Đạo diễn Hoàng Công Cường: Các show diễn thực cảnh sẽ là trào lưu mới tại Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Giữa một vùng núi non hùng vĩ ở dải biên cương của Tổ quốc, một show diễn thực cảnh hoành tráng đã diễn ra, với bối cảnh hoàn toàn là không gian tự nhiên của Thác Bản Giốc, rừng cây, núi non, suối nước, bãi đá... Đó là Chuyện tình Bản Giốc của Tổng đạo diễn Hoàng Công Cường, diễn ra mươi ngày trước tại khu danh thắng thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng).
Show diễn đã khép lại, nhưng với Hoàng Công Cường, chương trình ấy như cánh cửa mở ra để anh bước vào hành trình đánh thức những không gian đặc biệt của Việt Nam bằng thực cảnh!
* Anh bảo rằng, từ một giấc mơ mà anh quyết định làm show thực cảnh “Chuyện tình Bản Giốc”?
- Đúng, đó là giấc mơ của những người làm nghề. Cách đây 10 năm tôi được sang một số nước xem những show thực cảnh và choáng ngợp bởi sự hoành tráng của họ. Khi đó, tôi tự hỏi: Liệu bao giờ Việt Nam mới thực hiện được loại hình này - và chính bản thân mình liệu có thể đứng được trong một show diễn như thế?
Thời điểm đó, thực ra tôi rất mơ hồ về câu chuyện thực cảnh, mơ hồ về công nghệ. Bạn cần hiểu, cách đây 10 năm công nghệ và trình độ làm show của Việt Nam so với thế giới chênh lệch khá lớn. Bởi vậy, giấc mơ đó bị khép lại trong nhiều năm. Nhưng rồi, khi mọi thứ khác đi, các công nghệ được đưa về Việt Nam nhiều hơn... thì tôi trở lại giấc mơ ấy một lần nữa. Và cơ duyên đã đưa tôi đến thác Bản Giốc. Chỉ có 3 tháng cho giấc mơ của 10 năm ấy, nhưng tôi quyết liều thực hiện.
* Ở Việt Nam có 2 show diễn thực cảnh hiện nay là “Ký ức Hội An” và “Tinh hoa Bắc Bộ”. Khi làm “Chuyện tình Bản Giốc”, anh có sợ mình sẽ “dẫm” vào con đường mà người khác đã đi?
- Show diễn của tôi hoàn toàn dựa vào điều kiện tự nhiên, bối cảnh tự nhiên để thực hiện nên bản thân nó đã khác so với show bạn vừa nhắc tới.Thêm nữa, Chuyện tình Bản Giốc kể cho khán giả những câu chuyện về nét văn hóa đặc trưng của miền sơn cước Cao Bằng với tiên nữ giáng trần, ánh trăng Bản Giốc, chín chúa tranh vua hay lễ hội lồng tồng, tục thờ Long Vương... Những chất liệu ấy chỉ nơi đây mới có được.
* Anh có niềm tin vào nền nghệ thuật biểu diễn “thực cảnh” ở Việt Nam trong những năm tới không? Nó sẽ có “hình hài” như thế nào?
- Sẽ bùng nổ và trở thành một trào lưu. Chúng ta được thiên nhiên ưu đãi với quá nhiều cảnh đẹp và địa hình mà chỉ Việt Nam mới có được.Việc khai thác lợi thế này sẽ là xu hướng tất yếu, và tôi cũng đang tiếp tục làm việc đó trong tương lai không xa.
Mọi người ví von rằng Chuyện tình Bản Giốc là chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa say ngủ - cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ nơi Bản Giốc. Tôi thì nghĩ, Việt Nam còn rất nhiều “nàng công chúa đang còn say ngủ” cần được đánh thức như thế!
*Việt Nam đã có show thực cảnh về văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ, văn hóa Trung Bộ, văn hóa Đông Bắc. Còn miền Tây Nam Bộ với bạt ngàn dừa xanh, những con sông mênh mông sóng nước và đờn ca tài tử nổi tiếng thì chưa. Anh có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm một show thực cảnh ở vùng sông nước Cửu Long?
- Thực tế, đó chính là những nơi mà tôi đã tìm hiểu trước khi đến với Bản Giốc. Chuyện tình Bản Giốc với tôi như một tấm bản lề, sau đây, tôi sẽ chuyên tâm hơn, đầu tư hơn vào sáng tạo những show diễn thực cảnh tại các địa điểm khác.
Chúng ta có quá nhiều cảnh đẹp, quá nhiều di sản. Không cần can thiệp gì, bản thân nó đã đẹp tự nhiên và rất phù hợp với show diễn thực cảnh. Thác Bản Giốc là một ví dụ. Khu danh thắng Tràng An, cố đô Huế bên dòng sông Hương, Đồng bằng sông Cửu Long, rồi Hội An, Yên Bái, Hà Giang... là những ví dụ khác. Nhiều năm qua, tôi đã đi rất nhiều nơi để xem và ngắm các bối cảnh. Tôi tin, ngoài vẻ đẹp phục vụ du lịch, những địa điểm này cũng có khả năng thu hút khán giả bằng những show diễn thực cảnh. Trên thế giới, nhiều địa điểm nổi tiếng cũng có những show diễn thực cảnh như vậy.
* Việc làm show thực cảnh trên nền cảnh thực hoàn toàn như anh làm tại thác Bản Giốc, khó tránh khỏi những tác động ít nhiều đến thiên nhiên. Vậy trong tương lai, khi tiếp tục hướng đi này, vấn đề đó được anh đặt ra như thế nào?
- Với mỗi bối cảnh hoang sơ như thác Bản Giốc, khi thực hiện, chúng tôi đặt ra nguyên tắc phải đảm bảo tôn trọng thiên nhiên tuyệt đối. Ví dụ, khi một cái cây vướng tiền cảnh máy quay hay vướng vị trí đặt ánh sáng, chúng tôi sẽ tìm mọi phương án để có thể “lách” cái cây ấy ra chứ tuyệt đối không chặt. Hoặc, để cải tạo sân khấu, chúng tôi tận dụng những nét hoang sơ nhất thuộc về "bản thể" chứ không phá bỏ thiên nhiên.
Nhìn chung, muốn tôn trọng thiên nhiên, chúng ta hãy tôn trọng văn hóa Việt. Bởi, xét cho cùng, việc làm những show diễn thực cảnh cũng là việc dùng thiên nhiên và con người để tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam.
* Xin cảm ơn anh!
Yên Khương (thực hiện)