Đạo diễn Khải Hưng: 'Tôi thích giải những bài toán khó'
(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tư chỉn chu về bối cảnh và tập trung nhiều vào cách dàn dựng diễn viên với máy quay, trong phim đạo diễn Khải Hưng thường sử dụng những cú máy dài, đòi hỏi diễn viên phải thuộc thoại và quay phim phải tập trung cao độ. "Khó nhưng tôi rất hài lòng với cách làm đó" - ông nói.
- Đạo diễn Khải Hưng: Tôi thực dụng nên biết 'liệu cơm gắp mắm'
- Đạo diễn Khải Hưng 'làm lại cuộc đời' với 'Hợp đồng hôn nhân'
Trong cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), ông chia sẻvề công việc sản xuất phim, đặc biệt là về bộ phim Hạnh phúc không có ở cuối con đường đang phát sóngvào tối thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần trên VTV1
Phim đến với người xem là hạnh phúc
NSND Khải Hưng chia sẻ rằng, nếu như Quỳnh búp bê là bộ phim thời thượng thì Hạnh phúc không có ở cuối con đường là bộ phim "chiều lòng" khán giả lớn tuổi, để họ nhớ về một thời kỳ đã qua với tiếng gọi thân thương - thời kỳ bao cấp.
"Dành cho đối tượng người lớn tuổi nên phim có nhịp điệu và cách kể dung dị, khiến người xem nhớ lại một thời khó khăn mà lứa tuổi mình phải trải qua. Đương nhiên, phim khó "hot" như Quỳnh búp bê vốn đề cập tới vấn đề nhiều người tò mò, nhất là giới trẻ. Nhưng tôi tin chắc, khán giả lớn tuổi vừa lòng với Hạnh phúc không có ở cuối con đường" - đạo diễn Khải Hưng cho biết.
Chuyện phim xảy ra vào những năm 90, nên khó khăn nhất với NSND Khải Hưnglà tìm bối cảnh. "Nói tới khó khăn thì phim nào cũng vậy, khi đoàn phim lên đường thì câu chuyện khó xử nhất lại là... bối cảnh. Ở Việt Nam chưa có một trường quay để có thể tạo dựng ra bối cảnh cũ, bởi vậy phim muốn tạo dựng ra một góc phố thời đi xe đạp và xe máy không đội mũ bảo hiểm là cực kì khó khăn.
Hay như việc tìm một cái bếp dầu, chúng tôi cũng phải xoay sở mãi mới ra. Khi có bếp, diễn viên loay hoay mãi vì không biết sử dụng. Mà bạn biết đấy, bếp dầu là đặc trưng của cuối thời kỳ bao cấp, gia đình nhà nào mà chẳng có bếp dầu" - NSND Khải Hưng kể lại.
"Bộ phim là sự thể nghiệm của tôi với công việc dàn dựng, những cảnh quay dài đòi hỏi quay phim, ánh sáng và diễn viên phải làm việc chuyên nghiệp. Diễn viên diễn có dẫn dắt tâm lý, đòi hỏi phải thuộc thoại” - NSND chia sẻ thêm - “ Quay phim phải tạo ra rất nhiều cỡ cảnh trong 1 cảnh quay. Cách dàn dựng không đơn giản nhưng tôi thích giải những bài toán khó, nó khiến tôi rất hài lòng".
Thiếu thực tế sẽ mất khán giả
Trong phim đang phát sóng của đạo diễn Khải Hưng, khán giả bị thu hút bởi mối quan hệ giữa mẹ chồng với nàng dâu. NSND Khải Hưng chia sẻ: "Quan hệ mẹ chồng và nàng dâu vốn chưa bao giờ là tốt, nó xảy ra dưới các mức độ và định dạng khác nhau. Khi mức sống trong xã hội càng khá lên thì khoảng cách giữa mẹ chồng nàng dâu càng lớn. Đó là thực tế, nếu làm phim không phản ánh thực tế thì sẽ không thuyết phục khán giả.
Với tôi, Diệu Thuần là sự lựa chọn chuẩn xác cho vai bà mẹ là cán bộ về hưu, còn Thùy Dương phù hợp với cả 2 giai đoạn nghèo khó và thành đạt. Thùy Dương diễn tốt,thể hiện được đa tính cách, nói khóc là khóc được ngay, cần bướng bỉnh cũng thể hiện được ngay. Thùy Dương lên hình cũng rất đẹp".
Trước câu hỏi, bộ phim truyền hình như thế nào mới đủ sức hút ông theo dõi, đạo diễn Khải Hưng bày tỏ: "Mỗi bộ phim truyền hình sẽ dành cho một số đối tượng nào đó, không có mẫu số chung cho tất cả các phim. Bởi vậy, sẽ chẳng có bộ phim nào vừa lòng toàn bộ khán giả được".
NSND Khải Hưng là một đạo diễn tài năng với nhiều tác phẩm được nhiều khán giả yêu mến như: Mẹ chồng tôi, Lời nguyền của dòng sông, Không còn gì để nói, Ba lẻ một…Ông là người đi tiên phong trong việc làm phim truyền hình ở Việt Nam. 30 năm làm việc và cống hiến cho Đài Truyền hình Việt Nam, ông đã cho ra đời nhiều chương trình gây được tiếng vang như: Văn nghệ Chủ nhật, Gặp nhau cuối tuần, Táo quân...
Vốn được biết đến là người đàn ông đa tình nhưng NSND Khải Hưng luôn kín tiếng mỗi khi hỏi về cuộc sống riêng và hôn nhân. Ông có hai người vợ, người vợ đầu có một người con trai duy nhất là đạo diễn Khải Anh và người vợ thứ hai là một cô con gái. Đạo diễn thú nhận, mình không có thú vui nào khác ngoài công việc, không có niềm đam mê nào hơn phim ảnh và ông nhất định chỉ nói chuyện về phim.
Hạnh phúc không có ở cuối con đường (33 tập) nói về hành trình kiếm tìm hạnh phúc của những con người sống trong thời kỳ quá độ, cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, chịu sự tác động của một xã hội Việt Nam đang chuyển mình từ thời kỳ cuối bao cấp sang nền kinh tế thị trường. |
Tiểu Phong