt 8 USD (hơn 170.000 đồng)/ giờ, nhưng ở Mỹ cũng thừa sức để sống. Vai trò của tôi cũng rất nhỏ, đến nỗi thiếu tôi thì dễ dàng có người thay thế. Nhưng niềm vui thì quá nhiều. Ở đó, mỗi ngày họ diễn 4, 5 lần, lúc nào cũng chật kín khán giả. Tôi ở chung với các đồng nghiệp Mỹ, ai cũng yêu trẻ con.
Sau khi rời Disney, tôi cũng chuyển từ Orlando, bang Florida sang Los Angeles để làm việc cho Liên hoan phim Los Angeles hồi tháng 6/2014, mỗi năm diễn ra một lần vào mùa hè. Tại đó, tôi rất sung sướng khi được thấy nhiều ngôi sao điện ảnh, trong đó có Clint Eastwood, Tilda Swinton… Sau mỗi bộ phim đều có một bữa tiệc, tôi được đứng rất gần họ, dù không được nói chuyện nhưng lại được đứng rất gần họ (cười). Đó là những hạnh phúc nhỏ nhoi của tôi.
* Nếu đứng trước hai lựa chọn: theo đuổi cái tôi đến cùng để làm cho “đã” nhưng khó đến với khán giả, hoặc theo đuổi khán giả mà chấp nhận làm mờ cái tôi, cậu chọn bên nào?
- Lâu nay tôi rất may mắn như cái tôi của tôi cũng được khán giả hưởng ứng. Các tác phẩm của tôi không đến nỗi khó thích đến thế. Nhưng tôi vẫn luôn giữ quan điểm rằng làm nghệ thuật mà chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình thì nên ngồi viết nhật ký còn hơn. Đừng tốn công sức của bao nhiêu người và bắt khán giả bỏ hai tiếng đồng hồ ra để xem một thứ chỉ một mình tác giả hiểu. Đừng làm thế, vớ vẩn lắm (cười). Tôi rất ghét những bộ phim kiểu tác giả làm cho tác giả, bắt thiên hạ phí thời gian. Lưu ý là phí thời gian thì quan trọng hơn là phí tiền.
* Ở Mỹ, các giảng viên có nói với sinh viên về vấn đề muôn thuở của nghệ thuật này không?
- Nghệ thuật bên đó rất tự do, ai muốn theo quan điểm nào thì theo. Không cổ súy bên nào hay lên án bên nào, nhưng họ rõ ràng ở một điểm: làm cho riêng mình mà không quan tâm đến khán giả thì cứ chấp nhận chết đói.
* Nhưng cậu lại thích “Đập cánh giữa không trung”, bộ phim mà đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói rằng cô ấy làm cho chính mình?
- Đó là một bộ phim rõ ràng tác giả khẳng định làm cho chính mình, nhưng chị cũng đầu tư chất xám để khán giả đồng cảm được. Đó là một điều mình phải vỗ tay cho chị Điệp. Tôi thích sự đầu tư vào bối cảnh ngôi nhà của nhân vật nữ chính, ở bên cạnh một đường ray tàu hỏa. Điều đó nhấn mạnh vào sự lạc lõng và cô đơn của hai nhân vật, cuộc sống hàng ngày vẫn trôi đi ầm ầm bên cạnh mà họ vẫn chơ vơ ở đó. Đó là một ẩn dụ nhỏ mà tôi cảm nhận được.
Trong khi đó, những phim như Bi đừng sợ chẳng hạn, cũng làm cho chính mình nhưng lại ít ai đồng cảm được.
* Nguyễn Hoàng Điệp cũng là đạo diễn đưa quan điểm và trải nghiệm cá nhân vào tác phẩm. Cậu thì sao?
- Các tác phẩm của tôi đều có những yếu tố cá nhân như vậy. Câu chuyện do tôi viết, các lời thoại đều là của tôi, phản ánh cá tính của tôi.
* Vì sao bạn quyết định sang Mỹ học sân khấu điện ảnh?
- Đi Mỹ là một trào lưu mà, ai mà chẳng muốn. Đi nước ngoài là ước mơ thuở bé của tôi nên tôi mới cố gắng vào được trường Hà Nội Amsterdam, một ngôi trường có nhiều người đi du học. Tôi du học từ năm lớp 10, ở trường trung học Anglo-Chinese School (Independent) của Singapore.
* Ở đó cậu có học tiếng Trung không?
- Có học hai năm nhưng quên rồi, hơi phí. Tôi từng học tiếng Pháp nhưng cũng quên.
* Cậu định học lại không?
- Không, bây giờ tôi cần những thứ khác.
* Những thứ gì?
- Kiến thức về văn hóa, lịch sử, xã hội. Cần đọc nhiều sách hơn. Xu hướng chung ở Mỹ bây giờ là chuyển thể sách thành phim, còn nghĩ ra một câu chuyện mới hoàn toàn thì rất khó.
* Sao phim của cậu không làm theo xu hướng chuyển thể?
- Tôi còn trẻ, tôi cần nói lên tiếng nói của mình trước đã. Còn sau này, khi nổi tiếng rồi hoặc thành công thì làm gì chẳng được. Bây giờ, tôi phải cho người ta thấy mình có những gì họ không có. Ở Việt Nam hiện nay, người ta khó viết ra những câu chuyện dài nhiều tình tiết mà vẫn đủ hấp dẫn. Nếu tôi làm được việc đó, tôi mới chứng minh được khả năng của mình.
Mỗi tác phẩm của tôi đều có một thông điệp nhất định. Với Góc phố danh vọng, thông điệp là tôi cũng viết được một câu chuyện. Với Đêm hè sau cuối là tôi viết được kịch bản trinh thám có tình tiết. Với Davines Hair Show là tôi cũng làm được chương trình thương mại.
* Nếu không học ở Mỹ, cậu nghĩ mình sẽ ra sao?
- Tôi sẽ không cởi mở và không dũng cảm lắm. Việc sang Mỹ học dạy tôi một điều là mình có thể làm tất cả mọi thứ. Với ý tưởng Góc phố danh vọng, nếu không ở Mỹ thì tôi sẽ nghĩ là: “Làm sao mình làm được chứ? Ai cho mình làm? Tiền đâu?”. Còn ở Mỹ rồi thì nghĩ “Ơ sao lại không được? Có ai cấm đâu?”. Tâm lý là trái ngược.
* Cậu có xem nhiều phim Việt Nam không?
- Có chứ, tôi vẫn thường xuyên xem phim mới ra mắt để hiểu nền điện ảnh đang như thế nào. Tôi xem từ Hiệp sĩ mù, Đoạt hồn, Lạc giới…, đủ cả.
Phim Việt bây giờ không sex thì đồng tính, không đồng tính thì giang hồ. Loanh quanh có những đề tài như thế. Nhưng công chúng lại đòi hỏi nhiều hơn thế. Cách đây khoảng chục năm thì Gái nhảy hay Những cô gái chân dài còn “ăn khách”, nhưng bây giờ sẽ không ai quan tâm nữa. Nhà làm phim phải đón đầu công chúng chứ không chạy theo công chúng, phải cho họ ăn món ăn lạ nhưng phải ngon.
* Vậy làm sao để hiểu gu của công chúng Việt Nam?
- Ngồi trong rạp xem phim cùng họ thì sẽ hiểu. Người ta hay chê khán giả Việt ồn ào nhưng chính vì thế mới biết họ nghĩ gì. Xem để biết khán giả cười vào lúc nào, cười vì sự vô duyên của bộ phim hay vì những tình huống buồn cười thực sự.
* Cậu thấy họ cười vì cái nào nhiều hơn?
- Phần lớn là vì vô duyên.
* Vậy cậu thấy sao?
- Thấy khổ thân các nhà làm phim, họ cũng có thành ý và muốn làm khán giả hài lòng, nhưng vì nhiều yếu tố nên lại thành ra vô duyên.
* Từ những quan sát đó, cậu nghĩ sao về cách khán giả phản ứng với phim của chính cậu?
- Tôi nghĩ nhiều lắm, từng câu thoại viết ra đều phải nghĩ người xem sẽ nghĩ gì về nó. Kịch bản đã sửa đến 9, 10 lần rồi và vẫn chưa phải là lần cuối.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015