Đạo diễn Đặng Linh: Tiếp cận gia đình Trần Lập dễ dàng quá chưa chắc tốt
(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện ngày hôm qua là bộ phim dài hơi đầu tiên về ban nhạc Bức Tường và cũng là bộ phim tài liệu dài đầu tiên về một ban nhạc tại Việt Nam. Đạo diễn Đặng Linh lần đầu tiên được nhận tiền ngân sách nhà nước làm phim, trong áp lực phải hoàn thành đúng hạn. Nhưng cô có động lực lớn vì cô đã ấp ủ đề tài này nhiều năm, năm ngoái là thời điểm chín muồi để thực hiện.
- Vợ nhạc sĩ Trần Lập: Tôi mong mọi người luôn nhớ anh
- Cảm động Trần Lập nhỏ thuốc mắt cho guitar Tuấn Hùng
- 'Chuyện ngày hôm qua' của Trần Lập: Toàn bộ hành trình từ gian khó của Bức Tường
- Phim 'Chuyện ngày hôm qua' về Trần Lập đã bán hết vé hôm nay
- Thực ra tôi không nghĩ nhiều đến khó khăn mà nghĩ nhiều đến cách vượt qua khó khăn. Nếu nói về khó khăn, thì từ khâu đi quay, bố trí đoàn, sắp xếp thời gian gặp gỡ sao cho không ảnh hưởng đến thời gian làm việc của các nhân vật, rồi tài chính đều có khó khăn cả. Tôi rất may mắn đã nhận được sự hỗ trợ của Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương, cũng như các đồng nghiệp.
Ngoài ra làm sao để tập hợp được đầy đủ tư liệu của ban nhạc cũng là vấn đề vì nhiều năm nay các thành viên không để ý đến chuyện lưu trữ. Rất may, tôi đã gom được nhiều tư liệu từ phía ban nhạc cung cấp, thậm chí có những tư liệu mà người này của ban nhạc không hề biết người kia có. Chính họ đã rất vui khi xem họ trong những tư liệu quý giá đó.
Đạo diễn Đặng Linh (thứ tư, từ trái sang) trong ngày ra mắt phim "Chuyện ngày hôm qua" hôm 17/3 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia
* Có nhiều phim phụ thuộc vào tư liệu nhân vật cung cấp. Không hiểu tỉ lệ tư liệu nhân vật cung cấp và phần chị ghi hình trong phim này thế nào?
- Tôi cũng đã dự tính trước, nếu sử dụng quá nhiều tư liệu sẵn có, có khả năng phim sẽ rất cũ kĩ và nhàm chán, nên rất tiết chế, cái gì cần và “đắt” mới sử dụng. Đa phần, tôi sử dụng hình ảnh tôi ghi thời điểm hiện tại, phỏng vấn nhân vật, để họ bộc lộ cảm xúc và tự kể câu chuyện của họ.
* Còn cái tên Chuyện ngày hôm qua, vì sao chị đặt tên phim như vậy?
- Ban đầu tôi đặt là Đường đến ngày vinh quang, theo tên một ca khúc của Bức Tường, vì nghĩ đến hành trình 22 năm của họ. Họ đã đi đến đỉnh vinh quang, mà hồi xưa điều đó chỉ nằm trong ước mơ của họ. Nhưng trong quá trình làm phim, các nhân vật có xu hướng kể nhiều về quá khứ, chứ không hề nói nhiều đến vinh quang họ đã trải qua. Nên tôi nghĩ mình sẽ kể câu chuyện quá khứ của Bức Tường, và đặt tên phim là Chuyện ngày hôm qua.
* Nghe nói việc tiếp cận với gia đình của Trần Lập thời điểm đó không dễ dàng?
- Thực ra việc tiếp cận với các nhân vật nếu đặt khó khăn nó vẫn khó khăn. Nhưng nếu quá dễ dàng thì chưa chắc đã tốt. Tôi nghĩ, nếu việc khó mà mình vượt qua được thì mới đạt được thành công. Tôi không nghĩ tiếp cận gia đình anh Lập là cái gì đó quá khó khăn, đó chỉ là những bước tôi bắt buộc phải đi. Dù như thế nào, tôi đã rất biết ơn mọi người đã ủng hộ, chia sẻ câu chuyện của họ. Trong quá trình tiếp cận, chính bản tôi đôi khi bộc lộ những điều dễ gây hiểu lầm, nhưng mọi người đã rộng lượng bỏ qua. Giờ mối liên kết hai bên rất tốt.
Đạo diễn Đặng Linh
* Chị lên ý tưởng làm bộ phim này từ bao giờ?
- Kể từ khi tôi còn là sinh viên Đại học Sân khấu & Điện ảnh, tôi đã rất đam mê âm nhạc của Bức Tường. Tôi chỉ thực sự bắt tay vào làm bộ phim này khi hay tin anh Trần Lập bị ung thư.
Trước đây tôi học biên kịch phim truyện, sau chuyển ngạch học thêm bằng đạo diễn. Trước khi làm phim này, tôi đã làm một vài phim nhưng đầu tư chưa được chỉn chu lắm. Đây là phim đầu tiên tôi được Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương giao, phim nằm trong số các phim được nhà nước đầu tư cho Hãng theo kế hoạch hàng năm, nên tôi rất cố gắng.
* Đề tài này rất khác với các đề tài mà Hãng phim của chị hướng tới, có phải mất nhiều thời gian để thuyết phục không?
- Tôi không phải thuyết phục, vì khi mà kịch bản tốt thì Hội đồng nghệ thuật của hãng, hay Hội đồng của Cục Điện ảnh sẽ duyệt. Họ làm việc rất công tâm.
Ban nhạc Bức Tường, hình tư liệu do đoàn làm phim cung cấp
* Kế hoạch phát hành thương mại bộ phim này được lên khi nào?
- Tôi nghĩ tới điều đó từ khi phim chưa được sản xuất vì vẫn mong phim tài liệu có chỗ đứng trong ngành điện ảnh, ở trong rạp chiếu. Khi bắt tay vào làm phim này, ao ước đó của tôi ngày càng mãnh liệt. Nhưng tôi khá rụt rè, chưa dám đề xuất ý tưởng. Khi Hội đồng nghệ thuật ở hãng duyệt, mọi người đều cho là nên ra rạp, đề nghị tôi đầu tư thêm cho phim.
* Có phải vì thế mà sát ngày phim ra rạp, chị vẫn tiếp tục xin được hoàn thiện?
- Có lẽ do phim đầu tiên nên không thể tránh khỏi thiếu sót, cũng có thể bản tính cầu toàn của tôi, chỉ cần nhìn thấy một lỗi nhỏ rất khó yên lòng. Trước ngày ra rạp, tôi phát hiện ra lỗi, nên xin được sửa chữa lại hoàn hảo hơn. Nếu đến giờ có cơ hội, tôi vẫn muốn được chỉnh phim cho hoàn thiện hơn.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.
Ngọc Diệp (thực hiện)
Ảnh: Hòa Nguyễn