Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: 'Làm phim về Bác Hồ lúc nào cũng khó'
1. Kịch bản Thầu Chín ở Xiêm kể về thời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Thái Lan trong những năm 1928 – 1929. Tại đây Người đã xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Bộ phim do đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng thực hiện, sẽ chính thức ra mắt công chúng trong Tuần phim Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2015) tới đây.
Với Những người viết huyền thoại, Đường lên Điện Biên Bùi Tuấn Dũng đã xây dựng hình tượng người lính Việt Nam không chỉ quả cảm phi thường mà về hình thể còn rất vạm vỡ, nam tính.
Đạo diễn này cho biết anh có quan điểm mỹ học khác với thế hệ những nhà làm phim đi trước, và đặc biệt không ép mình phải "nệ thực". Do đó không khó hiểu khi trong Thầu Chín ở Xiêm, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã chọn nam diễn viên trẻ Nguyễn Mạnh Trường, cao 1m80, có gương mặt rất điển trai vào vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
"Để tìm người đóng vai Bác Hồ bằng con đường casting thông thường rất khó. Trong quá trình làm phim Đường lên Điện Biên tôi đã nhắm đến Mạnh Trường. Tôi chọn Trường vì cậu ấy có đôi mắt rất sáng và biểu cảm. Khi đã giao vai tôi phải trò chuyện với Trường cả năm trời để cậu ấy hiểu thêm về vai diễn", đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết.
2. Diễn viên Mạnh Trường thừa nhận anh gặp rất nhiều áp lực khi nhận vai diễn này. Nhưng những gì thể hiện trên phim cho thấy Trường dường như đã vượt qua được sức ép từ thành công của những diễn viên từng đóng vai Bác Hồ trước đó như Tiến Hợi, Trần Lực...
Gương mặt cương nghị, ánh mắt sáng, hình thể chuẩn của Mạnh Trường đã khắc họa được hình tượng chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc lòng tràn đầy hoài bão, khát vọng để tìm đường cứu nước. Cách diễn dồn nén cảm xúc của Trường đã giúp anh thể hiện rất tốt nỗi niềm khắc khoải nhớ quê hương của Nguyễn Ái Quốc sau 17 năm bôn ba khắp nơi xứ người.
Kịch bản Thầu Chín ở Xiêm không dễ làm, thiếu rất nhiều chất liệu để có thể làm nên một bộ phim hay. Nhưng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã biết cách dẫn dắt khán giả bằng những khuôn hình đẹp và bằng cảm xúc thông qua diễn xuất của dàn diễn viên. Anh đã hướng dẫn diễn viên chính thể hiện được chân dung của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chân thật, giàu xúc cảm hơn, mà không quá lệ thuộc vào hóa trang diện mạo bề ngoài.
Trong bối cảnh ngày càng ít dự án về phim chiến tranh, kinh phí đầu tư hạn hẹp, một tác phẩm như Thầu Chín ở Xiêm cho thấy nỗ lực của những người thực hiện, nhằm đem đến những giá trị tinh thần đặc biệt của dòng phim chiến tranh.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa