Đạo diễn Lê Hải Yến: 'Tôi say nghề, luôn tự làm khó mình'
Đứng sau chương trình Chuyến tàu huyền thoại được nhận xét là choáng ngợp, mãn nhãn, xúc động và trào dâng niềm tự hào, tự tôn dân tộc, đó là nữ đạo diễn Lê Hải Yến. Lê Hải Yến thừa nhận mình là người say nghề, điên nghề, luôn tự thử thách và muốn biết giới hạn của mình ở đâu.
Chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại khai mạc Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 2 năm 2024 diễn ra tại cảng Sài Gòn mới đây đã để lại nhiều cảm xúc và dư âm cho hàng triệu khán giả xem trực tiếp cũng như qua màn ảnh nhỏ. Trong khoảng thời gian 90 phút, Chuyến tàu huyền thoại đã kể câu chuyện lịch sử cận đại, diễn ra trên dòng sông Sài Gòn, đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.Trong đó, có nhiều màn trình diễn gây kinh ngạc, sửng sốt mà lần đầu tiên khán giả được chứng kiến.
Tổng đạo diễn kiêm tác giả kịch bản chương trình Chuyến tàu huyền thoại Lê Hải Yến, chia sẻ với PV Thể thao và Văn hóa (TTXVN) những câu chuyện hậu trường đáng nhớ.
"Tôi muốn là người kể câu chuyện lịch sử bằng cả trái tim"
* "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại" thành công, đem tới cho khán giả nhiều cảm xúc và dư âm. Để thực hiện "phim điện ảnh bom tấn" hay "đại nhạc kịch" diễn ra trên sông Sài Gòn, chị cùng ê-kíp chắc hẳn gặp không ít khó khăn?
- Dường như tôi làm gì cũng khó khăn hơn người khác, bởi vì tôi luôn chọn những đề tài khó, kể những câu chuyện khó. Tuy nhiên, quan trọng không phải mình khổ thế nào mà quan trọng là mình đem lại giá trị gì cho cộng đồng thì tất cả những sự vất vả kia mới có ý nghĩa.
Trong suốt 4-5 tháng, tôi chỉ đọc, nghiên cứu, gặp gỡ nhân chứng và viết. Tôi gần như dừng hết tất cả mọi công việc khác, để dồn tâm sức, tâm huyết cho kịch bản này. Tôi muốn thay đổi cách làm lễ hội để lễ hội phải chuyển tải những câu chuyện giá trị mang ý nghĩa giáo dục, truyền cảm hứng và khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước với thế hệ trẻ.
Cũng bởi thế, khi viết kịch bản tôi hỏi các bạn nhân viên Gen Y, Gen Z xem các bạn có cảm, có thích kịch bản đó hay không.
Ngoài việc dày công trong việc đọc, nghiên cứu, gặp các nhân chứng lịch sử để viết kịch bản thì còn một việc khác khó hơn là lựa chọn nhân vật. Có những nhân vật phải mất vài tháng tôi mới tìm được người ưng ý.
* Ý tưởng kể về những chuyến tàu huyền thoại có từ đâu và làm thế nào để Tổng đạo diễn Lê Hải Yến có thể kết nối câu chuyện giữa các chương: Hạ thủy, Cập bến, Ra khơi, Dậy sóng, Vươn xa?
- Trên dòng sông thì con tàu là sự hiện thân của sự sống, là biểu tượng của sự phát triển trong dòng chảy lịch sử. Mỗi con tàu đại diện cho một câu chuyện, một nhân vật, một cuộc đời, một giai đoạn. Và tôi muốn kể câu chuyện về những chuyến tàu thật xúc động, tự hào.
Tôi không muốn khi đọc tên chương ra khán giả đã đoán được hết mọi thứ. Không nên bày ra tất cả, cần kích thích sự tò mò, khám phá của khán giả. Tôi muốn mở dần các câu chuyện để khán giả được ngỡ ngàng thích thú. Từng màn, từng chương, chúng tôi làm kỹ từng chi tiết nhỏ bởi tôi quan niệm mình kể sử thì đầu tiên là không được kể sai. Câu chuyện kể có thể hay - dở, người thích đoạn này đoạn kia, nhưng không được làm sai, phải tôn trọng và công bằng với lịch sử.
* Đầu tư nhiều chất xám cũng như công sức như vậy, chị có ý định sẽ làm gì đó, chẳng hạn thu gọn để chương trình được diễn lại nhiều lần?
- Sau đêm đó, cả khán giả cũng như diễn viên đều tiếc là tại sao chỉ diễn một đêm. Tôi cứ trăn trở mãi việc làm đêm thứ 2 vì còn liên quan rất nhiều yếu tố, thiết bị, con người, chi phí và việc đã tường thuật trực tiếp rồi… Đó có lẽ là câu chuyện mình phải giải quyết ở những mùa tiếp theo.
Rất khó để kể câu chuyện đó thường xuyên vì phải có vị trí cố định. Sân khấu đó hiện là bến cảng, phục vụ du lịch, mỗi lần diễn phải dẹp hết tất cả tàu thuyền. Cần có một không giangiống như một phim trường hay một bảo tàng nghệ thuật ngoài trời, phải là một show diễn cố định thường xuyên để khán giả có thể vào xem, mà nó không quá xa thành phố. Khán giả vẫn luôn cần những chương trình văn hóa nghệ thuật chất lượng như vậy.
Tôi chỉ muốn là người kể câu chuyện lịch sử bằng trái tim, bằng tình yêu của mình.Tôi cũng có một tâm nguyện muốn cắt kịch bản này ra thành từng chương, sau đó gửi cho các trường học, mình muốn cho các em được xem và phải là xem miễn phí, thay vì các thầy cô giảng bài thì các con được xem, chắc chắn sẽ rất yêu thích, có cảm xúc.
"Tôi luôn muốn biết giới hạn của chính mình"
* Điều gì thôi thúc chị lựa chọn đi một con đường khó là thực hiện chương trình nghệ thuật "bom tấn" về lịch sử, chính trị như "Chuyến tàu huyền thoại"?
- Lúc tôi chia sẻ ý tưởng, kịch bản với ê-kíp thì mọi người đã hoang mang rồi vì họ biết, để kể câu chuyện này thì sẽ phải đối mặt với muôn vàn thử thách. Nhưng tôi nghĩ, "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai"? Tôi nghĩ mình là thế hệ còn có sự chuyển giao, còn tình yêu với lịch sử, tình yêu với các vị anh hùng dân tộc, nếu như mình không chuyển tải, không truyền cảm hứng tới các bạn trẻ thì các bạn trẻ sau này có ai kể những câu chuyện này không?
Tôi luôn muốn biết giới hạn của chính mình. Phải tự tạo ra thử thách, phải có nghịch cảnh mới có sức sáng tạo và khác biệt,nếu không mình sẽ đi theo lối mòn, không còn phù hợp với thời đại. Người làm văn hóa nghệ thuật phải nâng tầm nhận thức của khán giả, định hướng lại gout thẩm mỹ, gout thưởng thức của giới trẻ.
Newday Media có lẽ là đơn vị đầu tiên tiên phong làm lễ hội theo xu hướng edu-tainment (kết hợp giữa giáo dục và giải trí) nhằm tôn vinh giá trị lịch sử và văn hóa, tự tôn dân tộc trong cộng đồng giới trẻ bằng các hình thức nghệ thuật hiện đại. Nếu xem các phim điện ảnh Hollywood, tính nhân văn, tính giáo dục luôn luôn có trong từng câu thoại của diễn viên và tôi nghĩ định hướng này rất quan trọng.
* Sau chương trình nhận được nhiều lời khen, cảm nhận của chị như thế nào? Mong muốn của chị trongtương lai ra sao?
- Tôi thường xuyên đi sangcác nước châu Âu và mỗi lần xem các chương trình nghệ thuật, các vở nhạc kịch hay vào những bảo tàng bên đó tôi lại thấy tủi thân vì Việt Nam mình có nhiều người tài, ông bà mình khi xưa rất giỏi, vậy mà chúng ta chưa kể được nhiều những câu chuyện lịch sửlay động giới trẻ, chưa khai thác chính nguồn tài nguyên lịch sử, văn hóa của người Việt Nam mình để trở thành những sản phẩm du lịch thu hút du khách và truyền cảm hứng tới công chúng, để kể thành những câu chuyện ý nghĩa và mang tính giáo dục cao, để lại dư âm đậm nét.
Tôi luôn nghĩ, mình đóng góp được những giá trị gì cho quê hương, giống như mình để lại di sản sau này, không biết ai sẽ là người nối tiếp mình để kể, nhưng chắc chắn là nó cũng sẽ tác động nhất địnhđến những người khác cùng làm nghề hoặc là giới trẻ.
Tôi cũng thấy ở các nước, nghệ sĩ của họ liên tài với nhau rất tốt. Để tạo ra được những tác phẩm lớn không ai một mình làm được tất cả. Việt Nam có rất nhiều đạo diễn giỏi, rất nhiều người tài nhưng đôi khi cái tôi của chúng ta lớn, chúng ta ít khi ngồi lại để cùng nhau tạo ra những tác phẩm lớn.
Tôi cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi lần này tôi đãhợp sức được những con người tài năng, không chỉ ở Việt Nam, mà chúng tôi là những con người từng học hoặc làm việc tại nước ngoài, từng được giải thưởng quốc tế hoặc thế giới công nhận. Đó là đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Đức Trí và biên đạo Tấn Lộc. Vàtoàn bộ quá trình mấy tháng trời làm việc với nhau chúng tôichưa từng bất đồng quan điểm, làm việc với nhau rất vui vẻ.
Sau này tôi vẫn muốn kể và lưu giữ những câu chuyện lịch sử của dân tộc thông qua các show diễn. Tôi mong muốn qua các show diễn của mình, khán giả sẽ khám phá được thêm nhiều điều mới và thú vị, thêm yêu, thêm tự hào về các nhân vật lịch sử, yêu lịch sử Việt Nam mình hơn, để cho dù có đi đâu, về đâu, các bạn ấy cũng muốn quay về để dựng xây đất nước.
* Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!
"Việt Nam có rất nhiều đạo diễn giỏi, rất nhiều người tài nhưng đôi khi cái tôi của chúng ta lớn, chúng ta ít khi ngồi lại để cùng với nhau, cùng nhau tạo ra những tác phẩm lớn" - đạo diễn Lê Hải Yến.