Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Trước hay sau Ðổi mới tôi vẫn làm phim như vậy
(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Đặng Nhật Minh khởi nghiệp điện ảnh vào đúng thời kỳ phát triển nhất của điện ảnh Việt Nam (1978 – 1985). Vào những năm 80 của thế kỉ trước, ông đã trở thành một tiếng nói mới, hấp dẫn và gây tranh cãi. Tiếng nói ấy đã nhanh chóng hòa nhập với thời kì Đổi mới (1986), thời kì mà văn nghệ sĩ khát khao được bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở với thời cuộc.
- Góc nhìn Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Phim đặt hàng chi nhiều tiền nhưng hiệu quả ít, vì sao?
- Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Lâu lắm rồi điện ảnh Việt mới có tin vui
- Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Phim nghệ thuật mất tăm là điều dễ hiểu…
Khi phóng viên Thể thao & Văn hóa đặt vấn đề phỏng vấn ông với vai trò là nhân chứng điện ảnh của thời kì Đổi Mới, ông chưa nhận lời ngay, với lý do muốn “thanh thản”, cụ thể hơn là “không muốn bận tâm với những cuộc phỏng vấn báo chí”. Nhưng cuối cùng ông đã nhận lời tiếp chúng tôi.
* Đọc cuốn Lịch sử Điện ảnh Việt Nam (Cục Điện ảnh), được biết khiBao giờ cho đến tháng Mườira đời, ông đã phải có lời trước trên một tạp chí điện ảnh, để tránh những hiểu lầm, suy diễn. Nhưng sau đó thì tranh cãi vẫn diễn ra như nó vốn phải thế. Nhớ về thời kì đó, ông cảm thấy thế nào?
- Tôi không nhớ đã có lời rào trước đón sau nào cho phim này trên tạp chí điện ảnh. Chuyện duyệt phim ở nước ta là chuyện bình thường, trước kia và bây giờ cũng vậy chẳng có gì thay đổi. Cái mà tôi thấy ngán nhất trong sinh hoạt điện ảnh là sự ghen ghét, đố kỵ, thậm chí tới mức thù hằn ở một vài người. Đành rằng lĩnh vực nào cũng có chuyện đó nhưng tới mức như tôi thấy quả là bất bình thường.
* Có khi nào là người cất lên tiếng nói mới khiến ông thấy mệt mỏi? Những vấp váp khiến ông trở thành người cẩn trọng về phát ngôn về sau này?
- Tôi chỉ mệt mỏi vì thói đố kỵ, còn trong sự nghiệp điện ảnh tôi tự thấy mình là người may mắn. Còn cẩn trọng về phát ngôn thì lúc nào cũng cần, không chỉ với tôi mà với nhiều người khác chắc cũng thế.
* Từ năm 1989 trở đi, việc thả nổi điện ảnh với cơ chế thị trường đã làm sản sinh ra một dòng phim “mỳ ăn liền”, điện ảnh trở nên bát nháo hơn bao giờ hết. Những người muốn làm điện ảnh thuần chất như ông sống giữa thời kì đó có cảm thấy thế nào?
- Đó là quyết định của những người lãnh đạo ngành điện ảnh thời đó với chủ trương: Làm phim video, chiếu phim video là chiến lược của điện ảnh Việt Nam. Tôi thấy đó là chủ trương sai lầm. Nếu tôi có quyền tôi đã dẹp cái trò đó từ lâu rồi không chờ đến khi hệ thống rạp chiếu phim khắp toàn quốc tan rã mới giật mình nhận ra đó là chủ trương sai lầm.
* Những nghệ sĩ không còn được bao cấp để làm phim như ông sinh kế ra sao?
- Tôi vẫn sống bình thường. Tôi không biết những người khác thế nào và cũng không hỏi. Chỉ thấy họ vẫn sống, không ai chết đói, nhiều người còn có xe hơi, nhà lầu.
Nhưng ai bảo nghệ sĩ điện ảnh không còn được nhà nước bao cấp? Những phim nhà nước đặt hàng để kỷ niệm những ngày lễ lớn kinh phí hàng vài chục tỷ, còn lớn hơn trước kia nhiều lắm sao lại bảo không được nhà nước bao cấp? Đó cũng là hình thức bao cấp nhưng được gọi bằng cái tên khác đi thôi.
Phim “Cô gái trên sông”
* Trong suốt 30 năm Đổi Mới, điện ảnh tư nhân từ vị trí bên lề, đã hòa nhập vào dòng chính, là một hiện tượng khá thú vị. Ông đánh giá thế nào về điện ảnh tư nhân trong 30 năm Đổi Mới?
- Từ khi xã hội ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì xuất hiện khu vực kinh tế tư nhân. Đó là xu hướng tất yếu và trong điện ảnh cũng vậy không có gì là lạ. Sắp tới, khu vực phim tư nhân sẽ còn chiếm vị trí chủ đạo, "định hướng" lại cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Hiện tượng điện ảnh tư nhân có thú vị hay không thì phải chờ xem nó có mang lại cho Điện ảnh Việt Nam những giá trị gì đích thực hay không?
Tôi biết trong những phim được nhà nước tài trợ đặt hàng có nhiều phim dở không ai xem mà kinh phí lại khủng khiếp. Nhưng có một nghịch lý trớ trêu là cho đến nay những phim làm nên thương hiệu, uy tín cho điện ảnh Việt Nam được khán giả trong và ngoài nước nhớ đến vẫn là những phim do nhà nước sản xuất với kinh phí rất thấp so với bây giờ. Nếu có tiếc, tôi tiếc nuối cho dòng phim đó. Phim tư nhân bây giờ tôi chưa thấy có phim nào làm được như vậy.
* Nhưng không thể phủ nhận điện ảnh tư nhân đã làm được nhiều việc quan trọng cho điện ảnh: Số hóa, thay đổi cách thức phát hành, chiếu phim, và họ cũng góp phần giữ chân khán giả cho điện ảnh Việt. Những điều đó cũng rất đáng kể đấy chứ thưa ông?
- Số hóa là xu thế phát triển chung của kỹ thuật điện ảnh chứ đâu phải do tư nhân. Các phim nhà nước làm bây giờ cũng đều số hóa cả.
Tôi thấy dòng phim tư nhân có một điểm đáng kể là làm công tác tiếp thị rất giỏi. Họ biết cách huy động cả bộ máy truyền thông đại chúng, biết cách khai thác tâm lý tò mò của giới trẻ. Phương diện này thì họ hơn đứt điện ảnh nhà nước.
* Sau 30 năm, ông đánh giá ngành Điện ảnh đã tận dụng cơ hội để Đổi Mới thực sự chưa?
- Đối với tôi trước hay sau Đổi mới tôi vẫn làm phim như vậy, viết kịch bản như vậy. Tôi viết kịch bản Cô gái trên sông năm 1986 khi chưa biết có Đổi Mới trong văn nghệ. Những phim đề cập đến những vấn đề xã hội như Cô gái trên sông, Tướng về hưu bây giờ không ai làm mặc dầu Đổi Mới đã 30 năm rồi. Về phương diện này có thể nói điện ảnh Việt Nam thụt lùi so với 30 năm trước.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016