Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Làm phim chiến tranh theo cách người trẻ
(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ ngày lỡ hẹn buổi ra mắt phim Truyền thuyết về Quán Tiên (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) ở Trung tâm chiếu phim quốc gia, tôi vẫn khắc khoải chờ đợi với lời hẹn của Giám đốc sản xuất là bộ phim sẽ phát hành vào dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thế này thì lời hẹn chưa biết bao giờ mới thành sự thực. Bao cảm xúc chạm đến khi xem trailer bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên. Chưa bao giờ tôi mong đến ngày được xem phim đến thế…
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ sinh ngày 27/12/1989 trong gia đình có 3 thế hệ gắn bó với nghệ thuật điện ảnh. Ông ngoại là GS-TS-NSND Ngô Mạnh Lân - học viên khóa học đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam; nghệ sĩ hàng đầu trong ngành điện ảnh hoạt hình Việt Nam. Bà ngoại là NSƯT Phan Ngọc Lan - thế hệ diễn điện ảnh đầu tiên ghi dấu ấn với nhiều vai diễn, đặc biệt là vai chị Nhàn trong phim Lửa trung tuyến (đạo diễn Phạm Văn Khoa - Minh Hiền) đoạt Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ II (1973), Bằng khen của Hội Điện ảnh Liên xô.
Bộ phim Lửa trung tuyến được chọn đi dự LHP Quốc tế Moskva lần thứ II (1961) và “chị Nhàn” Ngọc Lan vinh dự đại diện cho đoàn Việt Nam cùng diễn viên nước chủ nhà được kéo lá cờ khai mạc LHP Quốc tế Moskva lần thứ II. Cha đạo diễn Đinh Tuấn Vũ là nhà báo Đinh Trọng Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Thế giới Điện ảnh (Hội Điện ảnh Việt Nam), là nhà lý luận phê bình điện ảnh sắc sảo. Mẹ là nhà lý luận phê bình điện ảnh TS Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh và hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam.
- Phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên' tung trailer đẹp mà ám ảnh
- 'Truyền thuyết về Quán Tiên' và sự trở lại của dòng phim chiến tranh
Một điều thú vị là ông ngoại và mẹ Đinh Tuấn Vũ đều tốt nghiệp Trường Điện ảnh quốc gia Moskva - VGIK; cùng nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật ở lĩnh vực điện ảnh (NSND Ngô Mạnh Lân nhận giải thưởng năm 2007 - đợt 2 cho các tác phẩm: Mèo con, Chuyện ông Gióng, Con sáo biết nói, Những chiếc áo ấm, Trê cóc; 10 năm sau - 2017, đợt 4, TS Ngô Phương Lan nhận giải thưởng cao quý này cho công trình lý luận về điện ảnh.
Từ “Cuộc đời của Yến”…
Tốt nghiệp lớp đạo diễn khóa 27 (2007 - 2011) tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, ở tuổi 30, Đinh Tuấn Vũ đã bền bỉ lao động sáng tạo trải nghiệm ở vị trí phó đạo diễn và tự đứng độc lập với vai trò đạo diễn để cộng vào điện ảnh nước nhà những bộ phim truyện điện ảnh: Và anh sẽ trở lại, Trên đỉnh núi phía Tây, Cuộc đời của Yến, Chú ơi đừng lấy mẹ con, Truyền thuyết về Quán Tiên...
Phim Cuộc đời của Yến từng đoạt 5 giải thưởng lớn tại LHP Việt Nam lần thứ IX (2015): Bông sen Bạc phim truyện, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Đỗ Thúy Hằng), Quay phim xuất sắc (Vũ Quốc Tuấn), Âm nhạc hay nhất (Lê Cát Trọng Lý), Họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc... và tiếp tục được xướng tên Phim hay nhất tại LHP Công chiếu quốc tế lần đầu - Philippines 2016 lần thứ 9.
Cuộc đời của Yến là bộ phim xoay quanh chủ đề tảo hôn và số phận người phụ nữ nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Với Đinh Tuấn Vũ, đây một thách thức không nhỏ.
Đạo diễn trẻ từng chia sẻ: “Tôi sinh năm 1989 lại làm phim về thế hệ ông bà trước Cách mạng tháng Tám khiến nhiều bạn bè ngạc nhiên. Có người trêu tôi sao không chọn đề tài “hot” với giới trẻ mà lại “húc đầu vào đá”. Tôi không thể giải thích được mà chỉ biết khi quyết định làm phim về bất cứ để tài nào cũng phải có cảm xúc và niềm đam mê. Tôi thực sự bị thuyết phục bởi kịch bản này. Thế là, tôi âm thầm đặt ra cho mình một kế hoạch. Rất may, gia đình tôi có tiếng nói chung về điện ảnh. Đây là một điều kiện thuận lợi. Một phần được ông bà, cha mẹ cung cấp thêm tri thức bối cảnh đất nước trước năm 1945, phần khác tôi đọc, tham khảo nhiều tài liệu trong thư viện và mạng Internet. Khó khăn lớn nhất với tôi là phải “nhập vai”, đặt mình ở vị thế nhân vật cách đây hơn bảy thập kỷ”.
Đến “Truyền thuyết về Quán Tiên”
Trước khi đạo diễn phim độc lập, Đinh Tuấn Vũ từng làm phó đạo diễn cho nhiều bộ phim như phim truyền hình lịch sử Đinh Tiên Hoàng Đế, phim điện ảnh chiến tranh Những người viết huyền thoại, phim điện ảnh về Hồ Chí Minh Nhà tiên tri… Tại LHP Việt Nam lần thứ XVIII, ở vị trí phó đạo diễn cho đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, phim Những người viết huyền thoại đã đoạt Bông sen Vàng. Sự cầu thị, kiên trì, chịu khó học hỏi các thế hệ đi trước, đồng nghiệp đã cho đạo diễn trẻ này nhiều tri thức điện ảnh.
Năm 2019, tại LHP Việt Nam lần thứ XXI đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đoạt “cú đúp” ngoạn mục “song hỷ lâm môn” cho hai bộ phim: Truyền thuyết về Quán Tiên đoạt Bông Sen Bạc, phim Chú ơi đừng lấy mẹ con (Hãng phim Media sản xuất) là Phim được yêu thích nhất do khán giả bình chọn dành cho thể loại phim truyện điện ảnh.
Phim Truyền thuyết về Quán tiên do Nhà nước đặt hàng, HongNgat film cùng Công ty Cổ phần sáng tạo DV&H Creative hợp tác và đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ được giao trọng trách lớn lao này. Đây là niềm tin “chọn mặt gửi vàng”, đặt kỳ vọng vào đạo diễn trẻ vốn đã thành công với những bộ phim trước đó. Phim Truyền thuyết về Quán Tiên hội tụ một ê kíp chắc tay, tâm huyết, gồm: biên kịch: Đoàn Tuấn, Giám đốc hình ảnh: NSND Vũ Quốc Tuấn, Phó đạo diễn: NSƯT Nguyễn Đăng Khoa, cố vấn quân sự: Thiếu tướng Phan Khắc Hải, các diễn viên: Thúy Hằng, Hồ Minh Khuê, Hoàng Mai Anh…
Trong nguồn văn chương vô tận về chiến tranh cách mạng, Đinh Tuấn Vũ thể hiện sự cảm nhận văn chương khá tinh. Thật thông minh khi đạo diễn trẻ chọn truyện ngắn Huyền thoại về Quán Tiên của Đại tá - nhà văn Xuân Thiều (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (năm 2017) để chuyển thể kịch bản Truyền thuyết về Quán Tiên.
Khi có độ lùi thời gian, viết về chiến tranh, nhà văn Xuân Thiều đã chuyển đổi giọng từ tính sử thi cao vút trở về với tiếng nói đồng cảm, tri âm, hướng đến những góc khuất chiến tranh, thân phận con người và lý giải: “Viết về chiến tranh lúc này không chỉ là để cổ vũ, động viên mà nhằm khám phá hiện thực chiến tranh, tìm vẻ đẹp của con người Việt Nam như một sự lý giải vì sao dân tộc ta chiến thắng được những đội quân xâm lược khổng lồ”.
Nội dung phim kể về 3 nữ thanh niên xung phong trẻ trung, xinh đẹp chịu trách nhiệm quản lý một binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, được ví như cõi tiên dành cho những người lính lái xe kiệt sức sau những hành trình vô tận.
Là người trẻ làm phim chiến tranh, Đinh Tuấn Vũ đã thoát ra khỏi cái bóng làm phim chiến tranh trước đó thường thấy. Phim chiến tranh thời kỳ này cũng như cả nền văn học nghệ thuật có một sự vận động âm thầm, bền bỉ từ cảm hứng sử thi đến cảm hứng phi sử thi. Thay vì tiếng nói sử thi hào sảng, cao vút, đạo diễn trẻ cùng ê kíp sáng tạo đã lặng lẽ đi vào những góc khuất riêng tư, thân phận con người, những trăn trở day dứt, những giằng xé nội tâm; những khát khao rất đời, rất người… để xây dựng bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên.
Cuộc sống của 3 nữ thanh niên xung phong ở Quán Tiên trôi đi đâu có bình yên. Nhưng những điều kỳ lạ cứ liên tiếp xảy ra cho thấy ở nơi này không chỉ có sự hiện diện của 3 cô gái trẻ. Sự ám ảnh về nỗi cô đơn và “ai đó” vẫn âm thầm theo dõi, quan sát họ trong bóng đêm ngày càng lớn dần. Cho đến một ngày, con “quái vật” đã thực sự xuất hiện ở chính tại chiếc hang kỳ bí đó... Bộ phim cho thấy sự khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, cận kề cái chết lại không phải là điều đáng sợ nhất. Mà với họ thử thách lớn nhất, khó khăn nhất là sự thiếu thốn tình cảm, nỗi cô đơn vây bủa, chôn vùi tuổi thanh xuân trong rừng sâu, hang động.
Bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên đã thể hiện cái nhìn toàn diện, đa chiều, nhân văn về cuộc sống người lính nói chung và những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại nói riêng. Đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ đã cảm nhận được một tầng vỉa sâu trong thông điệp thủy chung của nhà văn Xuân Thiều viết về chiến tranh cách mạng và người lính như một thiên chức.
Ngày 6/4/2019, phim bắt đầu khởi quay tại khe nước lạnh Lệ Ngân, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Bối cảnh quay là nơi các đơn vị bộ đội Việt Nam từng đóng quân, lên đường vào Nam chiến đấu. Đây cũng chính là nơi Bộ Tư lệnh Trường Sơn - 559 đã làm nên những sự tích anh hùng. Hàng ngày, tôi đều theo dõi và đã chứng kiến hành trình làm phim của đoàn từ ngày khởi quay đến khi kết thúc vào trận nắng nóng kỷ lục 40oC.
Đinh Tuấn Vũ đã ghi chép đều đặn nhật ký làm phim: “Từ tờ mờ sáng, tôi thức giấc cùng gần 70 người trong đoàn. Chúng tôi bắt đầu một ngày làm việc mới đầy cảm xúc. Cách đó không xa, 150 người đã sẵn sàng ra trường quay tham gia đại cảnh. Chúng tôi người cuốc bộ, kẻ đi xe máy lên con dốc dài gần cây số để vào bối cảnh...
Mỗi lần bấm máy cho một đại cảnh khoảng 30 giây đến một phút, nhưng công tác chuẩn bị đến 2-3 tiếng. Đặc biệt khi phối hợp 3 đến 4 máy quay một lúc, sự chuẩn bị lại càng phải kỹ càng hơn rất nhiều từ vị trí máy quay, đường dolly, đường bay (với flying-cam), vị trí đặt monitor cùng DOP, hoạ sĩ, thư ký...
Chúng tôi phải chạy ở hiện trường giữa trời nắng để giữ cho sợi dây kết nối giữa các diễn viên và các máy quay không bị đứt. Với phim chiến tranh, khi những chiếc xe cơ giới bắt đầu nổ máy thì những tiếng gầm của động cơ sẽ làm cho mọi âm thanh khác trở nên vô cùng lí nhí. Và lúc đó, nếu có bất cứ thay đổi nào ở hiện trường, chỉ có cách chạy đến tận nơi mà hét…”
Chúc mừng đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ đã thành công với lựa chọn dòng phim chiến tranh cách mạng. Nghệ thuật là một con đường dài. Tôi tin những tác phẩm ủ lửa vẫn đang ở phía trước…
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng