Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Từ bó mùi già ngày Tết đến 'Ơ kìa Hà Nội'
(Thethaovanhoa.vn) - Sau Đập cánh giữa không trung - bộ phim đưa tên tuổi Nguyễn Hoàng Điệp đến với nhiều giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế - nữ đạo diễn này lại tự tìm cho mình một khoảng lặng để tiếp tục "đập cánh" cho những dự án điện ảnh tiếp theo.
Trước mắt, như lời chị, đó là việc tiếp tục gây dựng thương hiệu Úi chà trong một không gian rất Hà thành mang tên: “Ơ kìa Hà Nội". Ba năm trước, trên facebook cá nhân, xen kẽ giữa những thông tin về điện ảnh, Điệp bắt đầu giới thiệu tinh dầu Úi Chà do gia đình tự sản xuất.
“Thương hiệu này có từ hồi tôi mang Đập cánh giữa không trung đi phục vụ người xem” – Nguyễn Hoàng Điệp bắt đầu cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
Hà Nội xứng đáng với các thán từ...
* Có mối liên quan gì giữa “Đập cánh giữa không trung” và tinh dầu chăng?
- Tôi mang Đập cánh giữa không trung đi khắp nơi. Đó là một hành trình cô độc. Mang phim đi đến đâu, tôi đều mang theo tinh dầu của Úi chà vì đó là thứ tinh dầu đậm chất Việt Nam.
Nhiều người bảo tôi dở hơi. Ừ, có lẽ thế nếu so với các bạn trẻ bây giờ. Đi đâu tôi cũng cố gắng mang theo mùi, vị, màu sắc của Việt Nam, để mình luôn yên tâm và gợi nhớ về quê hương. Cũng có người bảo, tôi như thế là thiếu cởi mở, như thế là cản trở việc ra bên ngoài của mình. Nhưng tôi lại không cảm thấy phiền, vì nghĩ rằng ai cũng có “gót chân Achilles”.
Thật ra, bố tôi làm đông y, cho nên từ bé tôi quen với việc bố chiết xuất tinh dầu để chữa bệnh. Đó không phải là tinh dầu theo kiểu nước hoa của nước ngoài. Đó là những thứ như long não, sả chanh, quế, hồi... mà mình đã biết từ bé.
* Và đến giờ, sau khi “Đập cánh giữa không trung” đã bay cao, chị có bao giờ nghĩ tới việc gác lại điện ảnh để nối nghiệp bố mình?
- Lớn lên tôi chỉ muốn làm phim. Những gì thuộc về văn hóa nghệ thuật chính là những hương liệu ở đâu đó ở trong tôi, khiến tôi không thể nào dứt bỏ được. Và tôi cũng không có ý định nào rõ ràng. Cho đến một ngày khi hoàn thành Đập cánh giữa không trung, tôi cho rằng đã đến lúc mình làm một cái gì đó để giải quyết quãng thời gian trống. Và thế là tôi đi tìm một mùi hương mà nó thực sự thuộc về Việt Nam, thuộc về mình.
Đó cũng không phải là câu chuyện hay đâu. Đó là một bi kịch, khi mẹ tôi bị ốm, bị liệt nằm ở trong phòng suốt 24/24 giờ mỗi ngày. Đón Tết hay ngày thường cũng vậy, mẹ không phân biệt được ngày, đêm, năm, tháng, thời khắc trôi qua. Bố tôi nghĩ ra một thứ rất hay: thay vì chỉ có Tết mới có một bó mùi già để đun nước xông, bố dùng nước mùi già đó bất kỳ lúc nào mẹ thích. Thế là mỗi lúc mẹ được xông mùi già, đó cũng là một ngày Tết của mẹ. Tôi thích chuyện đó nên nói với bố: con sẽ làm như bố, đi đâu con cũng sẽ mang theo chút mùi hương bên mình.
* Và quán trà Úi chà ra đời, nhưng ở trong không gian đó không chỉ có tinh dầu, phải không chị?
- Đúng thế! Đó là một là một phòng khách và có thể xem như không gian Hà Nội ngày xưa của tôi. Nó không quá cổ kính nhưng đẹp, xanh, thơm và hiếu khách, lúc nào cũng có bánh mứt và nước trà chờ đợi mọi người. Sau tôi mở rộng hơn, tạo ra không gian “Ơ kìa Hà Nội”.
Đối với tôi thì Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung luôn luôn xứng đáng với các thán từ “ôi”, “a”, “úi”. Lúc nào mình cũng phải reo lên khi mình gặp một thứ gì đó ở Hà Nội, trên mỗi con đường mình đi. Tôi chọn tên “Ơ kìa Hà Nội”. Tôi muốn chọn một không gian mà tôi có thể tổ chức được các sự kiện văn hóa, tổ chức được đêm nhạc, ra mắt sách, trưng bày tranh... với các chủ đề khác nhau.
Ở đó còn có rạp chiếu phim được gọi là rạp chiếu phim nhỏ nhất thế gian (39 chỗ, tương đương với số nhà 39, số ngách 39 và đuôi số ngõ 639 Hoàng Hoa Thám của Điệp – PV), nơi tôi sẽ chiếu các bộ phim mà tôi nghĩ là nó xứng đáng để công chúng thưởng thức hoặc những bộ phim nghệ thuật ít khi được mọi người quan tâm.
Kỳ vọng ở Hà Nội một cách rất ích kỷ
* Thế thì chị phải yêu Hà Nội lắm...?
- Tôi yêu Hà Nội đủ nhiều như bất kỳ người Hà Nội nào yêu thành phố của họ. Đôi khi tôi và những người yêu Hà Nội có những giận hờn, và sự buồn bã, khi nhìn thấy Hà Nội khác dần đi, đang mất dần đi thứ gì đó... Đó là những điều mà tôi lo lắng, tôi nhìn thấy. Tôi nghĩ mình phải bằng cách nào đó giữ lại nó trong phim, và “nhét” chúng vào hết không gian mà mình thích, có cây cối, có nhà cửa. Và bằng cách hỗ trợ những người bạn của mình đang sống và đang yêu theo tinh thần đó.
* Điều gì của Hà Nội khiến chị giận hờn và buồn bã?
- Tôi kỳ vọng ở Hà Nội một cách rất ích kỷ! Tôi nghĩ là Hà Nội không nên thay đổi gì cả. Hà Nội nên giống như Hà Nội thời... ơ kìa của tôi thôi. Và những điều đó không thể diễn ra như những gì mà mình đã tưởng tượng được. Hà Nội đã thay đổi, Hà Nội đã khác đi và cái khác đi diễn ra hằng ngày, hằng giờ nên tôi sẽ phải có cách nào đó sống chung với nó.
Cuối cùng tôi nhận ra rằng mình không thể thay đổi sự chuyển biến, sự đổi khác của đô thị, bởi Hà Nội là như thế. Sự thay đổi đó cũng rất là đẹp! Tôi mê đắm những thứ thuộc về xưa cũ của Hà Nội thì tôi sẽ tìm cách tự lưu giữ nó thôi. Đó cũng chính là lý do tôi làm “Ơ kìa Hà Nội”.
Sẽ làm phim về phụ nữ Hà Nội
* Bây giờ thấy chị tất bật “đạo diễn” cho “Ơ kìa Hà Nội” thì còn thời gian nào dành cho nghề nghiệp?
- Điện ảnh vốn dĩ là tích lũy về kinh nghiệm sống, tri thức sống và cần có những trải nghiệm, nhìn ngắm, nghe, ngửi, sờ (cười). Công việc hằng ngày của tôi là tiếp cận các nghệ sỹ, tiếp cận công chúng. Đó là điều tuyệt vời và mang lại cho mình rất nhiều vốn sống.
Tôi có một dự án phim đang trong giai đoạn chờ đợi. Do vậy, chờ đợi là giai đoạn lý tưởng để tôi tỏ ra chăm chỉ và làm việc hăng say. Đây là giai đoạn tôi cho phép mình làm việc hăng say tại “Ơ kìa Hà Nội”, vốn dĩ cũng là các dự án phi lợi nhuận và nhằm mục đích cống hiến cho xã hội.
* Nếu như làm phim về HN chị thích làm về đề tài nào nhất?
- Tôi chắc chỉ làm về phụ nữ thôi vì tôi chẳng hiểu gì về nam giới mấy. Cho nên nếu làm phim về phụ nữ thì tôi sẽ làm về phụ nữ Hà Nội. Có thể đó là những phụ nữ cũ và cả những phụ nữ mới tới đây. Nhưng họ sống ở đây, họ hiểu và chờ đợi thứ gì đó ở đây. Có lẽ đó là cách mà tôi sẽ làm.
* Phụ nữ Hà Nội bây giờ và phụ nữ xưa qua cái nhìn của chị có gì khác?
- Không đâu, con người có một điểm cực kỳ hay. Đó là sự thích nghi thật là tuyệt vời. Khi mà họ đã yêu quý một nơi nào đó họ sẽ thích nghi với nó. Họ tạo nên được rất nhiều điểm thú vị về nơi ấy, và họ trở thành một phần của nơi ấy.
Hà Nội có thứ gì đó thật là nữ tính, thậm chí âm tínhKhi tôi nghĩ về thành phố này, tôi có cảm nhận như vậy!
* Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp!
“Điện ảnh hóa” tình yêu Hà Nội “Hầu như phim nào tôi cũng quay ở Hà Nội hoặc tạo dựng một không khí rất Hà Nội, cho dù quay ở nơi không phải Hà Nội. Tất nhiên, điện ảnh hay nghệ thuật nói chung rất đa dạng.Tôi không tự giới hạn mình vào các khuôn khổ đó mà tôi sẽ luôn nhắc nhớ về Hà Nội trong những điều mà mình làm” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp). |
Huy Thông (thực hiện)