Đạo diễn Nguyễn Diệp Thùy Anh: 'Có khi suốt đời em làm phim 2 triệu đồng'
Khi được xướng, Nguyễn Diệp Thùy Anh đã rất bất ngờ. “Em biết một điều, càng lớn lên mọi người càng ít đặt câu hỏi. Em rất mừng là điện ảnh đã mang đến cho chúng em câu hỏi lớn “ngoài kia có gì?” và em không bao giờ thất vọng về câu trả lời của nó”, Thùy Anh nói.
* Giải thưởng của BGK LHP Quốc tế Hà Nội lần 3 có làm em muốn theo nghề thêm chút nào không?
- Em nghĩ là không, vì khi bắt đầu làm phim bọn em đều không nghĩ đến giải thưởng. Mà làm nghề này mà cứ nghĩ đến giải thưởng là rất khó làm đấy. Giải thưởng cũng ít khi ảnh hưởng đến quyết định của em.
Em vừa đọc đến cuốn Nhà giả kim có nhắc nhiều đến dấu hiệu. Giải thưởng này rất bất ngờ, không hiểu sao nó lại đến với em, đây quả thực là khích lệ rất lớn. Nhìn trong bảng đề cử, em có cảm giác phim của mình không liên quan đến những bộ phim còn lại. Vì họ đều là những người làm nghề chuyên nghiệp, phim của họ đầu tư rất nhiều. Còn em thì không chuyên, phim của em kinh phí chỉ có 2 triệu đồng. Có khi cả đời em sẽ làm những bộ phim tầm khoảng 2 triệu (cười). Bây giờ cho 1 tỷ chưa chắc em đã nghĩ ra một bộ phim xứng với số tiền đó. Cái gì cũng có mặt này mặt kia.
Em nghĩ giải thưởng này không chỉ dành cho riêng em, mà là sự khích lệ cho rất cả những người đang lăn tăn không biết mình có đủ điều kiện làm cái này cái kia, mình có tiếp tục theo đuổi con đường này hay không.
* Các bạn trẻ ở TPD khi thực hiện các bộ phim đầu tay đều có xu hướng làm về đề tài gia đình mình, về chính mình… Bộ phim thế nào?
- Em vẫn còn nhớ thời học cấp 1, có những sáng Chủ nhật thức dậy không có ai ở nhà, chuyện đó xảy ra ít thôi nhưng gây ấn tượng rất mạnh. Em cứ ngồi khóc cho đến lúc nín thì thôi. Rồi em bắt đầu chơi thơ thẩn trong nhà, những trò rất ngớ ngẩn ấy, như tự cắt tóc mình, đi lục đồ của bố mẹ nhưng biết là phải để nguyên như cũ nếu không sẽ bị phát hiện. Đúng là chỉ có trẻ con mới nghĩ ra những trò như thế. Không hiểu sao trí nhớ của em về thời thơ ấu rất rõ ràng, khác hẳn với trí nhớ của em cho những chuyện bây giờ.
* Một cô bé như em thời đó hay tò mò về cái gì?
- Ngày xưa nhà em ở tập thể, đứng ở nhà mình nhìn sang khu đối diện thấy rất nhiều ô cửa sổ, em cứ luôn thắc mắc trong những cái nhà đó có gì. Em cũng rất tò mò về những ngõ ngách ở Hà Nội vì thấy nó thật thú vị.
Em còn nhớ một lần đang đi bộ trong trường, trên tay em cầm một cái bánh. Bỗng nhiên có một anh nhảy ra xin cái bánh. Em đưa cho anh ấy luôn dù không biết anh ấy là ai. Em không bao giờ thắc mắc tại sao mọi người làm việc này việc kia, chỉ thắc mắc là lúc như thế mọi người nghĩ gì.
* Gia đình có ủng hộ việc em làm phim không?
- Chắc chắn không, vì không ai muốn con đi suốt ngày, làm cái việc mà không hẳn là ở nhà mà cũng không hẳn là đi chơi. Và làm phim không phải công việc sớm kiếm ra tiền. Bố mẹ vẫn giữ quan điểm con cái làm gì sẽ hỗ trợ. Nhưng với những lựa chọn mà bố mẹ không thích thì việc hỗ trợ sẽ không thoải mái lắm.
Nhiều lúc nghĩ cũng khổ cho bố, có lúc ông ức chế quá hỏi em: “Bây giờ con muốn làm gì?”. Em trả lời: “Làm sao con có thể quyết định được?”. Bố em hỏi: “Thế con nghĩ từ bé đến giờ vẫn chưa xong à?” (cười). Bố mẹ khá hoang mang vì không biết em muốn gì.
Hồi bé em được học khá nhiều thứ như đàn, vẽ, bóng rổ, học võ... Đó là em tự nguyện đi chứ không phải bị bắt ép đâu. Học nhiều thế mà chẳng biết muốn làm nghề gì, sau một thời gian quá đau đầu với câu hỏi đó, em quyết định không nghĩ nhiều nữa.
* Học đại học ngoại ngữ, song song với việc đó là học làm phim ở TPD và giờ làm việc tại TPD, cứ tưởng em đã tìm thấy một công việc rồi chứ?
- Em chưa nuôi sống được bản thân đâu, chỉ làm ở TPD để đỡ phải xin tiền bố mẹ.
* Được biết rất nhiều bạn trẻ coi TPD như một gia đình và đã cảm thấy mình lớn lên khi làm xong bộ phim đầu tay tại đây. Với Thùy Anh thì sao?
- Là một đứa con trong gia đình TPD thì chuyện lớn lên không chỉ nhờ những lần vui vẻ, mà còn phải trải qua khó khăn, giận dỗi mới lớn lên thực sự.
Đặc thù của TPD là sau khi học xong, các bạn có cơ hội soi chiếu lại mình. Không phải ngẫu nhiên rất nhiều bạn chọn làm phim về chính gia đình mình. Ngoài việc đề tài đó gần gũi và dễ thực hiện hơn, nhưng mặt khác nó cũng cho thấy tụi em không chỉ quan tâm đến bản thân mình, hay những chuyện yêu đương, mà bọn em còn nhiều mối bận tâm khác. Bọn em cảm thấy khá bức bối về khoảng cách thế hệ, trong thời buổi này điều đó càng rõ ràng. Biết đâu những bộ phim chúng em làm sẽ rút ngắn khoảng cách đó.
* Khoảng cách đó lớn đến mức nào?
- Em nghĩ để hiểu thì chẳng ai thực sự hiểu ai cả, chính bọn em cũng không thể hiểu thế hệ đi trước. Như ông bố xuất hiện trong phim Ngoài kia có gì? rất hay cáu bẳn nhưng thực ra ai có bố mẹ cũng biết bố mẹ chỉ muốn làm điều tốt cho con cái thôi. Vấn đề là giao tiếp giữa hai thế hệ rất khó. Thậm chí em cảm thấy hơi tiếc vì khoảng cách đó sẽ làm cho chúng em không tiếp thu được hết những di sản của thế hệ trước để lại.
* Làm xong một bộ phim, em có cảm giác muốn làm tiếp không?
- Ở TPD, cứ học xong một khóa thì mọi người bắt đầu làm bộ phim đầu tay. Đáng lẽ ra em đã phải làm bộ phim đầu tay từ năm lớp 12. Nhưng sau một thời gian vật lộn với chính mình, đến năm 22 tuổi em nghĩ phải làm một cái gì đó. Và lúc đó làm phim chính là cách giải tỏa năng lượng.
Ngoài kia có gì? làm cách đây 2 năm rồi, từ đấy đến giờ em chưa làm thêm. Em cũng cần suy nghĩ một thời gian. Đôi khi những gì mình tưởng tượng ra chỉ là lý thuyết thôi, sau trải nghiệm tưởng tượng đó hoàn toàn sụp đổ, mình lại phải xây dựng cái khác, cứ liên tục xây rồi lại phá bỏ. Đến thời điểm hiện tại, tạm thời em chưa coi phim là nghề nghiệp.
Ngoài kia có gì? từng đoạt giải Phim hay nhất tại Confetti 2013 của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD). Tại giải Búp sen vàng 2013, bộ phim giành 2 giải: Búp sen vàng Phim truyện xuất sắc do BGK bình chọn và Búp sen vàng Phim truyện xuất sắc do khán giả bình chọn. |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần